Nghịch lý câu chuyện giá xăng

Thứ Năm, 11/06/2015, 16:10
Đã có ba-rem để tính giá cơ sở được cho là rõ ràng, minh bạch với mặt hàng xăng. Nhưng hễ cứ thị trường ở nơi mua tăng 1 đồng, về đến nơi bán lẻ trong nước giá xăng sẽ tăng 10 đồng. Càng vô lý hơn với cách tính thuế chồng thuế, phí chồng phí để ra giá bán lẻ xăng như hiện nay?

Tăng giá không cần lý do?

Theo khảo sát của chúng tôi, áp theo mức giá cao nhất với xăng RON 92 tại thị trường nhập khẩu xăng dầu chính của các đầu mối trong nước là Singapore, trong nhiều tháng qua, mức 84 USD/thùng (dung tích 159 lít), giá nhập khẩu của mỗi lít xăng chỉ có hơn 11.000 đồng. Các lần biến động tăng thời gian qua, giá mặt hàng này tại nơi bán ra cho các đầu mối trong nước cũng chỉ tăng nhẹ ở mức vài %.

Giá xăng RON 92 tại thị trường nhập khẩu chính chỉ có vậy, nhưng do phải gánh một loạt các khoản thuế, phí trước khi đưa ra bán lẻ tại thị trường trong nước đã khiến giá bị đẩy lên quá cao, đội lên gần gấp đôi so với giá nhập khẩu tại Singapore.

Trong những lần tăng giá gần đây, giá bán sỉ xăng RON 92 tại nơi cung cấp cho các doanh nghiệp (DN) đầu mối chỉ nhích nhẹ. Nhưng chỉ từ đầu tháng 5 đến nay, giá bán lẻ mặt hàng này đã kịp tăng liên tiếp 2 lần với mức tăng lên đến 18%.

Lý giải cho quyết định điều chỉnh giá xăng tăng thêm 1.200 đồng/lít vào tối 20/5 vừa qua, Bộ Công thương cho rằng giá xăng dầu gần đây biến động liên tục khiến giá cơ sở cao hơn giá bán xăng dầu trong nước. Tuy vậy, khi giá nhập khẩu chỉ tăng vài USD/thùng những tháng gần đây, thì lý do khiến giá cơ sở tăng do giá xăng thế giới tăng, tác động vào giá trong nước rõ ràng không hợp lý.

Theo một số chuyên gia, tác động khiến giá xăng RON 92 tăng mạnh là do thuế bảo vệ môi trường đã tăng thêm 2.000 đồng/lít, từ mức 1.000 đồng trước đây lên 3.000 đồng hiện nay.

Nhìn lại những năm qua, xăng đã từng tăng giá bởi những lý do hết sức vô cớ. Trước đây, có những thời điểm giá bán lẻ xăng trong nước thấp hơn các nước láng giềng dẫn tới nạn chảy máu nhiên liệu qua thực trạng xuất lậu sang nước bạn.

Giải thích trên được Bộ Công thương đưa ra mới nghe cũng có vẻ vĩ mô và xứng tầm với việc tăng giá. Song thực tế số lượng xăng dầu xuất lậu ước tính được đưa ra cũng chỉ ở tầm vài trăm ngàn lít, chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu tiêu dùng hàng ngày trong nước.

Như vậy chỉ với việc không quản được vài trăm ngàn lít xăng, dầu xuất lậu qua khu vực biên giới Tây Nam, giá bán lẻ xăng dầu trong nước đã được bộ chủ quản cho phép tăng lên ngang bằng các nước láng giềng để ngăn chặn nạn xuất lậu dầu qua biên giới.

Phản ứng lại lập luận này, đến nay ông Thành Quang, chủ một DN nhập khẩu xe hơi tại TP HCM vẫn cho rằng, ở Campuchia, giá bán các loại ôtô, xe máy chỉ bằng 1/3 giá bán tại thị trường nội địa. Phương tiện giao thông cá nhân rẻ, họ đánh nhiều loại thuế, phí vào giá xăng làm cho giá mặt hàng này cao hơn ở ta cũng chẳng có gì là lạ nên không thể so sánh như vậy được.  

