Nguy cơ hỏa hoạn ở những căn nhà ống

Thứ Sáu, 06/10/2017, 12:34
Theo thống kê của Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội, hiện thành phố có khoảng 500 ngàn ngôi nhà ống với 120 ngàn hộ vừa sinh hoạt, vừa kinh doanh dịch vụ tại nhà. Dù đã được cảnh báo, song thời gian vừa qua những vụ hỏa hoạn tại nhà ống vẫn để lại nhiều hậu quả nặng nề. Người dân cần trang bị cho mình những kiến thức phòng chống cháy nổ để tự giúp mình và gia đình thoát khỏi những tình huống xấu...

1. Tôi vẫn còn ấn tượng mãi một lần được nói chuyện với kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính về kiến trúc Hà Nội. Ông bảo, hình dáng đặc trưng của nhà Hà Nội ở các phố cổ là hình ống. Những căn nhà Hà Nội xưa có mặt tiền khoảng 3-5 m, sâu chừng chục mét, chia làm hai dãy, chiều cao thường là tầng rưỡi hoặc đôi khi hai tầng, quay ra mặt phố.

Bằng sự khéo léo và tài hoa của người thợ, mỗi ngôi nhà cổ Hà Nội tuy không lớn nhưng vẫn có diện tích dành làm nơi bán hàng, tiếp khách, nơi nghỉ ngơi, nơi thờ cúng, hóng mát... Không gian ngôi nhà ống là một không gian kiến trúc gần như thống nhất do đó, dù chật hẹp mà không khí vẫn lưu thông, ngôi nhà vẫn có nơi để “thở”. Những căn nhà như thế cũng đã xuất hiện khá nhiều trong những bức tranh về Hà Nội, thậm chí còn làm nên thương hiệu cho danh họa Bùi Xuân Phái với dòng tranh về phố.

Và do chỉ có 1-2 tầng, đồng thời giữa các dãy nhà vẫn có những khoảng trống nên việc xử lý hỏa hoạn nếu không may xảy ra ở những ngôi nhà này thường không quá phức tạp.

Thời gian gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế kéo theo nhu cầu về nhà ở cũng tăng đột biến. Trừ khu phố cổ, còn mạn Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân và cả ở những huyện ngoại thành như Sóc Sơn, Đông Anh, Chương Mỹ, Hoài Đức... những căn nhà theo dạng ống đua nhau mọc lên. Những căn nhà này không dừng lại ở 1-2 tầng mà đa phần đều lên 3-4 tầng, thậm chí có nhà xây cao 5-7 tầng.

Vụ hỏa hoạn gây tử vong nhiều người tại một nhà ống kinh doanh dịch vụ karaoke.

Thử dạo qua một số tuyến phố mới ở Hà Nội như Xã Đàn (quận Đống Đa), Trần Thái Tông, Trung Kính (quận Cầu Giấy)... người ta có thể dễ dàng nhận thấy hầu như tất cả những căn nhà “bám” mặt đường đều là dạng nhà ống. Với vai là người đi tìm nhà cho thuê để mở quán ăn, chúng tôi có mặt tại một căn nhà ống trên phố Trung Kính.

Căn nhà này có chiều dài 15m, rộng 4m được xây 5 tầng. Với ý đồ cho thuê văn phòng hoặc làm nơi kinh doanh, buôn bán, chủ nhà vẫn để trống gần như hoàn toàn 8 căn phòng. Theo họ thì nhà xây rất chắc chắn, đã lắp điện nước đầy đủ, sơn kỹ lưỡng. Chỉ cần mang đồ đạc vào và sửa sang chút ít là có thể kinh doanh được rồi. Tuy nhiên, qua quan sát, tôi nhận thấy lối ra vào chỉ bố trí duy nhất một cửa tại tầng 1. Cửa này quay ra mặt đường và lắp đặt rất kiên cố bằng 2 lớp gồm cửa cuốn ở ngoài, cửa gỗ chắc chắn phía trong.

