Bao cấp chương trình, vở diễn ra Nhà hát Lớn Hà Nội:

Nghịch lý dòng thời đại?

Thứ Ba, 30/08/2016, 09:10
Từ ngày 30-8 đến 25-12 sẽ có 17 chương trình, vở diễn được đánh giá là có chất lượng cao sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch bao cấp kinh phí để đưa ra biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây được cho là một trong những nỗ lực của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm tạo "cú hích" cho sự phát triển của văn hóa nghệ thuật và được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng và đưa các chương trình nghệ thuật có giá trị tiếp cận khán giả.

Tuy nhiên, trong thời điểm dư luận xã hội đang bất bình trước không ít các đơn vị công lập thiếu tự chủ trong hoạt động dẫn đến yếu kém về nhiều mặt thì chủ trương bao cấp cho các đơn vị nghệ thuật đưa tác phẩm ra Nhà hát Lớn Hà Nội lại trở thành câu chuyện gây nhiều tranh cãi.

Kích cầu… nghệ thuật?

Do Cục Nghệ thuật biểu diễn, Ban quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, việc đưa các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu có chất lượng cao biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội giống như một dự án "dài hơi" trong nhiều năm. 17 chương trình, vở diễn được lựa chọn hỗ trợ chỉ là giai đoạn đầu.

"Ai là thủ phạm" - một trong số các vở diễn được lựa chọn đưa ra biểu diễn phục vụ khán giả tại Nhà hát Lớn Hà Nội trong đợt đầu.

Theo các thành viên trong ban tổ chức, đây là hoạt động cần thiết nhằm giới thiệu các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu tiêu biểu, có chất lượng nghệ thuật trực thuộc Bộ để phục vụ khán giả yêu nghệ thuật trong nước và du khách quốc tế; đồng thời tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất để các nghệ sĩ thể hiện tài năng, sức sáng tạo nghệ thuật, cống hiến nhiều hơn nữa cho khán giả trong không gian văn hóa sang trọng nhất của Thủ đô.

Thực tế, nếu tại TP Hồ Chí Minh, Nhà hát thành phố là mục tiêu lựa chọn của các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong và ngoài lĩnh vực văn hóa nghệ thuật mỗi khi có chương trình, sự kiện đặc biệt thì tại Hà Nội là Nhà hát Lớn Hà Nội. Cho thuê địa điểm là một trong những nguồn thu quan trọng cho các nhà hát này.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu đưa Nhà hát Lớn Hà Nội trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa tiêu biểu cho khán giả thường xuyên đến thưởng thức các chương trình có chất lượng cao kết hợp với tham quan di tích lịch sử cấp quốc gia đã có hơn 100 năm tuổi này, cơ quan chủ quản của Nhà hát Lớn Hà Nội còn tuyên bố sẽ không cho Nhà hát cho các đơn vị thuê địa điểm tổ chức các chương trình có chất lượng nghệ thuật không đạt yêu cầu.

Mức chi phí cho thuê địa điểm cũng giảm xuống. Nếu thông thường, mức phí có thể là 40 triệu đến 45 triệu đồng/ 1 đêm thì riêng với các chương trình này, Nhà hát phải phục vụ với mức phí chỉ còn gần một nửa. Trong khi đó, các đơn vị có chương trình, tác phẩm sân khấu được lựa chọn đưa ra biểu diễn tại Nhà hát sẽ được Bộ lo toàn bộ chi phí.

Khâu truyền thông, quảng bá, bán vé chương trình cũng được giao hết cho Nhà hát Lớn Hà Nội. Tất nhiên, chủ trương này được sự ủng hộ nhiệt liệt của hầu hết các đơn vị nghệ thuật sân khấu công lập vốn đang gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm nguồn khán giả cũng như doanh thu từ bán vé.

