Người mẹ liệt sĩ 107 tuổi trên đảo Phú Quốc

Thứ Hai, 27/04/2009, 14:25
"Ở trên đảo Phú Quốc này, có hai cụ sống thọ trên 100 tuổi. Cụ bà ở xã Cửa Cạn, năm nay 104 tuổi; cụ bà còn lại sống ở Hàm Ninh, 107 tuổi...". Vừa nghe Thượng tá Nguyễn Văn Thía - Phó trưởng Công an huyện Phú Quốc cho biết như vậy, bất chấp cái nắng gay gắt, tôi "bắt" ngay một bác tài xe ôm đang đậu gần danh thắng Dinh Cậu, vượt chặng đường hơn 14km để đến Hàm Ninh.

Dọc đường cùng tôi tới nhà cụ bà Huỳnh Thị Ba, Trưởng Công an xã Hàm Ninh - Trung tá Nguyễn Văn Lạc kể cho tôi nghe, cụ Ba có mấy  người cháu đang công tác trong lực lượng Công an cũng ở huyện đảo Phú Quốc, trong số này có Đại úy Trần Thị Cẩm Nhung - cán bộ Đội Tham mưu tổng hợp; Thượng úy Trần Thanh Phong - Đội Cảnh sát ma túy và một Công an viên ở xã Hàm Ninh.

Dọc đường đi, chúng tôi gặp chú Trần Huỳnh Nghĩa, 71 tuổi, là con thứ bảy của cụ Ba. Nghe tôi quan tâm đến sức khỏe của cụ Ba, chú Nghĩa vui sướng bảo rằng: "Cụ không phải chỉ còn khỏe không đâu mà còn rất minh mẫn". Chú Nghĩa cho biết, cụ Ba đang sống với người con trai út - chú Trần Văn Bột. Trung tá Lạc kể, ở Hàm Ninh này, người ta biết đến chú Bột như là một điển hình vì tính chịu khó, siêng năng. Nhờ tích lũy nhiều năm mà chú vừa cất cho cụ Ba căn nhà khá xinh xắn và chỉ cách mé biển Hàm Ninh vài chục mét.

Nghe tiếng chú Nghĩa, cụ Ba từ nhà sau bước ra, đi vẫn nhanh nhẹn không cần gậy. Cụ mừng chúng tôi như mừng con, mừng cháu ruột rà trong nhà đi xa vừa mới về. Chú Nghĩa kể rằng, chỉ hơn 2 năm gần đây, sức khỏe của cụ giảm so với trước đó.

"Hồi mấy năm trước, nghe gánh hát về ngoài xã là má tui đi coi". Cụ thích cải lương lắm sao? Cụ Ba cười móm mém: "Mê lắm nhưng chỉ tuồng cổ thôi". Không phải chỉ Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, Phạm Công Cúc Hoa, Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê, Giang sơn mỹ nhân... cụ còn kể cho tôi nghe hàng loạt cái tên của kịch bản sân khấu tuồng cổ mà chúng tôi chưa từng nghe tới bao giờ; thậm chí thuộc làu (do cụ không biết chữ - PV), hát lại cả đoạn.

Cụ Ba kể rằng, bây giờ, đi coi cải lương tuồng cổ không nổi (thật ra hiện cũng ít có dịp đoàn cải lương nào chịu về đảo hát tuồng cổ - PV), cụ vẫn nghe đài, xem tivi, thỉnh thoảng có phát tuồng cổ, mấy người cháu của cụ không ai bảo ai, ưu tiên cho cụ xem. Mắt cụ không còn nhìn rõ nhưng chưa đến mức không nhận ra bộ dạng của các nghệ sĩ trong lớp áo long bào, rực ánh kim tuyến...

Cụ cho biết, không nhớ từ bao giờ, cụ vẫn có thói quen đi ngủ trễ. Có đêm khi biển Hàm Ninh chỉ còn là bóng đêm, đèn của ngư dân câu mực xa xa cũng đã tắt, cụ mới đi ngủ. Ngủ tới chừng 2 giờ sáng thì trở giấc, sau đó ngủ thẳng giấc tới 6 giờ sáng. Còn ăn, mỗi bữa, cụ ăn được một chén cơm. Trong bữa cơm, cụ vẫn thích ăn nhiều rau, nhất là rau luộc chấm nước cá kho.

Trưởng Công an xã Hàm Ninh - Trung tá Nguyễn Văn Lạc thăm cụ Ba.

Trở về với miền ký ức xa xăm, cụ kể cho tôi nghe quê cụ ở tận Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên, An Giang. Nhà cụ nghèo. Cuộc sống chỉ bám vào mấy gốc xoài. Hồi đó làm gì có phân, thuốc gì. Tới mùa, được trái nhiều thì nhờ. Cụ có tất cả 5 anh chị em, tất cả đều đã theo ông, theo bà.

