Nghệ sĩ phơi hình thể trên sân khấu: Chẳng hay chút nào

Thứ Năm, 06/10/2011, 06:15

Hiện nay, trong nhiều chương trình nghệ thuật xu hướng nghệ sĩ phơi hình thể trên sân khấu có vẻ như đang là mốt thời thượng. Người ta đua nhau tạo nên trào lưu với những chiếc váy cực ngắn, những cái cổ áo sâu hết cỡ, những đường xẻ táo bạo, tạo nên cơn sốt âm ỉ, dai dẳng. Một vài nghệ sĩ được mệnh danh là diva, những tên tuổi trong giới showbiz, và cả các ca sĩ đình đám của thị trường nhạc Việt ít nhiều dính líu đến vụ lộ hàng, khoe hàng.

Mới đây, một vài nghệ sĩ khi biểu diễn đã mặc những trang phục bị coi là phản cảm và Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) “thổi còi” bắt phạt. Trước hiện tượng phổ biến diễn ra ngày càng nhiều, PV Chuyên đề ANTG đã có cuộc trao đổi với nhà thiết kế Văn Thành Công được mệnh danh là NTK gợi cảm nhất và NSND Doãn Hoàng Giang - “Người đàn ông mốt nhất trong năm” theo tạp chí Mốt đã từng bình chọn - về vấn đề này…

Nhà thiết kế (NTK) Văn Thành Công: “Chạy theo mốt mù quáng là sự điên loạn”

Phóng viên (PV): Có một hiện trạng, ngày càng nhiều nghệ sĩ phải làm bản kiểm điểm hoặc bị phạt tiền vì mặc phản cảm trên sân khấu. Người ta cho như vậy là thiếu tôn trọng khán giả. Đứng trước hiện tượng xã hội trên, là một nhà thiết kế thời trang anh có ý kiến gì?

NTK Văn Thành Công: Hiện tượng ăn mặc quái lạ, gây sốc hay gợi cảm quá mức là xu hướng hiện nay trên toàn thế giới mà mở đầu là nữ ca sĩ Lady Gaga từ năm 2008 theo sau là các ca sĩ như Rihanna, Beyonce…Một năm gần đây thì các nữ ca sĩ Việt Nam mới học hỏi và trưng dụng những trang phục gợi cảm hay cực ngắn, cực hở lên sân khấu giải trí Việt Nam. Đây là một phong trào mới và cũng là một mối băn khoăn cho mọi người. Văn hóa Việt Nam trước giờ vẫn rất e dè trước những trào lưu thái quá này nhưng trình độ và sự giao lưu của giới trẻ ngày nay càng ngày càng rộng lớn thì điều đó cảm thấy rất bình thường. Sự khôn ngoan của một người nghệ sĩ ở chỗ là phải biết lựa chọn trang phục ở những nơi biểu diễn phù hợp. Vì chỉ trong tích tắc là đủ để gây ra hình ảnh phản cảm ở những chương trình trang trọng và phản ứng của  khán giả. Có lẽ do người nghệ sĩ thiếu kinh nghiệm và thiếu đi đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp.

PV: Theo anh, xã hội chúng ta có nên cấm đoán hoặc công kích các nghệ sĩ trong trang phục bị coi là phản cảm trên sân khấu hay không? Và qua truyền thông anh thấy nhiều nghệ sĩ bị chỉ trích là mặc phản cảm có oan không?

NTK Văn Thành Công: Cái quan trọng nhất phụ thuộc ở những đơn vị tổ chức các chương trình biểu diễn. Họ phải biết rõ nội dung, mục đích và khán giả của mình là ai từ đó mới yêu cầu các nghệ sĩ biểu diễn nên mặc loại trang phục gì để trình diễn trong chương trình. Thực sự có cấm thì cũng không có ai chạy theo mỗi chương trình để kiểm duyệt hay đo độ ngắn dài, hở hang của các nghệ sĩ với nhu cầu giải trí ngày càng tăng như hiện nay. Cấm đoán cũng không còn hiệu quả nữa. Chúng ta cấm hay phạt chỉ có thể thực hiện đối với các đơn vị tổ chức biểu diễn mà thôi. Còn đối với các nghệ sĩ họ sẽ tự rút ra kinh nghiệm cho mình trong các lần trình diễn vì nếu gu thẩm mỹ của họ kém hay cố tình gây lỗi sẽ mau chóng bị loại bỏ từ từ và không có nơi nào mời họ tham gia nữa.

PV: Thời trang với người này là đẹp, người kia là xấu, là phản cảm. Với dân tộc này là hấp dẫn, ấn tượng, với dân tộc kia là phi thẩm mỹ và trái thuần phong mỹ tục. Vậy, theo NTK có chuẩn nào cho thời trang hay không?

