Ngôi sao quần vợt Mỹ Venus Williams: Vượt qua bệnh tật để chiến thắng

Thứ Ba, 11/09/2018, 06:54
Ngày 31-8-2018 vừa rồi, giải quần vợt Mỹ mở rộng (US Open) lại chứng kiến một trận đấu nội bộ gia đình nữa giữa hai chị em nhà Williams. Trong khi Serena vẫn chưa lấy lại được vóc dáng cũ sau khi sinh thì dường như cô chị Venus, dù mới đây vừa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 38 của mình, vẫn giữ được phong thái như ở tuổi 20.

Dù thua sút cô em khá nhiều trong cuộc đối đầu vừa qua, nhưng ở độ tuổi hiện nay của Venus, người hâm mộ cũng đặc biệt nể phục cô nhờ sự bền bỉ, dẻo dai, cả nghị lực để vượt qua bệnh tật cũng như mọi khắc nghiệt trong tập luyện và thi đấu của một vận động viên quần vợt đỉnh cao…

Thăng tiến nhanh chóng

“Tôi luôn là một người hâm mộ hàng đầu của chị ấy, và tôi còn ủng hộ chị ấy nhiều hơn sau khi biết chị ấy mắc bệnh” – Serena Williams có lần kể về người chị ruột của mình như vậy. Venus – con gái cả của hai ông bà Richard Williams và  Oracene Price, tay vợt cựu số 1 thế giới với 7 danh hiệu Grand Slam – đang mắc một chứng bệnh tự miễn dịch nghiêm trọng. Căn bệnh còn được gọi là hội chứng Sjogren là một dạng rối loạn tự miễn dịch gây ra các hiện tượng khô mắt, khô miệng, chảy máu mũi và mệt mỏi thường xuyên. 

Venus Williams với chiếc đĩa bạc vô địch Wimbledon 2000.

Venus biết đến chứng bệnh của mình từ 7 năm về trước. Để giảm bớt những ảnh hưởng bất lợi của căn bệnh, cô bắt đầu tuân thủ chế độ ăn kiêng ngặt nghèo và sau đó trở thành người ăn chay.

Theo thừa nhận của Venus, cô chưa bao giờ nghĩ đến chuyện phải từ bỏ quần vợt để tập trung chữa bệnh: “Tôi yêu công việc của mình, do vậy tôi chẳng có lý do gì để từ bỏ nó chỉ vì một căn bệnh nhỏ nào đó”. Dù thế nào, Venus cũng chỉ có thể tiếp tục chơi quần vợt vào những thời điểm bệnh tình  thuyên giảm.

Hai chị em nhà Williams được ông bố Richard dẫn dắt đến với quần vợt. Là người cha trong gia đình nghèo khó đông con (ngoài hai chị em, gia đình có 3 người con nữa), ông Richard quyết tâm bằng mọi giá phải tôi luyện hai cô con gái thành những nhà vô địch khi nhận thấy những khoản thu nhập không nhỏ của các tay vợt chuyên nghiệp.

Ban đầu, chính Richard đứng ra huấn luyện cho cô con gái. Dưới bàn tay của ông, hai chị em Williams đã giành thắng lợi gần như toàn bộ tại các giải quần vợt thiếu nhi tại California và Florida.

Dù nhận ra tiềm năng lớn của hai đứa con, nhưng ông Richard vẫn biết cách tạo dựng một cuộc sống cân bằng cho chúng. Hai chị em vẫn có một tuổi thơ bình thường như mọi người: trường học, bạn bè và những buổi dạo chơi ăn kem vào ngày nghỉ.

“Tôi luôn dạy chúng rằng, đằng sau lưng cũng có cả một thế giới” – Richard tâm sự với báo chí. Người cha còn cho biết, ông không bao giờ muốn Venus và Serena cạnh tranh với nhau. Xét về khía cạnh nào đó, ông cũng đã đạt được mong muốn như vậy. 

Venus bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp từ năm 14 tuổi. Ngay trong giải đấu đầu tiên tại Auckland, cô đã vào được đến vòng 2. Năm 17 tuổi, Venus đã có mặt tại vòng đấu chính thức của một giải Grand Slam (giải Pháp mở rộng). Cũng chỉ 3 tháng sau, cô đã có mặt tại trận chung kết của US Open.

Thất bại với tỉ số 0:6, 4:6 trước tay vợt Thụy Sĩ Martina Hingis không khiến cho Venus quá buồn lòng: Hingis khi đó đang là tay vợt số 1 thế giới.

Hai chị em nhà Williams đã giành tổng cộng 144 danh hiệu đánh đôi.

Tay vợt trẻ cần chưa đầy một năm để góp mặt trong hàng ngũ những tay vợt chuyên nghiệp hàng đầu thế giới. Mùa thu năm 1997, Venus đã chiếm vị trí thứ 22 trong bảng xếp hạng của Hiệp hội quần vợt nữ thế giới (WTA). 5 năm sau đó chính là giai đoạn thành công nhất trong sự nghiệp của cô chị nhà Williams với 7 chức vô địch Grand Slam. Cũng trong khoảng thời gian này, Venus cũng giành thêm được 2 huy chương vàng Olympic. Đến tháng 2-2002, cô chính thức trở thành tay vợt số 1 thế giới. 

