Người châu Phi đua nhau tẩy trắng da
Người Nam Phi da đen không hài lòng với màu da của họ, và theo cuộc điều tra mới đây của Đại học Cape Town thì 1 trong 3 phụ nữ nước này muốn tẩy trắng da. Nhưng, các bác sĩ cảnh báo sự lạm dụng những hóa chất tẩy trắng có thể dẫn đến những hậu quả nguy hại về mặt sức khỏe.
Nhạc sĩ Nomasonto “Mshoza” Mnisi, hiện có làn da hơi sáng hơn, cho biết làn da mới khiến cô cảm thấy đẹp ra và tự tin hơn trước đây. Mặc dù bị chỉ trích dữ dội từ giới truyền thông địa phương và các trang mạng xã hội, song nữ nhạc sĩ 30 tuổi vẫn thẳng thắn tuyên bố tẩy trắng da là lựa chọn cá nhân và nó không khác hơn việc độn ngực hay nâng mũi. Trong hai năm qua, Mnisi đã trải qua vài ca tẩy trắng, với mỗi ca tiêu tốn hết khoảng 5.000 rand (khoảng 590 USD).
Không giống như nhiều người khác ở Nam Phi, Mnisi sử dụng những sản phẩm hàng hiệu đắt tiền an toàn hơn các loại kem tẩy trắng da được bày bán ngoài chợ đen. Nhưng, các bác sĩ cho biết sản phẩm đắt tiền chưa chắc không tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe người dùng. Những nguy hiểm do sử dụng một số loại kem tẩy trắng da bao gồm các dạng ung thư máu như là bạch cầu, ung thư gan và thận cũng như các bệnh về da nghiêm trọng – theo cảnh báo của bác sĩ và nhà nghiên cứu Lester Davids ở Đại học Cape Town.
Bác sĩ Davids cho biết, có rất ít người Nam Phi và châu Phi nói chung biết chuyện các hóa chất độc hại chứa trong những sản phẩm trôi nổi bán tràn lan ngoài chợ đen. Theo Davids, trong 6 năm qua có sự gia tăng đáng kể những sản phẩm tẩy trắng da tại khắp các chợ địa phương, trong đó một số hợp pháp và một số bất hợp pháp. Các bác sĩ khoa da địa phương, như là Noora Moti-Joosub, cũng ghi nhận ngày càng nhiều trường hợp mắc bệnh về da do sử dụng sản phẩm tẩy da.
Tại nhiều phần của châu Phi, những phụ nữ có làn da sáng hơn được coi là xinh đẹp, sẽ gặt hái nhiều thành công hơn ngoài xã hội cũng như dễ kiếm được tấm chồng xứng đáng hơn. Theo báo cáo tháng 6/2012 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Nigeria chiếm kỷ lục về số người sử dụng các sản phẩm tẩy trắng da chiếm tỷ lệ 77%. Sau đó đến Togo (59%), Nam Phi (35%) và Mali (25%). Chính quyền Nam Phi hiện đã cấm lưu hành các sản phẩm chứa hơn 2% hydroquinone – hoạt chất được sử dụng phổ biến nhất trong thập niên 80 thế kỷ trước. Nhưng, người ta vẫn dễ dàng bắt gặp các loại kem và mỹ phẩm chứa hóa chất này bày bán khắp nơi ở Nam Phi.
Thậm chí một số loại kem còn chứa các steroid độc hại hay lưu huỳnh. Ngoài Nam Phi, mới đây số người sử dụng kem tẩy trắng da tăng lên hàng ngày ở các quốc gia châu Phi khác như là Nigeria và Cộng hòa Dân chủ Congo. Trong một khu chợ nhộn nhịp kẻ bán người mua tại trung tâm Yeoville ở thành phố Johannesburg của Nam Phi, các loại kem tẩy trắng da được bày la liệt khắp các sạp. Khu chợ này giống như một châu Phi thu nhỏ. Nếu chú ý sẽ nhìn thấy những gương mặt trắng một cách bất thường xen lẫn giữa những gương mặt đen bóng! Thậm chí một số người bị bỏng trên má do dùng phải sản phẩm có chứa hóa chất độc hại.
Nhưng, không chỉ có phụ nữ mới ám ảnh với làn da trắng. Thợ cắt tóc người Congo tên là Jackson Marcelle cho biết anh từng sử dụng mũi tiêm đặc biệt để làm trắng da trong 10 năm qua. Mỗi mũi tiêm như thế có hiệu quả kéo dài đến 6 tháng. Maecelle rất ghét màu da đen và anh được mọi người xung quanh gọi là “Michael Jackson của châu Phi”. Marcelle thú thật khi còn nhỏ mẹ anh cũng thường xuyên bôi kem cho anh để có làn da “ít đen hơn”. Marcelle giải thích: “Tôi thích người da trắng. Người da đen trông nguy hiểm. Đó là lý do tôi không thích nước da đen”.
Một sạp bày bán đủ loại mỹ phẩm tẩy trắng da trong khu chợ ở Yeoville, Nam Phi. |
Trước làn sóng đua nhau làm trắng da như thế, chính quyền các quốc gia châu Phi đã có những lệnh cấm chính thức hay tiến hành các chiến dịch thông tin tuyên truyền người dân không nên lạm dụng sản phẩm tẩy trắng da nguy hiểm đến sức khỏe. Một chiến dịch quảng cáo kem tẩy trắng da có kết quả nhanh trong vòng 15 ngày đã làm dấy lên những cuộc tranh cãi dữ dội trên các trang mạng xã hội ở Senegal từ tháng 9/2012.
“Khess Petch” – theo ngôn ngữ thông dụng Wolof ở Senegal có nghĩa là “Trắng hoàn toàn” hay “Sáng hoàn toàn” – được in trên các áp phích với hình ảnh một phụ nữ “trước” và “sau khi” sử dụng kem. Ở Senegal, có gần 2.000 người ký tên trên Internet yêu cầu gỡ bỏ các áp phích quảng cáo này và không bao lâu sau đó một chiến dịch chống lại gọi là “Nuul Kuuk” được triển khai để bảo vệ niềm tự hào da đen.
Sau cuộc luận chiến ồn ào, các báo cáo về nguy cơ cho sức khỏe từ việc sử dụng sản phẩm làm trắng da bắt đầu xuất hiện rộng rãi trên radio và truyền hình ở Senegal. Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu ở thủ đô Dakar của Senegal cho biết, mỗi tuần bệnh viện tiếp nhận trung bình 20 phụ nữ đến điều trị do lạm dụng các sản phẩm tẩy trắng da