Người phụ nữ "phát hiện hơn 5 triệu yên" được hưởng bao nhiều tiền?

Thứ Hai, 14/04/2014, 20:15

Cuối tháng 11 năm ngoái, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (35 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) làm nghề thu mua phế liệu có mua được một thùng sắt cao khoảng 0,5 m bên dưới có 4 bánh xe để tiện di chuyển từ một người đàn ông trên đường Âu Cơ (phường 10, quận Tân Bình, TP HCM) với giá 100 ngàn. Sau khi mua được thùng sắt này, chị mang về nhà trọ trên đường Trần Văn Quang (quận Tân Bình) cất giữ. Cách đây vài hôm, chị mang thùng sắt ra đập với ý định sẽ phân loại bán phế liệu thì bất ngờ phát hiện bên trong chiếc thùng này là hộp gỗ dài khoảng 20cm. Phá tiếp hộp gỗ, chị phát hiện có nhiều cọc ngoại tệ đang được cất trong đó.

Tổng số tiền trên được Cơ quan Công an (khi chị giao nộp) xác nhận có giá trị là hơn 5 triệu yên (hơn 1 tỉ đồng). Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng sẽ được hưởng bao nhiêu phần trăm từ số tiền hơn 5 triệu yên từ “trên trời rơi xuống”này?.

Hơn 5 triệu yên vô chủ

Theo lời kể của chị Hồng thì hai vợ chồng chị từ Quảng Ngãi vào TP HCM, mướn nhà trọ sinh sống, mưu sinh bằng nghề thu mua phế liệu, theo kiểu mua đi bán lại. Cuối tháng 11 năm trước, chị mua được cái thùng sắt này từ một người đàn ông ăn vận như người lao động chân tay với giá 100.000 đồng ngay góc ngã ba đường Trần Văn Quang - Âu Cơ, gần nhà trọ của chị.

Trưa cuối tuần trước, chị cùng chồng mang thùng sắt ra trước nhà trọ, dùng tuốc-nơ-vít để tháo rời ra thành từng phần thì phát hiện hộp gỗ có chứa số tiền này.

"Ban đầu, vợ chồng chúng tôi nghĩ đây là tiền âm phu nên không quan tâm lắm. Sau đó có người nhìn thấy và cho biết đó là tiền của Nhật Bản", chị Hồng kể.

Ngay lập tức, thông tin vợ chồng chị Hồng nhặt được hàng đống tiền được loan đi. Rất nhanh chóng, trước căn nhà trọ của anh chị xuất hiện nhiều người lạ mặt, kẻ thì xin vài tờ yên, người thì lao vào giật. Thậm chí, có những thanh niên mặt mày bặm trợn xông vào nhà trọ, đe dọa anh chị phải chia cho họ "một ít tiền". Hoảng sợ trước sức ép mà từ bé đến giờ mới gặp phải, vợ chồng anh chị đã gọi điện thoại cầu cứu Cơ quan Công an phường 10, quận Tân Bình.

"Họ gần như vây kín phòng trọ của tui, la hét và đe dọa. Cứ như sắp giết vợ chồng tui đến nơi. Mãi đến khi các anh công an xuất hiện, thì họ mới thôi đe dọa và bỏ đi. Vụ việc kéo dài từ khoảng 15 giờ cho đến 19 giờ, rất ầm ĩ", lời của chị Hồng.

Vợ chồng chị Hồng vẫn chưa hết ngạc nhiên khi vô tình phát hiện ra số tiền 5 triệu yên.

Tại trụ sở Công an phường 10, quận Tân Bình, cán bộ Công an đã giải thích, vận động vợ chồng chị Hồng giao lại số tiền trên cho Cơ quan Công an bảo quản, nhằm bảo đảm an toàn cho gia đình chị cũng như đảm bảo công tác giữ gìn trật tự địa bàn. Sau khi nghe lời giải thích, chị Hồng đã đồng ý giao lại toàn bộ số tiền trên cho Cơ quan Công an. Số tiền này đã được đếm và niêm phong cẩn thận trước sự chứng kiến của chị Hồng.

Sau khi thông tin này được loan tải trên các phương tiện truyền thông, đã có những cuộc tranh luận rất thú vị liên quan đến số tiền hơn 5 triệu yên này và vợ chồng chị Hồng sẽ nhận được bao nhiêu phần trăm từ số tiền trên.

Còn theo chị Hồng, thì đây là số tiền lớn nhất từ trước đến giờ mà chị biết và cầm được trên tay. Giả như có nhận được một phần thì chị cũng sẽ trích ra để chia bớt cho những bạn bè cùng thu mua phế liệu như chị.