Tất cả các phòng đều không có cửa sổ, và cũng chỉ có duy nhất một cầu thang xoắn ốc hẹp. Trên tầng tum có sân thượng nhưng cửa ra rất kiên cố (để chống trộm). Như vậy nếu căn nhà có xảy ra hỏa hoạn, thì chỉ có lối thoát duy nhất là chạy xuống tầng một và nhào ra cửa chính mà thôi.

Còn ở những ngôi nhà ống mà người chủ không có ý định kinh doanh, thì tầng một thường là nơi để xe, nơi đun nấu, ăn uống. Với một gia đình bình thường gồm bố mẹ và hai con hiện nay, thì thường có 2 chiếc xe máy và 1-2 chiếc xe đạp điện. Những chiếc xe điện thường được cắm sạc suốt đêm để sáng hôm sau đi học. Đây thực sự là những nguy cơ tiềm ẩn xảy ra cháy. Và những vụ cháy ở nhà ống thường để lại những hậu quả rất nghiêm trọng.

Khoảng 2 giờ đêm ngày 13-7-2017, nhiều người dân tại đây thấy khói bốc lên nghi ngút tại số nhà 37 đường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhưng không thấy người trong nhà kêu cứu. Đoán có điều chẳng lành, một số hộ dân đã tiến hành dập lửa đồng thời thông báo tới lực lượng chức năng. Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng PCCC đã điều phương tiện gồm 4 xe cùng gần 50 cán bộ chiến sỹ đến hiện trường để tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Trong quá trình tổ chức cứu chữa, lực lượng Cảnh sát PCCC tập trung tìm cách cứu người bị nạn gồm 4 người trong gia đình ngủ tại tầng 3. Tuy nhiên khi phá được cửa và tiếp cận được phía trong thì cả 4 người đã tử vong.

Ngày 19-7-2017 tại ngôi nhà 4 tầng bán tạp hóa của bà Bùi Thanh Thủy (SN 1967, trú tại số nhà 48, ngõ 41 phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đã xảy ra một vụ hỏa hoạn nghiêm trọng. Theo một số nhân chứng có mặt tại hiện trường thì lửa bốc cháy dữ dội từ tầng 1 của ngôi nhà. Vì đa phần đây là hàng tạp hóa, dễ cháy nên ngọn lửa càng bùng lên dữ dội. Người dân trong xóm bàng hoàng, bất lực thấy cả gia đình bà Thủy đứng ra cửa tầng 3 của ngôi nhà kêu cứu nhưng không ai có thể tiếp cận cứu người vì lửa và khói bao trùm.

Nhiều người dân đã hắt nước vào nhưng vô vọng. Một số đã nhanh chóng báo lực lượng PCCC đến hiện trường nỗ lực dập lửa. Rất may em gái bà Thủy và một người cháu đã được cứu thoát. Sau đó vài giờ, thi thể bà Thủy và mẹ già được phát hiện trên tầng 4 và được lực lượng chức năng đưa qua khe chuồng cọp ở tầng 3 rồi đi xuống thông qua lối nhà hàng xóm.

Mới đây nhất, ngày 25-9 vừa qua, một ngôi nhà ống 5 tầng ở thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) bất ngờ bốc cháy dữ dội. Được biết vào khoảng 1 giờ sáng hôm đó, đám cháy bùng phát từ tầng 1 của ngôi nhà 5 tầng và nhanh chóng thành ngọn lửa lớn. Những cột khói đen bốc ra từ các ô thoáng của ngôi nhà khiến người dân xung quanh ngột ngạt vì mùi cao su cháy.

Vợ chồng chủ nhà cùng 2 người con trai và bà nội, bà ngoại đã chạy ra phía sau nhà rồi phá cửa nhảy xuống đất. Do phía dưới là ruộng nên mọi người đã thoát nạn. Tuy nhiên 2 cháu gái sinh năm 2001 và 2006 ngủ ở tầng 4 không chạy kịp đã tử vong.

