Người con gái duy nhất của cố TBT Lê Hồng Phong: “Tôi tự hào là con Việt Minh”

Thứ Sáu, 08/09/2017, 12:16
Bà chưa một lần được biết mặt bố, mẹ mình bằng xương bằng thịt mà chỉ qua lời kể. Lòng nhiệt huyết cách mạng càng lớn dần khi bà cảm nhận được sự thiệt thòi riêng tư ấy chính là do đấng sinh thành ra mình đã hy sinh vì tình yêu thiêng liêng nhất - tình yêu Tổ quốc. 

Bà là Lê Nguyễn Hồng Minh, người con duy nhất của Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902-1942) và Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941), nguyên Ủy viên Xứ ủy Nam bộ, nguyên Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định.

Trong căn nhà nhỏ nằm trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, TP Hồ Chí Minh, trước dịp kỷ niệm 115 ngày sinh và 75 năm ngày mất Cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902-1942), tôi được bà kể câu chuyện cảm động…

Gian nan từ bụng mẹ

Đầu năm 1939, Lê Nguyễn Hồng Minh chào đời. Trò chuyện với tôi, bà Hồng Minh cho biết bà có đọc hồi ký của bà Nguyễn Thị Một, nguyên Chánh Văn phòng Xứ ủy Nam bộ (thân mẫu của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - PV).

Bà Lê Nguyễn Hồng Minh bên bàn thờ cha mẹ - cố Tổng bí thư Lê Hồng Phong và nhà yêu nước Nguyễn Thị Minh Khai.

Theo hồi ký này, nơi đồng chí Minh Khai tá túc hoạt động trước thời điểm sinh ra bà Hồng Minh là một căn nhà nhỏ nằm trong xóm lao động (nay là đường Sư Vạn Hạnh, TP Hồ Chí Minh). Đang mang bầu nhưng bà sống kham khổ như bao cán bộ khác. Mỗi lần công tác về, bà mua một lọn rau muống và một quả trứng rồi dầm với nước chấm cùng ăn; hôm nào sang hơn thì cũng chỉ con cá nhỏ. Anh em rất thương bà nên mỗi khi công tác miệt Hóc Môn, Bà Điểm, thường tìm thêm rau quả mang về tăng cường. Người dân lao động trong xóm thỉnh thoảng ghé cũng cho thêm rau…

Tối mùng 3 Tết 1939, đi công tác về ngủ đến sáng thì đồng chí Minh Khai nói với bà Một mình có triệu chứng chuyển bụng. Đến nhà bảo sanh Hạnh Phúc (trên đường Mắc Ma Hông, nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa), bà được chủ nhà bảo sanh (là cơ sở của ta) bố trí phòng riêng trên gác kín đáo. Khoảng 8 giờ tối mùng 4 Tết, Hồng Minh ra đời.

Sinh con được một tuần, đồng chí Minh Khai được đưa về trong một căn nhà lá trống trước, trống sau. Tã lót chỉ có mấy cái, bà tự tay đan mũ, tất và áo lạnh cho con. Vừa sanh nhưng Minh Khai vẫn duy trì liên lạc, cho ý kiến chỉ đạo với các đồng chí trong Thành ủy. Hơn một tuần sau, có một người đàn ông ghé thăm.

Hồi ký bà Một kể chi tiết này: Để đảm bảo bí mật nhất là đêm đầu không đón được, đêm hôm sau, đồng chí Minh Khai kêu bà Một treo đèn dầu và ra cửa đón theo ám hiệu đằng hắng nếu thấy người đàn ông mặc áo sơ mi trắng, người cao dong dỏng, dùng que diêm đốt thuốc lá gần đó. Theo hồi ký, sau này, bà Một mới biết đó là đồng chí Lê Hồng Phong.

Ở đây được khoảng gần 2 tuần, hai người phụ nữ đùm túm thay đổi chỗ ở do sợ bị lộ. Thấy đứa bé còn đỏ hỏn, người dân thắc mắc thì hai người phụ nữ nói "đưa bé về thăm ngoại". Về nơi ở mới cũng là nhà một cơ sở, trong xóm lao động thưa thớt (đường Frères Louis, nay là đường Nguyễn Trãi), đồng chí Minh Khai nói với bà Một, bà đã cứng cáp hơn, tự giặt giũ được nên chỉ cần năm ba hôm ghé báo cáo tình hình là được.

