Người nặng lòng với hồn quê Việt cổ

Thứ Ba, 26/01/2021, 10:00
Ngót 50 năm, vừa làm công tác giảng dạy, vừa sưu tầm những hiện vật, sử sách liên quan đến giá trị truyền thống của người Việt qua các thời kỳ cũng như từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử, Tiến sĩ văn học Nguyễn Quang Cương, giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn đã xây dựng một bảo tàng tư nhân đặc biệt mang tên Bảo tàng Hoa Cương tại quê hương (thôn Chân Thành, xã Bình An, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh).


Với hơn 4.000 hiện vật và khoảng 3.700 đầu sách, tài liệu, bút tích, hình ảnh quý hiếm, phản ánh đa diện về đời sống của người Việt, đây là bảo tàng tư nhân đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh, cũng là bảo tàng có quy mô lớn nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ nói riêng và cả nước nói chung, được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép hoạt động và hoàn toàn miễn phí với khách tham quan.

Lưu giữ truyền thống dân tộc Việt

Hoa Cương, theo ngữ nghĩa mà tiến sĩ Nguyễn Quang Cương lý giải, là trăm hoa vẫn đua nở bất chấp đông lạnh, giá rét. Đây là tâm huyết cả cuộc đời của ông và vợ là bà Trần Thị Nguyệt, khi dành trọn gần 50 năm đời người để cóp nhặt, lọ mọ từ Nam chí Bắc để sưu tầm, tập hợp những hiện vật còn lại của người Việt qua từng giai đoạn thăng trầm khác nhau của lịch sử. Thành quả của sự tâm huyết và cần cù, tỉ mẩn ấy là không chỉ được lãnh đạo cấp tỉnh quan tâm, cấp phép hoạt động.

Tiến sĩ Cương giới thiệu với du khách về niên đại và giá trị của các hiện vật.

Đến thời điểm hiện nay, Bảo tàng Hoa Cương đang trưng bày 4.000 hiện vật và 3.700 tài liệu, hình ảnh, bút tích quý hiếm có từ đời nhà Lý đến cuối thế kỷ XX. Các tài liệu, hiện vật này được sắp xếp theo 13 chủ đề, bao quát muôn mặt đời sống, lịch sử dân tộc, phản ánh khá đa diện về đời sống, văn hóa truyền thống của người Việt. Bao gồm: nông - ngư cụ truyền thống, nghề thủ công truyền thống, đồ dùng sinh hoạt truyền thống, tiền cổ Việt Nam và nước ngoài, hiện vật thời chống Mỹ và chống Pháp, hiện vật thời bao cấp, các loại xe đạp và xe máy cổ, nhạc cụ truyền thống.

Bên cạnh đó còn có sách, tài liệu, hình ảnh, một số hiện vật như chum, ché, hũ, vại sành, cối đá... tất cả đều là đồ cổ, có niên đại hàng trăm năm tuổi. Cùng với đó là hiện vật biển đảo Việt Nam, được sắp xếp tại một vị trí riêng biệt, với tên gọi “Bảo tàng Trường Sa - Hoàng Sa”. Theo tiến sĩ Cương, Bảo tàng là nơi tái sinh hồn quá khứ, phục sinh những giá trị truyền thống; lưu giữ, truyền trao những di sản, giá trị văn hóa cho muôn sau. Đồng thời, là trường học truyền thống, thức tỉnh, giáo dục tình yêu cội nguồn, quá khứ cho cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Cương.

Chia sẻ về việc làm không giống ai của mình, tiến sĩ Cương cho biết, ông chọn quê hương của mình để xây dựng Bảo tàng Hoa Cương, như là một lời tri ân, dấu gạch nối giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Đó cũng chính là động lực thôi thúc ông dành trọn hơn 40 năm để tìm kiếm, sưu tầm, gìn giữ, bảo tồn và phát huy những hiện vật quý, ghi dấu từng vùng miền, từng thời đại lịch sử khác nhau của dân tộc, để quy về một mối tại Bảo tàng Hoa Cương.