NTK Văn Thành Công: Thời trang không được gọi là chuẩn mực vì nó theo quy trình tiến bộ của cuộc sống và xã hội. Mỗi năm thời trang thay đổi và biến hóa khác nhau. Nên không thể  đưa ý kiến cá nhân và chủ quan của mình nhận định thời trang này đẹp hay xấu mà nó phù hợp hay không với hoàn cảnh và cộng đồng những người xung quanh người đó hay không. Mỗi một dân tộc đều có thẩm mỹ riêng nhưng ngày nay thời trang đang càng ngày càng được toàn cầu hóa nên nó dần đi đến một số nhận định chung để phù hợp đến sự phát triển của xã hội.

Những trang phục như thế này đã bị coi là phản cảm.

PV: Bằng con mắt nghề nghiệp, anh đánh giá như thế nào về thực trạng trang phục biểu diễn của nghệ sĩ Việt Nam trên sân khấu? Ngay cả ca sĩ được gọi diva thì họ có lúng túng không khi chọn trang phục biểu diễn?

NTK Văn Thành Công: Nghệ sĩ các nước đều có công ty đại diện và quản lý, chọn lựa hình ảnh để họ xuất hiện trước công chúng từ trang phục, trang điểm hay cả những phụ kiện nhỏ nhất và họ đầu tư rất nhiều chi phí vào đó. Các nghệ sĩ Việt Nam hiện nay chưa hề có được sự đầu tư này trừ khi họ ra mắt album mới. Đó là cái thiệt thòi của các nghệ sĩ Việt Nam. Họ loay hoay tự mình chọn lựa và sao chép theo trào lưu nước ngoài mà không hiểu biết trang phục đó có phù hợp với vóc dáng, màu sắc, làn da hay phong cách mà mình muốn hướng tới cho dù người đó là diva hay thị trường. Chỉ cần một chi tiết nhỏ trong một lần xuất hiện chọn lựa sai sẽ làm mất đi tổng thể của toàn bộ trang phục ở lần xuất hiện đó. Đó chính là điều mà các nghệ sĩ Việt Nam cần nên nhìn nhận lại.

QUY CHẾ MỚI VỀ TỔ CHỨC, BIỂU DIỄN NGHỆ THUẬT CHUYÊN NGHIỆP

“Với các loại hình nghệ thuật sân khấu, ca múa nhạc truyền thống, dân gian, xiếc, nghệ thuật cổ điển châu âu thì việc phục trang, hóa trang không được trái với thuần phong mỹ tục, đặc trưng tính cách nhân vật và nội dung thể hiện trong giai đoạn lịch sử trong tác phẩm nghệ thuật. Riêng các loại hình ca múa nhạc hiện đại quy chế nêu rõ các nghệ sĩ không được hóa trang tạo ra những kiểu tóc kinh dị, sơn, nhuộm lòe loẹt, cạo trọc đầu hoặc để tóc dài bù xù, trang phục hở hang, lộ liễu”.

PV: Có nhất thiết là người nghệ sĩ khi đã thành danh thì phải tìm cho mình một NTK  riêng. Vì trang phục là một nhân tố hỗ trợ rất nhiều đối với người nghệ sĩ khi họ xây dựng hình ảnh trước công chúng?

NTK Văn Thành Công: Điều đó là đương nhiên mà hình ảnh thành công nhất là nữ ca sĩ Hồ Ngọc Hà và NTK Công Trí hay Nhật Thu và Kelly Bùi, Hồng Nhung và Valeri Mc Kenzi, Nhóm 365 với Maschio for Men… đó là những điển hình của sự lựa chọn thông minh và có đầu tư đúng mức với hình ảnh của các nghệ sĩ. Khi có một nhà thiết kế tư vấn riêng thì một nghệ sĩ không cần phải băn khoăn về hình ảnh hay trang phục của mình. Tất cả đều đi đến một sự chuyên nghiệp và thống nhất cho sự tỏa sáng của nghệ sĩ trước công chúng.

PV: Chúng ta vẫn hay nói nghệ sĩ thì khác người thường. Vậy, trong lĩnh vực thời trang, người nghệ sĩ có cần phải dị biệt, đôi khi khác thường, để bộc lộ cái “tôi cá nhân” thông qua trang phục?

NTK Văn Thành Công: Tùy theo từng phong cách cá nhân của mỗi nghệ sĩ và con đường mà họ chọn, dòng nhạc họ theo đuổi. Tất cả đều phải có sự định hướng ngay từ đầu. Chẳng hạn như ca sĩ Tùng Dương ban đầu chọn dòng nhạc dân gian đương đại với những thiết kế phong cách thời trang mà anh theo đuổi và tạo ấn tượng. Sau đó, anh lại chuyển mình theo những dòng nhạc điện tử tất nhiên trang phục phải thay đổi theo. Đó là sự khôn ngoan và tính toán rất cẩn thận của một nghệ sĩ. Khác thường và lập dị đôi khi sẽ rất khó chấp nhận từ lúc ban đầu nhưng nó cần có thời gian để khán giả tiếp thu một cách có chừng mực. Những phong cách dị biệt, lố lăng và phản cảm sẽ phải bị tẩy chay và vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ công chúng nếu người nghệ sĩ đó không có tài năng và không có sự chuyên nghiệp.

