Nghệ sĩ piano Thái Hồng Nga: Ngồi vào đàn tức là đang biểu diễn

Thứ Năm, 04/08/2016, 14:25
Tình cờ biết Thái Hồng Nga qua sự giới thiệu của một người bạn có con học đàn, tôi tìm đến với mong muốn được chị dạy piano cho con gái. Thật không ngờ, buổi tiếp kiến lại hanh thông đến vậy, bởi tôi có cảm giác còn chưa kịp bày tỏ về khả năng của cô học trò nhỏ. 

Sự khiêm tốn và lịch thiệp của con người này khiến tôi càng tò mò muốn biết thêm về chị. Chị là con gái của - nhà giáo, nghệ sĩ piano Thái Thị Sâm, người từng được ví như nàng "Mona Liza nước Việt" dưới nét cọ của họa sĩ Hoàng Lập Ngôn.

Mùa xuân năm 1959, tại số nhà 42 phố cổ Hàng Bè, giữa trung tâm Hà Nội, cô bé Thái Hồng Nga chào đời trong niềm vui khôn xiết của cả gia đình và bạn bè. Vừa là con gái đầu lòng, là kết quả tình yêu của cặp trai tài gái sắc nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Sâm và Bác sĩ Bùi Đức Lân (tốt nghiệp Đại học Y khoa tại Pháp), Thái Hồng Nga nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả gia đình và bất kỳ những người nào yêu mến Thái Thị Sâm.

Nữ tiến sĩ, nghệ sĩ piano Thái Hồng Nga

Cũng kể từ khi chào đời, cô con gái đầu lòng của gia đình nghệ sĩ nổi danh này dường như được định sẵn cho một cuộc đời gắn bó với âm nhạc và đàn dương cầm như một định mệnh. Ngay từ khi 3 tuổi, Hồng Nga đã được nghe và làm quen với tiếng đàn dương cầm, những bản nhạc cổ điển bác học cứ thế theo thời gian ngấm vào tâm hồn trẻ thơ ấy.

Không chỉ được nuôi dưỡng trong nôi âm nhạc, những người thân, bạn bè của nữ nghệ sĩ Thái Thị Sâm thời đó như nhà văn Nguyễn Tuân, nhạc sĩ - họa sĩ Văn Cao, họa sĩ Bùi Xuân Phái, họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, họa sĩ Nguyễn Sáng, họa sĩ Lê Bá Đảng và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn...  cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự trưởng thành và phát triển của năng khiếu âm nhạc của một người nghệ sĩ piano sau này. Cảm hứng từ tiếng đàn của Thái Hồng Nga, họa sĩ Hoàng Lập Ngôn khi đó đã vẽ bức chân dung cô học trò nhỏ say sưa ngồi đánh đàn khi đôi chân còn chưa chạm tới pédal của chiếc dương cầm.

Bước qua cái tuổi chập chững, Thái Hồng Nga được cha mẹ cho theo học piano tại Trường Nghệ thuật Hà Nội, ngôi trường đã chắp cánh để sau này chị chuyển tiếp được vào Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Song, có lẽ vẫn chưa đủ với những gì đạt được, sau 4 năm đại học, Thái Hồng Nga đặt mình vào thử thách mới. Một lần nữa chị lại vượt qua kỳ thi sát hạch nhiều khó khăn để được đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài.

Thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước có lẽ là quãng thời gian đáng nhớ và gian nan nhất khi chị lần đầu tiên đặt chân đến Budapest (Hungary). Không phải do cuộc sống bị thay đổi, cũng không phải do ngôn ngữ, cái khó khăn chị cho rằng chỉ cần quyết tâm và cố gắng sẽ khắc phục được. Cú sốc tâm lý lớn nhất với chị tại đất nước có truyền thống văn hóa, nghệ thuật lâu đời này là trình độ biểu diễn piano của các học sinh quốc tế.

