Người mang tiếng đàn bầu ra Đảo Ngọc

Thứ Ba, 17/05/2016, 16:00
Mùa hè năm 1972, lịch sử ghi dấu đỉnh cao của cuộc chiến tranh tàn khốc ở cả hai miền Nam - Bắc. Nhưng mấy ai biết, cũng hè năm ấy có một chàng thiếu niên chưa tròn 14 tuổi, khoác chiếc túi trên vai quyết đi theo cách mạng. Chàng thiếu niên ngày ấy nay đã là ông lão 60, mưu sinh nhiều nghề, trôi dạt mãi ông mới chịu dừng chân nơi Đảo Ngọc (Phú Quốc, Kiên Giang).

Hành trang mang theo chỉ độc cây đàn bầu. Ngày lặn biển mưu sinh, tối nghiên cứu âm nhạc dân tộc. Bất ngờ trong một lần đi điền dã sưu tầm tài liệu để hoàn chỉnh hồ sơ Đờn ca tài tử (ĐCTT) đệ trình lên UNESCO, PGS.TS. Lê Văn Toàn - Viện trưởng Viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam phát hiện ra ông, người chơi được 5 loại nhạc cụ dân tộc và có nhiều nghiên cứu khá chuyên sâu về âm nhạc ĐCTT.

Một tấm giấy khen của Viện trưởng Viện Âm nhạc VN tặng cho ông ngay sau đó, khẳng định giá trị lao động nghệ thuật nhưng chưa thể nói hết công sức mà ông đóng góp cho sự vinh danh ĐCTT - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nhớ đội văn nghệ “Hương mùa mai”

Mới đây, trong một lần ra Đảo Ngọc, chúng tôi tình cờ gặp lại ông. Chàng thiếu niên Trần Trường Sơn quê Giồng Trôm, Bến Tre, hơn 40 năm trước, chưa tròn 14 tuổi đã lên đường theo tiếng gọi của non sông. Mới đó mà nay đã 60. Trước mặt chúng tôi là người đàn ông với nước da sạm đen vì nắng gió, dấu ấn của cuộc mưu sinh trên biển. Chúng tôi có cảm giác dường như ông vẫn còn trẻ hơn số tuổi của mình, thậm chí còn rất trẻ ở thể chất và tâm hồn.

Ông kể lúc mới đi theo cách mạng, tổ chức phân công vào Ban An ninh của tỉnh Bến Tre, lúc ấy Ban có 6 B, ông ở B5. Sau mấy tháng công tác, tổ chức phát hiện ra ông có khiếu âm nhạc nên được cho vào chiến khu ở huyện Giồng Trôm (gọi là cánh A) để bồi dưỡng nhạc lý. Sau khóa học 3 tháng, trở về đơn vị làm công tác phong trào, chuyên nhạc lý guitar.

Hiệp định Paris ký kết, chiến sự miền Nam có phần lắng dịu. Phong trào văn nghệ ở một số địa phương trong vùng giải phóng hoạt động bán công khai. Lãnh đạo trực tiếp phong trào văn nghệ lúc bấy giờ là ông Trần Văn Chiến - Phó Ty An ninh, người gốc Bình Đại, rất khoái văn nghệ.

Ông Chiến thường xuyên vận động anh em sáng tác cải lương, vọng cổ, vở kịch ngắn... mang chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ và một số kịch bản có nội dung trừ gian, diệt ác rồi cùng nhau dàn dựng. Xong, đi diễn khắp nơi trong tỉnh, được người dân phấn khởi đón nhận. Đội văn nghệ lúc này có tên là “Hương mùa mai” - nói lái của “hai mùa tát mương bắt cá”, ông Sơn giải thích. Và lấy bài “Bà mẹ bên bờ Hàm Luông” của tác giả Thu Vân làm nhạc nền trong công tác phong trào.

Ông Sơn độc tấu Khúc Nam Ai bằng đàn kìm, thú vui sau những ngày đi biển tại ngôi nhà nhỏ của ông ở xã Dương Tơ, Phú Quốc.