Bà Một kể đó cũng là những ngày sức khỏe của đồng chí Minh Khai sa sút, nước da xanh nhợt, mắt thâm quầng do có nhiều đêm bà phải thức trắng, phần vì Hồng Minh còn quá nhỏ, phần vì lo cho chồng sau lần ghé thăm con trong chốc lát rồi vội đi không kịp nói lời chia tay. Lần quay trở lại sau đó, bà Một được biết đồng chí Minh Khai đã gởi Hồng Minh nhờ người nuôi 2 hôm rồi. Và bà nghẹn ngào tâm tình với bà Một rằng bà buồn lắm nhưng giữa gia đình và nhiệm vụ cách mạng, thường xuyên phải hoạt động trong vòng bí mật, nguy hiểm nên bà đã quyết định xa… con.

Ở đợ cho người ở đợ

Bà Hồng Minh cho biết bà được nghe kể khi rời khỏi hơi ấm của mẹ, bà được gửi cho gia đình người đồng chí thân thiết của má Minh Khai, đó là vợ chồng ông bà Dương Bạch Mai - Đặng Thị Du. Cũng là những chiến sỹ cách mạng hoạt động bí mật, ba, má nuôi của bà đưa bà đi che giấu khắp nơi, lúc thì ở huyện Sông Cầu - Phú Yên, lúc lên Đà Lạt, khi xuống Phụng Hiệp - Hậu Giang, lúc lại lên Sài Gòn. "Ba, má nuôi chăm sóc tôi chu đáo lắm.

Nhưng tới 8 tuổi thì tôi được gửi cho cô Ba Đào - em ruột ba nuôi, do lúc đó, ba nuôi là ủy viên của Ban Thường trực Quốc hội, thành viên của Phái đoàn Việt Nam đi dự Hội nghị trù bị Đà Lạt, dự Hội nghị Fontainebleau đã bị thực dân Pháp bắt giữ, má nuôi phải bận bịu việc liên lạc các đồng chí để cứu chồng ra. Cô Ba Đào là chủ một trong hai vựa cá nổi tiếng của Sài Gòn lúc bấy giờ, nhà bên đường Mạc Đĩnh Chi bây giờ", bà Minh kể.

Trong thời gian đầu, Hồng Minh đã được đăng ký đi học tại Trường Huỳnh Khương Ninh (nay vẫn còn, tại quận 1). Nhưng mới vô học lớp 3 mấy ngày, bà bị đuổi học do bị phát hiện là con Việt Minh. Bị thất học, mới hơn 10 tuổi, bà đã phải đi làm công, đi ở đợ. Hồng Minh kể, chưa tính những nhà mà bà quay lại lần hai, bà làm công việc "ôsin" cho hàng chục chủ nhà.

Lần cuối cùng là giữ cháu nội của một người… ở đợ cho chủ nhà. "Vợ chồng bà này gốc Nam Định. Do được chủ trả nhiều tiền nên bà này nhờ tôi giữ cháu nội của bả. Bà chủ này thương tôi lắm. Mỗi tháng, bà trả tôi 300 đồng tiền Đông Dương. Nhưng đó cũng là những ngày cuối cùng tôi sống kiếp ở đợ. Còn trước đó là chuỗi ngày cơ cực, long đong", bà Minh nhớ lại.

Bà Minh kể lần bà ở đợ cho một gia đình nhà trong khu lao động gần phía sau chợ Thái Bình, quận 1 bây giờ: "Tôi bị sốt cao, người mệt mỏi và hay rơi vào cảm giác mơ mơ màng màng, mắt nhướng không lên. Chủ nhà không nghĩ rằng tôi bị bệnh nên cho rằng tôi làm biếng, đuổi tôi ra khỏi nhà", bà Minh kể.

Một lần khác, chỉ vì làm trứng ốp la không đúng ý con bà chủ nên Hồng Minh bị buộc phải lội bộ nhiều cây số đi tìm mua trứng khác về làm lại. Lần ở nhà một chủ khá giàu có, nhà có nhiều bàn, ghế chạm trổ cầu kỳ, bà phải lau, quét bụi bặm suốt ngày nhưng vẫn bị mắng xối xả sau mỗi cái vuốt ngón tay kiểm tra trên mặt bàn của bà chủ. Mười đầu ngón tay bà luôn bị móp do bà thường xuyên ngâm tay trong nước, rửa ly tách bằng nước tro bếp.

