“Người gác đền” sân khấu chính kịch: Quay quắt nhớ ánh đèn sân khấu…

Thứ Tư, 20/04/2016, 15:30
NSND Xuân Huyền, một tên tuổi lớn của sân khấu miền Bắc, “người gác đền” của sân khấu chính kịch mất vợ đã 16 năm.

Sau đợt Hội diễn Sân Khấu toàn quốc tại Hải Phòng năm 2003, chỉ ít năm sau là bà mất, người đàn ông cao lớn lừng lững đó mất đi điểm tựa, nhớ thương vợ khôn nguôi khiến ông ngã bệnh từ năm 2008, căn bệnh tai biến khiến ông trở nên ốm yếu, sức vóc khỏe khoắn của viên tướng tuồng xung trận (trước ông là diễn viên tuồng) khi xưa không còn nữa mà nhường chỗ cho dáng cao lòng khòng, bước đi chậm rãi, khuôn mặt thoáng nét mệt mỏi, đi lại khó nhọc hơn.

NSND Xuân Huyền.

Từ đó, người ta thấy NSND Xuân Huyền ít xuất hiện trong các cuộc tụ hội, vui vầy của làng sân khấu. Ông cũng vắng mặt tại các nhà hát, ít tham dự những sự vụ thường ngày của Hội Sân khấu, nơi mà ông gắn bó hơn 30 năm.

Có một bộ ba đạo diễn sân khấu phía Bắc mà người ta hay nhắc tới, đó là “NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Xuân Huyền, NSND Lê Hùng”.

Ngoài tài hoa, danh tiếng trong nghề thì cả ba người đàn ông mang đầy khí chất này mỗi người lại có một số phận rất riêng biệt. NSND Doãn Hoàng Giang đầy khẩu khí khi cho mình cả đời dại gái, và ông thừa nhận bản thân thường hay rung động trước những bóng hồng yêu kiều xinh đẹp. Tuy trải qua nhiều cuộc tình nhưng ông chỉ có độc nhất cuộc hôn nhân với nữ diễn viên Nguyệt Ánh và họ đã chấm dứt cuộc hôn nhân này cách đây gần 40 năm. Đến giờ ông vẫn độc thân ở cùng con trai duy nhất của mình tại căn biệt thự Nghi Tàm, Tây Hồ, Hà Nội.

NSND Lê Hùng sau đủ chuyện ầm ào to nhỏ với những mối tình mây gió, hiện nay đang hạnh phúc ở cuộc hôn nhân với người vợ thứ hai, nữ diễn viên nhan sắc và trẻ hơn ông đến ba chục tuổi, và sinh nở liền tù tì cho ông ba đứa con nhỏ.

Còn NSND Xuân Huyền, được mệnh danh là người có “trái tim đá”, không một mỹ nhân nào có thể làm lung lay, rung động được ông ngoài vợ. “Nhất vợ, nhì trời” là phương châm sống của ông.

Ai cũng biết, Xuân Huyền nể vợ có tiếng, bởi ông thuần túy dân nghệ sỹ, không dính dáng gì đến những vụn vặt đời thường ngoài đam mê nghệ thuật, nên vợ ông, một hồng nhan tri kỉ đã một tay lo lắng, quán xuyến việc nhà, chăm chút ông, nâng niu gắn bó.

Còn nhớ năm 2003, ngồi giữa những nhan sắc tiếng tăm của các nhà hát, trong dịp hội diễn toàn quốc tại Hải Phòng, NSND Xuân Huyền hơn 50 năm thành người Hà Nội mà giữ nguyên âm điệu đất Nghệ An nặng trĩu, trìu mến nhìn bà và điềm nhiên, đùa đấy nhưng cũng đầy hãnh diện tự hào đấy: “Phụ nữ, không ai đẹp bằng vợ tôi”.

Những căn bệnh cứ liên tiếp kéo đến hành hạ, ngoài cơn tai biến còn hàng lô xích xông những hệ lụy nặng nề của bệnh tiểu đường, bệnh gout đã biến người đàn ông cao lớn, vạm vỡ, từng lẫm liệt đề huề trong các vai kép tướng của sân khấu tuồng trở nên đơn côi, bấy yếu.