Đại diện Ban Tổ chức, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, ông Nguyễn Đăng Chương cũng cho biết, cơ hội đưa vở diễn, chương trình có chất lượng cao ra biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội theo cách thức nói trên dành cho tất cả các đoàn, đơn vị nghệ thuật trong cả nước, bất kể đơn vị công lập hay xã hội hóa. Riêng hệ thống công lập, hiện nay có khoảng 130 đơn vị. Vì vậy, nguồn cung cấp chương trình, vở diễn khá dồi dào.

Cũng phải nói thêm, nguồn kinh phí để hỗ trợ các đơn vị đưa chương trình, vở diễn được lựa chọn hỗ trợ không phải từ nguồn kinh phí của Nhà nước mà do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vận động tài trợ từ các doanh nghiệp, đơn vị làm kinh tế. Nhưng với cơ chế bao cấp hoàn toàn thì những băn khoăn, nghi ngại về việc khó duy trì hoạt động hỗ trợ nói trên một cách lâu dài không hẳn là không có cơ sở.

Nghệ thuật không thể bao cấp

Nghệ sĩ ưu tú Chí Trung, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam chia sẻ: "Việc các chương trình nghệ thuật có giá trị phải được đặt đúng chỗ là rất tốt nhưng nếu hoạt động theo kiểu bao cấp thì sẽ không bền vì với sân khấu, khán giả bỏ tiền mua vé mới là yếu tố quyết định sự tồn tại đích thực của nghệ thuật.

NSƯT Chí Trung: Khán giả bỏ tiền mua vé là yếu tố quyết định.

Nếu chúng ta bỏ kinh phí trả tiền rạp, trả diễn viên rồi mời vung lên cũng không hay. Giống như chúng ta đi ăn sáng, nếu nhận lời mời của người bạn đi ăn một món ăn không thích hoặc có thể thích nhưng không thể bằng mình tự bỏ tiền đi ăn. Đi xem cũng giống như là đi ăn. Đi xem là “đi ăn” vào một giá trị tinh thần. Nếu phải bỏ tiền ra, mình sẽ  thưởng thức từng chút, từ sợi hành, sợi phở để thỏa mãn đồng tiền bỏ ra. Nếu không tương xứng, chúng ta sẽ rất bực mình.

Ngay khi lên họp với 12 đơn vị về việc đưa các chương trình, vở diễn ra Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi cũng nói rằng việc chúng ta được bao cấp trả tiền rạp và nhiều thứ khác không sai. Ít nhất là trong thời điểm đầu này thì cần thiết vì nó nhóm lên ngọn lửa cho sân khấu. Tuy nhiên, yếu tố quyết định đời sống sân khấu không thể thiếu khán giả. Bản thân tôi là đạo diễn, nếu đến với khán giả một cách ép buộc thì cũng không sung sướng gì.

Nếu khán giả xem bằng vé mời, chỉ có khoảng 30% đi xem vì thích, 70% đi xem chỉ vì được mời mà đi. Khi bạn đã trung tính về nhu cầu trong thưởng thức ẩm thực văn hóa thì bạn sẽ khó tìm được nhu cầu đích thực, mà chúng ta cần tìm được nhu cầu đích thực. Nhà hát Lớn phải tìm được nhu cầu đích thực ấy. Nếu công tác truyền thông không tốt, những chương trình, vở diễn không tốt, thái độ phục vụ của diễn viên không tốt thì khán giả sẽ không ăn được những món ăn tinh thần đích thực ở một nhà hát đích thực và đẳng cấp".

Chỉ sợ… không công bằng?

Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc sân khấu kịch IDECAF, TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng "Việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động nghệ thuật biểu diễn đưa các tác phẩm, chương trình có chất lượng cao đến diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội là chủ trương rất hay. Chúng tôi ủng hộ tối đa vì điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo đối với hoạt động còn nhiều khó khăn của các đơn vị nghệ thuật hiện nay. Các chương trình, tác phẩm được chọn đưa ra Nhà hát Lớn Hà Nội trong đợt đầu có thể coi là bước khởi đầu tốt lành.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là các đơn vị công lập. Trong các đợt sắp tới, mong rằng đối tượng được hỗ trợ sẽ mở rộng hơn. Các đơn vị sân khấu xã hội hóa phía Nam cũng có rất nhiều vở hay, có đối tượng khán giả của mình. Riêng IDECAF, trước đây cũng có một số công ty, đơn vị mời ra biểu diễn ở phía Bắc. Chỉ có điều kinh phí để cho vài chục con người cùng các đạo cụ sân khấu từ Nam ra Bắc là rất lớn nên đơn vị chưa dám nhận lời.

