Người nhạc sĩ đau đáu khúc dân ca

Thứ Năm, 27/08/2020, 18:54
Mấy chục năm qua, có một người lặng lẽ, miệt mài sưu tầm, chỉnh lý, góp phần nâng cao dân ca Hà Nam mà không hề nhận bất kỳ khoản tiền hay danh hiệu nào, ông là nhạc sĩ Phạm Trọng Lực.


Hà Nam - vùng chiêm trũng, đồng trắng nước trong, nơi có Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên) nổi tiếng từ thế kỷ thứ X còn có một “đặc sản” khác là dân ca. Giống như quan họ của người Kinh Bắc, dân ca Hà Nam cũng đằm thắm, mượt mà, nồng nàn, tha thiết. Chỉ có điều, so với quan họ thì sự lan tỏa của dân ca vùng đất này còn hạn chế.

Mấy chục năm qua, có một người lặng lẽ, miệt mài sưu tầm, chỉnh lý, góp phần nâng cao dân ca Hà Nam mà không hề nhận bất kỳ khoản tiền hay danh hiệu nào, ông là nhạc sĩ Phạm Trọng Lực.

Lặng lẽ “tìm ngọc trong đá”

Nói đến dân ca Hà Nam, nhiều người rất thích những giai điệu sâu lắng, thiết tha, man mác buồn của bài “Hát thầm”; sự hóm hỉnh, dí dỏm trong bài “Đi ô”; sự vui tươi, hồ hởi trong bài “Ba quan mời trầu”; những nét nhạc mượt mà, đằm thắm của làn điệu “Giao cầu”, “Giao cầu phu thê”... Và điểm chung của những làn điệu dân ca đó chính là đều có giai điệu hay làm say đắm lòng người. Có thể nói, dân ca Hà Nam đã đi vào lòng người bởi giai điệu đẹp, trữ tình, dễ thuộc, dễ nhớ và cả dễ hát.

Nhạc sĩ Phạm Trọng Lực say sưa bên cây đàn.

Nghe tên nhạc sĩ Phạm Trọng Lực đã lâu nhưng hôm nay, trong những ngày đầu tháng Tám mùa thu lịch sử này, tôi mới được về thăm ông và nghe ông kể về những ngày tháng rong ruổi đi khắp nơi sưu tầm, chỉnh lý, ký xướng âm rồi mở lớp học dân ca Hà Nam cho mọi lứa tuổi, từ già đến trẻ. Người nhạc sĩ đã bước vào tuổi xấp xỉ 80 nhưng qua cách nói chuyện đủ thấy sự tâm huyết của ông với dân ca còn rất lớn.

Có thể nói, với việc truyền dạy dân ca cho nhiều thế hệ Hà Nam và nhiều tỉnh, thành thuộc Đồng bằng Bắc Bộ, ông đã góp phần quảng bá dân ca Hà Nam đến với nhiều miền quê của Tổ quốc và đã có nhiều làn điệu được đông đảo quần chúng đón nhận, yêu mến. Thế nhưng, con đường tìm lại câu hát của nhạc sĩ Phạm Trọng Lực rất gian nan bởi hầu hết người xưa đã khuất bóng.

Mặc dù có người cho rằng âm hưởng của khúc dân ca giao duyên Hà Nam nghe nhang nhác như nhiều thể loại dân ca vùng Đồng bằng Bắc Bộ nhưng ông vẫn âm thầm sưu tầm, nghiên cứu và ký nhạc. Năm 2000, tuyển tập “Dân ca Hà Nam” được xuất bản đã góp phần khẳng định khúc hát giao duyên là của dân ca Hà Nam mang nhiều giá trị riêng biệt, do chính những người nông dân tần tảo sớm hôm của vùng đất chiêm trũng sáng tác, truyền miệng.

Không bằng lòng với việc chỉ hát mộc như người xưa, từ những bản ký âm, nhạc sĩ Phạm Trọng Lực đã tìm cách đưa các nhạc cụ vào, đệm đàn cho những bài dân ca, khiến chúng dễ thuộc, dễ hát, có thể biểu diễn trên sân khấu. Ông chia sẻ: “Những làn điệu dân ca đã hay thì phải tìm cách đưa nó lên sân khấu, để cho nhiều người biết đến, còn nếu hát như các cụ ngày xưa thì chỉ có người trong làng biết thôi”. Mấy chục năm cất công sưu tầm, ông đã tìm lại được hơn 30 làn điệu.

Nhạc sĩ Phạm Trọng Lực (cầm đàn) và các học trò trong Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian Hà Nam.

Theo ông, dân ca Hà Nam vốn là thể đối, hát giao duyên được xuất phát từ đồng chiêm nên từ lời ca đến làn điệu đều mộc mạc, bình dị, chất chứa ân tình. Sinh ra từ cuộc sống, gắn bó mật thiết với người dân lao động, dân ca Hà Nam phản ánh đầy đủ tâm hồn, đời sống của họ một cách sâu sắc. Thông qua các đề tài như: Tình yêu đôi lứa, tình duyên ngang trái, tình cảm vợ chồng..., mỗi người không chỉ cảm nhận được hiện thực của xã hội phong kiến lúc bấy giờ mà còn thấy được tinh thần lạc quan, yêu đời của người nông dân “một nắng hai sương”.

