Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Thu: Xúc động khi nhớ về “chị Út Tịch”

Thứ Ba, 03/10/2017, 10:35
Căn nhà đẹp và mơ mộng vừa khánh thành trên khu đất tổ tiên được bàn tay NSƯT Ngọc Thu chăm bẵm một cách tỉ mẩn, nhiều cây xanh và nhiều hoa. NSND Bùi Bài Bình ngồi nhâm nhi li cà phê do bàn tay tài hoa của người vợ yêu pha sẵn và trầm tư nghĩ về cuộc đời, thế sự.

Anh chị là một cặp vợ chồng khá viên mãn trong màn ảnh Việt cả về mặt nghề nghiệp và hạnh phúc. Có được mái ấm vẹn toàn ấy, chắc chắn người phụ nữ đóng một vai trò quan trọng. Và "Chị Út Tịch" của một thời đầy đảm đang tháo vát - NSƯT Ngọc Thu là người nâng giấc mái ấm ấy, để tiếng cười trẻ thơ vẫn trong veo, vẫn ngọt ngào trong căn nhà chị, như những thước phim đã có gần 40 năm trên màn ảnh nhỏ...

Duyên nghiệp

Tác phẩm điện ảnh "Mẹ vắng nhà" (Đạo diễn Trần Khánh Dư) ra đời năm 1979, được chuyển thể từ truyện kí “Người mẹ cầm súng” của nhà văn Nguyễn Thi. Phim kể về cuộc sống, sinh hoạt của 5 chị em bé bỏng trong lúc đế quốc Mỹ đẩy mạnh càn quét bình định trên toàn chiến trường miền Nam nói chung, các tỉnh Tây Nam Bộ nói riêng. Trong số đó đứa út còn đang tuổi nằm nôi.

Mẹ của các em chính là nữ du kích Út Tịch (do NSƯT Ngọc Thu thủ vai) thường xuyên vắng nhà đi chiến đấu và cô chị cả, do cháu Vân Dung (trong vai Bé) là chị cả trông các em ở nhà bày ra nhiều trò vui chơi con trẻ cũng như sự mong mỏi mẹ về. Bộ phim đã giành giải Bông sen Vàng ở LHP Việt Nam lần thứ 5 và giải Lọ hoa pha lê tại LHP Quốc tế Karlovy Vary vào năm 1980. Gần 40 năm trôi qua, phim vẫn để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng khán giả.

NSƯT Ngọc Thu là một diễn viên người miền Bắc, hồi đó lại còn trẻ nữa, nhưng những kinh nghiệm được học ở các thầy, các bạn, các đạo diễn đã mang lại cho chị cảm giác tự nhiên và dù còn trẻ, ngoài hai mươi tuổi, nhưng Ngọc Thu lại thể hiện thành công hình ảnh người mẹ miền Nam vừa cầm súng chiến đấu vừa chăm lo cho con.

NSƯT NGọc Thu thời đóng vai "chị Út Tịch".

Chị chia sẻ: "Theo tôi nghĩ, người phụ nữ dù ở miền Bắc hay miền Nam thì vẫn là người phụ nữ Việt Nam. Tình yêu thương các con và tình yêu đất nước đều sâu sắc như nhau, nhưng mỗi nơi có cách biểu hiện hơi khác một chút. Như hình ảnh chị Út Tịch, đó là người phụ nữ rất quyết liệt. Còn phụ nữ nơi khác có thể biểu hiện sự quyết liệt theo cách khác".

"Mẹ vắng nhà" là bộ phim có nhiều trẻ nhỏ tham gia xuyên suốt từ đầu đến cuối phim. Những đứa trẻ tự ăn, tự học, tự chơi với nhau, tự lo cho nhau. Mỗi khi xem phim, thương đến tận cùng hoàn cảnh thiếu thốn của các em nhỏ trong chiến tranh, không chỉ thiếu ăn, thiếu mặc mà thiếu cả tình mẹ. Nỗi khát thèm mẹ được thể hiện rõ khi các em trèo lên cây dừa để ngóng mẹ: "Thấy mẹ không chị Hai?", "Tao thấy mẹ rồi, mẹ đang chiến đấu...!" là hình ảnh lặp đi lặp lại khiến khán giả xem phim thương đến trào nước mắt...

