Nguy hiểm từ nạn hàng giả qua thương mại điện tử

Thứ Năm, 08/10/2020, 11:12
Hàng giả là vấn đề đối với nhiều nền tảng thương mại điện tử, không chỉ Amazon, nhưng Amazon là nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới và sự thống trị của nó ngày càng tăng.

Theo ước tính từ công ty dữ liệu eMarketer, Amazon kiểm soát 37,7% doanh số thương mại điện tử của Mỹ và tỷ lệ đó dự kiến sẽ tăng lên. Nhiều thương hiệu nói với hãng tin CNN rằng họ không thể không bán sản phẩm của mình trên Amazon. Như một phát ngôn viên của Amazon tuyên bố “khách hàng của chúng tôi mong đợi rằng khi họ mua hàng qua cửa hàng của Amazon, trực tiếp từ Amazon hoặc từ một trong hàng triệu người bán bên thứ ba, họ sẽ nhận được sản phẩm chính hãng”.

Chiếc xe đẩy trẻ em mua trên Amazon bị gãy trong thử nghiệm va chạm, không đáp ứng các tiêu chuẩn.

Hàng giả không an toàn cho người dùng

Danh sách trên Amazon mô tả sản phẩm là “Xe đẩy trẻ em 4 trong 1” và giới thiệu một loạt hình ảnh của một thương hiệu nổi tiếng có tên Doona, bao gồm một bức ảnh của con gái Tổng thống Mỹ, Ivanka Trump và 3 đứa con (2 trai 1 gái) của bà. Được niêm yết với giá 299 USD, bản sao này rẻ hơn 200 USD so với sản phẩm chính hãng Doona. Xe đẩy giả mạo có khả năng gây nguy hiểm cho trẻ em.

Xe đẩy đã vỡ thành nhiều mảnh trong thử nghiệm va chạm ở tốc độ 48km/giờ do CNN ủy quyền, không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản do các nhà quản lý Mỹ đặt ra. Video của cuộc thử nghiệm cho thấy hình nộm trẻ mới biết đi bị vặn xoắn khi xe bị gãy và trượt về phía trước, với những mảnh nhựa đã vỡ ra bay trong không khí.

7 chủ doanh nghiệp khác nhau cho biết các sản phẩm của họ trở thành mục tiêu của những kẻ giả mạo sử dụng marketplace (tính năng mua bán trực tuyến ngay trên ứng dụng) của Amazon cho các nhà cung cấp bên thứ ba. Các doanh nghiệp cho biết Amazon đã tự nhận trách nhiệm báo cáo các danh sách đáng ngờ và các danh sách mới xuất hiện gần như ngay khi những sản phẩm gắn cờ bị gỡ xuống. Theo luật hiện hành của Mỹ, Amazon không chịu trách nhiệm khi các sản phẩm của bên thứ ba được bán trực tiếp vi phạm sở hữu trí tuệ hoặc có lỗi về an toàn. Trách nhiệm thuộc về người bán bên thứ ba.

Điều này về cơ bản khác với cách luật đối xử với các nhà bán lẻ truyền thống như Target (TGT) hoặc Walmart (WMT) hoặc thậm chí là tạp hóa ở góc phố của bạn. Nếu bạn tìm thấy một sản phẩm tại một cửa hàng thực tế vi phạm nhãn hiệu của bạn hoặc bạn mua một thứ gì đó bị lỗi ở đó, bạn có thể kiện cửa hàng ngay cả khi họ không sản xuất sản phẩm đó.

Hàng thật (bên trái) và hàng giả.

Amiad Raviv, Giám đốc thương mại của Doona, cho biết công ty đã tìm thấy hơn 40 danh sách của Amazon năm 2019 có chứa các phiên bản giả mạo các sản phẩm hoặc phiên bản xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của công ty. Doona gắn cờ các danh sách mà họ quan tâm gửi đến Amazon, sau đó xóa chúng. Hàng Doona giả được bán thông qua trang web hoặc ứng dụng của Amazon nhưng không trực tiếp bởi Amazon.

Theo báo cáo thường niên năm 2019 của Amazon, 58% doanh số của Amazon đến từ hàng triệu người bán bên thứ ba, nhiều người trong số họ giao hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Nhiều thương hiệu hợp pháp, bao gồm Doona, bán sản phẩm thông qua các bên thứ ba được ủy quyền. Tuy nhiên, các mặt hàng được mua theo cách này có thể không bao giờ được nhân viên Amazon kiểm tra hoặc chuyển qua kho của Amazon. “Rất nhiều người trên nền tảng Amazon nghĩ rằng bởi vì đó là trên Amazon, nó là một sản phẩm chính hãng. Nhưng, thực sự không phải như vậy”, Raviv nói.

