Nghĩ từ câu chuyện của NSƯT Trần Hạnh: Cần tôn trọng, không cần thương hại

Thứ Ba, 07/05/2013, 21:40

Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Trần Hạnh, không là ngôi sao nhưng là thần tượng của nhiều thế hệ. Ông có nhiều vai diễn đong đầy thân phận bi hài, khắc khổ trong các bộ phim truyền hình, những vai diễn đóng đinh thương hiệu, như: vai ông bí thư đảng ủy trong phim “Làng nổi”, bố An trong phim “Truyện cổ tích tuổi 17”, bố Lài trong “tướng về hưu”, ông Khiển trong phim “Người cầu may”, ông Lâm trong phim “Chiếc bình tiền kiếp”, bố Mai trong phim “Hãy tha thứ cho em”....
Nếu như tôi không nhầm, thì trong miền Nam có NSƯT Hồ Kiểng, thì ngoài Bắc có NSƯT Trần Hạnh là những diễn viên luôn có chỗ đứng riêng trong lòng khán giả mộ điệu, một chỗ đứng vô cùng vững chắc.

1. Câu chuyện được khởi nguồn từ trang facebook của một nữ nghệ sĩ hài nổi tiếng. Sau lúc khóc thương nghệ sĩ Văn Hiệp, chị có nhắc đến hoàn cảnh của nghệ sĩ Trần Hạnh. Ngay lập tức, nhiều trang báo mạng nháo nhào lao đến tìm nghệ sĩ Trần Hạnh. Từ đây, những bài viết về sự khốn khó của nghệ sĩ Trần Hạnh xuất hiện. Phóng viên miêu tả rất kỹ về chỗ ngủ chỉ có manh chiếu cũ, bữa cơm chỉ có muối vừng… Đại khái, một nghệ sĩ Trần Hạnh với đời sống vật chất rách bươm được giới thiệu chi tiết đến dư luận.

Đột nhiên, nghệ sĩ Trần Hạnh lên tiếng. Ông bảo: "Sao từ ngày ông Văn Hiệp mất, mọi người cứ đổ xô tìm tôi, đừng thương hại chúng tôi kiểu như vậy, chúng tôi chỉ là những nghệ sĩ già bình thường như bao người khác và vẫn vui vẻ cống hiến cho nghệ thuật, mọi người hãy nhìn vào nghệ thuật chứ đừng quá quan tâm đến cuộc sống của chúng tôi. Lúc bán hàng có nhiều người nhận ra tôi quen quen và có khi xin cả số điện thoại, nhưng tôi bảo tôi giống chứ không phải Trần Hạnh, vì sợ nếu cho họ biết mình là diễn viên thì họ đứng nói chuyện mãi thì làm sao bán được hàng" (trích Báo Dân Trí điện tử). Với cá nhân tôi, đó là phát biểu đầy lòng tự trọng của một nghệ sĩ.

Vốn dĩ, bấy lâu nay đám đông nhìn vào nghệ sĩ chỉ thấy sự hào nhoáng bên ngoài. Họ mân mê những bộ váy giá 2 tỉ, cái nhẫn kim cương cả trăm nghìn USD, hay một chiếc siêu xe cực kỳ đắt đỏ. Họ cũng quen cảnh cát-sê ca sĩ cả trăm triệu hay vài nghìn USD cho một show diễn. Họ quen cảnh nhìn chân dài được săn đón, nhìn đại gia với nhan sắc liền tay. Sự việc đập vào mắt mãi biến thành lối mòn của tư duy, nghệ sĩ phút chốc trở thành "tầng lớp thượng lưu mới". Và những người thuộc "tầng lớp thượng lưu mới", nhanh chóng được truyền thông khoác cho mỹ hiệu là nghệ sĩ.