Đội văn nghệ hoạt động sôi nổi đến năm 1975, trở thành một trong hai tổ chức nghệ thuật mạnh nhất trong tỉnh. Lúc bấy giờ quản lý đội văn nghệ “Hương mùa mai” là ông Nguyễn Hữu Trí, người gốc Ba Tri, quyết định thành lập luôn đoàn văn nghệ chuyên nghiệp, trực thuộc Công an tỉnh Bến Tre.

Được tin, Ty Văn hóa - Thông tin phản đối quyết định này. Cho rằng, cấp tỉnh không thể có hai đoàn hát, đầu tư sẽ dàn trải và tốn kém ngân sách. Sau nhiều tranh cãi, đoàn “Hương mùa mai” do có nhiều thành tích trong kháng chiến, hơn nữa là đoàn của lực lượng vũ trang, có tôn chỉ, mục đích riêng và rất được công chúng yêu thích nên cuối cùng được chấp nhận.

Lịch sử sang trang, hết “tát mương”, đoàn đổi tên thành “Thanh kiếm Đồng Khởi”. Ông Sơn được tổ chức đề bạt làm phó đoàn; ông Vũ Hùng từ đoàn dân công Quân khu 8 về làm trưởng đoàn. “Đặc sản” của đoàn khi ấy là các vở diễn: “Tìm lại cuộc đời” của soạn giả Huy Lan, “Trận tuyến thầm lặng” của soạn giả Hoa Phượng, “Khách sạn hào hoa” của soạn giả Trần Hà... Trong 3 vở này, anh Sơn vào vai cán bộ nằm vùng hết sức hoàn hảo. Song, nổi bật nhất là vai chú Năm trong vở “Khách sạn hào hoa” đã mang về cho anh Huy chương bạc tại Liên hoan Hội diễn sân khấu do Bộ Nội vụ tổ chức.

Ông Sơn phụ trách đoàn được 4 năm, tổ chức rút về cho đi học nghiệp vụ, xong chuyển sang ngành an ninh, công tác tại Công an tỉnh Bến Tre. Năm 1988, ông xin nghỉ vì hoàn cảnh, về nhà nuôi người cha già thường xuyên bệnh tật ở Giồng Trôm. Hơn năm sau, ông rời Giồng Trôm sang Núi Cấm (An Giang) để mưu sinh.

Trong những tháng ngày mưu sinh xa xứ, buồn vui lẫn lộn, ông gặp một số anh em chơi nhạc ĐCTT tâm đầu ý hợp. Sẵn có máu văn nghệ, ông bước vào những cuộc hòa đàn đến tận thâu đêm. Không chỉ hòa đàn với anh em tâm đầu ý hợp mà còn thường xuyên được mời đàn trong những đám tiệc và rất được anh em quý mến.

Tiếng đàn bầu không lạc lõng

Năm 1991, việc mưu sinh ở Núi Cấm càng lúc càng khó khăn, lại được người quen mách bảo, ông Sơn từ biệt vùng núi Thất Sơn tìm đến một “vùng đất hứa” nằm ngoài khơi biển Tây. Đó là Đảo Ngọc (Phú Quốc). Sau hai ngày quá giang thuyền buôn, ông đặt chân lên đảo, không một bóng người thân. Chỉ thấy trên là rừng, dưới bốn bề là biển cả mênh mông.

Nhìn lại hành trang vài ba bộ đồ sờn cũ, tài sản quý nhất có chăng là cây đàn bầu ông sắm ở An Giang. Ông nghĩ tiếng đàn sẽ làm ấm lòng người trong lúc đi xa, nhưng không thể làm no cái bụng. Ông liền dò đến những dân chài sinh sống để hỏi kế mưu sinh. Thời may, ông gặp một người tốt bụng, đó là anh Lê Minh Hoàng ở ấp Rạch Hàm, Xã Hàm Ninh, Phú Quốc, dìu dắt bước vào nghề biển.

Trước mỗi chuyến ra khơi lặn mò sò điệp, đồn đột..., ông Sơn mang cây đàn đến gửi cho ông từ ở Dinh Cậu, nằm ngay cửa sông thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. Chuyến đi biển nhanh cũng chục ngày, lâu thì 1 tháng. Lúc trở về, ông ghé qua lấy cây đàn về chơi mươi bữa, đến ngày đi lại mang ra gửi. Ông Sơn không nhớ mình gửi như vậy bao nhiêu lần nhưng, có một lần biển động, chuyến đi kéo dài hơn tháng mới vào lại đất liền.

