Nghịch lý của thị trường lao động Việt Nam

Thứ Sáu, 17/07/2009, 09:10
Việt Nam vẫn đang và sẽ còn nhu cầu đối với lực lượng nhân sự chất lượng cao và thạo nghề và thực sự là nguồn cung trong nước vẫn chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu đó. Tuyển dụng cho các vị trí như giám đốc tài chính, giám đốc hành chính, tổng giám đốc hoặc những luật sư đẳng cấp quốc tế, các chuyên gia về tiếp thị... vẫn luôn là những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp.

Lao động trẻ nhưng trình độ kém

Cuối tháng 6, Phòng Thương mại -  Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổ chức lao động quốc tế  (ILO) vừa công bố "Báo cáo kết quả khảo sát việc làm thanh niên ở Việt Nam", trong đó đưa ra những đánh giá rất đáng quan tâm.

Theo chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam 2010, thách thức lớn nhất đối với thanh niên ngày nay là việc làm. Hàng triệu thanh niên ở thành thị thiếu việc làm, thanh niên nông thôn có việc làm chỉ chiếm ít hơn 75% quỹ thời gian trong năm. Chỉ có gần 15% lao động trẻ được đào tạo và hầu như rất ít người có tay nghề cao.

Vì vậy VCCI và ILO đã tổ chức khảo sát tại Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ, các doanh nghiệp thành viên VCCI và Câu lạc bộ các nhà quản lý nhân sự. Các doanh nghiệp được hỏi thuộc 5 ngành nghề chính là in ấn, chế biến xuất khẩu thủy sản, điện tử, dệt may và du lịch. Kết quả khảo sát cho thấy 3,5% lực lượng lao động nằm trong độ tuổi 16-18 và 39% trong độ tuổi 19-25, nghĩa là một bộ phận lớn lực lượng lao động Việt Nam là lao động trẻ.

Tuy nhiên, báo cáo của VCCI cũng cho thấy có tới 50% số doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, họ tin vào những kỹ năng mà họ đào tạo cho lao động sau khi được nhận hơn là những kỹ năng mà lao động được đào tạo sẵn qua các cơ sở đào tạo.

Sở dĩ người sử dụng lao động dựa nhiều vào đào tạo sau tuyển dụng chủ yếu là vì tự đào tạo sẽ đảm bảo lao động có những kỹ năng mà doanh nghiệp cần. Phần lớn những người sử dụng lao động không đánh giá cao các kỹ năng được dạy và cấp bằng trong hệ thống giáo dục đào tạo công lập và các cơ sở đào tạo trong nước.

Các doanh nghiệp thường tuyển dụng lao động trẻ cho các vị trí ở cấp trung bình như vị trí thư ký hoặc các công việc yêu cầu bậc nghề từ thấp đến trung bình, rất ít doanh nghiệp thuê lao động trẻ vào vị trí quản lý. Hơn một nửa số doanh nghiệp cho biết, họ không được đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng của cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân kỹ thuật bậc cao.

Điều này cho thấy thiếu hụt trầm trọng lao động có trình độ cao trong thị trường lao động hiện nay, trong đó thiếu hụt trầm trọng nhất là trong lĩnh vực công nghiệp khi 67% doanh nghiệp công nghiệp cho rằng họ không được đáp ứng nhu cầu về cán bộ quản lý, 68% cho rằng họ không được đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng của cán bộ kỹ thuật. Trong khi đó, trong lĩnh vực dịch vụ tỉ lệ này chỉ có 52% và 51%.

Không chỉ thiếu hụt lao động bậc cao, nhiều doanh nghiệp cũng báo cáo rằng họ không được đáp ứng nhu cầu đối với công nhân kỹ thuật bậc thấp, nhân viên văn phòng, bán hàng và lao động chân tay.