Ông cứ ngồi nguyên một tư thế trên ghế salon, khó nhọc nói, lâu lâu mới lẫm chẫm đứng lên, tự xoay xở thân mình trong không gian riêng nhỏ bé và sạch sẽ, ngăn nắp. Ngẫm ra cái hạn tày trời, phải giỏi thuốc và chịu tốn tiền của con cái lắm lắm mới giữ được tỉnh táo minh mẫn như hiện tại. Thường xuyên vào ra tại bệnh viện, nằm viện đến hàng tháng trời, mà những năm gần đây, năm nào ông cũng nằm viện đến vài tháng. Có những lần chúng tôi đến thăm, ông nằm ở căn phòng cao cấp với giá 2 triệu đồng/ngày.

Ông đùa bảo: “Đi nghỉ dưỡng hàng vài tháng trời và tiêu tốn tiền của con cháu”. Tuy vẫn có thể đi lại được một cách chậm rãi, và vẫn có thể trò chuyện vui vẻ nhưng ông có hai người giúp việc. Một bác giúp việc thân quen đã ở với gia đình thuộc tính cách, nết ăn ở của ông. Anh Việt, con trai ông lại gọi thêm một cậu thanh niên nhanh nhẹn ở gần cơ quan mình công tác ngày nào cũng vào để trò chuyện với ông và xem ông có dặn dò, sai bảo gì không.

Ông có hai người con, một trai, một gái đều theo nghệ thuật. Người con gái cùng chồng con sinh sống tại Úc hơn chục năm nay thi thoảng về thăm cha.

Các học trò và đồng nghiệp đến thăm NSND Xuân Huyền trong bệnh viện.

Ông sống cùng người con trai, anh Việt hiện đang công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ. Anh Việt hợp tính ông và là người con hiếu thảo, ân cần. NSND Xuân Huyền tuy bệnh tật hoành hành tác quái, đôi cánh tay của ông trồi lên dị thường do di chứng của căn bệnh gout, bù lại ông có chỗ dựa là con cháu, khiến cho ông vững tâm an nhiên trị bệnh. Đúng là “Trẻ cậy cha, già cậy con”, NSND Xuân Huyền thấy ông tuy vậy vẫn là may mắn.

Thường ngày, Xuân Huyền nụ cười hiền hóm hỉnh, khuôn mặt thông minh luôn toát lên sự nghiêm nghị kiểu của một ông đồ “gàn” xứ Nghệ, ông khác hầu hết đồng nghiệp mình, luôn cẩn trọng trong nói năng ứng xử, giao tiếp với các nghệ sỹ, nhất là giới nữ. Thế nên, dẫu có được tung hô mỹ nhân cách nào, gặp Xuân Huyền, các đào đều trịnh trọng một câu “thưa thầy” mà ít ai dám đùa, ít dám bông lơn nói cười như trong các bối cảnh khác.

Vợ qua đời, NSND Xuân Huyền hẫng hụt, ông mất đi chỗ dựa quá lớn, để thấy mình trống chếnh, trơ trọi trong cõi người. Ngay sau khi vợ mất được một vài năm, ông dọn từ căn hộ ở gần khu văn công Mai Dịch về Mỹ Đình ở với vợ chồng con trai và cháu nội. Rồi đến khi người con trai chuyển nhà ra phố Thái Hà, ông lại thêm một lần dịch chuyển cùng con. NSND Xuân Huyền muốn sự sum họp gia đình làm ông khuây khỏa, bớt đi những muộn phiền.

Hàng năm trời không ở bệnh viện thì chỉ tới lui quanh quẩn trong nhà, luôn có một bác giúp việc từ khi vợ ông còn sống. Tính cho đến nay bác đã giúp việc ông được 15 năm, kể từ ngày vợ chồng ông sống ở khu tập thể chợ Đồng Xa, và khi đấy thì ông vẫn khỏe mạnh, thoăn thoắt như con thoi với những lần thị phạm đạo diễn dàn dựng kịch cho các đoàn nghệ thuật.