Người ta dễ dàng được báo giới nhắc đến liên tục chỉ vì một làn da trắng, một thân hình bốc lửa, một vòng ngực căng đầy... Người ta được hiện hữu liên tục trên truyền thông đơn giản vì đôi giày, cái đồng hồ, cái ví… Hay thậm chí chỉ là vì ngồi ăn vặt vỉa hè hay giả gái đi mua sắm. Những hình ảnh vớ va vớ vẩn liên quan đến một phân đoạn trong clip mới, kiểu như bị tai nạn lác mặt, đi đâm máu tràn áo… trở thành một sự kiện văn hóa đúng nghĩa. Phù phiếm hơn, vài câu nói lăng nhăng, õng ẹo, ỡm ờ giữa một nam một nữ trên facebook cũng hóa thành đình đám.

Những giá trị rất riêng mà danh xưng nghệ sĩ từng mang lại cho những cá nhân lao động nghệ thuật nghiêm túc mất giá đến thảm hại. Truyền thông dễ dãi và nhiều người đóng mác nghệ sĩ thoải mái cười cợt vào sự dễ dãi đó. Còn đám đông, sống lâu trong sự dễ dãi của cả hai đối tượng trên phút chốc định hướng văn hóa trở nên nhạt nhòa.

2. Lâu trước, tôi có thực hiện bài viết về Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Diệp Lang. Nhớ là có nhắc đến chi tiết, mắt của ông ngày càng yếu dần. Sau khi báo in, cô Dương Thị Bạch Diệp có gọi điện thoại cho tôi, bảo rằng, chồng cô rất mến mộ tài năng của nghệ sĩ Diệp Lang. Nay biết nghệ sĩ bị mờ mắt, cô muốn tài trợ 100 triệu đồng để chữa mắt cho nghệ sĩ Diệp Lang. Nhiệm vụ của tôi là sắp xếp cho cô được gặp mặt, trao tiền cho nghệ sĩ Diệp Lang.

Cuộc gặp được diễn ra đúng theo lịch hẹn. Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ như in dáng ngồi của nghệ sĩ Diệp Lang hôm đó. Trong căn phòng khách nhỏ, ông nói lời tri ân với tấm lòng của cô Dương Thị Bạch Diệp. Đồng thời, ông cũng nhờ cô chuyển lời cảm ơn đến chồng của cô. Còn về số tiền 100 triệu đồng, ông xin cô nhường lại cho những hoàn cảnh khốn khó hơn. Đơn giản là bởi "Tôi còn tự lo cho mình được". Về sau, cô Dương Thị Bạch Diệp ủng hộ số tiền này cho quỹ từ thiện của cơ quan tôi để thực hiện những chuyến đi mổ mắt miễn phí tại nhiều địa phương khác nhau.

100 triệu đồng vào thời điểm đó rất lớn, đối với cá nhân của nghệ sĩ Diệp Lang còn lớn hơn rất nhiều. Với 100 triệu đồng, ông có thể chữa chứng mờ mắt, sửa sang lại cái nhà, thêm điều kiện dành dụm cho tuổi già... Nhưng ông vẫn từ chối. Ông tri ân tấm lòng của người hâm mộ dành cho những vai diễn (hay tài năng) của chính ông, tuy nhiên, phẩm chất nghệ sĩ không cho phép ông nhận thứ mà ông nghĩ rằng có nhiều mảnh đời bất hạnh khác đang cần hơn bản thân mình.

Tôi trích lại một đoạn trong bài viết cũ, để thấy phẩm chất nghệ sĩ đúng nghĩa của NSND Diệp Lang, "Những ngày khốn khó về vật chất lẫn tinh thần này, vợ chồng ông dắt díu nhau về ở trong căn phòng nhỏ ở lầu 1 khu chung cư Lý Thường Kiệt. Thương người nghệ sĩ tài hoa, chú Hai Tâm - Chánh văn phòng Công an TP HCM ngày ấy nói với bà: "Ngày mai anh Sáu Ngọc (Giám đốc Công an TP HCM hồi đó) có gặp gỡ anh em nghệ sĩ, chị kêu Diệp Lang xin cái nhà dưới đất ở để đi lại cho thoải mái". Bà bảo ông, nhưng Diệp Lang từ chối. Ông nói là được ở căn hộ chung cư này là sướng hơn thời ở ký túc xá Trần Hưng Đạo rồi, còn đòi hỏi gì nữa.

