Người dân Mỹ phản ứng với chế độ ăn kiêng

Chủ Nhật, 14/11/2010, 19:15
Trong một đất nước có đến 66% người lớn bị béo phì, người dân Mỹ lại ngày càng ít chú trọng đến thể hình của họ.

Nói về chế độ dinh dưỡng kiêng khem, người Mỹ không hề tiếc công lẫn của. Họ mua nhiều sách, xem hướng dẫn trên truyền hình, bị ám ảnh bởi thể trọng của các cô người mẫu. Thế nhưng người ta nhận thấy rằng số lượng những người tuân theo một chế độ ăn kiêng (28% phụ nữ và 16% đàn ông) là thấp nhất từ 20 năm qua. "Chúng tôi ngày càng ít quan tâm đến việc giảm cân" - Harry Balzer cho biết; ông là tác giả của Báo cáo thường niên về mô hình ẩm thực ở Mỹ.

Báo cáo này được thực hiện bằng cách yêu cầu 5.000 người Mỹ ghi lại  những thói quen ăn uống hàng ngày của họ trong 2 tuần, và cho thấy rằng bất chấp tỉ lệ béo phì rất cao trong dân chúng, ngày càng ít có người muốn gầy đi hay xem sự béo phì là mất thẩm mỹ.

Trong năm 1985, có 55% số người được hỏi nhất trí rằng "những người thon thả hấp dẫn hơn". Nhưng giờ đây con số này chỉ còn 25%. Một số ý kiến lại cho rằng người ta ít theo chế độ vì chẳng có gì mới để người ta quan tâm.

Trong năm 2004, quyển sách dạy ăn kiêng best-seller là "South Beach Diet" bán được 2,4 triệu bản. Sang năm 2007, quyển "You: On a Diet" của bác sĩ Mehmet Oz chỉ bán được 706.000 bản. Đến năm 2008, quyển "Eat This Not That" cũng là best-seller nhưng chỉ bán được 552.000 bản.

Thách thức thực sự trong lĩnh vực sách dạy ăn kiêng là phải tìm ra những chế độ mới. Sau khi đã tận dụng mọi chế độ ăn có thể tưởng tượng ra, giờ đây các tác giả nhắm đến con người hơn là chế độ kiêng khem.

"Tôi tự hỏi phải chăng thị trường đã bão hòa. Có nhiều người muốn theo một chế độ ăn kiêng và đã thử phương pháp South Beach rồi đến Atkins. Một vài người thành công nhưng có lẽ sau đó đã lấy lại số cân đã mất. Có thể đã đến thời kỳ mà người ta mong chờ một quyển sách thần kỳ mới. Một chuyên gia tiếp thị khá điên rồ có thể sẽ tự nhủ rằng đã đến lúc ra tay" - Giáo sư Eric Oliver ở Đại học Chicago nhận xét.

Nhưng trước tiên phải thuyết phục những người béo phì rằng họ đang béo phì. Theo nhà dinh dưỡng học Dawn Jackson Blatner, rất nhiều người béo phì không nghĩ mình như thế. Dù sao sự giảm thiểu số người ăn kiêng cho thấy rằng có lẽ chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới của việc làm gầy, lúc mà người ta không còn đếm, không còn cân và không còn đo nữa.

Quá ngột ngạt bởi những chiến dịch kêu gọi làm gầy, một số người Mỹ đã đòi hỏi quyền được ăn thoải mái, thậm chí vài chủ nhà hàng còn vỗ béo cho các khách hàng thừa cân.

Tại nhà hàng "Heart Attack Grill" (Quán nướng gây đau tim) Chandler ở Arizona, bánh hamburger được phục vụ miễn phí từ sáng đến tối với điều kiện duy nhất là khách hàng phải nặng trên 175kg. Cô tiếp viên trẻ măng và sexy mặc đồ điều dưỡng sẽ đưa bạn lên bàn cân. Mọi khách hàng, bất kể thể trọng, đều được gọi là "bệnh nhân", và được các cô điều dưỡng choàng khăn yếm giống như trong bệnh viện.

Thực đơn gồm có thuốc lá không đầu lọc, sữa trứng nổi tiếng vì có lượng chất béo cao nhất thế giới, và

hamburger là món hấp dẫn nhất. Từ hamburger đơn đến hamburger tứ, mỗi bánh óng ánh mỡ gồm 2 lát phó-mát và 1 lát thịt nướng. Sau khi đã ngốn ngấu món hamburger tứ 8.000 calori, bạn sẽ được một điều dưỡng dùng xe lăn đưa ra tận xe hơi.

Theo ông chủ nhà hàng Jon Basso, "Heart Attack Grill" là một hành động châm biếm đối với chế độ kiêng khem. Từng theo một chương trình giảm béo, ông khẳng định rằng đã từng ăn hamburger đôi mỗi ngày trong suốt 5 năm mà không tăng thêm 1kg nào cả. Tuy không béo phì nhưng ông tự cho mình là người tiên phong của phong trào chống kiêng khem.

"Tôi không xem mình là người khởi xướng, nhưng cũng là một nhân tố thúc đẩy khuynh hướng này. "Heart Attack Grill" đã thành công nhờ một sự quảng bá quốc tế vào năm 2006, giúp cho các chủ nhà hàng khác có can đảm đưa những món to tát vào thực đơn".

Từ khi đệ nhất phu nhân Mỹ đưa chứng béo phì ra làm mục tiêu đấu tranh và Tổng thống Obama đề nghị một dự luật về y tế nhắm đến việc phòng ngừa béo phì, cách ăn uống không kiêng khem trở thành một “hành động ái quốc” và là một tiếng gọi tập họp đối với phe chống đối Obama. Mới đây, người dẫn chương trình của Đài Fox News là Glenn Beck đã cao giọng tuyên bố: "Xin bà Obama đừng đụng đến món nướng của tôi".

Rất nhiều người dân Mỹ ngay từ lúc thơ ấu dường như rất thích thú với việc làm ngược lại những gì người ta yêu cầu. Mặt khác, nước Mỹ được xây dựng bởi những con người táo tợn thích mạo hiểm đi đến các vùng đất xa xôi bí ẩn. Tận trong tim óc, người Mỹ nhận thức rằng nguy cơ càng lớn, phần thưởng càng cao. Nhưng ăn uống đến mức phải cần một chiếc xe lăn để ra xe thì chẳng có phần thưởng nào khác hơn quyền được tự hào, dạng người hùng ảo trong các cuộc thi ăn.

Khi được hỏi ý định làm cho nhà hàng đông khách mập để tạo ra một môi trường mà ở đấy chứng béo phì được chấp nhận và mọi người có thể ăn thỏa thích, Jon Basso đã trả lời rất nghiêm chỉnh: "Rất nhiều người bạn của tôi béo phì, và thật đáng buồn khi phải nói rằng họ bị đối xử giống như với những kẻ đồng tính".

Chính sách của Jon Basso có thể khiến cho những người đã xấp xỉ 175kg sẽ có sự tính toán: nếu tôi bỏ ra x đôla để ăn món hamburger 4 tầng và vượt qua ngưỡng 175kg, tôi sẽ không cần tốn tiền cho cái ăn nữa. Ở đây sự ăn uống thừa mứa trở thành một “hành động ái quốc” về tự do cá nhân. Còn gì Mỹ hơn?

M.L. (theo Courrier International)
.
.