Cùng là loại nhiên liệu phát thải, nhưng do chủ yếu sử dụng để sản xuất, sẽ tác động ngay đến giá cả hàng hóa, dịch vụ… nên mặt hàng dầu thời gian gần đây được giữ giá bán khá ổn định. Chỉ có xăng, mặt hàng chỉ gián tiếp gây áp lực tăng giá nhưng trực tiếp đánh vào chi phí hàng ngày của người sử dụng phương tiện giao thông là phải chịu mức tăng giá.

Giá xăng tăng, nhưng vì nhu cầu đi lại, người dân vẫn phải chen chân tại các cây xăng.

Mục đích chính của việc phải tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng RON 92 lên cao như vậy được lý giải là để bù đắp vào khoản thuế nhập khẩu xăng đã giảm 15%. Song tính ra mức tăng thuế bảo vệ môi trường với mỗi lít xăng vẫn cao hơn mức giảm thuế.

Chẳng hạn, nếu tính thuế nhập khẩu theo giá mua tại Singapore, thì mức giảm 15% chỉ có 1.650 đồng/lít. Còn tính kiểu thuế chồng thuế, phí chồng phí như giá bán lẻ hiện nay, 15% thuế của 1 lít xăng có giá khoảng 1.800 đồng trước khi được cộng thêm 2.000 đồng thuế bảo vệ môi trường cũng chỉ là con số 2.800 đồng/lít. Tuy nhiên, sau hai lần tăng, giá bán lẻ xăng RON 92 đã bị đẩy cao thêm tổng cộng 3.150 đồng/lít.

Trong lần tăng giá gần đây nhất, tại văn bản của Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương phát hành ngày 20/5 vừa qua gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cũng nêu rõ: Giá cơ sở kỳ trước liền kề phục vụ điều hành giá vào ngày 5/5 của mặt hàng xăng RON 92 là 20.673 đồng/lít; giá cơ sở của kỳ công bố là 21.490 đồng/lít, như vậy mức chênh lệch cũng chỉ có 817 đồng/lít, tương đương với mức tăng 4% với mặt hàng này. Thì giá xăng vẫn cứ phải cõng thêm mức tăng đến 1.200 đồng/lít.

Thuế chồng thuế, phí cõng phí

Thông tin được Petrolimex - đầu mối xăng dầu lớn, cung cấp sỉ lẻ hơn nửa lượng xăng dầu tiêu thụ của cả nước đưa ra trước đợt tăng giá xăng vào ngày 20/5 vừa qua cho thấy: Mức tồn Quỹ bình ổn giá đã được trích ra, còn nằm tại tài khoản của DN này ngày 5/5 là 1.790 tỉ đồng; ngày 20/5 lượng tiền quỹ bình ổn giá cũng còn tới hơn 1.414 tỉ đồng. Như vậy hầu như lúc nào cũng có vài ngàn tỉ đồng Quỹ bình ổn giá xăng dầu được nằm lại tài khoản của DN.

Về mặt quản lý Nhà nước, đã gọi là tiền quỹ mà để doanh nghiệp tự trích, tự giữ và tự chi là không ổn. Còn nói theo một cán bộ ngân hàng thương mại tại TP HCM, chỉ cần đem số tiền này bỏ vào ngân hàng, DN cũng kiếm được không ít tiền lãi. Cộng lại từ khi lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến nay, tiền lãi phát sinh từ khoản quỹ hàng nghìn tỉ này là một con số không hề nhỏ.

Một thực trạng khác, dù giá xăng nhập từ nước ngoài chỉ vừa tăng nhẹ, giá xăng trong nước đã được phép tăng suốt thời gian qua. Nhưng DN đầu mối nhập khẩu cũng không ngừng than lỗ trong quá trình kinh doanh mặt hàng này.

