Người đàn bà phía sau nhà văn Tô Hoài

Thứ Bảy, 20/10/2018, 15:24
Ngoài văn chương, các bạn văn của nhà văn Tô Hoài thường nói về ông với mối tình sắt son, bền chặt trong suốt cả một cuộc đời với bà Nguyễn Thị Cúc. Năm nay bà đã ở tuổi 97, nhưng vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh và mỗi lần nhắc đến người chồng yêu thương của mình, là nụ cười luôn ở trên môi, hạnh phúc!

Mỗi nhà văn, nhà thơ, đều ao ước có một "bóng hồng" tri kỷ trong cuộc đời. "Bóng hồng" đó đôi khi là điểm tựa vững chắc để neo đậu các tác phẩm văn học nghệ thuật. Nhà văn Tô Hoài, một trong những cây đại thụ của Văn học Việt Nam, trong suốt gần một thế kỉ lao động nghệ thuật, ông đã sáng tác gần 200 tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng lưu danh trong lòng các thế hệ bạn đọc như "Dế mèn phiêu lưu ký", "O Chuột", "Vợ chồng A Phủ"...

Ngoài văn chương, các bạn văn của ông thường nói về ông với mối tình sắt son, bền chặt trong suốt cả một cuộc đời với bà Nguyễn Thị Cúc. Năm nay bà đã ở tuổi 97, nhưng vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh và mỗi lần nhắc đến người chồng yêu thương của mình, là nụ cười luôn ở trên môi, hạnh phúc!

Mối tình đẹp với chàng trai nghèo Nguyễn Sen

Bà Nguyễn Thị Cúc là con út, sinh ra trong một gia đình tiểu thương giàu có ở Hà Nội. Từ nhỏ bà đã được chiều chuộng hết mực. Bà theo học dược và trở thành dược sĩ. Nức tiếng là xinh đẹp, nên đến tuổi cập kê, hẳn nhiên bà có nhiều người để ý.

Bà Nguyễn Thị Cúc và các con cháu.

Tuy nhiên, người đàn ông duy nhất lọt vào mắt xanh của bà, không phải là ai khác mà chính là chàng nhà văn nghèo Nguyễn Sen, tức là nhà văn Tô Hoài. Thời điểm ấy, nhà văn Tô Hoài tham gia nhóm làm đề cương văn hóa cứu quốc cùng với Nguyễn Đình Thi, Lê Quang Đạo… Nhóm này được một số gia đình tư sản ở Hà Nội giúp đỡ về mặt tài chính.

Khi đó, nhà văn Tô Hoài hoạt động trong hội cứu tế, truyền bá chữ quốc ngữ cùng anh trai bà Cúc là ông Nguyễn Quý Khôi. Gia đình bà Cúc ở phố Huế, thường giúp đỡ nhóm văn hóa cứu quốc. Nhà văn Tô Hoài hay qua lại và có cảm tình với hai cô con gái xinh xắn của nhà này. Bà Nguyễn Thị Cúc và người chị gái của mình, biết đến chàng nhà văn hóm hỉnh, hài hước và đầy nhiệt huyết, tài năng, nên đều đem lòng cảm mến.

Anh Phương Vũ, con trai út, người hiện quản lý toàn bộ di sản của nhà văn Tô Hoài để lại, kể: Biết và cảm mến mẹ anh nhưng cha anh không dám thổ lộ vì gia cảnh quá nghèo, không môn đăng hộ đối. Còn bà Nguyễn Thị Cúc dù quý mến cái tài của chàng thanh niên Tô Hoài nhưng là người phụ nữ sống trong gia đình gia thế, nặng lễ giáo phong kiến nên cũng không dám ngỏ lời.

Không ai khác, chính Nhà văn Nam Cao khi đó biết chuyện Tô Hoài và bà Cúc có tình ý nên vun vén cho hai người. Thời điểm ấy, gia đình bà Cúc đã mượn Nam Cao dạy học cho các cháu bé, chính vì tạo cơ hội cho nhà văn Tô Hoài thường xuyên được gặp bà Cúc, Nam Cao đã giả vờ nghỉ để ông dạy thay.

Anh Vũ kể, mẹ anh vốn xinh đẹp, con nhà gia thế, nhiều người theo đuổi lắm, bà bước xuống tàu điện là bao nhiêu người theo đuổi, phải đi nhanh về nhà vậy mà duyên số trời ban, bà "từ giã nhung lụa" để lấy chàng nhà văn nghèo nhưng tài năng hơn người.