Trên thực tế, theo như lời của lãnh đạo Công an phường 10, quận Tân Bình thì, số tiền chị Hồng giao nộp cho Cơ quan Công an là 520 tờ yên Nhật, mỗi tờ mệnh giá 10.000 yên, tức là 5 triệu 200 ngàn yên. Bên cạnh đó, một vài tờ tiền này cũng được những người xin của chị Hồng tự nguyện mang giao nộp lại cho Cơ quan Công an. Trong tổng số tiền trên, có vài xấp đã mục nát, xỉn màu. Hiện Cơ quan Công an phường đã chuyển toàn bộ số tiền trên lên Cơ quan Công an quận Tân Bình để xử lý theo thẩm quyền.

Đây là trường hợp hết sức hy hữu, tạo nên một cuộc tranh luận giữa giới luật sư lẫn bạn đọc xung quanh việc, liệu chị Hồng sẽ được sở hữu bao nhiêu tiền trong tổng số hơn 5 triệu yên mà chị vô tình phát hiện ra. Hiện tại, đang có ba luồng ý kiến xung quanh câu chuyện hơn 5 triệu yên này.

Số tiền 5 triệu yên mà chị Hồng vô tình phát hiện. Ảnh: TTO.

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, chị Hồng có quyền nhận toàn bộ số tiền trên vì đây là tài sản giao dịch mà chị đã thực hiện với người đàn ông bán chiếc thùng sắt cho chị.

Luồng ý kiến thứ hai, chị Hồng là người phát hiện tài sản có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định nên chị được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước - theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005.

Luồng ý kiến thứ ba cho rằng, số tiền hơn 5 triệu yên để trong chiếc thùng sắt đã rất lâu, nhiều khả năng đã thông qua nhiều chủ sở hữu nhưng không ai phát hiện ra khối tài sản lớn đang nằm bên trong. Chị Hồng là người cuối cùng sở hữu chiếc thùng sắt này. Việc chị Hồng giao nộp số tiền trên cho Cơ quan Công an là chấp hành đúng quy định của pháp luật.

Sau khi Cơ quan Công an tiếp nhận, niêm phong số tiền trên mà không có thông tin của người khai báo để chứng minh là chủ sở hữu số tiền trên, thì Cơ quan Công an sẽ đăng báo để truy tìm chủ sở hữu. Trong thời hạn nhất định, nếu có người chứng minh được số tiền trên là của họ, chứng minh được nguồn gốc, lý do để mất khoản tiền trên thì Cơ quan Công an Tân Bình sẽ trao trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp. Và chủ sở hữu của số tiền muốn cho chị Hồng bao nhiêu tiền là quyền của họ, pháp luật không quy định. Nếu sau thời hạn đăng báo theo quy định, không có ai chứng minh được quyền sở hữu với khoản ngoại tệ này thì số tiền sẽ được chia theo tỉ lệ nhất định, số tiền còn lại sẽ được xung vào công quỹ.

Trao đổi giữa PV Chuyên đề ANTG với luật sư Nguyễn Văn Trường và luật sư Nguyễn Kiều Hưng.

Luật sư Nguyễn Văn Trường - Văn phòng Luật sư Trường, Đoàn Luật sư TP HCM: "Chị Hồng có quyền thụ hưởng hết số tiền trên"

- Thưa luật sư Nguyễn Văn Trường, trong trường hợp rất hy hữu của chị Huỳnh Thị Ánh Hồng, thì theo quy định của Luật Dân sự, chị Hồng sẽ nhận được bao nhiêu phần trăm từ số tiền 5 triệu yên trên?

- Sẽ không có sự phân chia nào cả. Hoặc là tìm được chủ sở hữu thật sự của hộp gỗ có số tiền 5 triệu yên trên, hoặc là vợ chồng người thu mua ve chai hưởng toàn bộ số tiền này.

- Thật ra, điều này rất khó vì có vẻ như số tiền trên đã được đặt trong thùng sắt từ rất lâu. Hơn nữa, chủ sở hữu (nếu có) của số tiền đó phải chứng minh được mình là chủ sở hữu thật sự?

- Chính xác, và khi chủ sở hữu (nếu có) của 5 triệu yên đó chứng minh được số tiền này là của họ. Họ có quyền cho vợ chồng chị Hồng bao nhiêu là quyền của họ.

Luật sư Nguyễn Văn Trường.

