Người mang tác phẩm nghệ thuật trên lưng

Thứ Tư, 15/02/2017, 08:25
Tim Steiner mang trên lưng hình xăm nghệ thuật độc đáo được thiết kế bởi một nghệ sĩ nổi tiếng người Bỉ và “tác phẩm” được bán cho nhà sưu tập nghệ thuật người Đức tên là Rik Reinking. Khi Steiner qua đời, tấm da lưng quý giá của anh sẽ được đóng khung để triển lãm. Nhưng từ bây giờ cho đến lúc đó, Steiner dành phần lớn thời gian của mình để ngồi trong các gallery với tấm lưng trần.

“Tác phẩm nghệ thuật nằm trên lưng tôi và tôi chỉ có việc mang nó đi khắp thế gian”, Tim Steiner - cựu chủ nhân cửa hiệu xăm mình ở thành phố Zurich (Thụy Sĩ) - nói. Các đây gần mười năm, bạn gái của Tim Steiner lúc đó gặp được một nghệ sĩ người Bỉ tên là Wim Delvoye – người trở nên nổi tiếng với những con heo mang hình xăm trên lưng gây tranh cãi. Delvoye nói với bạn gái của Steiner rằng, ông đang tìm một người nào đó đồng ý biến tấm da lưng của mình thành một bức tranh nghệ thuật.

Wim Delvoye mất 40 giờ để thực hiện hình xăm trên lưng Steiner.

Steiner nhớ lại: “Bạn gái gọi điện thoại cho tôi và tôi trả lời ngay lập tức: anh thích được như thế”. Hai năm sau đó và sau 40 giờ xăm công phu, hình ảnh trải dài trên lưng của anh thể hiện Đức Mẹ với vầng hào quang tỏa ra xung quanh những tia sáng màu vàng và trong vầng hào quang đó có chiếc sọ người mang những họa tiết Mexico truyền thống.

Trên nền bức tranh còn có những con chim nhạn bay sà xuống, những đóa hồng màu đỏ và xanh. Phía dưới lưng của Steiner là 2 con cá koi Trung Quốc (khác với cá koi Nhật Bản) mang em bé trên lưng bơi qua đám hoa sen.

Steiner giải thích: “Trong mắt tôi, đó là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Những người xăm mình chính là những nghệ sĩ lạ thường mà chẳng bao giờ được thế giới nghệ thuật đương đại chấp nhận. Vẽ trên tấm vải là chuyện khác và vẽ trên da người bằng cây kim lại là câu chuyện hoàn toàn khác”. Tác phẩm (được đặt tên là TIM) trên lưng người sống này được bán với giá 150.000 euro cho nhà sưu tập người Đức Rik Reinking hồi năm 2008 và Steiner được trả trước một phần ba số tiền này.

Những hình xăm trên lưng heo của Wim Delvoye.

Steiner tiếp tục câu chuyện: “Nhiều người nghĩ tôi là bức tượng điêu khắc cho nên họ không khỏi bị sốc khi nhận ra tôi là người sống. Tấm da lưng của tôi hiện giờ đã thuộc sở hữu của Rik Reinking. Lưng tôi là tấm vải vẽ và tôi là bộ khung tạm thời”.

Theo thỏa thuận, sau khi Steiner từ trần thì da lưng của anh sẽ được lột ra, đóng khung vĩnh viễn và nằm trong bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân của Rik Reinking. Phát biểu về sự “hy sinh” của mình, Steiner cho biết: “Tôi nghĩ đây không phải là ý tưởng tồi”.  Tuy nhiên, sự lựa chọn lạ thường của Tim Steiner đã làm bùng phát cuộc tranh cãi căng thẳng.

Theo hợp đồng ký với nhà sưu tập Rik Reinking, Steiner sẽ phải ngồi trong một gallery ít nhất 3 lần/năm để triển lãm bức tranh xăm mình. Cuộc triển lãm không giống ai đầu tiên của Steiner diễn ra tại Zurich hồi tháng 6-2006 – khi đó bức tranh xăm mình còn đang trong giai đoạn hoàn thành. Năm 2016, Steiner thực hiện cuộc triển lãm dài nhất của mình – kéo dài trong 1 năm (5 giờ/ngày và 6 ngày/tuần) và vừa mới kết thúc, tại Nhà bảo tàng Nghệ thuật Cổ và Hiện đại (MONA) ở thành phố Hobart (bang Tasmania, Australia).

Tim Steiner triển lãm tại Nhà bảo tàng Louvre (Pháp) năm 2012.

Steiner cho biết về trải nghiệm làm bức tranh sống của bản thân: “Thật là vô cùng cực nhọc khi buộc phải ngồi bất động một chỗ, giữ cho lưng thật thẳng và khép chặt hai gối trong suốt 15 phút. Nhưng tôi đã làm như thế trong 1.500 giờ. Đó là trải nghiệm kinh khủng nhất trong cuộc đời tôi”.

Ranh giới duy nhất ngăn cách Steiner và khách tham quan gallery là sợi dây giăng trên sàn nhưng vẫn có một số người ngoan cố vượt qua nó. Steiner kể: “Tôi bị sờ mó, hà hơi, hét vào tai, xô đẩy và vỗ đập. Thực chẳng khác gì tiết mục diễn xiếc”.

Hình ảnh Đức mẹ trên lưng Steiner.

Mặc cho mọi người cố nói chuyện với Steiner, anh vẫn không động đậy hay trả lời. Sau khi tổ chức triển lãm tại Đan Mạch và Thụy Sĩ, Steiner sẽ mang lưng mình trở lại MONA lần nữa vào tháng 11-2017. Steiner hé lộ: “Một ngày nào đó, TIM sẽ được treo tại MONA”.

Di An (tổng hợp)
.
.