Nghệ sĩ ưu tú Chánh Tín: Đường chiều trắc trở

Thứ Sáu, 28/03/2014, 16:45

62 tuổi, nghệ sĩ Chánh Tín bỗng nhiên trở thành tâm điểm của dư luận trong mấy ngày qua. Vốn dĩ, ông là nghệ sĩ tài danh, nên chuyện được truyền thông săn đón là điều rất đương nhiên. Thế nhưng, lần này lại là vì cớ sự khác. Ông sắp bị lâm vào cảnh vô gia cư vì đến thời hạn phải bàn giao căn nhà mà ông đang ở theo quyết định của Tòa án. Đó là căn nhà mà theo ông thì đã gắn bó hàng chục năm trời và cũng là tài sản cuối cùng mà ông có được. Tôi hỏi ông: “Anh một đời tài hoa, cuối chiều lại lâm cảnh này, ngậm ngùi quá phải không anh?”. Vẫn giọng hào sảng, Chánh Tín trả lời sau một quãng trầm ngâm: “Đó là một tai nạn”.

Được từ phim, mất cũng từ phim

Trước khi đến với phim ảnh, Chánh Tín là một ca sĩ. Chánh Tín có giọng trầm ấm, phong thái biểu diễn lãng tử cộng với ngoại hình không thể nào hấp dẫn hơn đã khiến anh nhanh chóng trở thành một biểu tượng trong lòng khán giả mộ điệu. Đặc biệt là với nữ giới. Diễn viên điện ảnh người được mệnh danh "Người đẹp không tuổi" Diễm My cũng đã thừa nhận rằng: "Tôi từng mê Chánh Tín".

Sự thành công trong nghiệp diễn đến với Chánh Tín lại càng rực rỡ hơn, khi anh hoàn tất vai diễn Nguyễn Thành Luân trong bộ phim truyền hình dài tập "Ván bài lật ngửa". Đây là bộ phim trong mơ của điện ảnh Việt Nam, với những tên tuổi lừng lẫy tham gia từ khâu viết kịch bản, đạo diễn cho đến diễn viên. "Ván bài lật ngửa" là bộ phim nhựa đen trắng 8 tập về đề tài tình báo do Xí nghiệp Phim Tổng hợp TP HCM (nay là Hãng phim Giải Phóng) sản xuất trong những năm 1982-1987.

Bộ phim mô phỏng quãng đời hoạt động của các điệp viên có thật ngoài đời, hoạt động trong lòng địch trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Bộ phim do Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng) viết kịch bản, do Khôi Nguyên (Lê Hoàng Hoa) làm đạo diễn, có sự tham gia diễn xuất của các diễn viên: Nguyễn Chánh Tín (vai Nguyễn Thành Luân), ca sĩ Thanh Lan và Thúy An (vai nữ điệp viên tình báo Thùy Dung - vợ của Nguyễn Thành Luân).

Sau bộ phim này, Chánh Tín "chết" luôn hình mẫu lãng tử, hào hoa của nhân vật Nguyễn Thành Luân. Vai diễn của anh ấn tượng đến độ, hàng chục năm sau (hay ngay cả thời điểm này) nhắc đến Nguyễn Chánh Tín, người ta vẫn nhớ đến người thanh niên tài hoa Nguyễn Thành Luân.

Nghệ sĩ Chánh Tín trong phim “Ván bài lật ngửa”.

Khoảng năm 2005, giới làm điện ảnh người Mỹ gốc Việt từ Hollywood đổ bộ về Việt Nam, với những con người đa tài và có mối quan hệ huyết thống với Chánh Tín như: Charlie Nguyễn, Johnny Trí Nguyễn... Chánh Tín hăm hở bỏ tiền hùn làm phim với những người trẻ tài năng ấy. Bộ phim đầu tiên mà anh cùng thực hiện với người thân của mình là "Dòng máu anh hùng".