Chị kể rằng thật "choáng" khi họ có thể chơi bất kỳ bài nào trong cả một quyển, thậm chí một tuyển tập. Bên cạnh chuyên môn, việc học tại đây được tiến hành theo hình thức cuốn chiếu với số lượng bài phải diễn quá lớn, càng tạo áp lực lên người học. Con đường đến thành công không bao giờ rải hoa hồng, song nhận thức đây chính là cái nôi của âm nhạc hàn lâm để có thể phát triển sự nghiệp của mình, chị lao vào luyện tập, không kể ngày đêm, với tâm niệm phải làm được những gì họ đã làm.

Những nỗ lực và sự rèn luyện của Thái Hồng Nga, đã được đền đáp xứng đáng. Sau 4 năm hoàn thành phó tiến sĩ, chị tiếp tục dành 3 năm nghiên cứu và đã bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ trên cả ba lĩnh vực: sáng tác, piano và chỉ huy dàn nhạc. Con đường học vấn của nghệ sĩ piano Thái Hồng Nga chưa dừng lại khi chị lại tiếp tục theo học khóa tâm lý 3 năm tại Mỹ trước khi trở lại Hungary.

Với những kết quả này, Hồng Nga nhanh chóng nhận được nhiều lời mời biểu diễn ở các nước trên thế giới. Thành công nhất có thể kể đến là chị đã được Giáo hội mời biểu diễn tại Tòa thánh Vatican và sau đó là ở Sydney (Australia) và nhiều thành phố khác. Sau một thời gian lưu diễn, Hồng Nga chính thức được mời dạy đàn tại trường dòng ở Hungary.

Mùa xuân năm 2015, trong chuyến lưu diễn tại Tokyo (Nhật Bản), chị đã được nước bạn thu toàn bộ 21 tác phẩm của Chopin do chị biểu diễn. Đầu năm 2016, khán giả Việt Nam biết đến chị qua màn ảnh truyền hình trong buổi biểu diễn nhân dịp Đại hội Đảng với tư cách nghệ sĩ độc tấu piano và nhà soạn nhạc. Chương trình "Tạp chí âm nhạc" cũng đã có buổi trò chuyện khá sâu về chủ đề "Du học", đặc biệt về ngành nghề nghệ thuật, một trong những lĩnh vực chị có nhiều kinh nghiệm để chia sẻ.

Trở về Việt Nam sau nhiều năm, khát khao lớn nhất đối với Hồng Nga không phải được đi đây đi đó, mà chị muốn làm một điều gì đó ghi lại dấu ấn cảm xúc, cái mà chị chia sẻ cảm nhận được ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên đặt chân xuống sân bay. Chị tâm sự dù được đi gần như khắp thế giới, được hưởng mọi sự giàu sang phú quý, song không ở đâu đẹp bằng đất nước, nơi đã cho chị nguồn cảm hứng sáng tác vô tận.

Cũng chính nơi đây, chị nhận được tất cả tình thương, tình yêu và mọi điều tốt đẹp nhất. Về đến quê nhà, những vật chất thèm muốn bỗng trở nên vô nghĩa. Người ta bỗng tự nhủ điều mình đạt được chưa chắc đã phải cái thanh thản của tâm hồn, mà chỉ khi ta ở trên chính mảnh đất sinh ra, ta mới cảm nhận được.

Hương vị ngọt ngào của quê hương đã mang đến những cảm xúc thăng hoa cho Thái Hồng Nga. Chỉ sau chưa đầy một năm, chị đã cho ra mắt tuyển tập ca khúc và xuất bản đĩa nhạc mang tên "Hà Nội và Mơ" với một số ca khúc do chính chị sáng tác, trong đó ngoài sự góp mặt của Hà Phạm Thanh Long, (một trong những ca sĩ opera hàng đầu Việt Nam), Dương Hoàng Yến (đoạt giải "The Voice" năm 2014), Đào Tố Loan (đoạt giải "Sao mai" năm 2011)..., nghệ sĩ, nhà giáo Thái Thị Sâm cũng tham gia với tư cách một khách mời "đặc biệt". Một phần trình diễn khá ấn tượng trong dấu ấn về Hà Nội lần này không thể không kể đến là phần hát đệm của Khánh Linh, cô học trò cưng được coi là một trong những năng khiếu âm nhạc của Trường Nghệ thuật Hà Nội.