PV: Theo anh, người nghệ sĩ có nên theo trào lưu của mốt hay họ nên đi theo một hướng riêng?

NTK Văn Thành Công: Mốt là thứ luôn luôn thay đổi, không bao giờ ngừng lại mà chỉ có sự xoay vòng theo mỗi năm. Chạy theo nó một cách mù quáng đó là sự điên loạn. Các nghệ sĩ hay cả một người bình thường nên chạy theo nó một cách có chọn lọc và phù hợp vì sự quá đà sẽ tạo cho mình trở thành một con rối và mất đi phương hướng. Bình tĩnh và lựa chọn phù hợp đó là nguyên tắc trong khi lựa chọn thời trang. Nắm bắt trào lưu và xu hướng kịp thời tạo nên một phong cách và tầm nhìn hiện đại của tất cả mọi người.

PV: Xin cảm ơn anh!

NSND DOÃN HOÀNG GIANG:
“TẠI SAO THẨM MỸ PHẢI THEO MỘT QUAN NIỆM NHẤT ĐỊNH?”

NSND Doãn Hoàng Giang: Ở các nước trên thế giới, nghệ sĩ có bị phạt hoặc cấm hở ngực hay váy ngắn khi biểu diễn đâu. Họ mặc "quá đáng" thì không cho biểu diễn. Người ta có một câu rất hay là đừng bao giờ cấm mốt, vì mốt bao giờ cũng chết trẻ.

Còn nhớ, cách đây mấy năm, lên sân khấu là tóc phải để 3 phân, cái đấy là sự mông muội chứ không phải của xã hội văn minh. Đừng bao giờ mang ra họp bàn về việc cô này hở đùi nhiều, cô kia hở phần ngực. Tại sao các nghệ sĩ xiếc nhào lộn lại mặc hai mảnh? Tại sao cứ mỗi cuộc thi hoa hậu, hay bất kể cuộc thi sắc đẹp nào cũng phải có màn trình diễn áo tắm?  Bởi vì người ta thấy đấy là một vẻ đẹp của tạo hóa. Nó là một nhu cầu.

Thẩm mỹ dân tộc thì cũng phải thay đổi. Ngày xưa có người phụ nữ nào mà mặc hai mảnh không? Thời các bà, các cô áo nâu, nón lá lụp sụp thì cái cô cạo răng trắng đầu tiên của Việt Nam bị người  ta gọi bằng một từ rất nặng, là con đĩ. Nhưng bây giờ tất cả các cô gái Việt Nam phải cảm ơn cô ấy bởi vì  nếu không mọi người nhe răng ra đều đen hết. Cô ấy dũng cảm tiếp nhận cái mới. Cô dũng cảm mặc cái quần trắng đầu tiên ở Việt Nam bị gọi là gái mất nết. Hồi xưa là quần đen váy đen, quần thâm vải nâu, cô tóc phi dê đầu tiên cũng bị coi là con điếm. Thẩm mỹ hàng ngày, hàng tháng, hàng năm hàng đời luôn luôn thay đổi. Và Việt Nam trước sau cũng phải chấp nhận. Cha ông anh có complê cravat không?  Nhưng bây giờ tất cả các nguyên thủ quốc gia đều complê cravat.

Xã hội tất nhiên có một chuẩn chung. Trong nghệ thuật đôi khi cái chuẩn lại nằm ở số ít. Có những lúc chân lý nằm ở một người chứ không phải triệu người. Như Galilê nói: "Trái đất quay" thì chân lý chỉ nằm ở một người. Thẩm mỹ nhiều khi nó là như thế. Không phải ở số đông. Nhiều khi phải dạy cái số đông thế nào là thẩm mỹ. Đang có một xu hướng thẩm mỹ trọc phú. Mà lại theo nghĩa xấu. Có nghĩa là có tiền nhưng không có mắt nhìn. Thích những trò lung tung.

Trên sân khấu cũng thế, trang phục bổ trợ rất nhiều cho người nghệ sĩ, làm cho người nghệ sĩ đẹp lên, làm cho bài hát hay lên… Làm khán giả hưng phấn, thích thú. Nhưng cũng phải cẩn thận, nếu không có thẩm mỹ thì anh ta sẽ truyền bá một cái vẻ đẹp rẻ tiền. Thẩm mỹ là điều phải học. Cũng phải nói ngay rằng có những nghệ sĩ trình độ thẩm mỹ rất kém. Màu sắc, kiểu dáng chọn rất chán, nhưng xã hội chỉ nói thế này là xấu, như thế kia là chưa đẹp chứ không nên cấm. Thời trang tự điều hòa, nếu không có chỗ đứng sẽ tự chết, cấm chỉ làm chậm sự phát triển của xã hội.

Cái vĩ đại nhất của tạo hóa là sinh ra chẳng ai giống ai. Chứ ngồi đây 10 ông Doãn Hoàng Giang giống nhau thì vứt. Thế thì tại sao mình phải theo một quan niệm nhất là về thẩm mỹ?!

Trần Mỹ Hiền (thực hiện)
.
.