Với các vở diễn có chất lượng cao của IDECAF nói riêng, các đơn vị sân khấu phía Nam nói chung, nếu Bộ không hỗ trợ 100% kinh phí thì có thể hỗ trợ một phần hoạt động lưu diễn của các đơn vị xã hội hóa có tác phẩm, chương trình đạt chất lượng cao. Cũng không nhất thiết phải là Nhà hát Lớn Hà Nội mà là các điểm diễn có dân cư đông nhưng điều kiện kinh tế có hạn. Việc hỗ trợ kinh phí sẽ giúp đơn vị tổ chức giữ được giá vé thấp hơn, phù hợp với mức sống của người dân các vùng và tác phẩm đến với đông đảo công chúng hơn.

Trở lại với việc đưa các chương trình, vở diễn có chất lượng cao ra Nhà hát Lớn Hà Nội, tôi  nghĩ cũng cần phải tính toán thật kỹ mới mong duy trì được lâu dài. Vì theo tôi được biết, hầu hết các đơn vị hoạt động sân khấu ở Hà Nội đều có rạp riêng, thậm chí là rất khang trang nhưng bán vé không được. Trong đó, có những rạp nằm cách Nhà hát Lớn Hà Nội không xa. Vì vậy, việc tổ chức bán vé cho các chương trình, tác phẩm biểu diễn tại Hà Nội chắc chắn sẽ khó khăn. Đơn vị làm công tác tổ chức bán vé phải có kế hoạch như thế nào đó mới mong chuyển hóa được tình thế".

Dù thế nào, khán giả vẫn là người chi tiền…

Cũng cho rằng chủ trương nói trên của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rất hay nhưng NSND Hồng Vân, Giám đốc Công ty cổ phần sân khấu, điện ảnh Vân Tuấn lại cho biết chị không hào hứng với những hoạt động theo cách thức nói trên.

NSND Hồng Vân: Không phải cứ sáng đèn đã là sân khấu.

Nữ nghệ sĩ khẳng định: "Xưa nay, sân khấu có đời sống thực sự là khi có đối tượng thụ hưởng - khán giả thực sự, những người chấp nhận bỏ tiền ra để mua vé vào rạp. Đơn vị sân khấu xã hội hóa duy trì được hoạt động là nhờ khán giả, phải tìm tòi cách làm để thu hút khán giả đến rạp phải đáp ứng những tiêu chí nhất định mới bán vé được.

Vấn đề là nếu áp các tiêu chí đánh giá vở diễn, chương trình có chất lượng cao để được lựa chọn của ban tổ chức xét duyệt đưa ra Nhà hát Lớn Hà Nội lại không phù hợp. Vì vậy, cơ hội được hỗ trợ đưa tác phẩm diễn phục vụ ở nhà hát này với đơn vị sân khấu xã hội hóa là rất xa vời.

Có một nghịch lý khác nữa là các đơn vị sân khấu công lập ngoài Hà Nội đều có sân khấu riêng của mình. Được bao cấp ra Nhà hát Lớn Hà Nội nữa thì nghe có vẻ hơi "mắc cười". Việc hỗ trợ cho các đơn vị hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong điều kiện hiện nay còn khó khăn là cần thiết nhưng bao cấp hoàn toàn, nếu không cẩn thận sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng mình làm để tự xem với nhau. Đưa chương trình, vở diễn ra Nhà hát Lớn Hà Nội cũng cần phải xác định chính xác đối tượng thụ hưởng là ai để có cách tiếp cận phù hợp. Không phải cứ sân khấu sáng đèn là có đời sống thực sự". 

Minh Hải
.
.