- Việc vợ chồng chị Hồng đồng ý giao nộp cho Cơ quan Công an số tiền này, có được quy định trong luật không, thưa luật sư?

- Luật Dân sự quy định, khi nhặt được của rơi, người nhặt được của rơi có trách nhiệm phải giao cho cơ quan có thẩm quyền.

- Nhưng đây là giao dịch mua bán. Vì chị Hồng đã bỏ ra 100.000 đồng để mua lại chiếc thùng sắt có chứa 5 triệu yên trên?

- Cần phải xác định rằng số tiền 5 triệu yên không nằm trong giao dịch mua bán giữa chị Hồng và người đàn ông kia. Đơn giản, nếu người đàn ông bán chiếc thùng sắt cho bà Hồng biết có hơn 5 triệu yên bên trong, chắc chắn ông ta sẽ không bán. Vì vậy, trong trường hợp này có thể xem hơn 5 triệu yên đó là tiền mà chị Hồng nhặt được. Đã là tài sản nhặt được, chị Hồng phải có trách nhiệm giao lại cho cơ quan có thẩm quyền, như tôi đã nói. Tất nhiên, nếu không bị ai phát hiện số tiền trên, chị Hồng im lặng đem ra đổi và thu giữ thì đó sẽ là chuyện riêng của chị.

Theo suy đoán của tôi, thì khả năng chị Hồng thụ hưởng toàn bộ số tiền này là rất cao. Vì có vẻ chủ sở hữu thật sự của hơn 5 triệu yên này đã quên (hay có thể đã về Nhật). Nên sau một năm, cơ quan có thẩm quyền loan tin, không có người xác nhận mình là chủ sở hữu của khối tài sản này, thì hơn 5 triệu yên sẽ thuộc về gia đình chị Hồng. Chị Hồng sẽ nhận được số tiền này nếu sau một năm cơ quan có thẩm quyền loan tin trên báo đài mà vẫn không có người chứng minh được họ là chủ sở hữu của khối tài sản đó.

- Thưa luật sư Nguyễn Văn Trường, như vậy ý kiến của nhiều luật sư khác về việc chị Hồng chỉ nhận được số tiền theo tỉ lệ phần trăm là không hợp lý? Và liệu nếu chị Hồng nhận được 5 triệu yên thì có phải đóng thuế thu nhập bất thường hay không?

- Chắc chắn là không có cơ sở pháp lý trong việc chia chác này. Nếu có, chỉ là thỏa thuận giữa chị Hồng và chủ sở hữu của số tiền trên. Cho đến giờ, vẫn chưa có luật định về việc đóng thuế khi nhặt được của rơi.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Giám đốc Hãng Luật Giải Phóng: "Khả năng chị Hồng nhận được 50% trên tổng số hơn 5 triệu yên sau một năm"

- Thưa luật sư Nguyễn Kiều Hưng, quan điểm riêng của luật sư ra sao xung quanh vụ ầm ĩ liên quan đến số tiền 5 triệu yên mà người phụ nữ thu mua phế liệu vô tình phát hiện ra?

- Chị Hồng, người thu mua thùng sắt có chứa 5 triệu yên sẽ được thụ hưởng toàn bộ 5 triệu yên nếu chứng minh được đó là tài sản vô chủ. Tuy nhiên, rất khó để chị Hồng chứng minh được điều này. Nên tôi nghĩ, khả năng chị Hồng chỉ nhận được 50% tổng số tiền trên theo quy định của Luật Dân sự hiện hành. Nghĩa là, tài sản bị bỏ quên.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng.

- Quy định cụ thể về tài sản bị bỏ quên như thế nào, thưa luật sư?

Có thể hiểu đơn giản như thế này, Điều 187 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: "Người phát hiện tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu; nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác theo quy định của pháp luật. Người phát hiện tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn giấu, bị chìm đắm được chiếm hữu tài sản đó từ thời điểm phát hiện đến thời điểm trả lại cho chủ sở hữu hoặc đến thời điểm giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền".

Còn đối với việc xác lập chủ quyền đối với hơn 5 triệu yên trên thì Điều 240 Bộ luật Dân sự năm 2005 có quy định về việc xác lập quyền sở hữu đối với vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy như sau: "1. Vật được tìm thấy là di tích lịch sử, văn hóa thì thuộc Nhà nước; người tìm thấy vật đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật. 2. Vật được tìm thấy không phải là di tích lịch sử, văn hóa, mà có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì thuộc sở hữu của người tìm thấy; nếu vật tìm thấy có giá trị lớn hơn 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước"

Kinh Hữu
.
.