2. Được biết, những vụ cháy gây thiệt hại nhiều người ở những ngôi nhà ống đều có chung nguyên nhân là do người dân khi thiết kế nhà đã không lường trước được nguy cơ xảy ra cháy để có biện pháp xử lý cho phù hợp. Như ở vụ cháy ở phố Vọng, ngôi nhà được thiết kế chỉ có lối thoát duy nhất là cửa chính của tầng 1. Còn các tầng phía trên đều được làm “chuồng cọp” để chống trộm, không có cửa mở ra ngoài nên khi xảy ra cháy, chủ nhà gần như không có cơ hội thoát.

Không đến mức tất cả các tầng trên đều có chuồng cọp, song người chủ của ngôi nhà 5 tầng ở thị trấn Xuân Mai cũng không tính đến phương án đối phó với “Bà hỏa”? Bởi khi xảy ra sự cố, những người sống ở tầng cao gần như không có cơ hội được cứu sống. Khi mà lối thoát duy nhất đã bị lửa bao trùm, cũng không thể chạy sang nhà hàng xóm bằng lối ban công vì độ cao giữa hai nhà là quá lớn.

Xót xa nhất là vụ cháy ở số 37 đường Xuân Đỉnh khiến cả nhà 4 người tử vong. Nguyên nhân là do bị chập điện, nhiều vật dụng trong nhà đã bùng cháy dữ dội. Khi đó, cả gia đình đều ngủ say sưa trong một phòng ở tầng 3 mà gần như không phát hiện ra sự cố. Họ được xác định là tử vong do bị ngạt khói. Và dù họ có phát hiện ra đi nữa thì cơ hội sống sót cũng không cao, khi mà các ban công đều bị “chuồng cọp” vây kín. Ngôi nhà lại nằm trong một ngõ hẹp, xe chữa cháy không thể vào được gần.

Theo Đại tá Nguyễn Tuấn Anh - Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, năm 2016, trên địa bàn thành phố xảy ra 831 vụ cháy làm 19 người chết, 18 người bị thương, về tài sản ước tính trên 80 tỷ đồng và 7 ha rừng.

Còn trong 9 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn thành phố xảy ra 590 vụ cháy, trong đó có: 7 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, 5 vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản, khiến 17 người chết, 8 người bị thương; thiệt hại về tài sản: ước tính trên 170 tỷ đồng và 55 ha rừng.

Cũng theo thông tin từ Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội, thời gian qua cơ quan này đã tổng kết một số đặc điểm, nguy cơ dẫn đến mất an toàn trong PCCC ở khác khu dân cư, đặc biệt là ở loại hình nhà ống.

Đó là các ngôi nhà chỉ có duy nhất một cầu thang bộ bên trong để hở, thang bộ này cũng không đảm bảo chiều rộng, thường có bậc thang hình rẻ quạt và không kín để có thể ngăn được khói, do vậy khi có cháy khói sẽ theo đường thang bộ này lên tất cả các tầng. Mặt khác tại tầng 1 cũng thường chỉ có duy nhất một cửa chính ở mặt tiền của ngôi nhà dùng để thoát nạn ra ngoài, cửa này thường làm rất kiên cố, trước lối ra cửa này thường bố trí các vật dụng như bàn ghế, xe máy, xe ô tô nên nếu xảy ra sự cố vào ban đêm hoặc khi trong nhà không có người (đóng cửa) thì sẽ rất khó mở được cửa để thoát nạn và chữa cháy.

Hiện trường vụ hỏa hoạn tại thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ, Hà Nội) khiến 2 cháu gái tử vong.

Bên cạnh đó ban công, lô gia các tầng (thường chỉ có ở mặt trước của nhà), người dân thường làm lồng sắt, hoặc xây kín (không có ban công) dẫn đến không có lối ra khẩn cấp và các vị trí lánh nạn tạm thời chờ lực lượng cứu hộ ứng cứu. Cửa ra mái của ngôi nhà cũng thường được khóa và làm kiên cố, một số ngôi nhà tận dụng tầng mái làm các phòng ở (không còn lối ra mái để có thể sang được nhà bên cạnh).