Nhiều lần bị đòn, hoặc bị bắt làm nhiều việc quá nặng, hoặc do chủ nhà quá khó, vô cớ la mắng, hà hiếp, bà không chịu nổi, xếp bộ quần áo duy nhất rồi tìm cách an toàn nhất rời khỏi nhà. Lủi thủi ra đường, không một đồng dính túi nên nhiều lúc, bà không biết đi đâu, về đâu.

Nhiều lần, bà ngồi vỉa hè, dựa vào bờ tường rồi thiếp đi trong cơn đói, lạnh và mặc cho muỗi đốt. Do sợ bà bỏ việc, chủ nhà thường chỉ trả tiền khi hết tháng. Muốn giữ chân bà nhưng biết bà rất yêu "Việt Minh", có người dọa "sẽ báo mật thám bắt" nếu bà trốn. Nhưng vốn có tính "hơi ngang" từ nhỏ, hễ bị dồn nén không chịu nổi là bà tự giải thoát cho mình…

Tự hào là con Việt Minh

Nhắc lại chuyện vì bà là con Việt Minh nên bị buộc nghỉ học sớm, phải vất vả mưu sinh bằng công việc ở đợ, lại ở đợ cho người… ở đợ, bà Hồng Minh bộc bạch, điều đó không làm bà tủi thân mà ngược lại, chính điều đó càng làm cho bà thêm nghị lực sống và càng quyết tâm đi tìm Việt Minh. "Mình là con của Việt Minh. Vậy khi gặp được Việt Minh thì cũng có nghĩa là gặp được cha mẹ mình rồi", bà kể suy nghĩ của bà trong những ngày cùng cực. 

Bà Lê Nguyễn Hồng Minh luôn tự hào khuôn mặt mình có nhiều nét giống bố như đúc.

Và sau bao lần thất bại, khát khao đi tìm "Việt Minh" của bà cũng được toại nguyện. "Khi còn ở vựa cá, tôi có quen thân với một chị tên Hậu ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Lần lén nghe chị Hậu nói chuyện với một vài người khác, tôi mới biết chị là Việt Minh. Khi đọc báo biết từ ngày 20 đến 28-8-1954, tất cả Việt Minh phải tập kết ra Bắc, thực hiện tinh thần của Hiệp định Genève, tôi chạy gặp chị Hậu bày tỏ nguyện vọng và chị nhận lời.

Vậy là hai ba ngày đường di chuyển, chị Hậu dẫn tôi vào chiến khu để được tập kết. Thế nhưng tới nơi thì chị Hậu được tin "muộn quá", tôi buồn lắm. Khi đó, có mấy cán bộ về nói chuyện với chị Hậu, chị kể lại câu chuyện của tôi và biết chuyện tôi rất muốn được đi, thế là có một bác bảo chị Hậu cứ sắp xếp để sáng hôm sau cho tôi đi, kịp thì tốt, còn không thì dẫn tôi trở lại...", bà kể.

Sáng 19-8-1954, cô bé gần 16 tuổi Lê Nguyễn Hồng Minh được cán bộ dẫn đến khu vực nay là thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; thêm 2 ngày nữa thì đến chiến khu Hàm Tân - Xuyên Mộc. "Đến nơi, các bác hỏi thăm thì biết tôi là con nuôi của ông bà Dương Bạch Mai, con ruột của ba Lê Hồng Phong, mẹ Nguyễn Thị Minh Khai thì thương lắm", bà nhớ lại.

"Từ nhỏ tới lớn, tôi quen đi chân không, chân bị nứt nẻ. Ra vùng đất đỏ, bị cát sỏi làm đau chân, nên được các bác tặng cho đôi dép cao su. Xỏ dép vào chân mang đi mà mừng lắm. Trên đường di chuyển bằng tàu biển ra Bắc, cập bến Sầm Sơn, tôi được các cô các chú kể rất nhiều chuyện về ba má tôi…", bà Hồng Minh kể thêm.

