Ngôi đình làng thờ đầu “ông Cả Cọp”

Thứ Tư, 13/08/2014, 15:10

Có lẽ đó là ngôi đình làng duy nhất còn lưu giữ chiếc đầu lâu cọp gần như nguyên vẹn suốt 2 thế kỷ. Nhiều giai thoại cho rằng, chiếc đầu lâu cọp linh thiêng đã phò trợ vùng đất ấy sản sinh 2 viên tướng lĩnh, 2 vị giáo chủ tôn giáo và rất nhiều danh nhân…

Giai thoại ly kỳ về “ông Cả Cọp”

Một người dân địa phương đưa chúng tôi vào khuôn viên ngôi đình. Ngôi đình tọa lạc trên phần đất rất rộng. Phía trước ngôi đình, có 2 ngôi miếu tả nghi, hữu nghi. Bên trong ngôi miếu hữu nghi có chữ viết thờ sơn thần, thổ thần. Miếu tả nghi không có dòng chữ nào. Thay vào đó là một bức họa hình con cọp nhe nanh trên vách. Dưới nền hương án, ngoài bát hương còn có một tấm vải điều phủ lên… chiếc đầu lâu cọp.

Sau khi thành kính khấn vái, xin phép "ngài Cả Cọp", người kế tự 5 đời tổ họ Võ thận trọng bê chiếc đầu lâu "ông Cả Cọp" ra ngoài. Chiếc đầu lâu rất to. Từ chiếc đầu lâu có thể hình dung khi còn sống, "ông Cả Cọp" có hình hài to lớn như một con trâu mộng. Người kế tự họ Võ khẳng định, chiếc đầu lâu hiện diện ở ngôi đình này gần 200 năm. Đối với cư dân địa phương bao đời, chiếc đầu lâu cọp là khắc thần linh thiêng của bọn trộm đạo. Rất nhiều giai thoại huyễn hoặc liên quan đến chiếc đầu lâu cọp được nhiều thế hệ lưu truyền cho đến tận ngày nay.

Đình An Hiệp tọa lạc tại rạch Cái Quản, ấp Hòa Thanh, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Rạch Cái Quản là nhánh của con sông Hàm Long. Không ai biết vì sao ngọn rạch ấy có tên là Cái Quản. Có giả thuyết cho rằng, nó có hình vòng cung như cái oản. Giả thuyết khác lại đoán, thuở xưa một vị Cai Cơ tên Quảng kháng Pháp ẩn trú vùng này. Cả hai giả thuyết đều nghi do cách phát âm đã trại tên gọi nguyên gốc, biến thành cách gọi như ngày nay: Cái Quản.

Tư liệu gia phả của họ Võ - 1 trong 5 họ tộc đầu tiên khai khẩn vùng đất này - cho biết, vào thế kỷ XVIII vùng đất An Hiệp vẫn còn là rừng rậm hoang vu, mặc dù Bến Tre thuộc Vĩnh Trấn đã được Vua Gia Long xác định chủ quyền. Đến thời Minh Mạng, Bến Tre thuộc tỉnh Vĩnh Long trong Nam Kỳ Lục Tỉnh.

Triều Vua Tự Đức (năm 1847) có 5 người họ Nguyễn, Võ, Lê, Vương, Đỗ đưa gia quyến xuôi Nam tìm vùng đất mới. Sau nhiều ngày băng rừng vượt sông, 5 gia tộc đến một hòn đảo sông (cù lao) giữa vùng rừng rậm hoang vu, dừng chân lập trại tại một ngọn rạch đặt tên vùng đất mới. Sau này, ngọn rạch được gọi là rạch Cái Quản hợp lưu với cửa sông Hàm Long (do kị húy tên Vua Gia Long nên gọi trại thành Hàm Luông).

Chiếc đầu “ông Cả Cọp”.