Đám cưới của họ cũng chỉ có một mâm cơm, khách mời chỉ những người thân thiết và bạn văn. Đám cưới xong, hai người dắt nhau đi bộ về Xuân Bá nơi đang sơ tán ở nhờ. Đêm tân hôn, cô dâu lên giường ngủ với... mẹ chồng. Vì đi sơ tán, lệ làng không cho vợ chồng ngủ chung. Cưới xong, nhà văn Tô Hoài lên chiến khu Việt Bắc, còn bà ở lại Phú Thọ làm công tác phụ nữ và dạy học. Sự biền biệt chỉ được lấp đầy qua những bức thư.

Bà kể: "Lúc ông ấy về thăm tôi lần đầu tiên, chúng tôi mới có con Đan Hà, là năm 1948. Thậm chí, lúc tôi sinh, ông ấy cũng không có mặt ở bên. Lúc đó, ông ấy còn đi công tác với ông Tố Hữu. Lúc về đến bến Phú Thọ, ông chỉ kịp lên bờ, vào hỏi tôi đẻ con trai hay con gái, rồi lại phải đi tiếp luôn. Mấy đứa sau cũng thế, một mình tôi gánh vác và chăm nom đằng đẵng bao năm trời ở nơi tản cư kháng chiến”.

Vợ chồng Nhà văn Tô Hoài và hai cháu nội.

Các con của ông bà là Đan Hà, Đan Thanh, Sông Thao và Phương Vũ đều do một tay bà chăm sóc. Một người phụ nữ thanh mai và sống trong nhung lụa đã từ giã hẳn cuộc sống trướng rủ màn che, cùng hòa vào quần chúng để cùng cuốc nương trồng sắn. Sau này khi trở về Hà Nội, cuộc sống còn nhiều khó khăn, bà vừa đi học y học dân tộc vừa bươn chải nhiều công việc để kiếm sống nuôi các con ăn học. Hồi đó nhà văn Tô Hoài đi thực tế suốt, cuộc sống một mình bà xoay sở. Bà còn nhận hàng may quần áo quân đội, nhiều hôm đến 2 giờ sáng mới được ăn cơm tối.

 Cũng chính vì cuộc sống mưu sinh vất vả, vật lộn để nuôi các con ăn học, nên bà Cúc ngoài sự nhanh nhẹn và tháo vát trong cuộc sống thường nhật, thì trong giới văn chương, nhiều người nhận xét rằng bà là một người kỹ tính. Nhiều nỗi khổ một mình bà chịu đựng, chính vì thế, ngoài vẻ dịu dàng của một người con gái Hà Thành, thì bà là một người can đảm và đầy nghị lực trong cuộc đời.

Trong một lần chia sẻ với báo giới, bà kể: “Ông ấy là nhà văn, có tiền đâu. Khi “Vợ chồng A Phủ” lên phim, ông được nhận 27 nghìn tiền nhuận bút. Số tiền ấy đổ vào mua căn nhà ở Đoàn Nhữ Hài. Đến khi về hưu cũng chỉ được vài đồng. Trong nhà tôi không có đồ đạc gì nhiều, ai đến chơi hỏi, tôi đùa rằng đồ gửi hàng tổng hợp hết rồi. Cả đời chả có xe máy, điện thoại, mà có người bạn cho chiếc điện thoại cũng không biết dùng lại trả lại. Ông ấy hiền, chân thật lắm. Lần ông ấy đi Liên Xô, ông mua quà về cho vợ là xâu ớt!”.

Hết lòng vị tha

Anh Phương Vũ, con trai út của nhà văn Tô Hoài và bà Cúc cho tôi xem những bức hình bà Cúc chụp khi đi chơi đến các khu du lịch và các địa điểm văn hóa. Bà thích đi và luôn luôn thích chụp ảnh để lưu giữ mọi địa điểm mình đã đến. Là người trân trọng kỷ niệm và quá khứ, nhưng có những câu chuyện quá khứ của nhà văn Tô Hoài bà không ghen tuông, mà coi như đó là một giai thoại đẹp của nhà văn trong cuộc đời ông.

Anh Vũ kể: Trước khi đến với bà Cúc, nhà văn Tô Hoài có mối tình sâu đậm với một cô gái ở Dầu Tiếng, Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Dương) tên là Nguyễn Kim Phượng. Năm 1941, ông viết xong  “Dế Mèn phiêu lưu ky”á cho báo Tân Dân, lĩnh được 30 đồng nhuận bút và quyết phiêu lưu miền Nam. Trong chuyến đi này, ông gặp cô Nguyễn Kim Phượng và trúng tiếng sét ái tình. Hai người yêu nhau say đắm và đã có ý định cưới xin. Ngày nhà văn trở ra Bắc, cả ông và bà Phượng không thể ngờ đó chính là ngày biệt ly kéo dài… hơn 40 năm.