“Dòng máu anh hùng” (tựa chính thức trong tiếng Anh: The Rebel) là một bộ phim điện ảnh Việt Nam của đạo diễn Charlie Nguyễn thuộc thể loại hành động, võ thuật và chiến tranh được công chiếu vào ngày 19/4/2007. Bộ phim có đề tài lịch sử, lấy bối cảnh chính là cuộc khởi nghĩa chống Pháp vào thập niên 20 thế kỷ trước. Khởi quay từ đầu năm 2006, ngày 12/4/2007, bộ phim được chiếu ra mắt thế giới tại Đại hội Điện ảnh Việt Nam quốc tế lần thứ III diễn ra tại Mỹ. Sau khi trở về từ đại hội, đoàn phim có buổi ra mắt tại Việt Nam vào ngày 20/4/2007 trước khi công chiếu trên cả nước vào ngày 27/4/2007.

"Dòng máu anh hùng" thành công vang dội về mặt nghệ thuật, tác phẩm được đánh giá như là bước ngoặt cho thể loại phim hành động chiếu rạp của điện ảnh Việt Nam. Thậm chí, bộ phim còn đoạt giải Hạng ưu trong Liên hoan Phim châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, đó lại là bộ phim không thành công về mặt doanh thu. Đơn giản, trong quá trình tham dự liên hoan phim tại nước ngoài, bộ phim đã bị sao chép lậu.

Chánh Tín nói: "Tôi đã từng cản Johnny Trí Nguyễn đừng ham mang phim tham dự giải vì rất dễ bị ăn cắp bản quyền. Nhưng Johnny Trí Nguyễn không nghe". Có vẻ cũng từ đây, mối quan hệ mật thiết giữa hai chú cháu bắt đầu có vết rạn. Quan trọng hơn, cũng chính từ đây, Chánh Tín lâm vào cảnh nợ nần để cuối cùng là dẫn đến bi kịch.

"Khi đầu tư làm phim "Dòng máu anh hùng", tôi đang làm Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam. Để làm bộ phim này, kinh phí là 1,5 triệu USD. Tôi đứng ra bảo lãnh vay 8,3 tỉ đồng cho Công ty CP Điện ảnh và Truyền thông Chánh Tín, do ông Nguyễn Chánh Minh Thức làm Tổng Giám đốc, của Ngân hàng Phương Nam, thời gian vay đến ngày 9/7/2011. Phim hoàn thành, công chiếu trong nước, thu về được 7 tỉ đồng, chia rạp còn lại 3,5 tỉ đồng.

Những tưởng mang đi công chiếu nước ngoài sẽ mang về khoản tiền bù đắp chi phí sản xuất. Nhưng không may là, khi phim mang sang một số nước trình chiếu, thì ở đây đã có bản sao chụp, khiến bộ phim thất thu trầm trọng. Từ đó, tôi lâm cảnh nợ nần chồng chất, cho đến năm 2009 số nợ Ngân hàng tính thêm lãi đã lên đến 10,5 tỉ đồng.

Ngày 18/7/2012, TAND quận 10, tuyên tôi và gia đình phải bàn giao ngôi nhà cho Ngân hàng Phương Nam. Tôi đã 2 lần kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND quận 10 vì theo tôi là còn nhiều uẩn khúc, nhưng không được TAND TP HCM chấp nhận", Chánh Tín kể.

Sau hai lần kháng cáo bất thành, tòa tuyên thời hạn để Chánh Tín phải giao nhà là vào ngày 20/3/2014. Còn 10 ngày nữa là đến hạn giao nhà và cũng là khi anh đang điều trị căn bệnh tiểu đường, Chánh Tín đã cầu cứu truyền thông. Mục đích của anh chỉ là mong tòa cho dời lệnh giao nhà đến cuối tháng 9 để anh tính đường xoay xở. Cũng chẳng biết xoay xở cách nào, khi mà tải sản quý giá trong nhà của anh đều đã được anh bán đi để trang trải chi phí sinh hoạt và chữa bệnh.

Nghệ sĩ Chánh Tín thời điểm hiện tại.

Những tín hiệu ấm lòng

Trước khi trao đổi với nghệ sĩ Chánh Tín, tôi có gọi điện thoại trao đổi với NSƯT Chí Trung. Bởi, nghệ sĩ Chí Trung là người đang kêu gọi giới nghệ sĩ lẫn cộng đồng giúp đỡ nghệ sĩ Chánh Tín.