Tiến sĩ Cương kể, ông sinh ra trong gia đình nông dân có 9 người con, cuộc tồn sinh vắt qua xoáy lốc chiến tranh và bỏng rát thời bao cấp. Ông, là một trong những người làng may mắt thoát ly. Do vậy, khi đã trưởng thành, hễ có dịp là ông lại tìm đủ mọi cách để đáp lại ơn làng, giúp làng bằng chính tâm sức của mình. Theo ông, ý tưởng này đã có từ thời ông còn học phổ thông nhưng phải đến năm 2017, ông mới có điều kiện để xây dựng bảo tàng. Trước đó, vào năm 2004, chính ông Cương đã bỏ tiền tỉ để lập nên “Nhà khuyến học Hoa Cương”, tiền thân của bảo tàng bây giờ, với gần 2 vạn đầu sách. Nhà khuyến học không đơn thuần là không gian văn hóa cho cả vùng quê mà còn là không gian khơi gợi, làm dấy lên phong trào khuyến học, khuyến tài. Một cao trào đọc sách, học tập được thắp lên, rộn ràng, rộng khắp. Cũng chính từ nơi đây, biết bao lớp lớp học sinh vùng khó đã phương trưởng, nối gót nhau vào đại học. Công trình này cũng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch  đánh giá là thư viện tốt nhất, trong số 47 thư viện tư nhân của cả nước lúc bấy giờ.

Một thời đau đáu vì quê hương

Bất kỳ ai lần đầu đặt chân đến Bảo tàng Hoa Cương đều choáng ngợp trước sự đồ sộ, đa dạng của các hiện vật mà vợ chồng tiến sĩ Nguyễn Quang Cương dày công sưu tầm được. Trong đó, có nhiều hiện vật quý hiếm mà theo nhận định của các chuyên gia, thì có tiền tỉ chưa chắc đã tìm mua được.

Bảo tàng Hoa Cương của Tiến sĩ văn học Nguyễn Quang Cương.

Đơn cử, hiện vật mộc hóa thạch với niên đại hàng triệu năm được tìm thấy dưới chân núi Chư Sê - Gia Lai; rùa đá cổ có nguồn gốc ở khe Hao, núi Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) với niên đại hàng ngàn năm; hay bộ dụng cụ bằng đá thời tiền sử có niên đại trên 3.000 năm. Các hiện vật được trưng bày, xử lý khoa học bởi các chuyên gia Bảo tàng Hà Tĩnh và có thêm sự tư vấn của các nhà sử học, văn hóa học nổi tiếng ở Hà Tĩnh cũng như trên cả nước.

Ngoài ra, Bảo tàng Hoa Cương còn có không gian trưng bày những hiện vật về biển đảo Việt Nam với biểu tượng Hoàng Sa, Trường Sa cùng hàng chục dụng cụ ngư nghiệp truyền thống nhằm tác động trực quan, vun đắp thêm ý thức giữ gìn biển đảo trong cộng đồng.

“Tôi quan niệm rằng, Bảo tàng không chỉ lưu giữ hiện vật quá khứ mà còn là một trường học truyền thống. Nơi đây, sẽ giáo dục cho các thế hệ học sinh qua trực quan hiện vật và các hoạt động văn hóa phi vật thể khác”, tiến sĩ Nguyễn Quang Cương chia sẻ.

Ngoài câu chuyện xây dựng bảo tàng, trong thời gian lưu lại nơi đây để thu thập thêm tư liệu thực hiện bài viết này, chúng tôi cũng đã được các bậc cao niên của làng quê Chân Thành kể nhiều câu chuyện về tiến sĩ Nguyễn Quang Cương, với những việc làm không giống ai, song tất thảy đều vì sự phát triển của quê hương và vì sự nghiệp của nhiều thế hệ con cháu trong làng này. Chỉ những hàng dừa xanh chạy dài thẳng tắp từ đầu thôn đến cuối làng, ông Trần Văn Ích, một cao niên cho biết, công lớn là của tiến sĩ Cương.