Chắc có điều Diệp Lang không biết, nhiều nghệ sĩ cùng thời với ông đã xin được nhà mặt tiền hẳn hoi vào thời điểm này. Diệp Lang là vậy, cái gì thấy có rồi thì thôi, không kỳ kèo hay so đo. Như cái hồi ông xin rút khỏi Ban Chấp hành Hội Sân khấu TP HCM một cách đột ngột, có ai hỏi ông chỉ cười nói: "Sắp bầu nhiệm kỳ mới, mình nên để cho lớp trẻ làm".

Hay mấy lần đi đám cưới ngồi taxi, anh tài xế taxi thấy nghệ sĩ nổi tiếng sao ở cái chung cư cũ quá nên ái ngại hỏi thăm. Diệp Lang cười khề khà nói: "Ở chung cư là nhất rồi. Vừa mát vừa vui, còn đòi gì nữa hả chú?". Hỏi ông là bao năm qua, ông đã đóng góp được cho cải lương những gì? Diệp Lang ngồi lâu lắm rồi mới chậm rãi trả lời: "Chú hỏi tui đóng góp được gì thì tui chịu. Vì tui chẳng biết mình đã làm được gì nữa(?)".

Nhưng mặc những điều đó, tình cảm của người hâm mộ dành cho ông vẫn không phai nhạt, như có lần vào quán ăn, khi ông gọi tính tiền, chủ quán cười bảo có hai vị khách bàn bên đã trả cho ông rồi. Thực ra, bữa ăn không đáng bao nhiêu tiền, cái tình giữa khán giả dành cho ông mới là vô giá.

Nghệ sĩ nhân dân Diệp Lang.

Một câu chuyện khác. Nghe tin, "Người đẹp Bình Dương" Thẩm Thúy Hằng đang sinh sống tại khu Bình Quới (quận Bình Thạnh), có được số điện thoại di động lẫn số điện thoại bàn của cô, tôi gọi lẫn nhắn tin để xin một cái hẹn phỏng vấn. Tôi rất muốn biết đời sống của một mỹ nhân ngày trước hiện tại ra sao. Tiếc rằng, gọi điện bà không nhấc máy, nhắn tin bà không trả lời. Dọ hỏi các mối quan hệ của mình, tôi biết bà không muốn xuất hiện trên truyền thông vì những lý do riêng. Chuyện xưa quên dần.

Bỗng dưng, một ngày thấy hình ảnh của bà tràn ngập các trang báo mạng lẫn báo giấy (dòng báo mà chúng ta quen miệng gọi là "báo thị trường"). Những hình ảnh gây sốc cho đám đông, hình ảnh bà bị tác dụng phụ của các loại hóa chất dùng trong ngành công nghệ giải phẫu thẩm mỹ.

Lần xuất hiện này, ngoài ý muốn của bà. Bà gặp gỡ bạn bè cũ, chụp vài tấm ảnh cùng nhau. Rồi không biết bằng cách nào đó, những tấm ảnh này đến tay các "nhà báo vĩ đại". "Nhà báo vĩ đại" xem đó là một đề tài độc đáo, thu hút bạn đọc… Hình tượng nhan sắc Thẩm Thúy Hằng ngày trước bị biến thành hình tượng "thảm họa silicon".

Tôi không biết cảm giác bà ra sao khi nhìn những bức ảnh của mình hiện hữu ngoài ý muốn chủ quan, có điều nghĩ rằng, chắc chắn ấy cảm giác không hề dễ chịu.

"Giai (mỹ) nhân tự cổ như danh tướng - Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu", người đẹp cũng như tướng giỏi, không hiện hữu trước đám đông khi tuổi đã về già. Không hiện hữu, là vì họ muốn hình ảnh ngày xưa như ký ức đẹp đọng mãi trong lòng đám đông. Tiếc rằng, những "nhà báo vĩ đại" đã không hiểu điều đó.

