Ngôi làng bị nguyền rủa

Thứ Bảy, 03/03/2012, 02:15

Tại một vùng phía bắc nước Đức, bên bờ sông Elbe, số ca ung thư cao hơn hẳn so với những nơi khác trong vùng.

Trên bàn trước mặt Ingo Karstens là tấm bản đồ Wilstermarsch, vùng đất bằng phẳng và khô cằn ở bờ bắc sông Elbe. Tại đấy có nhiều xã, trong đó có Wewelsfleth mà Karstens là xã trưởng. Tấm bản đồ chia ra nhiều vùng có màu khác nhau từ xám sẫm đến đỏ sẫm. Xám sẫm tức là tất cả đều bình thường, còn đỏ là có gì đó khác thường. Có một khu vực màu đỏ cam, đó là Wewelsfleth.

Tại Wewelsfleth  người ta nhận thấy số ca ung thư cao gấp rưỡi so với các xã khác. Tại đấy từ năm 1998 đến 2008 có 142 ca mới. Số bình quân của toàn tỉnh Schleswig-Holstein là 95. Các nhà thống kê cho sự chênh lệch đó là "đáng kể".

Wewelsfleth là một ngôi làng với 1.500 dân. Nó có một siêu thị, một đội kèn đồng và ngôi nhà Alfred-Doblin nổi tiếng vì nhà văn Gunter Grass đã từng sống tại đấy nhiều năm. Karstens đến từ một xã khác. Ông sống tại Wewelsfleth từ năm 1967 và làm xã trưởng 14 năm nay. Vợ ông qua đời vì ung thư phổi cách đây 10 năm, lúc ấy bà chỉ 61 tuổi và cũng như chồng, đã biết rất nhiều người bị chết sớm vì ung thư tại Wewelsfleth. Ông đã viết thư cho chính quyền tại Schleswig-Holstein để hỏi xem phải chăng cái chết của vợ là do một nguyên nhân đặc biệt.

Có 3 nhà máy điện hạt nhân ở gần xã. Nhà máy thứ nhất nằm tại Brokdorf cách đấy 4km về phía tây; thông thường gió cũng thổi đến từ phía đó. Nhà máy thứ nhì tại Brunsbuttel xa hơn vài kilômét. Nhà máy thứ ba nằm ở bờ bên kia sông Elbe. Người ta có thể nghĩ rằng với 3 nhà máy điện hạt nhân, câu trả lời đã rõ ràng, nhưng hoàn toàn không phải thế.

Một cuộc nghiên cứu của Đại học Lubeck nhằm tìm kiếm những chỉ dấu đáng kể trong các độ tuổi, giới tính… Người ta ghi nhận được tại Wewelsfleth các chứng ung thư thực quản, dạ dày, phổi và vài dạng khác rồi gợi ra nhiều nguyên nhân khả dĩ: nhà máy hạt nhân Brokdorf, xưởng đóng tàu Wewelsfleth mà ngày trước có thể đã thải ra các hơi sơn độc hại, chất amiante, hóa chất trong nông nghiệp, hoặc là người dân Wewelsfleth hút thuốc nhiều hơn… Tóm lại là cuộc điều tra không làm sáng tỏ được chút gì.

Sau thảm họa Fukushima ở Nhật, chính quyền đã quyết định sẽ loại bỏ năng lượng hạt nhân vì không có gì đảm bảo loại năng lượng này không nguy hiểm. Hai nhà máy điện hạt nhân Brunsbuttel và Stade đã bị đóng cửa, nhưng liệu có nên ngưng hoạt động nhà máy Brokdorf sớm hơn chăng? Có bao nhiêu điều mơ hồ mà một giới chức chính trị phải chịu trách nhiệm? Bao nhiêu điều mơ hồ mà người ta có thể chấp nhận được?

Karstens biết rõ từng câu chuyện về ung thư của mỗi gia đình trong khu phố. Câu hỏi: "Vì sao lại là tôi?" của những bệnh nhân giờ đây đã trở thành "Vì sao lại là chúng tôi?". Căn bệnh dường như không còn là một sự xui xẻo của số phận mà là một sự nguyền rủa.

Cách đây vài ngày, người dân đã đến Kiel, thủ phủ của Schleswig-Holstein, để trình lên một thư thỉnh nguyện. Người ta tiếp họ tại Sở Y tế một cách khó chịu rồi sau đó là im lặng. Người ta có thể nói gì hơn được? Dân chúng muốn có thêm một cuộc nghiên cứu nữa nhưng các chuyên gia cho rằng, 142 ca ung thư là quá ít để có thể đưa ra kết quả xác đáng! Do vậy, người dân phải chấp nhận ý tưởng rằng số lượng đông đảo đó chỉ là ngẫu nhiên và căn bệnh kia chẳng có ý nghĩa gì.

Karstens đã quyết định ở lại Wewelsfleith sau khi vợ mất. Khi đã sống ở đâu người ta không thể bỏ đi dễ dàng như thế. Vài năm sau ông quen với một phụ nữ khác. Đến tháng 12/2009, bà này được chẩn đoán mắc bệnh ung thư!

M.L. (theo Courrier International)
.
.