Cũng như mọi lần, anh ghé qua Dinh Cậu lấy cây đàn về góp vui với bạn chài. Ông từ nói “Hồi nào tới giờ, tao không thấy ai chơi cây đàn này”. Nói rồi ông từ rủ ông Sơn chiều tối ghé lại Dinh cùng chơi đàn với một số anh em, vì ông cũng rất thích ĐCTT.

Cũng nhờ có cây đàn hòa nhịp với dân chài, ông Sơn dần quen biết với nhiều anh em khác trên đảo. Và cũng nhờ có tiếng đàn mà cuộc sống trên đảo của ông dần ổn định. Ông nhủ: “Kiểu này không bỏ được rồi!”.

Cũng từ đây, một người dân tốt bụng trên đảo thấy vậy cho ông mấy chục mét vuông đất cất nhà. Ông bà xưa nói, an cư rồi mới lập nghiệp. Vừa an cư xong, tiếng đàn của ông lại vang ra khắp thị trấn Dương Đông. Tiếng đàn bầu đến tai ông Quốc Long - nguyên Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Phú Quốc, một người rất mê ĐCTT. Ông Sơn được mời ra với gợi ý, rằng giúp sức cho Trung tâm Văn hóa thành lập CLB ĐCTT. Ông Sơn gật đầu không chút do dự. Đây là CLB ĐCTT đầu tiên của tỉnh Kiên Giang.

Niềm đam mê và sự dày công nghiên cứu ĐCTT của ông Sơn đã được xã hội công nhận.

CLB hoạt động rôm rả được vài năm thì ông Quốc Long nghỉ hưu. Thiếu bàn tay chăm sóc tận tụy, người kế nhiệm lơ là, ít năm sau CLB tan rã. Ông Sơn vác đàn về nhà, nhảy xuống ghe tiếp tục mưu sinh.

Tuy rời công tác quản lý nhà nước, nhưng năm 1999, ông Quốc Long và ông Sơn cùng một số anh em khác tham dự liên hoan ĐCTT do tỉnh Kiên Giang tổ chức. Lần tham dự đó, ông Sơn đoạt giải độc tấu đàn bầu với bài “Đoản khúc lam giang”. Những lần liên hoan tiếp theo, tỉnh đều có mời ông tham dự, nhưng do đi ra đi vô Rạch Giá cách trở đò giang.

Mỗi lần đoàn đi tham dự khoảng 10 người, kinh phí cấp không đủ tiền tàu, xe, ăn uống, đó là chưa tính đến chỗ ở, nên mỗi lần như vậy thường phải tìm tàu chở hàng từ đảo Phú Quốc vào đất liền xin quá giang. Lúc về phải đi bằng tàu khách, do không trùng hợp với ngày tàu chở hàng ra đảo. Tốn kém, cực khổ đủ điều nên sau đó ông từ chối tham gia.

Đầu năm 2011, trong một lần đi điền dã ở vùng ĐBSCL tìm tư liệu để hoàn chỉnh hồ sơ ĐCTT đệ trình lên UNESCO, PSG.TS. Lê Văn Toàn - Viện trưởng Viện Âm nhạc quốc gia phát hiện ông Sơn chơi được 5 loại nhạc cụ khác nhau (guitar phím lõm, đàn bầu, đàn kìm, đàn sến và đàn tranh) và có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc ĐCTT.

Ngay sau đó PGS.TS. Lê Văn Toàn đưa cả đoàn ra Đảo Ngọc để gặp ông. Ngoài trao đổi chuyên môn về công tác tự nghiên cứu, truyền nghề cho các học viên trên đảo, đoàn còn tổ chức ghi âm các bản đàn, ghi hình một số chương trình biễu diễn ĐCTT do ông tổ chức, dàn dựng mang về Viện để bổ sung hồ sơ. Cùng thời điểm này còn có một số nhà nghiên cứu ĐCTT, tài tử đàn, tài tử ca cũng đến đây để nghe ông nói chuyện về ĐCTT.

