Người dân Trung Quốc săn hàng ngoại “sạch”
- Hàng ngoại nhái thương hiệu Việt gia tăng dịp Tết
- Nhật -Trung giảm hợp tác kinh tế vì căng thẳng ngoại giao
Nguyên nhân của tình trạng “sính hàng ngoại” được cho là do người dùng ngày càng sợ và xa lánh những sản phẩm trong nước không được kiểm định an toàn thực phẩm đầy đủ, ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài, thêm vào đó là vấn nạn hàng giả, hàng nhái nở rộ như nấm sau mưa.
Sốt sữa bột và mật ong từ Australia
“Sau gần ba thập kỷ tăng trưởng mạnh mẽ, sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng tăng mạnh” - ông Angus Nicholson, nhà phân tích thị trường tại IG, cho biết. “Có một thực tế ai cũng có thể nhìn thấy là người Trung Quốc ngày càng có nhu cầu mua các sản phẩm từ thương hiệu nổi tiếng tại nước ngoài thay vì sản phẩm nội”.
Chỉ số nhập khẩu là minh chứng rõ nhất cho điều đó. Từ việc nhập khẩu những kim loại sản xuất như sắt và than đá, giờ đây lượng hàng hóa tiêu dùng được nhập từ Australia lại đang bùng nổ tại Trung Quốc. Bên cạnh những mặt hàng nổi tiếng như thịt bò, sữa uống thì sữa bột cho trẻ em, thực phẩm bổ sung vitamin và mật ong cũng được hưởng lợi.
Năm 2015, giá cổ phiếu của Blackmores, một nhà cung cấp các sản phẩm vitamin và thực phẩm chức năng, đã có thời điểm đứng đầu thị trường chứng khoán Australia với mức giá 217,98 đô la Australia, tăng 534,03%. Lợi nhuận ròng trong 6 tháng cuối năm tăng 160% so với hồi đầu năm. Trong đó, doanh số bán hàng cho khách Trung Quốc chiếm 40%.
Thương hiệu Bellamy của Australia cũng tăng giá cổ phiếu hơn 700%, lợi nhuận ròng tăng 325% trong nửa sau năm 2015. Công ty sữa A2, đối thủ của Bellamy cũng tăng trưởng mạnh mẽ. Trong khi đó, Công ty Capilano, doanh nghiệp sản xuất mật ong lớn nhất Australia cũng có lợi nhuận tăng gần 53%.
Mặt hàng sữa bột trẻ em không an toàn ở Trung Quốc. |
Ông Bejamin Sun, tư vấn tiếp thị kỹ thuật số, cho biết các thương hiệu sữa như Bellamy và A2 được tin cậy tại Trung Quốc vì chúng được bán trong các siêu thị kiểu Australia như Coles và Woolworths: “Người Trung Quốc nghĩ rằng nếu trẻ em Australia có thể dùng sữa bột này thì nó cũng an toàn với trẻ em Trung Quốc”.
Peter Barraket, người đứng đầu chuỗi cửa hàng thực phẩm chức năng tại Sydney có tên Mr. Vitamin, cho biết khách hàng Trung Quốc đã thay đổi dần thói quen mua hàng trong khoảng 2 năm gần đây khi họ quan tâm đến thương hiệu và dễ chạy theo số đông. Chính vì cơn sốt điên cuồng như vậy mà sữa bột Australia thường xuyên bị cháy hàng tại Trung Quốc. Nhiều siêu thị lớn còn áp đặt giới hạn mỗi khách chỉ được mua 2-4 hộp sữa/lần.
Nhiều cửa hàng đồ chơi sẵn sàng dẹp thú nhồi bông, da cừu,... nhường chỗ bán sữa bột, mật ong, thực phẩm chức năng,... để kiếm lời. Mặc dù chi phí đắt nhưng người Trung Quốc vẫn vui vẻ chi tiền, cũng một phần vì suy nghĩ phải “củng cố đời con” cộng thêm chính sách một con của thập niên 80-90 thế kỷ trước.
“Trong những năm 80 các gia đình chỉ được phép sinh một con. Và giờ đây, một thực trạng xảy ra là họ không chỉ có một con mà còn chỉ có một cháu” - ông Sun nói - “chính vì thế, toàn bộ gia đình, cả ông bà, đều chỉ nuôi một đứa trẻ”. Và tất nhiên, mọi nguồn lực tài chính sẽ dồn cho em bé để có điều kiện tốt nhất.
Đội quân “Daigou”
Một khi thị trường tỏ ra ưa chuộng hay khan hiếm một mặt hàng gì cũng là lúc chợ đen hàng xách tay lên ngôi. Ở thành phố Sydney của Australia, một lĩnh vực xuất khẩu độc đáo trị giá hàng triệu USD bắt đầu với chuyến mua sắm đơn giản tại các siêu thị từ đội quân người Trung Quốc được gọi là “daigou”, tức là những người tư vấn mua hàng thuê cho người dân đại lục.
