Người phụ nữ ngụy trang các mái vòm dát vàng của thành Leningrad

Thứ Tư, 19/05/2010, 19:50
Một phụ nữ rất khiêm tốn và không muốn nói về mình, bà Olga trông mộc mạc như đa phần các bà già Nga về hưu khác giữa thời buổi khốn khó này, với trang phục giản dị như hầu hết các nhà sư phạm cố hữu. Bà rụt rè trong lúc đối thoại, cùng ánh mắt như muốn câu chuyện đau thương của quá khứ - với hai lần thoát chết trong "đường tơ kẽ tóc" - được chấm dứt càng nhanh càng tốt.

Bà đã vắt vẻo hàng nghìn giờ đồng hồ giữa bầu trời Leningrad (nay là Saint Petersburg), trong khi cả thành phố mù mịt khói súng và những luồng đạn đan chéo bất thần. Bà đã từng leo lên đỉnh Cây kim của tháp Đô đốc, lên nóc vòm giáo đường thánh Hai ngôi, cũng như hàng chục điểm cao được dát vàng khác thuộc kinh đô lộng lẫy một thời của nước Nga - đang bị quân phát xít phong tỏa tứ bề, khiến thành phố phải "chết dần chết mòn"... Người phụ nữ quả cảm ấy là bà Olga Firsova, giờ đây đã 91 tuổi, từng là cô giáo dạy nhạc tại Trường mầm non số 32 của thành phố Leningrad cũ.

Vào cuối mùa hè năm 1941, thành đội Leningrad đứng trước một vấn đề nan giải, buộc họ phải đưa ra những quyết định chóng vánh nhằm bảo tồn thành phố cổ kính. Những ngọn tháp lô nhô tại đây luôn là niềm tự hào của nền kiến trúc Nga, bỗng trở thành "mục tiêu hấp dẫn" cho các binh đội pháo tầm xa và hỏa tiễn của quân Đức. Cần phải có thứ nguyên liệu đặc chủng nào đó để "bọc" các vị trí trên cao lại. Thứ gỗ nhẹ và tiện lợi cho việc che chắn xưa nay lại không thể được, vì chúng dễ phát hỏa. Nhưng điều quan trọng hơn là lấy ai trèo lên để bọc các đỉnh tháp chon von giữa trời cao? Thợ cần cẩu? Công nhân xây dựng chuyên nghiệp? Không thể được! Bởi tất cả đàn ông đều ở ngoài mặt trận cả rồi...

Bỗng ai đó trong Ủy ban Bảo vệ các di tích chợt nhớ ra cái tên Olga Firsova. Đó là một cô gái trẻ đam mê vai trò nhạc trưởng trong các dàn đồng ca, đồng thời cũng là một nhà leo núi nghiệp dư quả cảm từng hai lần chinh phục đỉnh núi Elbrus hiểm trở. Không ai có thể bắt Olga làm cái công việc mạo hiểm mới này, người ta chỉ được phép hỏi ý kiến chị mà thôi. Olga đồng ý ngay. Tức thì chị gọi thêm hai cô bạn gái cũng là những nhà leo núi nghiệp dư, lập thành một tổ chuyên nhiệm trực thuộc Ủy ban Quân sự Leningrad.

Mục tiêu đầu tiên của nhóm nữ tình nguyện viên quả cảm này là Cây kim mạ vàng của tháp Đô đốc. Sau 14 ngày gian nan vật lộn với những khó khăn tưởng không thể vượt qua nổi, họ đã "đội" được chiếc "mũ bảo hiểm" - từ chất liệu làm bóng thám không quân sự chuyên dụng - che cho tháp Đô đốc. Chỉ cần một ngọn gió thoảng qua thôi, mà gió ở cái địa danh ven biển này luôn thổi lồng lộng suốt ngày, cũng cản trở công việc của tổ ba người...

Sang ngày thứ 15 thì công việc gian nan đầu tiên đã hoàn tất. Kế tiếp là tháp giáo đường Isakiev. Nhưng công việc bỗng trở nên rất đỗi nguy hiểm đe dọa trực tiếp tới tính mạng mỗi người: không phải là từ độ cao cheo leo "khó với", mà quân Đức bên ngoài đã phát hiện ra hiện tượng "leo núi" không bình thường giữa lòng Leningrad. Họ trở thành mục tiêu di động cho những tay súng bắn tỉa của quân Quốc xã đang bao vây thành phố.

Giữa tháng 4/1942, khi Olga Firsova đang vất vả trên đỉnh một tháp chuông, những trận mưa đạn xối xả đã tiện phăng sợi dây bảo hiểm, khiến chị mất thăng bằng và rơi thẳng từ trên cao xuống... May mà Olga kịp bám vào một mái hiên lửng nhô ra ở khoảng giữa. Ba tháng sau một trường hợp tương tự lại xảy ra, khi tổ chuyên nhiệm đang tiến hành bọc tháp chuông giáo đường thánh Nicolai Morscoi. Từ đó O.Firsova bị chấn thương cột sống, nhưng chị vẫn cương quyết không từ bỏ vị trí của mình.

Một góc Lengingrad đổ nát trong thế chiến II.

Đôi tay Olga bật máu, tấm thân mảnh khảnh ngày một còm cõi với khẩu phần 250 gram bánh mì mỗi ngày. Nhưng đó là tiêu chuẩn ưu tiên cho những ai đang làm công tác đặc biệt, còn người bình thường và công chức chỉ nhận được non nửa mức khẩu phần ấy mà thôi. Ngoài nhiệm vụ chính là ngụy trang các cao điểm cần được bảo vệ, đôi khi họ cũng được gọi đi khẩn cấp cho các cuộc cứu nạn trên cao, đưa những người bị mắc kẹt trong các tòa cao ốc sắp đổ sụp vì trúng bom xuống nơi an toàn, hay vận chuyển tài liệu chứa trên các tầng cao đang có nguy cơ bị thiêu hủy...

Công việc âm thầm quả cảm của họ tiếp tục cho đến ngày chiến tranh chấm dứt, chủ nghĩa phát xít bị đập tan. Mỗi người trong họ lại trở về với đời thường trong công cuộc kiến tạo lại đất nước. Hai đồng nghiệp cũ từng tung hoành cùng Olga giữa bầu trời Leningrad đã mất vài năm trước.

Sức khỏe của "nhà trèo tháp tay không" vang bóng một thời O.Firsova vẫn không hoàn toàn ổn định vì chứng chấn thương cột sống của gần 7 thập niên trước, tuy vậy vẫn không ngăn được sở thích chăm sóc loài hải âu hoang dã có từ thời trẻ. Người phụ nữ Nga luống tuổi này không ngớt lạc quan về tương lai xán lạn của đất nước. "Một khi chúng ta đã chiến thắng bè lũ phát xít man rợ, chúng ta luôn có thể biến đất nước mình thành một dân tộc hùng cường!", bà Olga Firsova kết luận

Quang Long (theo Komsomolskaya Pravda)
.
.