NSND Xuân Huyền bảo ông nôn nao nhớ không khí sân khấu, quay quắt nhớ những chộn rộn mỗi lúc có kịch bản mới được vỡ hoang, lên sàn tập và ra mắt người hâm mộ. Thú giải trí gần như duy nhất của ông lúc này là âm nhạc, trong không gian yên tĩnh đến độ nghe được tiếng tí tách của chuông đồng hồ rồi lại đắm mình thưởng thức những bản giao hưởng của Moda, bectoven, Traicopxki...

Âm nhạc như một cứu cánh khiến cho tâm hồn ông êm đềm, yên ả hơn, thậm chí nó khiến cho cơn đau bệnh tật bớt hoành hành tác quái. Ngoài ra, việc nghe  thời sự ở đài, hay qua ti vi, kì thực là chỉ nghe thôi và đọc báo cũng là điều nan giải, vì mắt đã kém đi nhiều do biến chứng tiểu đường.

Ông cũng nghe kịch trên đài, trên ti vi, rồi lại mường tượng, nếu là mình, tình huống này mình sẽ xử lý thế kia, kịch bản này mình sẽ cho ra ý tưởng khác. Những ý đồ đạo diễn nảy sinh trong đầu, ông sắp đặt, nhẩm tính và khôn nguôi hồi ức về ngày hôm qua chưa xa. Nhón chân tỉ mẩn trong nhà, nhưng lơ đễnh một chút, ông đều có thể bị ngã, mỗi cú ngã thời khắc này đều đem đến tai họa.

Dẫu thế, Xuân Huyền vẫn túc tắc về quê, mỗi chuyến hành hương đều có cháu con hộ tống. Vùng đất Thanh Chương bỏng rẫy gió Lào lại được đón người con xa quê, dẫu không còn vững chãi, vâm váp như thuở hoa niên, nhưng trí óc vẫn ghi nhớ không thiếu một cảnh vật, một con người nào trong quá khứ.

Khí chất người Nghệ An đậm đặc trong cốt cách Xuân Huyền, cả ở cái cách phát ngôn không giống ai, cái giọng điệu “ác khẩu” đã thành thương hiệu lẫn phong thái mực thước, sự kiêu hãnh nổi trội lẫn ý thức, luôn nghiệt ngã với chính mình. Ở trên sàn tập, giữa bạn bè hay trong giảng đường, đứng trước đám sinh viên tuổi 20 ngang tàng, bất cần, NSND Xuân Huyền đều một giọng điệu riêng biệt, không cần ngụy trang bằng những lớp vỏ xã giao bề ngoài.

Bạn bè đồng nghiệp thời kỳ đầu cũng hay tìm đến chơi, hàn huyên, thăm hỏi. Lâu dần, mỗi người một việc, ai cũng mệt mỏi với đủ thứ vặt vãnh hàng ngày, nên sự đi lại hàn huyên cũng giảm dần theo ngày tháng. Xuân Huyền lại vò võ một mình, ánh mắt vô định đuổi theo những bức tường, chờ tới giờ con cháu tan công sở, tan trường học. Để rồi đến chiều khi cháu nội đi học về, hai ông cháu lại lang thang đi bộ.

Nhưng nỗi buồn chỉ là một khoảnh chợt đến trong suốt chuỗi ngày dài ở ẩn của Xuân Huyền, một chút chạnh lòng hay vương vấn ở những người quen hoạt động, ưa làm việc, nay phải đành chôn chân bó gối ngồi một mình, chứ ánh đèn sân khấu và cả đời thường, khó lòng nào có thể quên được ông.

Cuộc đời nửa thế kỷ làm nghệ thuật, hơn 30 năm đảm trách cương vị đạo diễn, NSND Xuân Huyền là tên tuổi không thể không nhắc đến khi điểm danh những gương mặt ưu tú của sân khấu, nhất là trong thập niên 90, thế kỷ 20 và cả thập niên đầu tiên của thiên niên kỷ mới.