Các bậc kỳ lão địa phương đều xác nhận rằng, thuở hoang sơ khai khẩn đó, thỉnh thoảng dân làng trông thấy một con cọp to lớn thoắt ẩn, thoắt hiện. Điều lạ là, cọp rất hiền lành, không hề gây tổn hại cho dân làng. Không những thế cọp còn cứu giúp dân làng mỗi khi gặp tai nạn hoặc hiểm nguy trước những loại thú dữ khác.

Có lần, một người dân vô ý té ngã xuống dòng rạch, đang hoảng loạn dưới dòng nước, bất chợt ông ta vớ phải... lưng con cọp. Sợ quá, ông ta ngất xỉu, khi tỉnh dậy đã thấy nằm trên bờ cạn.

Lần khác, một người dân đang chèo xuồng trên dòng Cái Quản để bắt cá thì bị cá sấu rất to lớn dùng đuôi quẫy. Không chịu nổi cú quẫy đuôi của con cá sấu háu ăn, chiếc xuồng vỡ tan. Nạn nhân chỉ còn biết chờ chết. Bỗng đâu, cọp linh xuất hiện lao mình xuống dòng nước vồ lấy cá sấu. Nạn nhân thoát chết trong gang tấc. Cá sấu lặn mất tăm và từ đó không dám bén bảng đến rạch Cái Quản nữa.

Ngôi đình chỉ có chức phó Cả

Nghĩ đó là cọp thần hộ trì dân làng, đại diện các họ tộc gồm các ông Võ Văn Đặng, Đỗ Kế Ngạn, Lê Văn Sắc và 2 đại diện họ Vương, họ Nguyễn cùng bắt tay xây dựng ngôi đình thờ. Đình xây xong, dân làng bầu một người làm chức Cả để quán xuyến việc làng. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, vị hương cả đổ bệnh thập tử nhất sinh, dân làng phải bầu người khác. Người kế nhiệm lại đổ bệnh. Dân làng lại bầu người khác. Liên tiếp hàng chục ông hương cả cứ thay nhau đổ bệnh. Khi bầu người khác lại hết bệnh.

Điều lạ là, mỗi lần các bô lão họp bàn, dân làng đều trông thấy cọp lảng vảng ngoài sân đình. Các bô lão bèn thử bầu cọp làm hương cả. Người giải quyết việc làng chỉ làm chức phó cả. Từ đó, mọi chuyện trở nên êm thấm. Từ khi được bầu làm "Ông Cả", thỉnh thoảng, cọp bắt heo rừng, nai đem đến "gửi" trước nhà những người nghèo.

Tấm bia đình.

Giai thoại làng còn kể rằng, hàng năm đến lệ cúng kỳ yên vào đêm rằm tháng 6 âm lịch, dân làng đều cúng đầu heo. Bên cạnh đầu heo là tờ sớ. Sáng ra, chiếc đầu heo và tờ sớ biến mất. Đáng kinh ngạc là, tờ sớ mới của lệ cúng năm nay biến mất, thay vào đó là tờ sớ của lệ cúng năm trước.

Đến năm Tự Đức thứ 5 (1852), nhằm khai báo đất khẩn đã thành đất thuộc, xin lập làng an dân, họ Đặng dâng sớ về triều đình. Vua Tự Đức hạ chỉ phong sắc, chuẩn y tên làng là Sơn An. Thần hoàng Bổn cảnh vẫn là "Cả Cọp".

Hiện nay, trước ngôi đình vẫn còn tấm bia ghi: "Nguyễn - Võ - Lê - Vương - Đỗ đến khai hoang lập làng Sơn An, tổng Bảo Hựu. Xây dựng ngôi đình thần năm 1852 (Nhâm Tỵ niên). Sắc chỉ Hoàng đế Tự Đức năm thứ 5. Phong thần ngày 29/12/1852".