Ngay cả với đầu mối lớn như Petrolimex, dù đã mở công ty con ngay tại Singapore từ nhiều năm qua, tức có thể đặt bút ký ngay hợp đồng với đối tác khi giá xăng vừa giảm thấp nhất hoặc thời điểm giá xăng mới vừa kịp nhích lên cũng không nằm ngoài điệp khúc than vãn thua lỗ với nhiều mẻ xăng nhập về bán.

Đó là còn chưa kể đến thực trạng được bảo hộ khi cứ bán ra mỗi lít xăng, các đầu mối nhập khẩu hoặc đại lý cầm chắc vài trăm đồng từ khoản lợi nhuận định mức hoặc hoa hồng đại lý đã được cho phép tính vào giá bán.

Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, ông Thái Văn Chung cho biết, từ lâu Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị về cách tính thuế, phí vô lý đối với xăng, dầu.

Cụ thể, việc tính giá cơ sở của xăng, dầu nhập khẩu còn theo kiểu "thuế, phí chồng thuế, phí", đè nặng lên vai người tiêu dùng và đẩy giá xăng tăng cao hơn. Từ giá mua bán ở nước ngoài, xăng sẽ được cộng thêm chi phí bảo hiểm, vận chuyển từ cảng nước ngoài về chừng vài USD/thùng để thành mức giá tính thuế nhập khẩu. Rồi cho dồn cộng thêm thuế nhập khẩu vào giá thành xăng nhập về để ra mức giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt.

Sau khi đã cộng các loại thuế, phí trên, đem cộng tiếp với khoản thuế bảo vệ môi trường và các loại phí như chi phí lợi nhuận định mức; chi phí hoa hồng đại lý và mức trích quỹ bình ổn. Lúc giá xăng đã kịp đội lên cao, chỉ còn kém giá bán lẻ chừng 1.000 - 2.000 đồng/lít mới là cái giá để cơ quan quản lý đem ra tính thuế VAT.

Hệ lụy từ cách tính kiểu trên trời này, người tiêu dùng sẽ là người cuối cùng phải gánh chịu. Trong khi đó, theo Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP HCM, đáng lẽ ra thuế nhập khẩu phải được tính theo giá mua trên hợp đồng do đầu mối nhập khẩu trong nước ký với đối tác nước ngoài; các loại thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường phải được tính theo giá nhập khẩu về đến cảng trong nước và các khoản chi phí khác đều không thể bắt người mua xăng chịu thuế do đã được đầu mối nhập khẩu tính vào chi phí kinh doanh.

Với công thức tính giá cơ sở theo kiểu "thuế, phí mẹ đẻ thuế, phí con" này, giá xăng, dầu đã phải gánh thêm ở mức vài phần trăm, đẩy giá bán lẻ cao thêm cả ngàn đồng/lít.

Thực trạng trên đã nói lên rằng, cách áp giá cơ sở với mặt hàng này xem ra đã có vấn đề. Nhưng mức tăng giá xăng luôn cao hơn so với những luận điểm để các bộ chủ quản đưa ra biện minh đã chứng tỏ những lần quyết định tăng giá xăng không hề đứng về phía người tiêu dùng.

Tăng giá xăng, giá cả dịch vụ hàng hóa bị ảnh hưởng trực tiếp chắc chắn sẽ tăng theo. Túi tiền eo hẹp hàng ngày của người dân sẽ phải chi phí thêm cho khoản tăng giá từ tiền đổ xăng. Đây cũng chính là điều hết sức nghịch lý, đi ngược lại mục đích nỗ lực bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội của cả nước. Trong đó chỉ riêng TP HCM đã có đến 11.000 tỉ đồng phục vụ bán hàng bình ổn thị trường trong năm nay.

Thái Bảo
.
.