Năm 20 tuổi, cụ lấy chồng rồi về Hà Tiên. Hồi đó khổ dữ lắm. Chồng cũng tiếp nối cái nghề bao đời trước đó là làm ngư phủ. Khó nhưng ngày đám cưới, cô dâu cũng được bên chồng cho đôi bông tai. Bên đàng trai cũng tổ chức rước dâu bằng xuồng theo kênh Vĩnh Tế đàng hoàng. Cụ về nhà chồng làm dâu. Mấy năm sau đó, cụ sinh được con gái đầu lòng. Nhưng mới lên tới 4 tuổi thì bị bệnh chết. Đến đứa con trai kế, mới được 1 tuổi cũng vì bị bệnh ngặt nghèo rồi ra đi.

Sinh tiếp đứa con thứ ba (tức chú Trần Vĩnh Thuận, hiện 79 tuổi, cùng sống ở Phú Quốc), thì có người quen ra đảo từ trước nên rủ hai vợ chồng cụ ra đảo khai hoang, trồng rẫy. Sau nhiều đêm trằn trọc, cụ Ba bảo chồng: "Ra đảo đi, biết đâu...". Cụ ông đồng ý ngay.

Cụ Ba nhớ lại: "Từ Hà Tiên ra đây chúng tôi đi bằng thuyền buồm. Thấy biển tốt mới đi. Vậy mà cũng phải đi mất hai ba ngày mới tới". Khi vợ chồng cụ mới ra, thuyền tấp vào biển Bãi Bổn (nay là một ấp của Hàm Ninh - PV). Hồi đó, nhà cửa thưa thớt lắm. Để có được gạo ăn, cụ bắt đầu nghề làm bánh. Đêm nào cũng vậy, một hai giờ sáng là cụ lục đục thức dậy xay bột, rồi bồng, trộn, lớp hấp, lớp chiên,...

Sáng nào người ta cũng thấy cô gái từ đất liền đội sàng bánh trên đầu, vừa đi vừa rao từ đầu làng đến cuối làng chài nghèo. Bán hết buổi sáng, trưa, cụ Ba lại tranh thủ làm suất bánh thứ hai vào buổi trưa để xế chiều tiếp tục đội đi bán tới tối. Mỗi ngày, chân cụ Ba lội chặng đường hàng chục cây số. Hồi chưa quen, chân mỏi nhừ nhưng cụ Ba thấy vui với cuộc sống mới...

Tôi hỏi về công việc khai hoang trên đảo thời bấy giờ, cụ Ba kể: "Thật ra cũng chẳng có điều kiện, phương tiện gì để mà khai hoang. Cứ theo cặp mé biển mà dựng nhà tranh lên ở. Phía bìa rừng, có mảnh đất trống bà con nhường lại, vợ chồng cụ trồng khoai mì. Nhưng có yên được với lũ heo rừng, khỉ đâu. Chúng đông lắm cứ dẫn từng bầy ra phá".

Cụ cũng cho biết, hồi mới ra, cụ cũng ớn cọp lắm nhưng cho tới giờ thì cụ có nghe nói nhưng chưa từng thấy "ông ba mươi" này xuất hiện lần nào. Về thiên tai, địch họa, cụ nhớ vào năm 1956, có cơn bão lớn lắm đổ vào đảo. Có người hàng xóm đẻ con ngay trong đêm này, đã đặt tên con là Tố (tức đồng chí Đỗ Tố - nguyên Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc).

Cuộc sống vẫn nheo nhóc, có lúc gia đình cụ ăn độn toàn khoai mì. Cụ ông vừa làm ngư phủ vừa tham gia Việt Minh. Sau năm 1954, bọn Diệm tiến hành quy khu - tức dồn dân từ nhiều nơi khác về tập trung tại một khu vực để phân loại, quản lý. Cụ kể, cả Phú Quốc này, bọn địch hình thành 2 quy khu, một ở đây và một ở Dương Đông (nay là thị trấn).

Bị mất quyền tự do, đi đâu cũng hỏi tay chân của tên đại diện Nghép (giống như vai trò Xã trưởng - PV), bực bội lắm. Trong tình thế như vậy nhưng quý một điều là các con của cụ, lớn lên lần lượt đều theo cách mạng. Cho tới bây giờ, dù cụ ông không còn nữa (cụ Trần Thành Công, kém cụ Ba 2 tuổi, mất năm 92 tuổi) nhưng cụ Ba vẫn tự hào về các con, cháu của mình.

Cụ bấm đốt ngón tay, kể: "Thằng Thuận từng là Chủ tịch UBMTTQ xã Hàm Ninh; thằng Bé cũng từng đi bộ đội ở An Giang rồi chuyển về đây; thằng Bình từng làm Phó phòng Nông lâm thủy sản huyện này; thằng Nghĩa làm Phó chủ tịch HĐND huyện; thằng Gạo (tức liệt sĩ Trần Văn Gạo) năm 1969 vừa có vợ được mấy tháng đã hy sinh ở Rạch Giá; thằng Bột hiện cũng là đảng viên của ấp Rạch Hàm này". Rồi cụ kể đến tên của 34 đứa cháu nội (cụ chỉ có cháu nội), nơi công tác của từng đứa...

Thái Bình
.
.