Ông Sơn tâm sự, xuất thân là một tay chơi tân nhạc, nhưng sau đó ông thấy ĐCTT có cái gì đó chất phác, gần gũi với người Phương Nam. Từ trang phục, ca từ, tính cách, đến những câu chuyện đời thường cũng được các soạn giả đưa vào trong sáng tác của mình. Thế nên bắt đầu từ những năm 1980, ông chuyên tâm nghiên cứu thể loại âm nhạc dân tộc này qua các tài liệu của cố GS.TS. Trần Văn Khê, TS. Nguyễn Thuyết Phong và một số tài liệu khác.

Dày công nghiên cứu, ông nhận ra rằng, âm nhạc ĐCTT là “tâm tấu”, tức là trong hòa đàn phải lấy “cái tâm và cảm hứng” của người chơi làm chủ đạo, từ đó mới khiến cho người nghe cảm thông, rồi dần xích lại gần nhau.

Vừa đi biển để tồn tại, vừa nghiên cứu ĐCTT cho thỏa chí đam mê. Thật khó ai tin trên cõi đời thực này có người làm được. Nhưng với ông Sơn, bản chất của một người lính khi chưa tròn 14 tuổi, ông đã kiên trì, thận trọng và chịu khó học hỏi, nên từ chỗ sử dụng một nhạc cụ giờ ông đã chơi thành thạo nhiều nhạc cụ. Ông Sơn nói mình nghiên cứu âm nhạc ĐCTT dựa trên thuyết Đông Phương học, tức là ngũ âm bác học.

Theo ông, chính cái này nó nằm trong triết học Phương Đông. Bên ngoài là tượng ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) bên trong là tượng ngũ âm (Cung, Thương, Giốc, Vũ, Chủy), nó tương ứng với hò, xự, xang, xê, cống. Người học ĐCTT phải biết được những kiến thức căn bản này. Do vậy, học trò của ông không nhiều, đến nay chỉ trên dưới 10 người, hầu hết đã thành danh tại một số CLB ở Kiên Giang, An Giang...

Bằng phương pháp truyền thụ rất riêng, đặc biệt là ông rất chú trọng đến những kiến thức căn bản, bởi vậy trước khi dạy cho học trò cầm đờn, ông dạy cách phân tích các ngũ âm. Còn trong dạy ca ông xướng âm cho họ nắm được căn bản. Dạy nhịp thì có phần khắt khe hơn, vì theo ông “nhất nhịp, nhì ca thứ ba đờn”. Nhịp giúp cho con người chuẩn mực trong ca hát, cách sống. Trong ca, ông yêu cầu tài tử ca phát âm sao cho đúng chất giọng Nam Bộ. Bởi trong ca hát, đặc biệt là trong ĐCTT (xa hơn là trong giao tiếp) nếu tuân thủ cách phát âm thì con đường ca hát sẽ thuận lợi hơn.

Ở Phú Quốc hiện nay cũng có một CLB ĐCTT, nhưng ông Sơn nói mình không tham gia. Vì ông cho rằng người làm CLB này ít hiểu biết về ĐCTT, nên từ lúc thành lập đến nay đã đưa CLB đi chệch hướng. Ông Sơn từng lên tiếng và tỏ ra ái ngại khi cho rằng, chơi ĐCTT đam mê thì tốt, nhưng đam mê mù quáng thì không nên. ĐCTT là sản phẩm của tâm hồn, một nghệ thuật tinh hoa độc đáo của dân tộc. Đến với ĐCTT phải bằng tài năng, trí tuệ chứ không thể đem nó ra chơi đùa một cách tùy tiện mà không có chút tự tôn dân tộc.

Ông Trần Trường Sơn cho biết hoài bão của mình kể từ khi UNESCO vinh danh ĐCTT, Chính phủ cũng đã có chương trình hành động quốc gia. Ông mừng nhưng vẫn canh cánh một điều là làm sao để đưa ĐCTT vào hệ thống học đường, chí ít cũng từ cấp III trở lên. Ông nói gần đây rất vui khi biết tin Bạc Liêu đã đưa ĐCTT vào thử nghiệm giảng dạy ở một số trường cấp III, mặc dù chưa thể đánh giá kết quả xác thực nhưng rõ ràng nó là tín hiệu lạc quan cho những người yêu mến bộ môn nghệ thuật dân gian này.

Kỳ Phương
.
.