Người phụ nữ Việt được đề cử giải Nobel Hòa Bình

Thứ Năm, 20/08/2015, 09:25
Ở Việt Nam, người tiên phong và đặt nền móng cho công tác nghiên cứu bạo lực xã hội, bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ và mại dâm chính là GS-TS Lê Thị Quý. Bà được mệnh danh là "Đại sứ cho khát vọng của phụ nữ Việt" và từng được đề cử giải Nobel Hòa bình năm 2005.

Trọn đời cống hiến

Đắn đo mãi, cuối cùng GS-TS Lê Thị Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển đồng ý hẹn gặp chúng tôi vào lúc 20 giờ tối. Có lẽ đây là cả một sự cố gắng chia sẻ của bà với tôi bởi lịch làm việc đặc kín cả ngày khiến vị nữ giáo sư này luôn tất bật. Gương mặt phúc hậu khẽ nở nụ cười tươi như để trút bỏ mọi bộn bề cuộc sống, người phụ nữ quê gốc đất Kinh Bắc bắt đầu cuộc trò chuyện với sự khiêm tốn thường thấy: "Chưa bao giờ tôi nghĩ mình làm công việc này để lấy danh, bởi danh tiếng không phải mục đích của khoa học, mà giá trị mới là điều khoa học cần hướng đến".

Có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, ấm êm, hết mực chân tình với GS Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội (con trai GS Vũ Khiêu) nhưng nhiều đêm, bà Quý trăn trở với những cảnh đời kém may mắn, tại sao chỉ riêng một mối quan hệ vợ chồng thiêng liêng, ấm áp lại vẫn cứ xảy ra quá nhiều điều đau lòng? Đau hơn nữa là thiệt thòi luôn dồn về phụ nữ bởi họ bị rơi vào thế yếu, bị áp đặt, hành hạ, hãm hại, thậm chí là mất cả mạng sống từ chính người chồng của mình. Tự cảm thấy mình may mắn, bà bắt đầu hành trình nghiên cứu về những vấn đề thiệt thòi của phụ nữ như buôn bán người, bạo lực, bạo hành gia đình, mại dâm bất chấp nhiều rào cản.

Sinh năm 1950 trong gia đình nhà Nho có truyền thống yêu nước, khi vừa tốt nghiệp đại học loại xuất sắc bà đã trải qua nhiều công việc gian nan như phóng viên chiến trường, nghiên cứu lịch sử trong Viện Khoa học xã hội do GS Vũ Khiêu thành lập. Bà thường xuyên được tiếp xúc, trao đổi với nhiều lãnh đạo phong trào như Nguyễn Thừa Nghiệp, Trần Văn Tư,  Nguyễn Văn Cánh, Lê Văn Thốt… và các chiến sĩ cộng sản hoạt động bí mật tại thành phố. Có nguồn tư liệu phong phú, bà cho ra đời cuốn "Nghiệp đoàn Sài Gòn và phong trào công nhân miền Nam Việt Nam (thời kỳ 1954 - 1975)" rất có tiếng vang.

Một năm đầy biến động chính trị của thế giới, năm 1989, với sự sụp đổ của Liên Xô, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ  ở đây và trở về nước nhận công tác ở Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ (thuộc Ủy ban Khoa học xã hội). Thời kỳ này bà bắt đầu quan tâm nghiên cứu các vấn đề về phụ nữ Việt Nam đương đại như mại dâm, bạo lực gia đình và buôn bán phụ nữ trong nước và qua biên giới. Bà đã trở thành người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu về vấn đề này và cho ra nhiều công trình khoa học có giá trị.

"Thời điểm đó, những nghiên cứu của tôi không được nhiều người ủng hộ vì cho rằng đây là chuyện nhạy cảm, không được công khai, không có người giúp đỡ, tài trợ. Thậm chí có người còn cho rằng mình "nói xấu chế độ" vì nghiên cứu những vấn đề này" - bà nhớ lại.

Gia đình GS Lê Thị Quý với GS Vũ Khiêu.

Tuy nhiên, đất nước hội nhập, tính đúng đắn, nhân văn cũng như tính cấp thiết của những nghiên cứu được đề cao, tâm huyết của bà cũng được thừa nhận và phổ biến. Bà chạy như con thoi khi làm giảng viên của nhiều trường đại học và các tổ chức trong nước cũng như quốc tế, khi chủ trì các hội thảo khắp nơi trên thế giới, khi lại đến tận vùng sâu vùng xa, vùng tệ nạn gặp gỡ từ giới quản lý đến từng nạn nhân, số phận bị ngược đãi… một cách không mệt mỏi.