Nhớ lại khoảnh khắc ấy, nghệ sĩ Ngọc Thu khẳng định rằng, bộ phim đã mang lại cho chị nhiều đổi thay, không chỉ về mặt nghề nghiệp, mà còn cả trong những suy nghĩ về cuộc đời. Năm đó chị mới ngoài 20 tuổi, chưa lấy chồng, nhưng không hiểu sao, chị lại được đạo diễn Trần Khánh Dư mời vào vai mẹ của 4 đứa trẻ.

Chị nhớ nhất là cảnh chị Út Tịch cho con bú. Mặc dù có diễn viên đóng thế là mẹ ruột của em bé nhưng Ngọc Thu vẫn phải diễn đến đoạn vén áo lên, trong khi cả đoàn làm phim và rất nhiều người dân đứng xung quanh xem diễn xuất, chị vừa ngượng, vừa lúng túng vì chưa biết cách cho con bú.

Hơn 3 tháng trời sống ở miệt vườn cùng 4 "người con" của mình, Ngọc Thu đã thực sự được làm "mẹ" vì ngoài đời, các em bé vẫn gọi chị bằng cái tên thân mật là "má" để quen miệng. Chị nhớ những buổi ăn cơm ngay trên bờ ruộng và nghỉ trưa ở phim trường, các em bé ngủ luôn trên cầu mà hằng ngày các em vẫn đi qua, thỉnh thoảng đoàn làm phim lại phải chạy đến khi nghe một tiếng "ùm". Là có em ngủ quên nên đã rơi từ trên cầu xuống kênh.

Có lẽ rất đúng khi có người cho rằng, chừng nào điện ảnh dân tộc vẫn còn cần đến một vẻ đẹp thật thiếu phụ, thật Việt Nam, giản dị, nhân hậu, đôi chút mơ màng thì chừng đó vẫn còn lý do để chờ đợi và gặp được tiềm năng diễn xuất như của Ngọc Thu. Cũng có lẽ bởi vậy, nên điện ảnh đã chọn chị, các đạo diễn đã chọn chị như một sự sinh ra để làm "Mẹ vắng nhà".

Vai chị Út Tịch trong phim "Mẹ vắng nhà" đã nhận được những lời nhận xét đánh giá rất tốt. Đó là một vai diễn có diễn xuất nội tâm dung dị, sâu sắc, không hề khoa trương, thể hiện được nội tâm dồn nén...

NSƯT Ngọc Thu và NSND Bùi Bài Bình trong cuộc sống đời thường.

NSƯT Ngọc Thu kể: "Tôi đang là nữ sinh trường phổ thông cấp III đi sơ tán thì lọt vào mắt xanh của đoàn đi tuyển diễn viên cho Trường Điện ảnh Việt Nam khóa II, vào nghề, học nghề rồi thì nhiều niềm vui lắm. Vai diễn đầu tiên của tôi là Thoa, vợ liệt sĩ trong phim nhựa "Bức tường không xây" của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi. Một bộ phim được đánh giá là được làm khá kỹ lưỡng vào thời điểm ấy.

Không biết có phải từ vai người vợ liệt sĩ ấy mà sau này tôi luôn được các đạo diễn chọn vào vai những người phụ nữ kém may mắn. Không ế chồng, đơn thân thì cũng là thiếu niềm vui trong hạnh phúc gia đình.

Cũng lạ lắm, tôi là người Hà Nội, cũng được coi là "tiểu thư" ít phải chịu cảnh chân lấm tay bùn, nhưng tôi lại luôn được nhận những vai diễn nghèo, ít được ăn mặc đẹp, ít cười, ít thoại. Đó là Luyến của "Đàn chim trở về"; một nữ tu của "Sơn ca trong thành phố"; vợ của Chu Văn An trong "Học trò thủy thần"; cô giáo trong "Mặt trời bé con"...

Tuy đóng nhiều phim, nhưng dĩ nhiên tôi vẫn công nhận rằng, cho đến nay, vai người mẹ, tuy không phải là vai chính vì đóng vai mẹ mà mẹ lại vắng nhà (cười), nhưng quả thật, đây là vai là vai diễn tôi thích nhất và đóng tự nhiên nhất!".