Nhiều ví dụ khác

Hai vợ chồng Luanne Whiting-Lager và Bengt Lager lần đầu tiên nhận ra chăn ủ quấn em bé hiệu “Love to Dream” của họ đã bị sao chép vào năm 2018 khi một khách hàng gọi điện phàn nàn rằng khóa kéo đã bị đứt khỏi chiếc chăn có thể gây nguy cơ nghẹt thở cho đứa bé. Khách hàng nghĩ rằng mình đã mua phiên bản chính hãng với giá 34,99 USD thông qua marketplace của Amazon nhưng Công ty Regal Lager của hai vợ chồng đã kiểm tra và nhận ra đó là hàng giả.

Sản phẩm giả sử dụng nhãn hiệu “Love to Dream” và cũng sao chép hình dạng chiếc chăn ủ được cấp bằng sáng chế của thương hiệu. Regal Lager đã cung cấp cho CNN một bức ảnh về chiếc chăn ủ giả kèm với tờ hóa đơn gốc.

Regal Lager là nhà phân phối độc quyền cho sản phẩm chăn ủ quấn hiệu “Love to Dream” tại Mỹ và tham gia vào Đăng ký thương hiệu Amazon - chương trình chính thức của Amazon để giúp các doanh nghiệp bảo vệ tài sản trí tuệ của họ. Công ty đã tìm thấy những lời phàn nàn trực tuyến về dây kéo của sản phẩm giả bị rơi ra và phần mở cổ của sản phẩm quá lớn hoặc nhỏ, một vấn đề an toàn tiềm ẩn khác vì nó có thể phủ qua miệng em bé trong khi ngủ hoặc quấn chặt quanh cổ.

Cuối cùng, công ty thuê Marketplace Ninjas - công ty giúp các thương hiệu hoạt động trên Amazon - và hai vợ chồng thuyết phục được Amazon gỡ xuống 20 danh sách khác nhau vi phạm các phiên bản sản phẩm chính hãng.

Crazy Aaron's Thinking Putty (đất sét biết suy nghĩ) của Aaron.

Marketplace Ninjas giám sát Amazon và các trang thương mại điện tử khác vào mọi thời điểm, tìm kiếm và phát hiện kịp thời những kẻ giả mạo sử dụng các chiến thuật mới để vượt qua các biện pháp bảo vệ - giống như trường hợp danh sách sản phẩm ban đầu là “Luv 2 Dream” nhưng sau đó thay đổi sang nhãn hiệu “Love to Dream”. Nhưng Whiting-Lager than phiền: “Một sản phẩm bị gỡ xuống, một sản phẩm khác lại hiện lên”.

Regal Lager nói rằng các bản sao rẻ hơn đã có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của họ. Họ ước tính họ đã thiệt hại khoảng 250.000 USD trong toàn bộ đơn đặt hàng hoặc khoảng 3% doanh số bán hàng trên Amazon của họ.

Aaron Muderick, người sáng lập sản phẩm đất sét ma thuật dành cho trẻ em Crazy Aaron's Thinking Putty (Đất sét biết suy nghĩ), cho biết nhân viên tiếp tân của ông dành 15 đến 20 giờ mỗi tuần để gửi các biểu mẫu yêu cầu Amazon và các trang thương mại điện tử khác xóa các sản phẩm sử dụng nhãn hiệu của công ty. Muderick đăng ký các cụm từ “Thinking Putty”, “Liquid Glass” và “Puttyworld”.

Charlotte Wenham, Giám đốc điều hành của Neo, cũng đã tham gia đăng ký thương hiệu của Amazon khi bà phát hiện vào năm 2018 có những kẻ giả mạo tinh vi nhắm vào sản phẩm Baby Shizer - một cỗ máy âm thanh được thiết kế để giúp em bé ngủ. Dựa trên các khiếu nại của người bán, Wenham tin rằng có nguy cơ gây hại thực sự nếu chất lỏng pin bị rò rỉ từ sản phẩm giả lên một em bé đang ngủ. Wenham cho biết các sản phẩm giả đã sử dụng nhãn hiệu Baby Shizer, sao chép sách hướng dẫn sử dụng và đóng gói như sản phẩm chính hãng.

Iris Wilbur-Kamien tưởng rằng mình đã mua Baby Shusher chính hãng trên Amazon cho đến khi 5 tháng sau khi mua hàng, công ty thực sự yêu cầu bà gửi một bức ảnh về mã nhận dạng của sản phẩm, bà mới nhận ra đó là hàng giả. Wenham cho biết tác động đối với hoạt động kinh doanh của bà từ cơn lũ hàng giả là rất đáng kể, ước tính trị giá hơn 100.000 USD. 

Dịch vụ Minh bạch

Amazon cũng cung cấp một dịch vụ có tên là “Transparency” (Minh bạch), nơi các thương hiệu có thể thêm mã duy nhất vào sản phẩm. Các mã này được quét bởi Amazon và bởi khách hàng để xác nhận tính xác thực nhưng các thương hiệu phải mua nhãn đặc biệt từ Amazon với chi phí từ 1 đến 5 cent mỗi mặt hàng. Các thương hiệu cũng phải trả tiền để thêm nhãn cho mỗi sản phẩm. Amazon cho biết hơn 6.000 thương hiệu đã đăng ký vào Transparency.