Tầng 1 thường bố trí để xe máy, ô tô, phòng bếp (sử dụng đun nấu gas), các vật dụng dễ cháy khác và các thiết bị tiêu thụ điện thường xuyên như tủ lạnh, tivi, quạt trần..., đây là nơi có nguy cơ phát sinh cháy nổ cao nhất trong ngôi nhà nhưng cũng là lối thoát nạn duy nhất khỏi ngôi nhà. Cá biệt có những nhà dân tận dụng tầng 1 làm nơi bán hàng tạp hóa, kinh doanh các hàng hóa dễ cháy khác như xăng dầu, gas, chiếm hết các lối đi, do vậy khi xảy ra sự cố tại tầng này thì người bên trong ngôi nhà rất khó khăn để thoát nạn.

Nhiều ngôi nhà thường sử dụng gỗ, tấm nhựa, mút xốp... để ốp tường, trần; hệ thống điện trong nhà thường đi đường dây dẫn điện và tự đấu nối thêm thiết bị tiêu thụ điện không đúng quy cách; đường dây dẫn điện đã sử dụng lâu hoặc không đủ tiết diện so với công suất sử dụng nhưng không thay thế; để các ổ cắm điện, thiết bị điện phát sinh nguồn nhiệt cao (sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy...) gần chất liệu dễ cháy như màn, rèm...

Nhiều hộ dân bố trí nơi thờ cúng chưa hợp lý, mặt tường phía đặt bàn thờ, trần phía trên bàn thờ làm bằng vật liệu dễ cháy. Đèn, hương, nến đặt trên, gần các vật dễ cháy và dự trữ nhiều vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ hoặc khi đốt vàng mã không có người trông coi, che chắn để xảy ra cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.

 Nơi đun nấu cũng không có vách ngăn bằng vật liệu không cháy. Khi dùng bếp gas cũng không thường xuyên kiểm tra và có biện pháp chống chuột, côn trùng cắn thủng ống dẫn gas, hoặc khi đun nấu không có người trông coi, sử dụng bếp xong quên tắt bếp và đóng van bình gas lại, không trang bị thiết bị báo rò gas. Trước khi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ không kiểm tra lại nơi đun nấu, nơi thờ cúng, không tắt các thiết bị điện không cần thiết.

Trong nhà không trang bị các phương tiện chữa cháy tối thiểu như bình chữa cháy, dụng cụ trữ nước, dụng cụ phá dỡ và mọi người trong gia đình không được trang bị những kỹ năng an toàn khi có những tình huống bất ngờ, sự cố cháy, nổ xảy ra.

Cơ quan công an khuyến cáo khi xây dựng nhà người dân cần phải thiết kế lối thoát hiểm, cũng như chuẩn bị dụng cụ PCCC để đề phòng những sự cố cháy nổ có thể xảy ra. Đối với những gia đình có xây dựng và làm “chuồng cọp” thì phải thiết kế sao cho bên ngoài không thể vào được, nhưng bên trong có thể ra được dễ dàng. Đơn cử như, phải để chìa khóa mở cửa “chuồng cọp” ở vị trí các thành viên trong gia đình đều biết để cả nhà đều biết và sử dụng được khi cần.

Đặc biệt, cần treo thêm một chiếc búa nhỏ gần “chuồng cọp” để trong những trường hợp khẩn cấp, nếu mở không được thì dùng búa đập khung sắt để thoát ra ngoài.

Bên cạnh đó mỗi người dân cần chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ, bằng việc quán triệt đến các thành viên trong gia đình. Đồng thời nên mua mặt nạ phòng độc cho mọi thành viên trong gia đình và trang bị bình chữa cháy (bình phun bọt) rất nhỏ gọn, dễ sử dụng...

Minh Tiến
.
.