Nghệ sĩ Chí Trung viết trên facebook như sau: "Tất cả chúng ta đều biết nghệ sĩ Chánh Tín đang lâm nạn. Ở đây Chí Trung không nói đến một cá nhân, một nhân cách hay một hoàn cảnh hoạn nạn chúng ta cần sẻ chia, tôi chỉ muốn nhắc đến hai từ "Biểu tượng".

Vâng, đúng là như vậy, NSƯT Chánh Tín là một trong những biểu tượng của thế hệ chúng tôi, những người đã sống và trải qua hai cuộc chiến tranh. Những nhân vật mà anh thể hiện đã giúp sức cho chúng ta vượt qua rất nhiều khó khăn thường nhật của thập niên 80, 90... Anh và nhiều nghệ sĩ cùng thời đã góp phần xây cho thế hệ chúng tôi và cả sau này những giấc mơ về một tương lai xán lạn! Tôi chưa được gặp anh ngoài đời, cũng không phải là bạn của anh vì chỉ là thế hệ đàn em. Trong cuộc sống có thể anh không phải là vị thánh bởi "Nhân vô thập toàn" nhưng thật sự những vai diễn của anh thể hiện đã đi theo suốt cuộc đời chúng tôi trong đó có cả các bạn…". (trích)

"Thật ra, anh không quen biết Chánh Tín, anh chỉ là thế hệ đàn em. Anh giúp anh Chánh Tín cũng không vì bất cứ gì cả, mà bởi anh biết được những công lao của anh Chánh Tín trong việc khơi niềm đam mê cho những thế hệ diễn viên đàn em như anh là như thế nào. Anh có số điện thoại của anh Chánh Tín đâu, anh phải nhờ bạn bè tìm giúp. Cho đến giờ anh em ủng hộ anh Chánh Tín bằng tiền mặt, anh đều cùng anh em ra ngân hàng chuyển cho anh Chánh Tín, chứ anh không trực tiếp cầm tiền của ai cả.

Phải hiểu rằng, anh đang kêu gọi sự giúp đỡ một nghệ sĩ có tâm và có tầm với điện ảnh, một nghệ sĩ đích thực chứ không phải là nghệ sĩ nửa mùa. Cho đến giờ, số tiền ủng hộ cũng được vài trăm triệu cộng với nhiều lời hứa của các doanh nhân, người thành đạt. Rất hy vọng rằng anh Chánh Tín sẽ giữ lại được nhà", nghệ sĩ Chí Trung cho biết.

Cùng lúc khi thực hiện trao đổi với NSƯT Chí Trung, thì họa sĩ Thành Chương cũng đang ở đó. Họa sĩ Thành Chương tìm đến Chí Trung để ủng hộ nghệ sĩ Chánh Tín số tiền là 20 triệu đồng. Họa sĩ Thành Chương, cảm cái tình nghệ sĩ mà tìm đến với nghệ sĩ Chánh Tín, chứ anh cũng không quen biết với Chánh Tín trước đây.

Đoạn trao đổi nhanh giữa PV Chuyên đề ANTG và họa sĩ Thành Chương:

"Thưa họa sĩ Thành Chương, anh có nghĩ rằng đã là nghệ sĩ thì không nên kinh doanh. Bởi thương trường không dành cho người có máu nghệ sĩ?".

"Tôi không nghĩ vậy, vì nghệ sĩ luôn có nhiều kinh nghiệm sống, từng trải đó là điều kiện thuận lợi khi bắt đầu kinh doanh. Còn kinh doanh, thì người ta thua nhiều lắm chứ không chỉ có nghệ sĩ mới thua. Chẳng qua, là họ không phải là người nổi tiếng nên không ai để ý đến. Tôi tìm đến như một sự chia sẻ với anh Chánh Tín là vì sự đóng góp của anh ấy cho nền điện ảnh của Việt Nam. Anh Tín là nghệ sĩ đích thực, khi anh em chúng tôi biết tin anh Tín lâm nạn, anh em đều hết sức xúc động và muốn làm gì đó để giúp anh Tín qua cơn bĩ cực. Mong bạn chuyển lời với anh Tín, chúng tôi luôn cầu chúc anh được an lành và nhiều sức khỏe".