Bà Hồng Minh kể khi ra Hà Nội, bà được gặp Bác Hồ. "Bác Hồ và các chú ở Thủ đô dành nhiều tình cảm; phần vì thương tôi côi cút, một phần vì tình đồng chí, đồng đội với ba má tôi", bà tự hào.

Không bao lâu sau, bà được cho sang Trung Quốc học tập, tiếp đó được sang Liên Xô học đại học ngành cơ khí chế tạo máy. Tuy nhiên, khi ra trường về nước, bà làm công tác nghiên cứu về Đảng. Trước ngày nghỉ hưu, bà công tác ở Ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh - nơi có con đường và nhiều trường học mang tên ba, má của bà... 

Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh ngày 6-9-1902 trong một gia đình nông dân ở làng Đông Thôn, tổng Thông Lạng, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An).

Tháng 3-1934, Ban lãnh đạo của Đảng ở nước ngoài được chính thức thành lập tại Ma Cao (Trung Quốc), có chức năng như BCH TW lâm thời do đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư. Ban lãnh đạo của Đảng đã quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ trong nước tới họp ở Ma Cao để nhận định tình hình, đề ra chủ trương mới và chuẩn bị Đại hội lần thứ I của Đảng. Đang khẩn trương chuẩn bị Đại hội, đồng chí Lê Hồng Phong nhận được giấy mời tham dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản nên việc chuẩn bị Đại hội Đảng được giao lại cho các đồng chí Hà Huy Tập, Phùng Chí Kiên...

Tại Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản (họp từ 25-7 đến 21-8-1935), đồng chí Lê Hồng Phong đọc bản tham luận quan trọng về phong trào cách mạng Đông Dương. Cũng tại Đại hội này, Đảng ta được công nhận là chi bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong (với bí danh Hải An) được bầu làm Ủy viên BCH Quốc tế Cộng sản. Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản kết thúc, Lê Hồng Phong trở lại Thượng Hải (Trung Quốc).

Khi đó, Đại hội toàn quốc lần thứ I của Đảng đã bầu đồng chí Lê Hồng Phong (được bầu vắng mặt) làm Tổng Bí thư của Đảng. Với cương vị Ủy viên BCH Quốc tế Cộng sản, đồng chí Lê Hồng Phong cùng với TW Đảng triệu tập và chủ trì Hội nghị toàn quốc của Đảng (tháng 7-1936) tại Thượng Hải.

Theo đề nghị của đồng chí Lê Hồng Phong, Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Nhân dân Phản đế Đông Dương. Tháng 11-1937, đồng chí Lê Hồng Phong bí mật về hoạt động tại Sài Gòn, trực tiếp cùng TW Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng. Người bạn đời của đồng chí là Nguyễn Thị Minh Khai cũng đã về nước, tham gia Xứ ủy Nam kỳ kiêm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn.

Lúc này, trên cương vị Ủy viên Thường vụ TW, đồng chí Lê Hồng Phong cùng với BCH TW Đảng quyết định chuyển Mặt trận Nhân dân Phản đế thành Mặt trận Dân chủ nhằm tập hợp đông đảo quần chúng, tranh thủ mọi lực lượng tham gia vào cuộc đấu tranh đòi tự do ngôn luận, đòi dân sinh, dân chủ và chống phát xít.

Ngày 22-6-1939, đồng chí Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt tại Sài Gòn, kết án 6 tháng tù giam và 3 năm quản thúc. Sau khi hết hạn 6 tháng tù giam, chúng buộc đồng chí phải về quê nhà Nghệ An để theo dõi, giám sát. Tháng 1-1940, đồng chí Lê Hồng Phong bị bắt lần thứ hai, giam ở Khám Lớn - Sài Gòn.

Biết đồng chí Lê Hồng Phong là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, thực dân Pháp đã buộc tội đồng chí "chịu trách nhiệm tinh thần" của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ, kết án 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc, đày ra Côn Đảo và chỉ thị cho bọn chúa đảo phải tìm mọi cách hãm hại. Những trận đòn thù tàn ác, dã man làm Lê Hồng Phong kiệt sức dần và đồng chí đã hy sinh vào trưa ngày 6-9-1942.

Trước lúc đi xa, đồng chí Lê Hồng Phong còn căn dặn: "Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin thắng lợi vẻ vang của cách mạng".

(Nguồn: Tài liệu của Ban Tuyên giáo TW)


Thái Bình
.
.