Oái oăm thay, làng giải trí Việt hiện tại, có những nhan sắc với danh vị nghệ sĩ đã về chiều, vẫn đong đưa xuất hiện nhờ vào những câu chuyện tào lao, như tình ái ngày trước hay vật chất bây giờ… Chẳng đâu ra đâu.

3. Cố NSƯT Hồ Kiểng có sống trong nghèo khó không(?!). Chắc chắn là có. Ông sống trong không gian chưa đến 15m2 ở một khu chung cư cũ tại quận 3, TP. HCM. Tài sản xét về vật chất đáng giá nhất của ông chính là cái quạt máy cũng cũ nốt. Nhưng đã ai thấy ông ngửa tay xin tài trợ cái này, tài trợ cái kia chưa… Cho đến lúc nằm xuống, ông vẫn không làm điều đó.

Ông sống, lấy tình cảm khán giả dành cho mình là thứ tài sản quý giá nhất. Lấy những vai diễn điện ảnh làm chỗ dựa tinh thần. Lấy những câu thơ tếu táo làm niềm hạnh phúc. Nói như nghệ sĩ Kiều Oanh  thì: "Với nghệ sĩ như chúng tôi được diễn đã là đủ đầy".

Tôi đã gặp, trao đổi, phỏng vấn và viết rất nhiều bài viết về những nghệ sĩ khác nhau. Luôn có cảm giác, họ sống họ cười họ nói được là nhờ vào nghiệp diễn mang lại. Nghề diễn, với họ ngoài chuyện là một nghề để mưu sinh, thì đó còn là một nghiệp rất thiêng liêng.

Cố nghệ sĩ ưu tú Hồ Kiểng.

Trở lại phát biểu của NSƯT Trần Hạnh, chuyện từ chối 100 triệu đồng của NSND Diệp Lang, hoàn cảnh của cố NSƯT Hồ Kiểng… những nghệ sĩ đã sống trọn vẹn với nghề, họ cho đám đông một cái nhìn khác với tư cách, với cá tính nghệ sĩ thuần nghệ sĩ.

Họ tách biệt hoàn toàn với đời sống thị phi mà những cá nhân đang khoác áo nghệ sĩ một cách đầy ngạo mạn đang tạo ra. Họ là nghệ sĩ, họ tuân theo cái luật dành riêng cho nghệ sĩ, thứ luật do chính họ tạo ra và không bao giờ phạm phải. Họ là lớp nghệ sĩ cũ, một lớp nghệ sĩ đầy tự trọng và kiêu hãnh, một lớp nghệ sĩ tử tế.

Quan sát cách mà họ sống, họ lao động nghệ thuật, họ sinh hoạt đời thường… mới thấy hết lớp áo nghệ sĩ kệch cỡm, giả hiệu, trọc phú, hoang tưởng, nhố nhăng của những anh chàng, cô nàng của làng giải trí Việt đang vận vào mình nó tầm thường thế nào.

Sự tầm thường này đáng buồn là vẫn được tung hô một cách đầy hào hứng. Căn nguyên của sự tầm thường vẫn được tung hô ấy nảy sinh từ đâu? Chắc chắn, nảy sinh từ thái độ phụng sự vô tri của nhiều "nhà báo vĩ đại".

Quan điểm cá nhân, tôi vẫn cho rằng, truyền thông luôn là một trong những nhân tố quan trọng trong việc định hướng đến đám đông, những giá trị văn hóa đúng nghĩa.

Đã đến lúc, không chỉ có nghệ sĩ giả hiệu nên học cách tự biết xấu hổ, mà những "nhà báo vĩ đại" cũng cần tập cho mình thói quen biết đỏ mặt trước những thứ xàm xí mà họ mang đến cho đám đông.

Viết vậy thôi, chứ biết đây là hy vọng đậm đặc tính hoang tưởng(!)

Ngô Nguyệt Hữu (ngokinhluan83@gmail.com)
.
.