Năm 1858, người dân phát hiện "Cả Cọp" chết rũ ở một gốc cổ thụ lớn đoạn giữa rạch Cái Quản. Các bô lão trong làng, nhận thấy vùng đất nơi cọp rũ vượng khí hơn nơi đầu rạch. Đại diện 5 tộc họ cùng nhất trí dời đình về chỗ mới. Cũng có giả thuyết cho rằng, năm 1867, nghe tin Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, người dân làng Sơn An rời bỏ vùng cửa sông rút sâu vào rừng, đồng thời dời ngôi đình theo. Dân làng đã vô tình di dời ngôi đình đến đúng long mạch vượng khí "hàm long" của thế đất.

Tưởng nhớ "Cả Cọp", dân làng đặt chiếc đầu lâu vào ngôi miếu "tả nghi" trước đình tại nơi cọp rũ. Hàng trăm năm nay, nhờ chiếc đầu lâu trấn môn, không kẻ đạo chích nào dám mon men đến các món đồ trong đình.

Thời kháng chiến chống Pháp, lính Pháp đóng đồn sát đình để trấn áp Việt Minh. Dù hung hăng tàn bạo nhưng lính Pháp vẫn không dám đụng chạm đến ngôi đình.

Cổng đình.

Thời kháng chiến chống Mỹ, ông Phạm Văn Răng - Đội trưởng du kích xã An Hiệp - đã "trấn" tại ngôi đình. Ông trở thành nỗi ám ảnh của lính VNCH tại đồn An Hiệp và lực lượng lính Mỹ Sư đoàn 9 đóng tại Châu Thành. Chỉ riêng việc "Cò Răng" (tên thường gọi của ông Răng) đi "săn lính Mỹ" cũng trở thành nhiều câu chuyện ly kỳ đáng bổ sung vào lịch sử kháng chiến anh dũng của dân tộc.

Giai đoạn đó, Mỹ đưa Sư đoàn 9 về đóng tại Châu Thành với lời tuyên bố "đè bẹp và quét sạch Việt Cộng ra khỏi vùng trách nhiệm". Ngoài việc tổ chức hành quân cấp trung đoàn, chúng còn tổ chức nhiều đợt càn quét cấp đại đội vào khu vực xã An Hiệp. Một mình Cò Răng xin "đóng chốt" tại đình chỉ với 1 khẩu súng trường. Mỗi khi nghe tin địch đi càn vào An Hiệp, Cò Răng một mình ôm súng ra đầu làng chặn địch.

Với cách đánh du kích khi ẩn khi hiện, trận đánh nào Cò Răng cũng khiến địch thiệt hại nặng nề. Từ đó, suốt 3 năm liền (1963 - 1966), mỗi khi nhận lệnh đi càn vào vùng An Hiệp, địch chỉ đi đến đầu làng bắn vu vơ cho có tiếng "đánh trận" rồi rút về căn cứ.

Năm 1966, địch cho mật thám lẻn vào An Hiệp ám sát ông. Ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Cư dân địa phương đã đưa ông vào danh sách thần đình.

Vùng đất hàm long khí vượng

Bà Võ T H - hậu duệ đời thứ 5 của họ Võ - cho biết: "Ông bà tôi kể lại rằng, khúc sông này có tên gốc là Hàm Long. Ông bà xưa thường lấy tên địa danh theo phong thủy. Hàm Long có nghĩa là nơi rồng ngự. Vì kị húy tên Vua Gia Long nên ông bà gọi trại ra thành Hàm Luông. Nhờ ngôi đình cất trên đất chứa rồng nên con cháu các đời sau có nhiều người thành đạt".

Đầu thế kỷ XX, làng Sơn An được đổi thành làng An Hiệp và sau này là xã An Hiệp. Làng Sơn An ngày xưa là ấp Hòa Thanh ngày nay. Trước năm 1957, ngôi đình là trung tâm xã An Hiệp. Khi Ngô Đình Diệm gom dân lập ấp chiến lược, khu vực đình trở thành vùng ngoại vi An Hiệp, hoang vắng.