Mặc dù nhiều doanh nghiệp cho rằng nhu cầu về lao động này thấp hơn nhu cầu về lao động trình độ cao nhưng cuộc khảo sát này cũng cho thấy thiếu hụt không chỉ về lao động trình độ cao mà cả mọi trình độ kỹ năng khác. Các doanh nghiệp tham gia khảo sát đều cho biết hiện tại họ gặp khó khăn về cán bộ kỹ thuật và quản lý cấp cao và dự đoán tình hình vẫn khó khăn trong vòng 5 năm tới.

DN trong nước sẽ "lấp chỗ trống" bằng lao động nước ngoài

Là người có kinh nghiệm lâu năm trong việc tuyển chọn nhân sự cho các công ty, tập đoàn trong và ngoài nước, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc bộ phận tuyển dụng nhân sự cao cấp, khu vực phía Bắc của Navigos Group, một doanh nghiệp chuyên về tuyển dụng, cho biết thực tế hiện đang có một xu hướng gia tăng số người nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam.

Bởi lẽ Việt Nam luôn là một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển cao trong khu vực. Với những cải cách về pháp lý và môi trường đầu tư, Việt Nam đang thu hút một khối lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Vì vậy dẫn tới sự gia tăng nhu cầu tuyển dụng người lao động có trình độ và chất lượng cao.

Trong khi đó, thị trường lao động trong nước không thể đáp ứng kịp nhu cầu này cả về số lượng lẫn chất lượng. Khoảng trống này là cơ hội tốt đối với Việt kiều cũng như người nước ngoài, đặc biệt là ở những lĩnh vực mà người Việt Nam chưa thể đảm đương được.

Việt Nam vẫn đang và sẽ còn nhu cầu đối với lực lượng nhân sự chất lượng cao và thạo nghề và thực sự là nguồn cung trong nước vẫn chưa thể đáp ứng được hết nhu cầu đó. Tuyển dụng cho các vị trí như giám đốc tài chính, giám đốc hành chính, tổng giám đốc hoặc những luật sư đẳng cấp quốc tế, các chuyên gia về tiếp thị... vẫn luôn là những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp.

Theo bà Vân Anh, Việt Nam thiên về đào tạo những người giỏi chuyên môn hơn là những người có kiến thức và kỹ năng tổng hợp để có thể làm lãnh đạo; vì vậy rất khó tuyển chọn người cho những vị trí cao cấp.

Trên thực tế, tuyển chọn một ứng viên cao cấp có trình độ chuyên môn giỏi và nổi bật không quá khó; nhưng tìm được một ứng viên có các kiến thức và kỹ năng tổng quát khác mà đặc biệt là tài chính và marketing, vốn cần thiết đối với một người không dễ chút nào. Nhân lực Việt Nam vẫn còn hạn chế về kỹ năng và kinh nghiệm so với nguồn nhân lực cùng cấp độ ở các nước trong khu vực Đông Nam Á.

"Vì vậy, tuyển một giám đốc tài chính (CFO) thường là dễ hơn so với việc tìm và tuyển một Tổng giám đốc (CEO) hay một giám đốc điều hành (COO) - vốn đòi hỏi kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực".

Ghi nhận từ thực tế thị trường lao động, bà Vân Anh cho rằng các công ty Việt Nam hiện có nhiều lựa chọn hơn và họ có thể tiếp cận lực lượng nhân sự là Việt kiều hoặc người nước ngoài. "Các công ty Việt Nam sẽ tuyển Việt kiều và người nước ngoài là những chuyên gia thực sự giỏi vào các vị trí quản lý cao cấp hoặc những vị trí đòi hỏi phải có một số kỹ năng riêng biệt mà lao động trong nước chưa có".

Vì vậy, trong rất nhiều đề xuất được đưa ra, VCCI và ILO đều cho rằng cần chú trọng hơn nữa vào việc kết nối cung cầu giữa hệ thống giáo dục và đào tạo nghề và người sử dụng lao động

Nguyễn Thiêm
.
.