Rika Wenjing, nữ cử nhân kế toán 24 tuổi đến từ thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), tìm mua nhiều chủng loại hàng hóa Australia - sữa bột trẻ em, vitamin, kem dưỡng da, quần áo thời trang, túi xách hàng hiệu... chất lượng cao để sau đó đóng gói bán lại cho khách hàng ở quê nhà Trung Quốc. Rika chính là một daigou và cô làm công việc tự do bán thời gian này trong suốt 2 năm qua.
Rika Wenjing sử dụng ứng dụng WeChat và xây dựng được mạng lưới 300 khách hàng, những người Trung Quốc ở Đại lục sẵn sàng trả giá cao hơn để được mua hàng hóa chất lượng đáng tin cậy ở Australia.
Rika cho biết: “Ban đầu, tôi chỉ mua sữa bột trẻ em hay hàng tiêu dùng có thương hiệu như giày bốt Ugg trong hệ thống siêu thị ở Australia cho bạn bè và người thân ở quê nhà. Tôi muốn xây dựng một nền tảng để giới thiệu thật nhiều sản phẩm cho họ. Tôi không chỉ muốn kiếm tiền mà còn muốn cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho bạn bè”.
Ở Australia, có khoảng 40.000 daigou như Rika cung cấp dịch vụ mua sắm trực tuyến - đó là những người Trung Quốc trẻ tuổi nhập cư hay sinh viên quốc tế muốn kiếm tiền để trả tiền thuê nhà và học phí đại học. Trung tâm hoạt động của đội ngũ daigou này là Sydney, thành phố tập trung đông đảo người Hoa sinh sống và cũng là nơi có nhiều chuyến bay thẳng thường xuyên đi Trung Quốc giúp cho việc chuyển hàng nhanh và thuận lợi hơn.
Rika Wenjing. |
Đầu năm 2016, chính quyền Bắc Kinh thắt chặt những quy định về mua sắm trực tuyến xuyên biên giới song số lượng người Đại lục đặt mua hàng hóa tiêu dùng - đặc biệt là mặt hàng sữa bột trẻ em được gọi là “vàng trắng” ở Trung Quốc - có nguồn gốc Australia vẫn tăng cao.
Năm 2008, hàng chục trẻ em chết và khoảng 300.000 người mắc bệnh ở Trung Quốc sau khi tiêu thụ sản phẩm sữa nhiễm melanine - hóa chất được sử dụng trong công nghiệp sản xuất chất dẻo và keo dán. Kể từ sau vụ bê bối thực phẩm bẩn kinh khủng này, mặt hàng sữa nhập khẩu bị đẩy giá lên cao ngất ngưởng ở Trung Quốc.
Rika giải thích: “Mọi người không thể mua được sữa bột chất lượng tốt hay đáng tin cậy ở Trung Quốc cho nên họ muốn mua hàng nhập khẩu từ Australia. Mặc dù, giá cả phải trả cao hơn nhiều lần song mọi người vẫn dám bỏ tiền ra vì tin tưởng vào chất lượng”.
Vào lúc đỉnh điểm bùng nổ loại hình mua sắm trực tuyến mặt hàng sữa bột trẻ em thông qua mạng lưới daigou đã dẫn đến sự chỉ trích từ giới truyền thông Australia, cho rằng người Trung Quốc đã vơ vét hàng hóa trong siêu thị mỗi ngày.
Daigou không chỉ cung cấp hàng tiêu dùng thông thường như thực phẩm, mỹ phẩm, rượu và quần áo mà còn cả những hàng hiệu cao cấp từ châu Âu như túi xách Gucci. Benjamin Sun, đồng sáng lập trang web thương mại điện tử phân phối sản phẩm Think China ở Sydney, đánh giá: “Có những tốp daigou quy mô nhỏ, tự đi mua hàng và chuyển hàng về Trung Quốc. Bên cạnh đó là những nhóm daigou lớn hơn với cửa hiệu riêng và hoạt động với quy mô lớn. Một số daigou lập ra kênh phân phối hẳn hoi, với trang web thương mại. Điều quan trọng là daigou phải xây dựng lược lòng tin từ khách hàng”.
Giày bốt Ugg được người Trung Quốc ưa chuộng. |
Thông thường, daigou bán hàng với giá cao hơn giá bán lẻ ở Australia đến 50%. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của daigou cũng gặp thách thức khi người tiêu dùng ở Trung Quốc muốn chắc chắn nguồn hàng là thật. Do đó, daigou phải thực hiện “live stream” những chuyến mua hàng ở siêu thị để thuyết phục người tiêu dùng về nguồn gốc đáng tin cậy của món hàng.
