Người khiếm thị sẽ được… lướt net

Thứ Bảy, 27/10/2007, 14:05
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có khoảng 45 triệu người khiếm thị và 135 triệu người nhược thị trên toàn thế giới. Dự đoán con số này vào năm 2020 sẽ tăng lên 75 triệu người khiếm thị và 200 triệu người nhược thị.

Vẫn theo thống kê của WHO thì 90% người khiếm thị lẫn người nhược thị thuộc các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo một thông tin khác của WHO, khả năng được đến trường và được hưởng các dịch vụ phục hồi chức năng của người khiếm thị ước tính không đến 15%.

Chính vì thế, việc giúp người khiếm thị có thể tiếp cận được với các công nghệ cao như: máy tính, Internet... là điều gần như không tưởng. (Trước đây, người khiếm thị tại Việt Nam chỉ biết đến chữ nổi và sách “nói”), nên, dự án “Thư viện lưu động dành cho người khiếm thị” với mục tiêu là cung cấp những dịch vụ cho họ khi không đến được thư viện, giới thiệu công nghệ thông tin mới... sẽ là một bước ngoặt lớn cho những người bị khiếm thị trong cộng đồng.

Dự án “Thư viện lưu động dành cho người khiếm thị” do Quỹ Force (Hà Lan) và Ngân hàng Standard Chartered tài trợ, với tổng chi phí là 66 nghìn USD.

Mục tiêu của dự án là nhằm tìm hiểu nhu cầu của người khiếm thị tại các khu vực khác nhau, cung cấp nguồn nhân lực và dịch vụ cho những người khiếm thị không có điều kiện đến thư viện và giới thiệu công nghệ thông tin mới cho người sử dụng. Điều này, đồng nghĩa với việc những người khiếm thị tại Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng để truy cập Internet như người bình thường, với những kỹ thuật hỗ trợ đặc biệt cần thiết.

Thư viện lưu động là chiếc xe tải bán nhẹ được thiết kế đặc biệt để phục vụ như một thư viện cho người khiếm thị với 2 máy tính kết nối Internet, các phần mềm ứng dụng, 1 máy in chữ nổi, 1 máy phóng, 18 máy đọc sách nói, 10 máy đọc sách bỏ túi, 1 máy nhiệt làm phồng giấy, tài liệu thay thế bao gồm: sách chữ nổi, sách nói kỹ thuật số, hình minh họa nổi, sách minh họa nổi cho trẻ em.

Các trang thiết bị này bảo đảm cho người khiếm thị lướt net mà không cần vào khả năng quan sát bằng mắt.

Người khiếm thị sử dụng công nghệ cao để lướt net.

Là một trong những người đầu tiên được chủ dự án mời sử dụng thử nghiệm thư viện lưu động, bà Nguyễn Thế Thanh - Phó GĐ Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM nói: “Tôi cảm thấy đây là những trang thiết bị rất tiện lợi cho người khiếm thị. Vì cùng lúc, họ có thể sử dụng chữ nổi, đồng thời với việc có thể dùng cả máy tính, Internet. Tức là không chỉ đọc sách, mà họ còn có thể tiếp cận được với kỹ thuật hiện đại, mà trước đây, gần như là người khiếm thị không thể nghĩ tới”.

Tuy nhiên, vì đây chỉ là thử nghiệm bước đầu, nên trong tháng 11 và 12/2007, các nhân viên dự án sẽ tiến hành tập huấn và lên kế hoạch phối hợp thực hiện với các địa phương. Năm 2008, dự án sẽ phục vụ tại 10 điểm, chủ yếu là khu vực ngoại ô TP HCM và các tỉnh phía Nam. Tại mỗi địa điểm, thư viện sẽ mở cửa phục vụ 4 lần/năm, mỗi lần phục vụ với thời gian 5 ngày.