Bà là tác giả và đồng tác giả của 72 đầu sách và hàng trăm bài báo khoa học in trong và ngoài nước. Năm 2005, bà nằm trong danh sách 1.000 phụ nữ thế giới được đề cử giải Nobel Hòa bình.

Nghìn lẻ những gian nan

Thành công là thế, tuy nhiên, ít ai biết con đường nghiên cứu của GS Lê Thị Quý khá gian truân, gập ghềnh vì thời điểm đó, những vấn đề này được coi là nhạy cảm. Có lần bà cùng các chuyên gia nước ngoài trao đổi tại cơ quan, lãnh đạo còn cử cán bộ hành chính đến can thiệp, cản trở và không cho làm. Đến nỗi, một chuyên gia người Hà Lan của bà bật khóc nức nở và nói "Chúng tôi đến giúp đỡ cho phụ nữ của các bạn, sao lại đối xử với chúng tôi như thế" - bà kể lại.

Dù không được ủng hộ nhưng nhận thấy tính nhân văn và sự cấp thiết của đề tài, bà không nản chí. Sau giờ làm, bà lại lóc cóc đạp xe đến gặp gỡ, phỏng vấn những cô gái ở Trung tâm Phục hồi nhân phẩm Lộc Hà hoặc tiếp xúc những cô gái “bán hoa” ở hồ Thiền Quang. Có lúc bị nghi ngờ, bị từ chối bởi sự bất cần đời của họ, nhưng bà vẫn tìm cách  cùng với sự chân tình để đến với tâm hồn họ.

Và từ họ, bà được nghe nhiều điều chân thực, cay đắng ở một thế giới bị khỏa lấp sau ánh đèn màu. Nước mắt, thổn thức, an ủi, cảm thông ở lại, xoa dịu đi rượu, ma túy, thuốc lá, nhộm nhoạm đời sống tanh tưởi mà hằng ngày các cô gái phải tiếp nhận miễn cưỡng. Tuy thế, khi được hỏi, bà Quý lại không hề ủng hộ việc hợp thức hóa mại dâm trong thời điểm hiện nay bởi theo bà, chúng ta còn quá thiếu các giải pháp đồng hành để điều chỉnh những người hoạt động và liên quan tới hành vi mua bán đó.

Một thời gian sau đó, đại dịch AIDS  bùng nổ, Bộ Y tế thành lập Ủy ban Phòng chống AIDS Quốc gia và rất cần những nghiên cứu về mại dâm. Thời điểm đó, bà Lê Thị Quý là người duy nhất nghiên cứu về vấn đề này. Từ đó, con đường nghiên cứu được mở rộng hơn nhưng phải đến năm 1994, bà  mới được công bố những bài báo khoa học đầu tiên về các mảng này trên các tạp chí.

Vợ chồng GS Lê Thị Quý (ngoài cùng bên phải) cùng GS Vũ Khiêu.

Chống bạo lực gia đình

Trong quá trình làm việc có nhiều câu chuyện khiến bà không thể nào quên. Ở Đoan Hùng - Phú Thọ có trường hợp của một nữ cán bộ, làm đến chủ tịch UBND xã nhưng vẫn bị chồng bạo hành trong nhiều năm. Chị và chồng đều là bộ đội xuất ngũ, do không có việc làm nên ông chồngrượu chè be bét và thường xuyên  bạo hành vợ. Trong khi đó, chị vừa làm ở ủy ban, vừa nội trợ, vừa buôn bán kiếm tiền lo cho gia đình.

Có lần chị đang chỉ đạo cuộc họp ở UBND xã, người chồng gọi chị ra và túm tóc đấm, tát, đạp tới tấp rồi lôi về đánh tiếp. Sau đó, UBND xã không những không bênh vực chị lại còn buộc chị thôi việc với lý do: Chồng còn không giáo dục được thì giáo dục được ai? Đau khổ và gặp áp lực, chị thôi việc và ly hôn chồng. Tuy nhiên, ông ta vẫn rất ngang ngược, sau khi ly hôn vẫn đến bắt chị nấu nướng, hầu hạ và cưỡng bức dù ông ta đã có bồ.

Khi đó, bà Lê Thị Quý báo cáo sự việc lên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội và tất cả đều sửng sốt trước sự việc vô lý và sự thiếu trách nhiệm của tập thể chính quyền địa phương. Bà tiếp tục đến gặp chính quyền huyện Đoan Hùng và phản ánh tình hình, buộc chính quyền phải có động thái phù hợp vì hành vi tàn bạo, coi thường pháp luật với vợ con, với cán bộ nhà nước mà không ai đứng ra bênh vực thì không thể chấp nhận được. Cuối cùng, sự việc cũng được giải quyết, hai người phụ nữ gặp nhau, bà chỉ lặng nghe người đàn bà đau khổ đó khóc, như khóc cho số phận bất hạnh của những người phụ nữ cùng cảnh ngộ.