Công ty Regal Lager của cặp vợ chồng Luanne Whiting-Lager và Bengt Lager từ chối tham gia Transparency, chủ yếu vì các chi phí liên quan. “Nó giống như những người tốt đang phải trả giá cho hành vi của kẻ xấu”, Bengt Lager nói.

Sadie bị mù một mắt khi chiếc vòng cổ chó mà cô mua từ Amazon bị gãy và dây xích thu lại đã bắn vào mắt cô.

Gần đây, Amazon đã thêm một dịch vụ bảo vệ thương hiệu thứ ba có tên Project Zero, sử dụng công nghệ máy học của gã khổng lồ thương mại điện tử. Họ mô tả chương trình này như cho phép các thương hiệu truy cập vào “công cụ loại bỏ hàng giả tự phục vụ” cho phép họ loại bỏ ngay lập tức hàng giả khỏi nền tảng đồng thời cung cấp phản hồi vào hệ thống tự động của Amazon để xác định hàng giả.

Tại trụ sở của mình ở Norristown bang Pennsylvania, Aaron Muderick có một “bức tường xấu hổ” trưng bày các sản phẩm sao chép. Muderick ước tính các sản phẩm vi phạm và sao chép khiến ông mất 10-30% doanh thu. Muderick cho biết ông thường xuyên tìm thấy các sản phẩm putty chung chung mà ông tin là không an toàn nhưng ông không rõ làm thế nào để cảnh báo Amazon về những lo ngại của mình.

Vấn đề pháp lý

Người phát ngôn của Amazon nói rằng họ biết khách hàng mong đợi một sản phẩm chính hãng khi mua hàng trên Amazon, bất kể người bán là ai. Nhưng, về mặt pháp lý, Amazon đã không tuân theo sự mong đợi đó. Nhiều tòa án Mỹ giữ nguyên quan điểm rằng trách nhiệm pháp lý không áp dụng cho các trang web thương mại điện tử giống như một cửa hàng thực tế. Khi nói đến bán hàng của bên thứ ba, các trang web thương mại điện tử cho rằng họ chỉ là một nền tảng cung cấp một nơi gặp gỡ ảo để người mua và người bán tương tác.

Hiện nay, một số tòa án Mỹ bắt đầu đặt câu hỏi liệu đã đến lúc phải xem xét lại các quyết định trong quá khứ về trách nhiệm pháp lý của Amazon, cho phép công ty kiểm soát rộng rãi thị trường của mình và những khó khăn liên quan đến người tiêu dùng đang cố gắng kiện người bán bên thứ ba.

Một tòa phúc thẩm Philadelphia gần đây phán quyết Amazon có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý trong trường hợp một phụ nữ tên Sadie bị mù một mắt khi chiếc vòng cổ chó bị lỗi mà cô mua từ Amazon bị gãy và dây xích chó có thể thu vào đã bắn vào mắt cô. Nhưng, cả Sadie và Amazon đều không thể định vị được công ty bên thứ ba mà cô đã mua hàng.

Mark Geistfeld, giáo sư Trường luật Đại học New York (NYU), cho biết ông tin rằng đây chỉ là vấn đề thời gian cho đến khi những diễn giải pháp lý bắt đầu thay đổi liên quan đến trách nhiệm pháp lý của Amazon. Giáo sư nói vấn đề chính là kỳ vọng của người tiêu dùng. Một người mua hàng trong một cửa hàng thực tế hoặc trên Amazon hiểu rằng một thứ gì đó có thể được sản xuất bởi bên thứ ba, nhưng, với cả hai lần mua, họ đều hy vọng sản phẩm không bị lỗi hoặc giả. Ngoài ra, vấn đề là số lượng kiểm soát mà Amazon áp dụng trên trang web của mình, về cách hiển thị danh sách cho khách hàng, các điều khoản mà người bán ký và mức độ thông tin có sẵn bằng phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI).

Các chính trị gia cũng bắt đầu gia tăng áp lực đối với hàng giả và an toàn trên Marketplace của Amazon. Vào tháng 8-2019, ba thượng nghị sĩ Dân chủ đã viết một lá thư cho Giám đốc điều hành Amazon Jeff Bezos, bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc của họ về việc Amazon không loại bỏ các sản phẩm bất hợp pháp, chết người và lừa đảo và họ đưa ra các cảnh báo rõ ràng về các sản phẩm được bán trên nền tảng”. Bức thư là để đáp lại cuộc điều tra của tờ Wall Street Journal về hàng giả trên trang web.

Duy Ân (Tổng hợp)
.
.