Nghệ thuật nở muộn của vợ chồng nghệ sĩ điêu khắc

Thứ Bảy, 20/08/2016, 10:15
Ngoại tứ tuần mới bước chân vào nghề điêu khắc, ý thức được sự muộn màng, cả hai miệt mài học tập. Trò chăm, thầy giỏi, có bao nhiêu “vốn liếng”, ông mang ra truyền hết cho học trò. Chị bảo chả bao giờ trả hết được ơn thầy, một người đức độ, tận tâm. Thầy còn viết sẵn “di thư” trong khi còn nằm viện với nội dung nếu có mệnh hệ gì thì không liên quan tới “cô cậu” học trò Nguyễn Sang - Kim Thanh.

Tầm sư…

Một lần ghé thăm Bảo tàng Bình Định, đứng trước chân dung người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ, chị, nhà điêu khắc Kim Thanh không khỏi bùi ngùi xúc động, cảm phục trước những chiến tích oai hùng của ông. Chị thầm nghĩ một con người lừng lẫy chiến công, thần tốc đại phá 20 vạn quân Thanh như vậy tại sao chỉ có bức phù điêu mà không có một bức chân dung bằng đồng để xứng với những gì ông đã cống hiến, làm rạng danh dân tộc. Một con người vĩ đại như vậy mà lại ra đi khi sự nghiệp còn dang dở, để lại bao tiếc nuối cho các thế hệ mai sau.

Và chị bàn với chồng - nhà điêu khắc Nguyễn Sang, phải làm gì đó để lưu lại chân dung người anh hùng áo vải. Cũng từ ý tưởng đó, anh chị không chỉ tạc nên bức chân dung Hoàng đế Quang Trung mà còn hàng trăm chân dung nhân vật lịch sử, danh nhân văn hóa trong và ngoài nước.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Sang - kim Thanh (2008).

Niềm đam mê nghệ thuật điêu khắc của “cặp đôi hoàn hảo” Nguyễn Sang - Kim Thanh khởi nguồn từ Bim, cậu con trai thứ hai của anh chị. Trong một chuyến du lịch miền Trung, anh chị mua được 12 con giáp ở làng đá Non Nước, Đà Nẵng, làm quà tặng con. Hằng ngày thấy con mê mải nặn hình thù những linh vật bằng đất sét, hai vợ chồng cảm thấy vui lây.

Sẵn có chút năng khiếu từ nhỏ, chị ước giá như mình được học hành đàng hoàng về nghề nặn tượng, biết đâu... Đang trong lúc “thất nghiệp”, cả hai quyết “tầm sư học đạo”. Và đúng là duyên trời định, anh chị gặp được điêu khắc gia Tô Sanh. Sự đời thật trớ trêu, tìm được thầy đúng lúc ông đang trong cơn “thập tử nhất sinh” vì suy tim nặng phải cấp cứu tại bệnh viện. Rất may, nhà điêu khắc lão thành đã qua cơn nguy kịch.

Ngay sau khi xuất viện, ông nhận anh chị làm học trò đúng vào chiều 30 tết năm 2002. Nữ điêu khắc cho biết, việc học nghề của anh chị chẳng giống ai, không tốn một xu, không phải tới nhà thầy để học. Sau khi nhận học trò, ngày mùng 3 tết năm đó, thầy thuê xe chở tới nhà anh chị nào là giá vẽ, đất sét, thạch cao... và bao thứ lỉnh kỉnh khác. “Khóa học” kéo dài có... 6 ngày. 

...và thành công

Chị nguyên là giáo viên dạy môn hóa - sinh Trường cấp 2 - 3 Đức Hòa (Long An).  Sau 10 năm cầm phấn, chị “theo chồng bỏ chuộc chơi” chia tay học trò lên TP HCM. Còn anh, một công chức nhà nước. Cuộc sống khó khăn, anh chị đã trải qua nhiều nghề để kiếm tiền nuôi con.

Chị kể, mẹ chị đã từng rất giận chị bởi dám cãi lời bà bỏ nghề dạy học để đi làm toàn những việc... không cao quý. Bà cho rằng bao năm nuôi con trong đạn bom, khổ cực, những mong con trở thành ông nọ bà kia. Ngờ đâu... Thương mẹ, nhưng với chị nghề nào cũng cao quý,  khó nhất là giữ được mình.

Ngoại tứ tuần mới bước chân vào nghề điêu khắc, ý thức được sự muộn màng, cả hai miệt mài học tập. Trò chăm, thầy giỏi, có bao nhiêu “vốn liếng”, ông mang ra truyền hết cho học trò. Chị bảo chả bao giờ trả hết được ơn thầy, một người đức độ, tận tâm. Thầy còn viết sẵn “di thư” trong khi còn nằm viện với nội dung nếu có mệnh hệ gì thì không liên quan tới “cô cậu” học trò Nguyễn Sang - Kim Thanh.

Bộ ba tượng: nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Bùi Giáng và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bên tượng Phật Quan Âm.