Khi chưa đầy 23 tuổi, Venus đã giành được hầu hết tất cả những giải thưởng uy tín nhất trong làng quần vợt. Về sau, bộ sưu tập của cô còn được bổ sung thêm 2 huy chương vàng Olympic cùng 9 chức vô địch tại các giải quần vợt quốc tế khác. Cho tới bây giờ, Venus về mặt thành tích chỉ chịu thua những tay vợt huyền thoại như Martina Navratilova, Steffi Graf và tất nhiên là cả cô em Serena.

Chiến thắng không màng tuổi tác

Trong danh sách những nữ vận động viên có thu nhập cao nhất của Forbes, Venus đang chiếm vị trí thứ 6. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ tháng 6-2017 đến 6-2018, cô đã kiếm được 10,2 triệu đôla, phần lớn trong số này là từ quảng cáo. Điều này mới nghe có vẻ lạ lùng khi khác với cô em Serena, Venus không thường xuyên xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. Tuy nhiên về mức độ nổi tiếng của các nữ vận động viên tại Mỹ, Venus (với 81%) suốt nhiều năm luôn chiếm giữ vị trí thứ hai chỉ sau cô em mình.

Chưa kể nữ vận động viên quần vợt là khách mời thường xuyên của nhiều chương trình truyền hình với những chủ đề khác nhau. Cứ mỗi lần bằng lòng xuất hiện trước công chúng, Venus có thể kiếm được không dưới 100 ngàn đôla. 

Mục tiêu gần nhất mà Venus đang nhắm tới là chiếc huy chương vàng Olympic Tokyo cùng với em mình.

Cô chị nhà Williams còn là người tổ chức cho nhiều dự án của riêng mình.  Tháng 6-2018 vừa qua, cựu số 1 thế giới vừa giới thiệu trên Tạp chí thời trang Vogue một sêri bài tập dưới dạng phim có tên “7 bài tập để có thân hình lý tưởng từ một nhà vô địch”. Trong mỗi đoạn phim chỉ kéo dài có vài phút, Venus thể hiện các bài luyện tập hàng ngày của mình trước ống kính. Sêri phim trên đã thu hút được số lượng người xem kỷ lục trên khắp thế giới, trong đó phần lớn tập trung tại Mỹ. 

Tất nhiên, nếu so với các thành tích và thu nhập của cô em Serena, sự nghiệp của Venus có phần khiếm tốn hơn đáng kể. Nếu Venus có 49 danh hiệu WTA và khoảng gần 40 triệu đôla tiền thưởng thì cô em có tới 72 danh hiệu và tổng số tiền thưởng nhiều hơn gấp hơn 2 lần.

Nhưng Serena không thích khi mọi người nhắc về chuyện này: “Tôi luôn cố gắng chơi tốt hơn vì chị ấy. Tôi nghĩ rằng, chị ấy vì một số lý do xác đáng nên đôi khi không thể hiện được tất cả những khả năng của mình. Vào mỗi thời điểm đó, tôi đều tự nhủ rằng, mình không có bất cứ lý do gì để chơi tồi nếu so sánh với chị ấy”.

Venus giờ đây đã bước sang tuổi 38, một độ tuổi chắc chắn không còn phù hợp với thể thao thời hiện đại. Nhưng cô vẫn miệt mài thi đấu, dường như không quan tâm nhiều đến vấn đề này. Hồi cuối những năm 1990, Venus luôn là chủ nhân quen thuộc của những giải thưởng uy tín nhất trong làng quần vợt nữ.

Còn giờ đây, cô đã lâu không góp mặt trong một trận chung kết và tất nhiên là không có chiến thắng (thành tích gần nhất là chiếc huy chương bạc đánh đôi với Rajeev Ram tại Olympic Rio-de-Janeiro năm 2016), cũng như hài lòng với vị trí 16 trong bảng xếp hạng WTA. Có lẽ không có được mấy tay vợt sau hơn 20 năm thi đấu chuyên nghiệp vẫn có thể duy trì vị thế trong top 20 như Venus.

Các giải đấu khác nhau dù liên tục diễn ra, nhưng mục tiêu của Venus vẫn không thay đổi. “Phía trước vẫn là Olympic tại Nhật Bản. Có thể cho là quá lạc quan, nhưng tôi đang hướng tới thời điểm này” – Venus tuyên bố.

Cho đến thời điểm Olympic Tokyo, Venus sẽ chạm ngưỡng tuổi 40 dù đây chưa phải là kỷ lục – tay vợt nữ Nhật Bản Kimiko Datecòn ra sân ở độ tuổi 45. Cũng có thể Venus không nỗ lực trở thành tay vợt nữ lớn tuổi nhất trong lịch sử, nhưng cô sẽ cố gắng kết thúc sự nghiệp bằng một chiến thắng cùng cô em của mình – hai chị em nhà Williams đã cùng nhau chinh phục 3 tấm huy chương vàng Olympic.

Ngay trước trận đối đầu vừa qua tại US Open, hai chị em nhà Wiliams đã phải loại nhau 10 lần trong vòng 10 năm qua, trong đó chỉ có 2 lần Venus giành chiến thắng. Serena nhiều lần thừa nhận: “Tôi ghét phải đối đầu với chị ấy”.

Còn Venus nhận xét: “Chúng tôi luôn làm tất cả cùng nhau, kể cả các chiến thắng”. Quả thật khi đánh cặp đôi với nhau, chị em họ đã giành tổng cộng 144 danh hiệu. Có lẽ đó chưa phải là giới hạn cuối cùng. Khi bên nhau, chị em nhà Williams chỉ tập trung duy nhất một điều – đó là chiến thắng chứ không phải chuyện tuổi tác.

Kim Lai (tổng hợp)
.
.