Cho và nhận

Tuy "định mệnh nghệ thuật" của chị oái ăm như vậy nhưng chị lại có một đời sống khá viên mãn. Có lẽ bởi chị được mời vào những vai diễn lắng đọng, nhuần nhị tính cách không ồn ào, không xiêm y rực rỡ, không bóng bẩy nên đã vận vào đời chị sự bình yên, an phận. Gặp chị, luôn thấy Ngọc Thu luôn lặng lẽ, điềm đạm, nói năng nhỏ nhẹ, ngay cả khi tức giận một điều gì đó, chị cũng chọn giải pháp im lặng.

Bởi vậy, nếu ai gặp Ngọc Thu lần đầu sẽ nghĩ rằng chị là một người phụ nữ khó tính, nhưng gần gũi chị, người đối diện sẽ cảm nhận được một cảm giác yên lành. Cũng có lẽ bởi vậy, nên chị yêu và sống trọn vẹn một người đàn ông tài hoa là nghệ sĩ Bùi Bài Bình. Họ học chung lớp Diễn viên Điện ảnh và duyên phận đã kéo họ lại cùng nhau, dù hồi đó, NSƯT Ngọc Thu là một cô gái xinh đẹp, lắm "kẻ dòm người ngó".

NSƯT Ngọc Thu trong vai diễn mới.

Chị kể lại rằng, từ ngày ngồi chung lớp đại học với Bùi Bài Bình, chưa bao giờ chị nghĩ rằng, chị rồi sẽ gắn bó cuộc đời của một "tiểu thư Hà Nội" với anh chàng học cùng lớp gầy gò, lêu nghêu, mảnh khảnh ấy. Nhưng dường như trong tình yêu và hôn nhân, "ông tơ bà nguyệt" đã chọn lựa cho mình cả rồi. Họ yêu nhau, gắn bó với nhau cho đến tận bây giờ. Hiếm có cặp diễn viên nào có được hạnh phúc viên mãn như thế. Dĩ nhiên, có được hạnh phúc trọn vẹn ấy, người phụ nữ phải hy sinh nhiều thứ. Thời điểm cả hai lấy nhau rồi có hai cậu con trai, cuộc sống bận rộn, vất vả, khó khăn. Con nhỏ, chấp nhận một trong hai người phải hy sinh để cho người khác tiến lên phía trước.

Và NSƯT Ngọc Thu chấp nhận lui vào hậu trường chăm sóc gia đình, con cái, làm tròn thiên chức để chồng mình, NSND Bùi Bài Bình theo đuổi con đường nghệ thuật. Chị kể: Thời kỳ mở cửa, tôi đóng một loạt vai diễn phim video như vai người mẹ của Hạ trong phim "12A4H". Rồi vai người vợ trong các phim "Anh và em", "Chuyện vặt gia đình" mà người đóng vai chồng không phải ai khác chính là Bùi Bài Bình.

Kể ra thì hai vợ chồng đóng phim cùng nhau cũng vui lắm. Sáng sáng hai vợ chồng cùng chở nhau đi, chiều chiều lại đón nhau về. Hai vợ chồng hiểu nhau nên cũng diễn rất ăn ý. Hôm nào chỉ có vai của chồng mà không có vai của vợ hoặc ngược lại, thì cảm thấy "thiêu thiếu" cái gì đó!

Nhưng rồi từ khi tôi sinh cậu con trai thứ hai và anh Bùi Bài Bình nhận được nhiều lời mời làm phim dài tập, phải vắng nhà thường xuyên, thì tôi đã lựa chọn trở về hậu trường để chăm sóc gia đình, nuôi dạy các con dù nói thật là trong lòng vẫn còn nhiều ham muốn được thể hiện những vai diễn trên màn ảnh nhỏ, và thực sự chưa giây phút nào trong cuộc đời tôi quên những khát vọng được thể hiện mình trong thế giới lung linh huyền ảo của nghệ thuật thứ 7.