Anh chị đã khóc khi phát hiện ra bức “di thư” mang nặng tâm huyết, nghĩa cử của thầy. Chính cái ân tình ấy, khiến cặp đôi điêu khắc gia chỉ biết dành sự kính trọng, tri ân thầy qua những tác phẩm “Đất đá biến hóa thành người” của mình luôn có nụ cười của thầy Tô Sanh. Bởi mỗi tác phẩm, mỗi “bước đi” của anh chị đều có sự dõi theo, mỉm cười của người thầy.

Ngôi nhà - xưởng điêu khắc của anh chị nằm khuất sâu cuối con hẻm nhỏ trên đường Sư Vạn Hạnh nối dài, quận 10, TP HCM là nơi “hội tụ” của các bậc tiền nhân, những danh nhân văn hóa và cả những “người đương thời”. Từ Quang Trung, Nguyễn Trung Trực, Phan Kế Bính, Ngô Đức Kế, Thủ Khoa Huân, Phan Thanh Giản, Sư Thiện Chiếu, Nguyễn Đình Chiểu, hay như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Bùi Xuân Phái, nhà thơ Hữu Loan, mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè, giáo sư Trần Văn Khê, nhạc sư Vĩnh Bảo... tới cả Thủ tướng đương nhiệm của Canada Justin Trudeau và huấn luyện viên bóng đá của CLB Arsenal (Anh) Arsene Wenger...

Đó chính là những tác phẩm “sống mãi với thời gian” của đôi vợ chồng thổi hồn cho tượng. Nghệ sĩ Kim Thanh nói, mỗi con người là một nhân cách, chị học ở họ được rất nhiều. Chẳng hạn như mỗi khi cuộc sống bế tắc, chị lại thấy vang lên câu hát “Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao...” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, lại quên đi hết âu lo buồn phiền, lao vào sáng tác.

Hay như khi công việc khó khăn, vất vả, chị lại thầm hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai...” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, mọi khó khăn lại qua đi. Khi giáo sư Ngô Gia Hy ngồi làm mẫu cho chị, ông đã cho chị lời khuyên, con người phải luôn vận động phải bắt mình làm việc, nhưng cái tâm phải bình.

Ở đời, nhiều người không thích mình hơn họ, nhưng khi kém thì họ chê, nhưng anh chị lại muốn được chê, “ép” người khác chê tượng của mình để rút... kinh nghiệm. Qua lời khuyên của giáo sư Ngô Gia Hy, anh chị luôn say sưa làm việc, sáng tạo và tâm luôn bình trong mọi thăng trầm của nhịp sống đời thường.

Trong cuộc triển lãm “Đất nước ngàn năm, anh tài muôn vẻ” tại Hà Nội, chị đưa ra hơn 80 bức tượng, một khán giả trẻ sau khi xem đã chất vấn chị: “Sao nhân vật (nhân vật mà khán giả trẻ yêu thích) này có mà nhân vật kia không có?”. Chị mỉm cười và nhẹ nhàng hứa “lần sau sẽ có”.

Còn với cụ Huỳnh Văn Tiểng, chị nhớ mãi lời cụ dạy “nhớ dạy dỗ lũ trẻ nên người”, nay các con của anh chị đều đã trưởng thành. Mẹ Việt Nam anh hùng Bùi Thị Mè thì căn dặn chị phải luôn giữ được 3 chữ “đức - tâm - nhẫn”. Chị còn được một khán giả chia sẻ: “Con đường đi tới thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng”.

Anh chị bảo, trời cho, đời cho, người cho anh chị rất nhiều. Và chị kể về duyên trời nên chị mới được 3 lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh chị vẫn nhớ như in nụ cười hiền hậu của ông. Chẳng là năm 2006, lần đầu ra tham dự triển lãm, cũng là lần đầu ra Hà Nội, ngoài chân dung của các danh nhân, anh hùng, hành trang của chị còn có bức chân dung của Đại tướng. Và anh chị được gặp ông. Khi đó ông đang điều trị tại bệnh viện nhưng vẫn mỉm cười với anh chị.

“Chỉ kịp đặt bó hoa tươi bên giường ông rồi lặng lẽ ra về nhưng đó là cả một trời hạnh phúc”, chị Kim Thanh nhớ lại. Hai năm sau, hạnh phúc vỡ òa khi chị được đến thăm Đại tướng tại nhà riêng. Biết chị đi một mình nên một nhiếp ảnh gia xin đi ké. Chị kể cậu nhiếp ảnh mắt rơm rớm, nói: "Em ra Hà Nội mấy lần rồi, nhưng chưa lần nào được gặp Đại tướng. Chỉ cần được gặp bác một lần là em mãn nguyện".