Công chúng bình thường, những khán giả đêm đêm vẫn hồi hộp “ngồi trong nhà hát đợi màn lên”, có thể không để ý đến tên ông, không kịp nhận diện chân dung ông trên các trang báo, tạp chí, nhưng các vở diễn ông dàn dựng, thì chắc chắn, đã neo vào tâm trí biết bao người.

Từ “Lời thế thứ 9” của Lưu Quang Vũ ông dựng cho Đoàn kịch Quân đội, lấy nước mắt không ít người xem cả trẻ lẫn già quãng những năm 1980, vào những năm đầu 2000, vở “Cát bụi” của tác giả Triệu Huấn được ông dàn dựng cho Nhà hát Kịch Hà Nội gây nên tiếng vang cả đợt Hội diễn Sân khấu toàn quốc, một vở tâm lý chính kịch khiến cho ngay trong giới cùng công chúng khán giả điên đảo về cách xử lý tài tình sắc sảo của ông. Rồi đến “Nhà có ba chị em gái” của nữ tác giả kịch bản Thu Phương với dàn diễn viên solist, NSND Lan Hương, Quách Thu Phương, Minh Hằng, của Nhà hát Kịch Tuổi trẻ.

Tiếp đến “Tiếng chuông chùa” của Nhà văn Hữu Ước trên sàn diễn Nhà hát Kịch Tuổi trẻ năng động nhất Hà Nội, một trong những vở diễn cuối cùng ông đứng tên đạo diễn trước khi đổ bệnh, lui vào hậu đài đều được người đời trân trọng lưu trong bộ nhớ.

Xuân Huyền được xướng danh như “người gác đền của sân khấu chính kịch”, một đạo diễn ròng rã nhiều năm liền, không đua theo số lượng, chăm chú điều tiết mình, cốt làm sang, làm đẹp, làm nghiêm ngắn hơn cho sân khấu chính luận vốn đang bị lao đao vì những xâm thực hao mòn của thị hiếu số đông.

Hành trang vở diễn của ông: “Đi đến mùa xuân”, “Bến bờ xa lắc”, “Tiếng gọi”, “Lý Thường Kiệt”, “Othello”, “Nhà có ba chị em gái”, “Vòng đời”, “Cát bụi”, “Cái chết chẳng dễ dàng gì”, “Ngôi nhà quỷ ám”... cả trên sân khấu kịch, tuồng, chèo, dân ca... đều được người xem nồng nhiệt hưởng ứng. Bởi thế, dẫu chỉ vài năm vắng bóng những vở diễn của Xuân Huyền, vài năm không còn vang vang cái giọng Thanh Chương - Nghệ An khiến người đối diện phải căng tai lắng nghe, sân khấu chính luận đã bơ vơ một khoảng trống chưa cách gì bù đắp nổi.

Hình ảnh ông đau yếu hôm nay không thể làm mờ đi kí ức của tôi về một người nghệ sĩ đích thực, cao to nhanh nhẹn phong độ khi xưa, ân cần mà gần gũi. Vượt lên trên hết đó là tư chất thông tuệ của người đạo diễn tài hoa, phẩm chất đạo đức của người thầy, một tài năng, một nhân cách - tất cả những gì tốt đẹp đều hội tụ đầy đủ trong ông. Người tốt và tài, giờ khi tôi đang viết những dòng chữ này là ông ở quê, vùng đất Thanh Chương - Nghệ An, mà ông bảo ở đó vẫn còn rất nhiều họ hàng thân thuộc.

Ở đó, sáng sáng ông có thể ra vườn tự tay xem những luống cà trổ bông hay những mầm cây xanh mới nhú. Vài hôm nữa ông lại ra Hà Nội, ra khám bệnh, ở với con trai ít ngày rồi ông lại về quê. Cuộc đi đi về về rong ruổi giữa hai mảnh đất, phồn hoa đô hội chốn thị thành và êm đềm sông nước núi non quê nhà đó là thú hành hương của ông vào những năm tuổi già sức yếu an nhiên mặc định.

Trần Mỹ Hiền
.
.