"Thưa họa sĩ Thành Chương, tôi vẫn nghĩ, yếu tố tiên quyết của một người nghệ sĩ là phải tự giúp đỡ được mình trước khi giúp đỡ được  đời sống tinh thần cho đám đông. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?".

"Tất nhiên là nghệ sĩ phải giúp đỡ được mình trước, chứ nếu ngay cả mình còn không giúp mình được thì nói gì đến nghệ thuật, rồi còn chuyện giúp đỡ người khác. Nhưng, trường hợp của anh Chánh Tín là một tai nạn, bởi nếu phim "Dòng máu anh hùng" không bị ăn cắp bản quyền, thì anh ấy đã không lâm nạn đến vậy. Đây là tai nạn mà không ai có thể tránh khỏi được. Nó cũng như là hồi chuông cảnh báo về tình trạng ăn cắp bản quyền đang khiến người nghệ sĩ khốn đốn như thế nào, và tình trạng này không chỉ có trong phim ảnh".

Trở lại với nghệ sĩ Chánh Tín. Anh nói với tôi rằng, từ khi báo chí loan tin về gia cảnh của anh đến nay, đã có rất nhiều khán giả, bạn bè tìm đến an ủi anh. Người giúp đỡ về mặt tinh thần, người giúp đỡ bằng vật chất, hiện kim. Anh tiếp khách, tiếp chuyện qua điện thoại nhiều đến kiệt sức. Nhưng đó là sự kiệt sức của niềm vui, niềm hạnh phúc chứ không phải là sự suy kiệt về tinh thần như những ngày trước mà anh đã từng phải chịu đựng.

Thưa anh Chánh Tín, khi anh đang còn hưng thịnh, theo tôi được biết, anh từng giúp đỡ rất nhiều cá nhân khác. Vậy thì trong tình cảnh này, những cá nhân ấy có tìm về bên anh không?”.

"Thật ra, anh giúp nhiều lắm chứ, nhưng anh không nghĩ đến ngày bạn bè hồi đáp anh đâu. Ai nhớ đến anh thì tìm về, còn không nhớ thì thôi. Bạn bè cũng có nhiều nỗi khó riêng, anh không trách ai cả", nghệ sĩ Chánh Tín trả lời.

"Liệu anh có hy vọng dời lại được thời hạn phải giao nhà cho phía Ngân hàng Phương Nam theo phán quyết của tòa án?".

"Hôm nay là trưa thứ Hai, các cơ quan mới làm việc nên chắc là anh phải đợi thêm thời gian. Nhưng anh rất hy vọng thông qua truyền thông, các cơ quan cũng thấu hiểu được nỗi khó khăn của anh mà dời lại thời hạn bàn giao nhà".

Nghệ sĩ Chánh Tín cũng nói thêm rằng: "Đây không phải là thất bại của anh, đây là một tai nạn. Việc ăn cắp bản quyền cũng giống như ăn trộm cạy cửa nhà vậy, không thể nào mà đề phòng được. Bạn bè nghệ sĩ lẫn anh em nhà báo yêu mến anh, thương anh nên tự đưa số tài khoản ngân hàng của anh lên báo để kêu gọi sự giúp đỡ, chứ đó không phải là chủ ý của anh. Anh rất cảm ơn tình cảm của bạn bè lẫn khán giả đã bên cạnh anh trong thời điểm khó khăn này. Đời anh, có biết làm gì khác ngoài làm nghệ thuật đâu. Bắt đầu kinh doanh, anh cũng làm nghề liên quan đến nghệ thuật. Quán cà phê đầu tiên của anh, chính là tiền đề cho hàng loạt quán cà phê, tụ điểm Hát cho nhau nghe về sau. Qua cơn bĩ cực, anh lại tiếp tục làm nghề thôi".

Và nếu cơn bĩ cực qua đi, tháng 6 này, nghệ sĩ Chánh Tín sẽ thực hiện liveshow có tên "Sự trở lại của Chánh Tín trên sân khấu ca nhạc", nhiều năm rồi mải mê điện ảnh, cho đến lúc  này Chánh Tín lại muốn trở về với ngày xưa, ngày mà anh còn là một ca sĩ

Ngô Nguyệt Hữu
.
.