Chị cảm động trước thành ý của cậu liền đồng ý cho vào cùng. Được đà, cậu ta nài tiếp: "Chị cho vợ em vào theo với. Vợ em cũng chưa được gặp bác Giáp bao giờ". Chị lại gật đầu. "Còn con em nữa? Bỏ tụi nó nheo nhóc ngoài kia sao được?". Chị không thể từ chối đành kéo luôn cả gia đình cậu ta vào thăm bác Giáp. Vừa gặp Đại tướng, cậu ta đột ngột quỳ xuống khiến mọi người hoảng hốt. "Bác ơi, hôm nay con gặp bác như con được gặp Bác Hồ" -  cậu ta vừa nói vừa khóc. Mọi người có mặt đều cảm động không cầm nổi nước mắt.

Chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đang vui vẻ nói chuyện, bỗng Đại tướng khẽ vẫy tay về phía cửa: "Cháu bế em ngồi xuống đây với bác". Thì ra vì ngại đông người, vợ nghệ sĩ nhiếp ảnh chỉ dám bế con đứng nép bên cánh cửa. Thấy vậy mấy vị khách vội đứng dậy nhường ghế cho mẹ con chị. Đó chính là đức độ, sự tinh tế toát lên từ con người Đại tướng mà chị cảm nhận được. Bài học mà anh chị nhận được từ nhân vật qua các tác phẩm của mình là hành trang, phương châm sống trên con đường nghệ thuật của mình.

Nghệ thuật mỗi người một quan điểm, chị theo khuynh hướng làm đẹp nhân vật, còn chồng chị, nghệ sĩ Nguyễn Sang, lại trung thành với nguyên mẫu. Nhiều khi tranh cãi cũng xảy ra. Tuy nhiên, những sự khác biệt đó cũng bổ khuyết cho nhau, từ đó tạo ra phong cách riêng của “đôi uyên ương điêu khắc” này. Đương thời, giáo sư Trần Văn Khê đã động viên anh chị rất nhiều, nhất là những khi không thuận vợ thuận chồng.

Ông từng nhận xét: “Tài nghệ của một nhà điêu khắc tạc tượng chân dung là tạo một nghệ phẩm giống người mẫu ai nhìn cũng nhận ra... Cái khó là ghi được nội tâm của những chính khách, văn nhân, nghệ sĩ. Kim Thanh và Nguyễn Sang đã khéo bắt tình cảm bên trong của họ, để ghi lại nét độc đáo cái “thần” của người mẫu”...

Còn với thầy Tô Sanh, không chỉ truyền cho anh chị cảm hứng nghề nghiệp, ông còn khuyên chị, động viên chị nhiều điều, hãy cố gắng, đừng bao giờ bỏ cuộc, bởi chị chính là người giữ lửa cho đam mê nghệ thuật của cả hai. Nói với chúng tôi như vậy nhưng chị lại chỉ tay ra sân, nơi chồng chị đang miệt mài chỉnh sửa bức chân dung luật sư Nguyễn Hữu Thọ: “Không có “nửa kia” chị chẳng làm được gì đâu” một cách trìu mến.

Chính sự bổ khuyết, sự đồng lòng đã tạo nên những tác phẩm “Sống mãi với thời gian”, chủ đề của một cuộc triển lãm của Nguyễn Sang - Kim Thanh, bao gồm nhiều lĩnh vực chính trị, giáo dục, văn hóa, khoa học... trong và ngoài nước như: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Fidel Castro... và rất nhiều chân dung khác mà anh chị dồn hết tâm huyết.

Nghệ sĩ Nguyễn Sang bên tượng luật sư Nguyễn Hữu Thọ.

Và những nốt trầm

Khi giáo sư Ngô Gia Hy hỏi chị ai tài trợ cho những cuộc triển lãm, chị ngập ngừng chỉ vào người bạn đời  - “nhà tài trợ chính Nguyễn Sang”. Là một nhà giáo, chị vẫn luôn nặng lòng với học trò. Chị kể quê chị có ngôi trường mang tên người anh hùng từng làm cho thực dân Pháp khiếp sợ - Nguyễn Trung Trực, chị muốn làm một cái gì đó có ý nghĩa cho quê hương. Chị đã vận động một số “Mạnh Thường Quân” hỗ trợ kinh phí dựng tượng.

Biết được tấm lòng, nhiều người đã đồng hành cùng chị. Tượng được dựng, vừa mang tính tri ân, tôn vinh, lại có tính giáo dục cao đối với các em học sinh. Nói tới đây giọng chị chùng xuống. Sau những cuộc triển lãm, anh chị đã dành tiền bán tác phẩm gây quỹ học bổng cho học sinh nghèo.

Tượng Hoàng đế Quang Trung.

Nhưng vẫn còn nhiều, rất nhiều ngôi trường khác, không chỉ trên quê hương Long An của chị mà trên khắp đất nước, chị muốn lưu lại những nơi đó hình ảnh của các vị anh hùng, những danh nhân nhằm khơi gợi lòng yêu nước của các em học sinh qua những tấm gương sáng của các bậc tiền nhân, nên rất cần sự chung tay của các nhà tài trợ. Chia tay “đôi uyên ương điêu khắc” chúng tôi hy vọng rằng, ước nguyện của anh chị sẽ được nhiều người đồng hành và sẻ chia.

Đức Hà
.
.