Người giữ hồn nhã nhạc Huế
Nghệ nhân Trần Kích (sinh ngày 15/8/1921 tại làng Thành Trung, huyện Quảng Điền) trong một gia đình có truyền thống chơi nhạc cụ dân tộc. Người Huế đã quen thuộc với hình ảnh ông cụ ngày ngày cọc cạch trên chiếc xe đạp cà tàng đi qua những con đường dẫn đến các nơi như: Trường đại học Nghệ thuật Huế, Trường Văn hóa nghệ thuật Huế, Câu lạc bộ (CLB) Phú Xuân, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế... để chỉ dạy những nốt nhạc cống - xê - sự - xàng... (đây là cách ký âm của nhã nhạc nó tương ứng với các nốt đồ - rê - mi - pha...) cho các học sinh đang học nhã nhạc.
Đem theo tình yêu âm nhạc cổ truyền, ông Trần Kích đã đặt chân đến nhiều quốc gia như: Hàn Quốc, Nhật, Pháp, Bỉ, Lucxembourg, Hà Lan, Thụy Sĩ... Tiếng đàn, tiếng sáo, nhịp phách tiền của các nghệ nhân Huế đã vang lên trên các sân khấu ở Thụy Sỹ, Hà Lan, Bỉ, Lucxembourg, Mỹ, Đài Loan, Hồng Công, Nhật Bản... với mục đích giao lưu, giới thiệu nhã nhạc cung đình Huế, một kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại đã được UNESCO công nhận.
Tài nghệ của ông chính thức được truyền dạy lại cho các thế hệ học trò khi năm 1962 ông tham gia giảng dạy tại Trường Quốc gia âm nhạc Huế (tiền thân của Trường đại học Nghệ thuật Huế bây giờ). Nhưng vào những năm ấy, lớp trẻ không mặn mà nhiều với âm nhạc truyền thống như hiện nay, việc truyền nghề cho lớp trẻ khó khăn hơn và đáng ghi nhận hơn bao giờ hết. M
ỗi năm, hồi ấy Đại học Nhã nhạc Huế chỉ tuyển 5 sinh viên. Cũng chỉ chừng đó học trò theo học tại tư gia hay ở Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế. Vậy mà ông Trần Kích vẫn dạy và bảo mọi người rằng - “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” - cha ông xưa đã dạy thế. Đến hôm nay, dưới bàn tay đào tạo của ông, hàng trăm nghệ sĩ nhã nhạc đã thành tài và đang trực tiếp gìn giữ vốn quý văn hóa mà cha ông đã để lại. Ông đã gìn giữ vốn âm nhạc cổ truyền một cách chắt chiu, bất chấp mọi xô bồ của cuộc sống.
Mùa hè năm 1992, để phục vụ Liên hoan Văn hóa Việt - Pháp tại Huế, những người tổ chức mới chạy đi tìm các nghệ nhân chơi các nhạc cụ dân tộc cổ truyền lập nên CLB Phú Xuân với 16 thành viên. Những thành viên ban đầu của CLB này đều đã từng được đưa vào cung triều Nguyễn khi còn nhỏ để học đàn, trong đó có các nghệ nhân Trần Kích, Nguyễn Kế, Mạnh Cẩm... và nghệ nhân Trần Kích được bầu làm Chủ tịch CLB.
Tại Liên hoan Văn hóa Việt - Pháp năm 1992, CLB Phú Xuân đã có nhiều suất diễn thành công ở sân trước điện Thái Hòa. Du khách phương Tây đã rất ngạc nhiên khi nghe những làn điệu độc đáo được trình tấu từ những nhạc cụ độc đáo không kém. Vậy là một đồn mười, mười đồn trăm, du khách đến Huế những năm tháng đó đều xin được nghe nhã nhạc cung đình.
Để đáp ứng nhu cầu của đông đảo du khách, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã nhờ cha con nghệ nhân Trần Kích, nghệ nhân Nguyễn Quý Cát làm hội đồng tuyển chọn nhạc công ở các làng xã lâu nay chuyên nghề kèn trống phục vụ lễ hội..., thành lập nên đội nhạc mà sau này là các thành viên của Nhà hát Duyệt Thị Đường nổi tiếng.
Cuối năm 1994, nhóm các nhạc sĩ Việt Nam tại Pháp gồm Tôn Thất Tiết, Trần Văn Khê, Nguyễn Thiện Đạo đã bắt đầu chú ý đến việc phục hồi âm nhạc cung đình ở Huế. Nhạc sĩ Tôn Thất Tiết là Chủ tịch Hội Âm nhạc Pháp - Việt đã về Huế, nghe các nghệ nhân CLB Phú Xuân trình tấu và đã đề nghị các nghệ nhân dàn dựng một chương trình âm nhạc cung đình.
Năm 1995, Nhà Văn hóa thế giới tại Pháp đã mời CLB Phú Xuân sang biểu diễn và thu đĩa CD chương trình do CLB dàn dựng với sự giúp đỡ của các nhạc sĩ Việt
Trong lá thư mời nghệ nhân Trần Kích và CLB Phú Xuân sang biểu diễn của Trung tâm Giao lưu văn hóa Rasa ở Hà Lan có đoạn: “Sau khi nghe đĩa thu âm cho bộ sưu tập chưa xuất bản của Nhà Văn hóa thế giới tại Paris, chúng tôi đã xúc động và bị thu hút bởi tài nghệ của các ông. Chúng tôi muốn giới thiệu loại nhạc này cho dân chúng Hà Lan vì đây là loại nhạc mà người dân Hà Lan chưa hề được biết đến...”.
Ngày 7/11/2003, Tổng Giám đốc UNESCO, ông Kiochiro Matsuura chính thức công bố trong buổi lễ được tổ chức tại Paris, UNESCO đã ghi tên 28 kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại lần thứ hai, trong đó có nhã nhạc Huế.
Bằng công việc thầm lặng, ông đã tham gia tuyển chọn từ các làng quê những tài năng trẻ từ 15 tuổi trở lên để các nghệ nhân tiếp tục truyền nghề. Năm 1996, Nhật Bản tài trợ mở khóa học Đại học Nhã nhạc ở Huế. Các nghệ nhân Trần Kích, Trần Thảo, Nguyễn Kế được mời giảng dạy từ đó đến nay. Riêng nghệ nhân Nguyễn Kế đã qua đời cách đây 3 năm, để lại trách nhiệm nặng nề lên vai cha con nghệ nhân Trần Kích.
NSƯT Trần Kích được người Huế trìu mến gọi là - nghệ nhân nhã nhạc cuối cùng còn lại của triều đình nhà Nguyễn. Giáo sư Trần Văn Khê kể lại, trong một lần xem ông Trần Kích biểu diễn tại Hội trường UNESCO (Paris - Pháp) các Việt kiều xa quê hương đã xúc động khóc.
Ông Trần Văn Khê đến nói với ông Kích: “Tôi đã đi nhiều nơi, đã xem nhiều nghệ sĩ biểu diễn nhưng cái thần, cái hồn của các nhạc cụ như: đàn nhị, sáo, kèn, đàn nguyệt, đàn bầu... khi được anh biểu diễn thì như được nâng lên một tầm cao mới của nghệ thuật và tất cả âm thanh ấy không thể lẫn vào đâu được”