Nghiên cứu liệu pháp thay máu để chống lão hóa

Thứ Tư, 11/06/2014, 06:20

Các nhà nghiên cứu ở Mỹ đang tiến gần đến một liệu pháp có thể làm đảo ngược các tiến trình lão hóa có hại nơi não bộ, các cơ bắp, tim và các cơ quan nội tạng khác. Tất cả 3 báo cáo khoa học mới nhất của Đại học California và 2 nghiên cứu sau của nhóm nhà khoa học Đại học Harvard - được công bố cho thấy các thí nghiệm tiến hành trên chuột chứng tỏ hiệu quả "trẻ hóa" của các hóa chất có tự nhiên trong máu của chuột non.

Mặc dù hiện nay chỉ mới thí nghiệm trên chuột, song các nhà khoa học hy vọng liệu pháp "trẻ hóa" tương tự có thể hiệu quả ở người. Trong 3 hay 5 năm nữa, các thí nghiệm lâm sàng trên người có thể sẽ được tiến hành.

Lão hóa là một trong những yếu tố dẫn đến một số bệnh chết người như ung thư và bệnh tim cho đến đái tháo đường và chứng mất trí nhớ (Alzheimer) do tế bào não suy thoái. Khi dân số thế giới ngày càng già hơn, tỷ lệ những người mắc các bệnh như thế cũng tăng theo. Do đó, một liệu pháp giúp làm chậm lại hoặc thậm chí làm đảo ngược sự tổn hại đến cơ thể do lão hóa được các nhà nghiên cứu bắt đầu với kỹ thuật parabiosis (tình trạng 2 cá thể sống chung với nhau và có cùng chung một hệ tuần hoàn) - Họ, khâu phần sườn của 2 con chuột lại với nhau để cho các mạch máu cùng phát triển và cuối cùng có chung hệ tuần hoàn.

Qua cuộc thí nghiệm, Saul Villeda nhận thấy máu của chuột non 3 tháng tuổi giúp làm đảo ngược những thay đổi liên quan đến tuổi già ở não chuột 18 tháng tuổi (tương đương người 70 tuổi).

Theo báo cáo đăng trên tờ Nature Medicine, chuột già được tiêm huyết tương - tức máu không có các tế bào máu - của chuột non sẽ xuất hiện những kết nối thần kinh mạnh hơn trong vùng não gọi là đồi hải mã (hippocampus), nghĩa là các tế bào não có khả năng giao tiếp với nhau một cách hiệu quả hơn - một tác động được đánh giá là hết sức ấn tượng! Cụ thể là chuột 18 tháng tuổi sẽ tìm được đường đi trong một mê cung như chuột 6 tháng tuổi và có phản ứng với môi trường đe dọa xung quanh như chuột 3 tháng tuổi.

Saul Villeda cho biết có yếu tố gì đó trong máu chuột non có khả năng làm phục hồi những hư tổn nơi não chuột già, nhưng nhà khoa học nay cũng thừa nhận "chuột không phải là người". Đồng thời, Villeda nhấn mạnh cảnh báo với mọi người rằng "Đừng cố làm điều này tại nhà" vì hiện tại vẫn chưa có thử nghiệm lâm sàng chính thức nơi người.

Villeda nói với phóng viên tờ Guardian: "Chúng ta cần có một cuộc thử nghiệm lâm sàng để nhận biết xem những hiệu quả ở người như thế nào và liệu chúng có xảy ra đúng như chúng ta mong muốn hay không".

Amy Wagers, tác giả chính của 2 nghiên cứu ở Đại học Harvard.

Theo Saul Villeda, hiệu quả chống lão hóa liên quan đến một protein gọi là Creb hoạt động như một hệ thống kiểm soát trong não bộ. Huyết tương chuột non khiến cho Creb hoạt động mạnh hơn và từ đó tác động đến các gene kích thích các kết nối thần kinh.

Theo các nhà khoa học Đại học Harvard, các hóa chất trong máu chuột non kích thích sự tăng trưởng các mạch máu trong não chuột già dẫn đến sự cải thiện sự tuần hoàn trong cơ quan. Sau khi nhận được máu chuột non, chuột già sẽ có khứu giác nhạy bén hơn, nghĩa là có khả năng phân biệt các mùi như chuột non.

Các tác giả viết trên tờ Science: "Thí nghiệm trên chuột sẽ mở ra các chiến lược liệu pháp để chữa trị những bệnh suy thoái thần kinh do tuổi già". Ngược lại, khi máu chuột già được truyền sang cho chuột non, các nhà nghiên cứu nhận thấy sự giảm bớt đáng kể các tế bào gốc thần kinh trong não của chúng. Ngoài ra, sự truyền máu chuột non cũng làm trẻ hóa mô cơ nơi chuột già, khiến nó trở nên mạnh hơn và dẻo dai hơn.

Các nhà nghiên cứu hy vọng liệu pháp chống lão hóa được thí nghiệm trên chuột sẽ có hiệu quả ở con người.

Nhóm các nhà khoa học Đại học Harvard tiến hành tái hiện lại thí nghiệm chống lão hóa với máu chuột non bằng cách tiêm duy nhất GDF11 - protein trong máu có số lượng giảm dần khi chuột già đi, do đó phục hồi protein này cũng có nghĩa là "trẻ hóa" đối tượng!

Amy Wagers, nhà sinh học tế bào gốc và là nữ tác giả chính của 2 nghiên cứu ở Đại học Harvard, cho biết có lý do chính đáng để nghĩ rằng thí nghiệm tương tự sẽ giúp con người chống lại những bệnh tật tuổi già bởi vì protein ở chuột và người đều giống nhau và cũng có trong máu người. Năm 2013, Amy Wagers từng chứng minh GDF11 làm đảo ngược một số hiệu quả của tuổi già nơi tim chuột. Bà Wagers cũng mong muốn những cuộc thí nghiệm lâm sàng nơi người sẽ được khởi động vào 3 đến 5 năm nữa.

Doug Melton, nhà khoa học tế bào gốc Đại học Harvard, bình luận: "Những cuộc thí nghiệm mang lại nhiều hy vọng cho sức khỏe con người trong tương lai. Từ lâu chúng ta luôn đặt câu hỏi tại sao con người mạnh mẽ hơn và đầu óc minh mẫn hơn khi tuổi còn trẻ. Và, ít nhất nơi động vật, GDF11 là khả năng hấp dẫn giúp phục hồi chức năng cơ và não bộ lão hóa"

An An (tổng hợp)
.
.