“Dân ca Hà Nam có rất nhiều làn điệu hay, phong phú không chỉ về mặt thể loại mà còn đặc sắc về giai điệu và ca từ với nội dung đầy ắp tính nhân văn và lời ca đậm chất trữ tình như: hát Dậm Quyển Sơn (Thi Sơn, Kim Bảng); hát Lải Lèn (Bắc Lý, Lý Nhân); hát giao duyên ngã ba sông Móng (Duy Tiên, Bình Lục); Trống quân (Liêm Thuận, Thanh Liêm)...”.

Hát bằng trách nhiệm của người con Hà Nam

Trong ngôi nhà đơn sơ nhưng ấm áp của nghệ nhân Nguyễn Thị Huyền, một thành viên trong câu lạc bộ Văn nghệ dân gian Hà Nam, tại huyện Kim Bảng, tôi được nghe các học trò của nhạc sĩ Phạm Trọng Lực vừa đàn, vừa hát những làn điệu dân ca ngọt ngào, tha thiết và cảm nhận được niềm vui, niềm tự hào trong từng ánh mắt của họ khi được hát những làn điệu  quê hương. Nghệ nhân Nguyễn Thị Huyền khẳng định: “Đã là người Hà Nam phải biết hát dân ca Hà Nam. Hát dân ca là cách bày tỏ tình yêu với lao động và cuộc sống”.

Các nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nam trong tiết mục hát dân ca Hà Nam.

Nói về sự tâm huyết của các nghệ nhân trong câu lạc bộ này, nhạc sĩ Đoàn Thu Trà, người thực hiện các chương trình dân ca nhạc cổ, Đài Truyền hình Việt Nam, từng kể với tôi câu chuyện thế này. Chị và tổ âm thanh của Trung tâm Kỹ thuật Đài Truyền hình Việt Nam đã cùng nhau thực hiện công việc thu thanh các nghệ nhân tại một ngôi đình làng của địa phương để có “âm thanh sạch” phục vụ cho việc ghi hình.

Các nghệ nhân đã đi biểu diễn ở nhiều nơi và tập hát thường xuyên nhưng thu thanh lại là việc họ ít được thực hiện nên chưa có kinh nghiệm và việc thu thanh trở nên khó khăn hơn khi hát đồng ca. Hát đồng ca gồm nhiều giọng hát nên phải có sự nghe nhau để hát cho đều giọng và hòa quyện với nhau. Chỉ cần một giọng hát không đều là lại phải hát lại.

“Họ phải thu đi thu lại khiến cho các nhạc công và tốp hát cảm thấy rất mệt mỏi trong thời tiết nắng nóng, nhất là khi thu thanh lại phải tắt hết quạt đi để tránh tiếng ồn của cánh quạt quay, giữ cho âm thanh không bị tạp âm. Vất vả là vậy nhưng mọi người không hề kêu ca phàn nàn mà vẫn hồ hởi cùng nhau đàn hát để hoàn thành công việc thu thanh trước khi bắt tay vào ghi hình các tiết mục. Sau khi được nghe các nghệ nhân của câu lạc bộ hát thì chị đã thực hiện thu thanh các làn điệu dân ca đó.

Trong cái nắng oi ả mùa hè, các cô chú, anh chị vẫn say sưa đàn hát, mang tất cả nhiệt huyết và niềm đam mê vào với dân ca như nghệ nhân Nguyễn Văn Lư, Nguyễn Thị Huyền, Trần Văn Hùng, Đoàn Văn Thuật, Nguyễn Thị Cảnh, Lê Đình Hà, Đinh Văn Thông... Các nghệ nhân vẫn đều đặn hằng tuần tập trung lại để cùng tập hát những làn điệu dân ca trữ tình của quê hương mình”, nhạc sĩ Đoàn Thu Trà nhớ lại.

Rất xứng đáng được ghi nhận

Nhắc nhớ đến nhạc sĩ Phạm Trọng Lực, nhạc sĩ Dân Huyền, nguyên Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết: Những năm 80-90 của thế kỷ trước, các cuộc thi “Hát dân ca trên sóng phát thanh” do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Hà Nam đều có nhiều tiết mục tham dự, trong đó có dân ca Hà Nam đều đoạt được giải thưởng cao. Kết quả ấy có sự đóng góp không nhỏ của nhạc sĩ Phạm Trọng Lực.

Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian Hà Nam.