Sau này, trong nhiều chuyến đi, cũng có dịp bà gặp lại những đôi vợ chồng từng được bà khuyên giải khi xích mích, bỏ bạo hành mà hòa hợp trở lại, yêu nhau hơn. Có người đàn ông đánh vợ từng bị bà mắng mỏ thậm tệ, nay lại cảm ơn bà, mời bằng được bà vào nhà giới thiệu cơ ngơi và anh em họ hàng với sự biết ơn bà sâu sắc, nhờ có bà vợ chồng mới hòa thuận, kinh tế mới phát triển chứ trước kia, ông ta chỉ ngập trong rượu…

Bên cạnh đó, bà triển khai thí điểm tại thị trấn Thanh Nê và xã Vũ Lạc (Thái Bình) mô hình "Địa chỉ tin cậy" chống bạo lực gia đình. Lý do bởi thấy nạn nhân bạo lực gia đình không thể chạy đi đâu khi có bạo lực xảy ra: Chạy về nhà bố mẹ đẻ, sẽ bị mang trả lại nhà chồng, tiếp tục bị bạo lực. Bà thuyết phục cán bộ, người có uy tín ở địa phương dành một phòng làm nơi "tạm trú" cho phụ nữ khi bị bạo hành. Từ đó, rất nhiều gia đình người dân đã tình nguyện dành một buồng trong nhà mình làm "địa chỉ tin cậy".

Sau này, ở An Lạc, chính quyền địa phương công bố các địa chỉ tin cậy công khai trên đài phát thanh địa phương với thông báo: "Ai đến phá địa chỉ tin cậy sẽ bị bắt ngay và xử lý vì chống người thi hành công vụ". Sự kiện này đánh dấu việc chống bạo lực gia đình, từ chuyện riêng của mỗi nhà chuyển ra công khai được chính quyền ủng hộ. Sau này bà còn mở rộng thêm dự án  tại hai xã Yên Tân, Yên Hồng (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) và đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực.

Giáo sư Lê Thị Quý trong một chuyến công tác tại Hàn Quốc (2015).

Tại các vùng dự án, bạo lực giảm tới gần 90%, chấm dứt 100% các vụ gây thương tích cho nạn nhân. Năm 2007, bà cùng người bạn đời của mình, GS Đặng Cảnh Khanh xuất bản cuốn sách "Gia đình học" được đánh giá cao trong giới chuyên môn.

Khi nghiên cứu về tình trạng buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới, bà Quý gặp không ít phụ nữ Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc để làm vợ cho những người đàn ông già, nghèo, hoặc làm gái trong các nhà thổ. Có nhiều khi họ bị lùa ra chợ để bọn buôn người bán như món hàng.

Có trường hợp một người phụ nữ ở Lạng Sơn, bị lừa bán làm vợ cho một người đàn ông vùng dân tộc của Trung Quốc. Vùng này lao động vất vả nhưng chỉ ăn cháo, cô gái Việt đang mang bầu, phải làm nặng, thèm cơm nên xin ăn cơm liền bị chồng đạp vào bụng cho sảy thai và hỏng bàng quang. Hiện chị đã được giải cứu nhưng di chứng của bạo lực rất nặng nề, chị thường xuyên phải đóng bỉm vì không tự chủ được bài tiết. Nhiều phụ nữ khác vì sinh con gái cũng bị đánh thừa sống thiếu chết. Khi được giải cứu về địa phương, bị kỳ thị, đàm tiếu.

Bà Quý tổ chức các buổi nói chuyện với người dân để người dân có cách nhìn cảm thông hơn đối với những người trở về. Bên cạnh đó, nhóm của bà còn đứng ra tài trợ tiền để những người phụ nữ này có vốn làm ăn, phát triển kinh tế.

Bà nói, nhiều người thấy phụ nữ bị đánh, bị rơi vào bẫy buôn người liền nói: "Có làm sao mới bị chồng đánh chứ", hoặc: "Tham tiền cho lắm vào rồi bị lừa"… Nhiều người vẫn còn ác khẩu với nhau khiến bà phải giải thích từng điều nhỏ nhặt nhất để họ thông cảm với các nạn nhân.

GS Lê Thị Quý cho rằng, phụ nữ thiệt thòi do tư tưởng phu quyền đã bén rễ sâu trong ý thức hệ của người Việt Nam. Để thay đổi được thì chính người phụ nữ phải thay đổi nhận thức về mình, không nên biến mình thành nô lệ trong chính ngôi nhà mình ở.

 

Bùi Trí Lâm
.
.