Người đàn bà "vẽ" nhạc
Still Point chính là tác phẩm nhạc điện tử đầu tiên trên thế giới được Oram viết vào năm 1949. 8 năm sau, năm 1957, cô thành lập nhà xuất bản đĩa hát nổi tiếng mang tên BBC Radiophonic Workshop. Cũng trong năm đó, cô bắt đầu làm việc với máy Oramics do chính cô thiết kế. Chiếc máy này giúp người dùng có thể "vẽ" ra những âm thanh mà họ muốn nghe.
Oram qua đời năm 2003. Tiểu sử của cô cũng mang nhiều điều bất ngờ như những sáng tác của cô, không phải là vì cô làm việc trong thế giới âm thanh của đàn ông.
Những thành tựu của Oram đã giúp ích rất nhiều cho sự tiến hóa, phát triển của âm nhạc. Nhưng chỉ trong những năm gần đây, những thành tựu đó mới bắt đầu được biết tới và từ đó giúp Daphne Oram được ghi nhận là nhà soạn nhạc nổi tiếng. Vở kịch vinh danh cô mang tên Daphne Oram's Wonderful World of sound (tạm dịch: Thế giới âm thanh tuyệt vời của Daphne Oram) hiện đang được công chiếu tại Nhà hát Scotland.
![]() |
Daphne Oram lúc còn làm việc cho BBC Radiophonic Workshop năm 1958. |
Các nhà viết kịch Isobel McArthur (người đóng vai Oram trong vở kịch trên) và Paul Brotherston đã vô cùng ngạc nhiên khi bắt đầu điều tra, tìm hiểu về cuộc đời của Oram. "Đây là một câu chuyện cuộc sống hấp dẫn, gần như không thể tin được. Tiếc là trước đó chúng tôi chưa từng nghe gì về con người này. Rất rất ít người có khả năng như vậy", Brotherston bày tỏ.
Vở kịch bắt đầu với những hình ảnh về thời thơ ấu của Oram ở Wiltshire, nhấn mạnh vào những chi tiết giúp hình thành sự nghiệp âm nhạc của cô sau này. Năm 17 tuổi, cha của Oram đã mời tới nhà Leslie Flint - một nhà tâm linh nổi tiếng thời bấy giờ ở nước Anh. Flint khẳng định, ông nghe được "tiếng nói từ bên ngoài" rằng Oram sẽ trở thành một nhạc sĩ tuyệt vời.
Chính điều này đã khiến cha của Oram quyết định cho phép cô "đặt chân" vào thế giới âm nhạc. Và cũng chính điều này đã khiến cho cô bé 17 tuổi dành mối quan tâm đặc biệt cho chủ nghĩa huyền bí trong suốt cuộc đời của mình sau này. Thậm chí cô còn phát triển những lý thuyết riêng của mình, thường là lập dị, tập trung vào mối liên hệ giữa sóng âm và linh hồn.
Trong âm nhạc, Oram cũng đã chuyển hướng, tách khỏi "con đường mòn nhiều người đã đi". Năm 18 tuổi, cô từ chối tới làm việc tại trường Cao đẳng Âm nhạc Hoàng gia Anh (Royal College of Music). Thay vào đó, cô tới BBC để làm người cân bằng âm thanh. Chỉ trong vòng vài năm, cô trở thành giám đốc phòng thu và bắt đầu kế hoạch thành lập một phòng thu riêng dành cho việc sản xuất các hiệu ứng âm thanh điện tử, và tất nhiên là cả âm nhạc.
"Cũng giống như trong lĩnh vực quay phim và điện ảnh, đã từng bùng nổ nhiều ý tưởng về thời gian và không gian để kể lại một câu chuyện. Tôi nghĩ, chắc chắn micro và băng từ cũng có thể làm điều tương tự với âm nhạc", Oram viết trong hồi ký năm 1952.
Cô đã tìm hiểu và thấy được tiềm năng của băng từ khi công nghệ này xuất hiện vào đầu những năm 1950 - chẳng hạn như có thể tăng tốc hoặc giảm tốc, nối hoặc ghi đè các lớp để tạo ra các hiệu ứng âm thanh mới cũng như các sáng tác âm nhạc.
Nhưng vào thời điểm đó, những "thí nghiệm" mà Oral thực hiện được coi là cực đoan. Thực tế cho thấy, trong khi những thử nghiệm tiên phong được chính phủ các nước châu Âu khác tài trợ "tận răng", thì tại Anh, những ý tưởng tương tự lại chưa được coi trọng - đặc biệt là khi tác giả của chúng lại là một người phụ nữ trẻ.
![]() |
Máy Oramics thời kỳ đầu. |
Không nản chí, Oram cùng với Desmond Briscoe, vẫn thuyết phục BBC thiết lập Radiophonic Workshop, với quy mô nhỏ và không được tài trợ, sử dụng thiết bị bị "thải ra" từ Phòng hòa nhạc Hoàng gia Albert (Royal Albert Hall) ở London.
Nhiệm vụ của Oram chủ yếu là thiết kế và cung cấp các hiệu ứng âm thanh cho các bộ phim truyền hình dài tập. Một trong số đó phải kể đến phần nhạc nền cho vở kịch "All that falls" của Samuel Beckett. Tác phẩm này thể hiện được tiềm năng của một loại ngôn ngữ âm nhạc hoàn toàn mới nhưng vẫn chưa được khai thác.
Không hề nản lòng, Oram đã chăm chỉ làm việc một mình vào ban đêm, vần nát các băng đĩa ghi âm để tạo ra các bản "Multitrack" phức âm để phục vụ sản xuất phối khí. Nhưng sau đó, tức giận vì bị cho nghỉ 6 tháng không lý do, Oram đã quyết định bỏ cuộc, sau nhiều năm "chiến đấu" cho BBC Radiophonic Workshop.
Năm 1960, Oram tiếp tục trở lại làm việc với phát minh của mình, ra đời từ năm 1957 - máy Oramics. Máy này được phát triển hơn nữa vào năm 1962 sau khi nhận được sự tài trợ từ Quỹ Gulbenkian. Về mặt kỹ thuật, máy Oramics hoạt động giống như Variophone của Yevgeny Sholpo, tức là, kiểm soát các loại âm thanh được sản xuất thông qua việc "vẽ" chúng lên dải phim 35mm.
Tới năm 1972, Oram tiếp tục công bố bản tuyên ngôn của mình: Lời chú thích cá nhân về Âm nhạc, Âm thanh và Điện tử. Trong đó cô bày tỏ: Đó là một công việc kỳ lạ nhưng hấp dẫn.