Năm 2006, sau bộ phim "Gió mùa thổi mãi", tôi quyết định rời Hãng Phim truyện Việt Nam để về hưu non. Đó là một quyết định khó khăn và là một sự mất mát lớn. Cả đời theo đuổi nghiệp diễn, về hưu non có nghĩa là một sự thất bại trong chặng đường nghề nghiệp của mình. Thất bại không phải vì mình không có năng lực, không phải mình không yêu nghề, nhưng thực sự là để giữ một gia đình bình yên, để các con được học hành và chăm sóc tử tế nhất có thể".

Khi về hưu chị mở quán cà phê tại nhà riêng trên đường Đoàn Trần Nghiệp, một ngôi nhà nhỏ của gia đình. Địa chỉ đó lại trở thành một nơi quen thuộc cho các bạn đến chơi và cà phê tán gẫu. Chính vì thế, chị vẫn được sống trong sự bao bọc của bạn bè, của tình yêu thương.

Cũng chính có quán cà phê để lo cơm cháo, nên chị đã giúp Bùi Bài Bình yên tâm tuyệt đối để làm nên sự nghiệp lẫy lừng trong nghệ thuật, với những vai diễn để đời, đi vào công chúng và trở thành một NSND, một tên tuổi mà điện ảnh và truyền hình Việt Nam chắc chắn phải ghi danh.

Rất nhiều khách đến uống cà phê không biết chị là chị Út Tịch của "Mẹ vắng nhà" một thời nổi tiếng, nhưng ai cũng biết một Bùi Bài Bình của Tòng trong "Ma làng"; của Hòa trong "Mùa ổi"; một Khuếnh trong "Gió làng Kình" đã trở thành nhân vật điển hình trên màn ảnh Việt. Người ta bảo, phía sau người đàn ông thành đạt luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Điều này hẳn là đúng với gia đình NSƯT Ngọc Thu.

Chị đã đồng hành cùng anh từ những ngày đầu tiên trong cuộc đời diễn viên. Rồi một tay chị đã xăm xắn lo vẹn toàn cho gia đình, con cái học hành để anh yên tâm đi diễn. Có lúc chị Thu đùa: “Ôi cứ dịp nào đóng phim dài tập, ông Bình ông ấy đi suốt ngày, nhà như chốn trọ ấy mà. Có biết đâu vào với đâu!".

Thời gian vừa qua, hai vợ chồng chị xây nhà trên đất tổ tiên ở Trương Định để vui thú điền viên với cỏ cây hoa lá, tạm biệt quán cà phê đông đúc ở phố. Anh chị đã có hai cậu con trai ngoan ngoan lễ phép và yêu gia đình.

Cậu con trai thứ nhất theo làm kinh tế, còn cậu thứ hai đã nối nghiệp cha mẹ và theo học khoa Đạo diễn điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. "Mẹ vắng nhà" Ngọc Thu đã không còn vắng nhà vì nếu ai có dịp đến nhà của anh chị, sẽ thấy một không khí tươi xanh, vô cùng ấm áp vì đầy hoa lá khi được bàn tay người phụ nữ đảm đang thu vén.

Mẹ ở nhà sẽ có cơm ngon, canh ngọt, sẽ có những cốc cà phê thơm lừng để thưởng thức khi thời tiết giao mùa lành lạnh về gõ cửa. Tôi cảm thấy cuộc đời yên ổn và cái kết có hậu khi anh chị đã phấn đấu cả cuộc đời cho nghệ thuật, để bây giờ sáng sáng, chiếu chiều bình yên ngồi cùng nhau nhâm nhi tách cà phê, có bạn bè đến chơi chuyện trò cười tan không gian thời gian.

Chị bảo, anh chị giờ cũng đã ở tuổi lục thập hoa giáp nên nhìn lại mọi thứ một cách an nhiên, điện ảnh giờ chỉ là một ký ức đẹp, dù một số đạo diễn vẫn tiếp tục mời chị đóng phim những vai ngắn. Nhưng với chị, tất cả những vai diễn đều không thể so sánh với "chị Út Tịch"  của "Mẹ vắng nhà" cùng một phần đời đẹp nhất của tuổi trẻ...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.