“Là một trong những giám khảo của các cuộc thi, tôi rất vui với các bạn đồng nghiệp ở Hà Nam. Tôi thích thú với các tiết mục do Phạm Trọng Lực sưu tầm, chỉnh lý và dàn dựng. Anh đã tiếp tục công việc trước đây của cố nhạc sĩ Bùi Đình Thảo (cùng quê Hà Nam) - khi còn sống ông thường cộng tác với Đài Tiếng nói Việt Nam trong các thể loại dân ca Hà Nam. Nhạc sĩ Phạm Trọng Lực cũng đã làm đẹp thêm cho dân ca quê hương, rất xứng đáng được ghi nhận”, nhạc sĩ Dân Huyền nhấn mạnh.

Soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết, hát giao duyên Hà Nam khác với nhiều loại hình nghệ thuật giao duyên khác là nó không chỉ trữ tình, đằm thắm mà bay bổng, lãng mạn. Lời ca trong các bài dân ca Hà Nam thường là những câu ca dao hay. (Không biết là người nghệ sĩ dân gian Hà Nam mượn ca dao để hát đối đáp hay sau này các nhà nghiên cứu sưu tầm ca dao trích dẫn từ dân ca Hà Nam).

Có một thực tế không thể phủ nhận là những bài dân ca Hà Nam đến với chúng ta ngày nay đã được nhạc sĩ Phạm Trọng Lực và cộng sự chuốt lại, hoặc thêm, hoặc bớt cho đẹp, nên dân ca Hà Nam giàu nhạc điệu, ít bị trùng hay na ná nhau về mặt cấu trúc âm nhạc. Hiện nay, dân ca Hà Nam là loại hình nghệ thuật đặc sắc, được mọi tầng lớp nhân dân yêu thích.

“Đài Tiếng nói Việt Nam tự hào là nơi đầu tiên thu thanh, lưu giữ và quảng bá đến công chúng. Trong kho băng tư liệu của Đài đã có hàng chục tiết mục của loại hình nghệ thuật này qua trình bày của nhiều thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ. Bởi vì cho đến nay gần như không còn nghệ nhân cao tuổi nào cho nên việc xác minh đó là dân ca thật hay dân ca sáng tác vẫn còn bỏ ngỏ. Điều này phải nghe, phải tinh lọc và cảm nhận”, soạn giả Mai Văn Lạng chia sẻ.

Cần lắm một sự quan tâm

Nghệ nhân Nguyễn Thị Huyền băn khoăn về thực trạng kế thừa và bảo tồn dân ca tại địa phương. Bà rất mong nhận được sự quan tâm của cơ quan quản lý văn hóa của tỉnh với mong muốn dân ca Hà Nam có được đội ngũ kế thừa và bảo tồn trong quần chúng nhân dân. Làm sao để cho các bạn trẻ được tiếp cận dân ca, được học các làn điệu và từ đó có sự say mê, yêu thích dân ca, thì dân ca sẽ trường tồn cùng năm tháng.

Còn nhạc sĩ Đoàn Thu Trà thì trăn trở: “Dân ca Hà Nam vẫn chưa được phổ biến nhiều trong công chúng, vì vậy cần phải được giới thiệu qua các phương tiện thông tin đại chúng để dân ca Hà Nam được lan tỏa, để mọi người có thể nhớ và biết đến những làn điệu dân ca hay đến vậy. Ngoài ra, để dân ca được ngân vang mãi thì việc truyền khẩu cho thế hệ trẻ là vô cùng quan trọng, mà điều này tôi thấy vẫn còn thiếu rất nhiều ở nơi đây”.

Cùng nỗi trăn trở đó, người con của quê hương Hà Nam, Nghệ sĩ ưu tú Cao Ngọc Sơn (Nhà hát Chèo Quân đội), lo ngại về dân ca quê mình hiện nay đã bị mai một nhiều. Với “con mắt nghề” của mình, anh “hiến kế”: “Chúng ta chưa tận dụng triệt để được tiềm năng vốn có của mảnh đất này. Hà Nam có chùa Tam Chúc, khu tâm linh nổi tiếng được cả thế giới biết đến, đó là cơ hội tốt để quảng bá, giới thiệu dân ca Hà Nam với du khách trong và ngoài nước, tuy nhiên việc biểu diễn tại đây còn rất hạn chế. Đặc biệt, chúng ta phải giữ gìn, phát huy được dân ca từ trong làng xã, từ không chuyên đến chuyên nghiệp, đồng thời phải giới thiệu thường xuyên trong các chương trình hoạt động văn hóa của tỉnh”.

Có thể nói muốn dân ca Hà Nam “sống được” trong đời sống đương đại chúng ta cần nhiều việc phải làm, phải tính toán. Thế nhưng, trong hành trình đầy gian nan và thử thách ấy rất cần những người như nhạc sĩ Phạm Trọng Lực. Bởi chỉ có lòng say mê, nhiệt huyết cùng tình yêu vô bờ bến, không toan tính thiệt hơn mới giúp ông có đủ quyết tâm để lặng lẽ “tìm ngọc trong đá” mấy chục năm qua.

Ngô Khiêm
.
.