Ở vùng ngoại ô Yagoona của Sydney, Bob Sun, hiện đang học Khoa kế toán Đại học Macquarie cùng 3 người bạn Trung Quốc của anh thuê một mặt bằng nhà kho để trải nghiệm công việc của daigou. Họ đóng gói sản phẩm - phần lớn là sữa bột, vitamin và kem dưỡng da - cùng với các tạp chí Australia để chứng minh nguồn gốc rõ ràng.
Sinh viên Bob Sun 24 tuổi tiết lộ: “Thu nhập của daigou rất đáng kể so với những cơ hội việc làm khác như trong nhà hàng. Lợi nhuận cũng đủ trả tiền thuê mặt bằng. Thời gian làm việc cũng linh động”. Ngày càng có nhiều công ty ở Australia muốn hợp tác kinh doanh với cộng đồng daigou đang phát triển mạnh này.
Bob Sun (giữa) và các bạn đang xử lý đơn hàng từ Trung Quốc. |
Peter Nathan, Giám đốc Điều hành A2 Milk - công ty sữa bột trẻ em New Zealand hoạt động tại Australia - nhận xét: “Chúng tôi cho rằng daigou cũng đem lại lợi ích cho kinh tế địa phương. Chúng tôi tin chắc họ là lực lượng tích cực và nên được đánh giá cao”.
Người tiêu dùng ở Trung Quốc luôn trong trạng thái sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho một số sản phẩm có gắn nhãn “Made in USA” bởi vì họ nghĩ rằng nó có chất lượng cao hơn, từ hình thức đóng gói, bao bì bên ngoài đến “phần ruột” bên trong chứ không như nhiều sản phẩm quốc nội “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Một báo cáo của nhóm nghiên cứu BCG (Boston Consulting Group) cho thấy 73% người tiêu dùng Trung Quốc sẽ chi nhiều tiền hơn cho các sản phẩm sản xuất tại Mỹ. Với các sản phẩm có giá hoặc chất lượng tương tự, khoảng 47% người dùng thích sử dụng sản phẩm xuất xưởng từ nước Mỹ, gấp đôi số người sẽ chọn các mặt hàng sản xuất tại Trung Quốc. Người tiêu dùng Trung Quốc đang cảm thấy thật sự bất an khi liên tục đón nhận thông tin liên quan đến các mẫu sơn sử dụng sơn đồ chơi trẻ em có chất chì, sữa nhiễm độc và hằng hà những vụ bê bối về an toàn vệ sinh thực phẩm khác đã dẫn đến việc những người chịu trách nhiệm bị phạt nặng và phải hầu tòa. Nhóm người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng tìm kiếm giá trị trong hàng hóa mà họ mua nhiều hơn là chuyện so kè giá cả có “cạnh tranh” hay không. Họ thường xuyên tìm kiếm các sản phẩm được chế biến từ nguồn nguyên liệu hoàn toàn (hoặc phần lớn) từ thiên nhiên, có độ bền cao và bền vững với môi trường. Trong khảo sát, BCG đưa ra nhận định rằng khi chi phí sản xuất và vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc tăng lên sẽ khiến cho các nhà sản xuất đóng tại Mỹ mở rộng công suất của mình. Với những nhà máy sản xuất ô tô, phụ tùng ô tô, thiết bị điện và đồ nội thất hiện đang rầm rộ sản xuất trở lại ngay trên nước Mỹ, họ có thể châm ngòi cho một cuộc phục hưng công nghiệp. “Nếu bạn có ý định tìm những thứ phục vụ cho cuộc sống lâu dài như dụng cụ cơ khí cầm tay thì các sản phẩm “Made in USA” sẽ có giá trị hơn so với một thương hiệu nước ngoài nào khác, bởi vì hàng “Made in USA” có chất lượng thực sự tốt”, Hal Sirkin nói. Ông cũng đưa ra ví dụ về thương hiệu dụng cụ Stanley để chứng minh điều này. Ở cả Mỹ và Trung Quốc, hơn 80% những người được hỏi thường đưa chất lượng để giải thích cho lý do chi nhiều tiền hơn cho hàng hóa của Mỹ. Thức ăn trẻ em, đồ dùng gia đình, lốp xe, phụ tùng xe hơi và đồ nội thất là những mặt hàng mà hầu hết mọi người sẵn sàng trả nhiều hơn số tiền trên dưới 10%. Có một số trường hợp ngoại lệ như người mua hàng Trung Quốc sẽ phải trả thêm khoảng 77% cho khoản chi mua các loại giày thể thao của Mỹ, bởi đây là những thương hiệu mang tính biểu tượng quốc gia. |