Ngày xưa, chính ông Cương đã đưa giống dừa từ Bình Định, nơi công tác và dạy học, về phủ xanh quê hương. Ngoài ra, vị tiến sĩ văn học này còn được nhắc đến như là người đã đứng ra khôi phục văn hóa cho làng. Có 3 công trình tâm linh bị mai một, chứng tích gần như san phẳng là chùa làng, lăng mộ Thành hoàng làng và di tích cách mạng đặc biệt, thờ hai nhà cách mạng, hai anh em ruột là hai Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh và Xứ ủy Trung kỳ, những năm 1930-1936.

Từ những kết quả nghiên cứu thuyết phục, cùng với những tác động với các cơ quan chức năng, kết quả là cả 3 di tích này đều được chấp nhận tái tạo, tôn tạo và phục sinh. Trong đó, di tích lăng mộ Thành hoàng làng, thờ Quận công Nguyễn Quang Nhã và di tích cách mạng nhà thờ Trần Xu và Trần Hoặc, đã được cấp bằng chứng nhận Di tích Lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Các em học sinh chụp ảnh lưu niệm bên mô hình tượng đài đảo Trường Sa trong khuôn viên bảo tàng.

Một câu chuyện khác, từ cách đây 20 năm về trước, khi các phương tiện nghe nhìn còn hạn chế, ông Cương đã bỏ tiền túi, tặng mỗi thôn trong xã Bình An một chiếc ti vi để trong nhà văn hóa thôn. Liên tục 15 năm trở lại đây, ông Cương hỗ trợ Hội Người cao tuổi xã 5 triệu đồng/năm để làm kinh phí hoạt động cho các cụ.

Đặc biệt hơn, với cương vị là một người thầy, giảng viên đại học, thương con em quê mình đói khổ, suốt 18 năm qua, kể từ năm 2002, tiến sĩ Nguyễn Quang Cương đã đưa hàng trăm học sinh của xã Bình An và các xã lân cận trên địa bàn huyện Lộc Hà, thậm chí là các huyện khác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vào TP. Quy Nhơn trọ học, ôn thi đại học miễn phí. Từ tấm chân tình này, hàng trăm em học sinh vùng khó của Hà Tĩnh đã đỗ đạt, thành tài.

Có những trường hợp cá biệt, đi nghĩa vụ quân sự trở về, kiến thức bị mai một, phải kiên trì ôn luyện đến đến 3 năm mới thành công. Về sau, người này đỗ đại học, hiện đang là một giáo viên bậc trung học phổ thông, giảng dạy trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Những việc làm “khác người” này, chúng tôi đã kiểm chứng qua các bậc cao niên, những nhân chứng sống và cả chính quyền địa phương sở tại, tất cả đều cùng chung xác nhận, công sức, tâm huyết và tâm sức của tiến sĩ Cương đóng góp với quê hương là có thật.

Chia sẻ về những việc làm của mình, tiến sĩ Cương cho rằng, hơn 40 năm qua, với sức vóc của một nhà giáo, ông đã cố gắng để giúp quê hương những điều có thể. “Cái sự giúp của tôi, không thể tính bằng tiền. Mà lớn lao hơn thế, bởi tôi đã kích hoạt, dấy lên được sự học, đạo học ở làng quê. Qua đó, góp phần quan trọng, phục sinh được những giá trị văn hóa làng, cao hơn là cho quê hương, đất nước”, tiến sĩ Nguyễn Quang Cương chia sẻ.

Ngày 3-7-2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 2067/QĐ-UBND về việc cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập đối với Bảo tàng Hoa Cương. Ngày 9-11-2020, gia đình tiến sĩ Nguyễn Quang Cương tổ chức công bố quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc khánh thành và đưa bảo tàng vào hoạt động. Từ đó đến nay, bình quân mỗi ngày Bảo tàng đón nhận từ 150-200 lượt khách và hoàn toàn miễn phí thăm quan.
Thiện Thành
.
.