Những năm đầu, họ còn liên lạc được với nhau qua thư từ. Mặc dù, một bức thư phải hàng tháng trời mới nhận được, thậm chí có khi tới 5 tháng vì phải đi đường vòng. Bà Phượng gửi thư cho nhà văn Tô Hoài thường phải gửi sang Pháp, rồi từ Pháp sang Liên Xô, rồi mới về Hà Nội. Còn thư của nhà văn gửi cho bà phải qua đường Campuchia, rồi từ đó quay về Sài Gòn. Do chiến tranh loạn lạc, hai miền ngăn cách, thư từ lúc nhận được, lúc thì không.

Nhà văn Tô Hoài và con trai, anh Phương Vũ.

Do không thể chờ đợi nhà văn nên năm 1975, bà Phượng theo gia đình sang Pháp, kết hôn với một người Pháp. Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1980, nhà văn Tô Hoài nhận được một bức thư từ nước Pháp xa xôi, một bức thư mà bên ngoài chỉ đề vỏn vẹn hai dòng chữ: Người nhận: "Nhà văn Tô Hoài/ Địa chỉ: Hội Văn nghệ Hà Nội". Rất may, cả Hà Nội chỉ có một Hội Văn nghệ Hà Nội nên thư vẫn đến được tay nhà văn Tô Hoài.

Kể từ đó, hai người nối lại được liên lạc với nhau qua thư từ. Sau này, bà Phượng về Việt Nam và hai người vẫn có cơ hội gặp lại nhau, dù tuổi đã cao song là bạn cũ tri âm tri kỷ nên anh Vũ trở thành "đồng minh" của bố để ôn cố tri tân. Mãi sau bà Cúc mới biết chuyện, song đối với bà những tình cảm chân thành của ông dành cho gia đình đã khiến bà bỏ qua mọi dị nghị về chồng mình.

Duyên phận gắn kết

Những thành tựu về văn học của nhà văn Tô Hoài là sự tích cóp của cả một cuộc đời rong ruổi, ham mê viết lách. Được như vậy vì ông là một người ưa xê dịch, thích đi chơi và có khi biền biệt cả năm trời không về. Cũng để biết rằng, để có được thành tựu ấy, sự hy sinh của người vợ là một điều cao cả. Bà Nguyễn Thị Cúc chấp nhận sống những ngày tháng xa chồng, để tâm hồn của ông được bay bổng cùng núi đồi, sông nước. Cảm hứng văn chương vì thế mà giúp nhà văn Tô Hoài, ở vào tuổi 80, vẫn còn cầm bút để viết báo, viết văn.

Bà Cúc vẫn sống trong căn nhà ở phố Đoàn Nhữ Hài, căn nhà quen thuộc của ông bà với đời sống an nhiên, tự tại. Bà giờ đây khi nhắc lại mọi câu chuyện về chồng, về quá khứ, vẫn nụ cười tươi rói trên môi. Bà bảo, cho đến giờ bà cảm thấy đúng thực sự là duyên phận đã gắn kết ông bà về cùng nhau, chứ biết bao nhiêu con người trong cuộc đời này, bà đã gặp được ông, để sống đến đầu bạc răng long cùng nhau chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. Cho dù đối với một nhà văn, làm sao bà cầm giữ nổi trái tim hay cảm xúc, song, bà vẫn mãn nguyện một kiếp sống để được cùng ông có một sự nghiệp, có một đời sống và có các con yêu thương, chăm sóc nhau. 

Hai ông bà hạnh phúc có một người con trai út là anh Phương Vũ hiểu và chiều chuộng ông bà hết mực. Ông mất, thì hiện tại anh Vũ là người ở cạnh và chăm sóc bà. Ơn trời, sức khỏe của bà dù đã ở tuổi 97 vẫn tốt. Bà vẫn ngày ngày đi chợ, đi lễ chùa và đi ngao du phố xá. Bà vẫn tự lo được cho mình và sắp xếp mọi việc của mình trong mọi  khả năng có thể.

Người ta nói rằng, đằng sau sự thành đạt của một người đàn ông, có bóng hình người phụ nữ. Và bà Nguyễn Thị Cúc, người đàn bà đứng sau nhà văn Tô Hoài, bên cạnh các tác phẩm của ông, là một người phụ nữ như thế...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.