Trả lời câu hỏi là liệu chỉ với 5 ngày, người khiếm thị có thể nắm bắt được công nghệ hiện đại từ dự án “Thư viện lưu động” hay không, bà Thế Thanh cho biết: “Thật ra, dự án này mang ý nghĩa tiên phong. Đúng với nguyên lý của các hoạt động cộng đồng. Người khiếm thị sẽ được hỗ trợ cần câu, thay vì cho con cá.

Vấn đề là công tác quảng bá hình ảnh và tuyên truyền cho “thư viện lưu động” này như thế nào để người khiếm thị có thể tận dụng tối đa thời gian 5 ngày phục vụ của thư viện. Cho nên, Sở VH-TT TP HCM sẽ chỉ đạo đến các trung tâm văn hóa quận, huyện để thống kê về số lượng người khuyết tật và tuyên truyền ngay khi xe của thư viện lưu động đến phục vụ”.

Ông Phan Ngọc Dũng, ngụ tại Q.9, TP HCM, người khiếm thị đầu tiên được “thư viện lưu động” mời lên xe sử dụng thử các thiết bị rất hồ hởi nói: “Những dụng cụ tiên tiến này rất thuận lợi cho chúng tôi khi có nhu cầu học tập. Đành rằng không thể nào chỉ trong vòng vài ngày là có thể tiếp thu hoàn toàn. Nhưng, đây quả là điều tuyệt diệu với những người khiếm thị”.

Thông tin mà chúng tôi có được thì trong quá trình thực hiện dự án sẽ đánh giá nhu cầu sử dụng “thư viện lưu động” của người khiếm thị bằng cách phỏng vấn trực tiếp với phiếu điều tra đơn giản, tìm hiểu cụ thể tại địa phương. Các thông tin thu được sẽ sử dụng để tiếp thị các nguồn lực cho người khiếm thị, sử dụng máy tính, máy phóng, máy đọc.

Ngoài ra, “thư viện lưu động” còn cho người khiếm thị mượn máy đọc sách nói, máy đọc sách nói bỏ túi... Dĩ nhiên, người khiếm thị có nhu cầu mượn sách về nhà cần phải đăng ký và được thư viện thông qua.

Dự án cũng sẽ  củng cố mạng lưới các cơ quan để chia sẻ kinh nghiệm, mở rộng dịch vụ thư viện và tập huấn các kỹ năng phục vụ người khiếm thị trong cả nước. Các nhà quản lý dự án sẽ vận động hỗ trợ để mở rộng hoạt động, đánh giá và điều chỉnh các hoạt động sao cho phù hợp với nhu cầu.

Trước khi bắt đầu cho năm thứ 2, dự án cũng tiến hành đánh giá hoạt động của năm thứ nhất với 10 địa điểm trên. Những địa điểm hoạt động tốt (nhu cầu sử dụng cao, cam kết trách nhiệm từ phía thư viện địa phương, hỗ trợ từ phía chính quyền) sẽ được thiết lập một trạm căn bản với 1 máy phóng, 2 máy đọc sách nói, các sách điện tử...

Và khi các thư viện địa phương tự quản lý hoạt động của mình, dự án sẽ mở rộng sang các địa phương khác.

Thay mặt cho Quỹ Force, ông Matthijs Balfoort, Giám đốc Quỹ nói: “Lý do để bắt đầu dịch vụ thư viện lưu động này rất đơn giản: có nhiều người khiếm thị và có rất nhiều thư viện địa phương có nhiệm vụ phục vụ người khiếm thị, nhưng lại không có được dịch vụ này.

Họ sống xa các thành phố lớn, nên có thể không biết hoặc không được cung cấp những dịch vụ hiện đại. Bây giờ tất cả đã thay đổi khi có thư viện lưu động. Đó là điều mà sắp tới đây, chúng ta bắt đầu thực hiện”.

Rõ ràng, việc triển khai “Thư viện lưu động” này chắc chắn sẽ giúp những người khiếm thị biết được mọi việc đang diễn ra xung quanh mình. Từ đó, họ dễ dàng hơn khi hòa nhập vào cộng đồng và giao tiếp với thế giới xung quanh...

PV
.
.