Tiếng lành đồn xa, học sinh đến với chị mỗi ngày một đông. Có những hôm chị phải dạy tới 14 tiếng chỉ vì không muốn từ chối em nào. Dù nghiêm khắc, nhưng sự ân cần và chu đáo của chị khiến những học sinh, từ mới chập chững đến chuẩn bị đi thi quốc tế đều muốn được chỉ bảo.

Chị nói thật bất ngờ vì học sinh Việt Nam không thua kém gì học sinh nước ngoài và nếu được phát triển một cách bài bản, chắc chắn các em sẽ là những ẩn số khó lường. Nếu có một điều ước, chị chỉ muốn có nhiều thời gian hơn để dành cho những năng khiếu âm nhạc trong nước.

Dù chưa chắc chắn, song chị cho biết sau chuyến lưu diễn đầu tháng 8 này tại Mexico, chị sẽ lên kế hoạch cụ thể cho chương trình làm việc tại Việt Nam. Với chị giờ đây, quê hương thực sự là chùm khế ngọt để lôi cuốn chị trở về.

Xúc động trước những tình cảm chị dành cho Hà Nội, tiến sĩ toán học Đào Ngọc Thắng, đồng thời là nhà viết sách tại Hungary đã viết tặng chị bài thơ "Hà Nội và Mơ" để thay lời muốn nói của chị trước lúc tạm xa Hà Nội với những dòng như: Hà Nội Đông về sâu cuốn kén thành thơ/ Mỗi dịp xuân sang mưa thấm áo ai chờ/ Nắng xôn xang bên bờ hồ Hoàn Kiếm/ Nắng xinh tròn lá chuối sông Tô/ Anh và em trên chiếc thuyền trăng đẩy/ Mãi vào mơ khói trắng Tây Hồ/ Hà Nội xinh ba mươi sáu phố phường/ Hà Nội buồn mưa chíu chít tháng tư/ Anh và em trên chiếc thuyền trăng đẩy/ Mãi vào mơ nắng xé bình minh/ Hà Nội rung bao tiếng còi xe lửa/ Làm giật mình, làm ngơ ngác cửa ô/ Anh và em trên chiếc thuyền trăng đẩy/ Mãi vào mơ hoa sữa cuối mùa/ Hà Nội im bao uẩn khúc u sầu/ Hà Nội sang bao say đắm buồn đau/ Anh và em trên chiếc thuyền trăng đẩy/ Mãi vào mơ, chỉ để mơ thôi...

Câu chuyện có lẽ chưa chấm dứt nếu không có sự hiện diện của một cô học trò xinh xắn, hết sức dễ thương. Chủ đề chuyển sang cô bé khiến tôi một lần nữa trân trọng giá trị lao động nghệ thuật cũng như hiểu thêm về tính nghiêm túc của người nghệ sỹ này.

Chị giải thích rằng học sinh đến với chị, chỉ điêu luyện đàn thôi là chưa đủ, mà tác phong biểu diễn và sự chỉn chu khi ngồi vào đàn phải luôn là những yếu tố song hành. Tạo sự chuyên nghiệp cũng là tạo tâm thế cần thiết cho cho người nghệ sỹ.

Sau lời chào tạm biệt, chị vẫn nhắc lại một nguyên tắc không thể thay đổi, và cũng như lời nhắn nhủ với tất cả những người yêu đàn, cùng một sự đồng điệu: "Ngồi vào đàn chính là biểu diễn".

Lý Hùng Sơn
.
.