Trưởng tộc đầu tiên của họ Võ là Võ Văn Đặng có người con gái tên Võ Thị Sót kết hôn cùng ông Nguyễn Ngọc Đẩu hạ sinh ra ông Nguyễn Ngọc Tương (năm 1881). Năm 1919, ông Tương thi đậu ngạch tri huyện được triều đình bổ làm chủ quận Châu Thành (Cần Thơ). Sau đó được điều chuyển đi làm chủ quận rất nhiều địa phương. Con đường công danh đang rộng mở, bỗng dưng năm 1930, ông từ quan tu đạo.

Ông trở thành một trong những người đầu tiên khai đạo Cao Đài. Sau này ông trở thành "giáo tông" Cao Đài Ban Chỉnh đạo Bến Tre. Là người yêu nước, ông đã trực tiếp tham gia và giáo huấn tín đồ của mình tích cực tham gia kháng chiến chống Pháp. Ông qua đời năm 1945. Ghi nhận công lao của ông, Nhà nước đã truy tặng ông Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Ông có 3 người con trai thành danh, đó là Nguyễn Ngọc Kỷ, Nguyễn Ngọc Bích và Nguyễn Ngọc Nhựt.

Ông Nguyễn Ngọc Kỷ (1910 - 1978) là kỹ sư ngành giao thông tại Pháp.

Ông Nguyễn Ngọc Bích (1911 - 1966) tốt nghiệp kỹ sư Trường École Polytechnique, nơi chỉ dành riêng cho những sinh viên ưu tú nhất của nước Pháp theo học. Năm 1945, ông Bích trở về nước tham gia kháng chiến và giữ chức vụ Khu bộ phó Khu 9. Bị Pháp bắt năm 1946 và trục xuất về Pháp. Sau khi Hiệp định Geneve được ký kết, ông trở thành giáo sư vật lý tại Pháp.

Ông Nguyễn Ngọc Nhựt (1918 - 1952) tốt nghiệp kỹ sư chế tạo Trường École centrale Paris. Đầu năm 1946, ông gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp. Được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời về nước tham gia kháng chiến, ông tham gia xây dựng xưởng chế tạo vũ khí ở Nam Bộ. Năm 1948, ông làm Ủy viên Ủy ban Hành chính Kháng chiến Nam bộ, phụ trách công tác thương binh và xã hội, trở thành ủy viên trẻ nhất trong ủy ban. Năm 1949, bị quân Pháp bắt, ông kiên cường chịu tra tấn và hy sinh năm 1952, lúc vừa tròn 34 tuổi. Ông được công nhận liệt sĩ và được truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.

Người con trai của tổ họ Võ Văn Đặng là Võ Văn Bình kết hôn với bà Vương Thị Phong hạ sinh ra ông Võ Văn Phẩm (1888 - 1940). Suốt từ năm 1914 đến 1920, ông Phẩm đều được dân làng bầu vào chức hương chủ đình thần. Ông cùng người anh cô cậu là Nguyễn Ngọc Tương tham gia xây dựng tôn giáo Cao Đài.

Sau này, ông Phẩm tách ra lập một chi nhánh Cao Đài khác và trở thành giáo chủ "Hội thánh Cao Đài Chiếu Minh - Tòa thánh Long Châu".

 Rất nhiều hậu duệ khác của 5 dòng họ lập làng An Sơn đều đạt học vị cao, làm việc ở khắp các quốc gia Mỹ, Nhật, Pháp…

Đại tướng Lê Văn Dũng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam  - là rể của làng An Sơn, hiện đang hưu trí tại vùng đất "hàm long vượng khí" này.

Năm 2002, An Hiệp được công nhận là xã văn hóa đầu tiên ở Bến Tre. Ngôi đình xưa vẫn hiện hữu và vẫn là biểu tượng thiêng liêng của cư dân địa phương. Dòng dõi họ Võ vẫn tiếp nối tổ phụ hương khói ngôi đình này

Nông Huyền Sơn
.
.