Nguyễn Thu Vân: Bị gãy tay vẫn trở thành xạ thủ với "2 tủ" huy chương

Thứ Hai, 18/02/2008, 10:00
Một ngày sau khi Nguyễn Thu Vân trở về nước trong niềm hân hoan chào đón của lãnh đạo Bộ VH-DL và TT, phòng TDTT (Bộ Công an), người hâm mộ... chúng tôi đã liên hệ để gặp chị, nữ VĐV xuất sắc của Đoàn TTVN nói chung và đoàn TT CAND nói riêng. Biết rằng chị rất bận và khá mệt mỏi, nhưng những cú điện thoại gấp, liên tiếp của chúng tôi cuối cùng cũng đã được đền đáp.

Người đóng góp 1/3 thành tích của bộ môn bắn súng

Chị hẹn gặp chúng tôi tại ngôi nhà nhỏ ấm cúng, ngõ 158 đường Trương Định (Hà Nội), nhà mẹ đẻ của chị.

Nhìn Thu Vân bình dị ít ai biết rằng, chị đã đi hết thành công này tới thành công khác. Tại SEA Games 24 diễn ra ở Thái Lan, bộ môn bắn súng của Việt Nam giành được 7 HCV thì riêng Thu Vân đã đóng góp 2 (1 HCV đồng đội và 1 HCV cá nhân), chưa kể 1 HCĐ và 1 HCB mà chị giành được.

Theo chị, thành tích có lẽ còn lớn hơn nếu điều kiện vật chất tập luyện tại nước chủ nhà thuận lợi. Vì các xạ thủ bắn súng của Việt Nam trước ngày thi đấu chỉ được tập luyện có hơn một ngày, nguyên nhân là do các trang thiết bị gửi từ Việt Nam sang đã bị mắc kẹt tại sân bay 3 ngày liền.

Ngoài ra, điểm đứng ngắm bắn của các xạ thủ không được rộng rãi và thoải mái như tại các nơi thi đấu khác, điều này cũng hạn chế độ ngắm chính xác của họ. Ngoài ra, các xạ thủ Việt Nam cũng gặp khó khăn khi phải thi đấu tại nơi bị ánh sáng ngược hắt vào mắt gây khó chịu, điều kiện ăn ở cũng không bằng nhiều nơi khác, kể cả các điểm thi đấu trong nước và quốc tế.

Quá nhiều huy chương các loại, Thu Vân không thể nhớ nổi!

Chiến thắng vang dội của Thu Vân lần này không thực sự gây bất ngờ đối với chị. Bởi lẽ, tại các kỳ thi đấu trong nước hay quốc tế mới đây, lần nào chị cũng giành thành tích cao, khi thì HCV, khi thì HCB... Theo chị lên tầng 3 của căn nhà thì thấy, HC các loại tại các giải đấu trong và ngoài nước treo đầy cả một tủ.

Mẹ của Thu Vân thì cho rằng, sau SEA Games 23, Thu Vân bước lên xe hoa chị đã mang về một nửa số HC đã giành được để làm kỷ niệm. Có nghĩa là tại nhà chồng của chị, một tủ đựng HC khác nhiều không kém số lượng HC mà chị treo tại nhà mẹ đẻ.

SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam, chị đã mang về cho đoàn TTVN 2 HCV, 1 HCB, 1HCĐ song không có HCV cá nhân như tại giải lần này. Tại giải bắn súng các nước ASEAN (SEASA) hằng năm, Thu Vân đã đóng góp cho đoàn Việt Nam 5-6 HCV, chưa kể HCB và HCĐ.

Thu Vân từng 3 lần phá kỷ lục môn bắn súng ở các nội dung súng ngắn dành cho nữ tại các kỳ thi trong nước. Tại các giải thi đấu trong nước, trong 5 năm trở lại đây, năm nào chị cũng mang về cho đoàn VĐV CA HCV. Tuy vậy, Thu Vân cho rằng, đã là VĐV chuyên nghiệp thì mỗi khi thi đấu phải mang trong mình "chất lửa" là khát khao chiến thắng, cho dù những thành tích mà chị đạt được là quá nhiều.

Tại SEA Games 23, Thu Vân đã bất ngờ không giành được chiếc HC nào do chỉ thi đấu một nội dung. Đây cũng là kỷ niệm buồn đáng nhớ trong 12 năm bước vào con đường VĐV chuyên nghiệp của mình. Sự hẫng hụt như vậy chị cũng chỉ biết lau nước mắt một mình.

Tuy nhiên, sau mỗi lần thất bại lại khơi dậy trong chị một sự phấn đấu miệt mài để hướng tới những thành quả ngày càng trọn vẹn hơn trong ngày hôm nay và bước đường chinh phục dài ngày tiếp theo.

Năng khiếu + khổ luyện =í thành tài

Giành HCV từ năm 16 tuổi tại giải đấu trong nước nhưng không làm Thu Vân lao vào vòng vây của sự tự mãn để rồi nhanh đổ vỡ. Mẹ của Thu Vân, bà Đỗ Thị Trạng còn nhớ như in ngày cô con gái thứ hai nhỏ nhẹ nhất trong 3 chị em gái chập chững theo nghề bắn súng. Đó là năm Thu Vân 15 tuổi, đang học phổ thông trung học.

Mỗi lần đi họp phụ huynh, bà lại muốn cô con gái nhỏ của mình tham gia một môn thể thao nào đó để rèn sức khỏe. Là người chơi thân với vợ của HLV môn bắn súng Trần Văn Phiến, thế là bà gửi con gái của mình vào học lớp đào tạo về bắn súng của Bộ Công an cùng với con gái HLV Trần Văn Phiến.

Tuy nhiên, hồi đó trường bắn ở tận Xuân La (Từ Liêm, Hà Nội) nên ngày nào Thu Vân cũng phải vừa đi học văn hóa vừa tới trường bắn tập luyện. Trung bình mỗi ngày cô nữ sinh trung học đạp xe hơn 20 km để tập luyện. Nhiều khi thấy con nhỏ bé, lại vất vả đạp xe, hôm nắng cũng như hôm mưa, bữa hỏng xe, bữa tắc đường mà vợ chồng bà cảm thấy mủi lòng muốn khuyên con không theo nghề này nữa, nhất là khi cô bé bị gãy tay. Nhưng thấy con gái vẫn kiên trì theo đuổi môn bắn súng với quyết tâm cao nên ông bà đành chiều lòng.

Được HLV Trần Văn Phiến rèn luyện 7 năm thì Thu Vân gia nhập đội tuyển bắn súng trẻ tại ĐHTDTT1 (Từ Sơn, Hà Nội). Tới năm 2000 thì Thu Vân về luyện tập ở ngay tại Trung tâm HLTDTT1. Tại đây, ngoài sự dìu dắt của HLV Phạm Tuấn Dũng, Thu Vân còn nhận được sự hướng dẫn của VĐV CAND Nguyễn Mạnh Tường. Được rèn luyện trong cái nôi bài bản cùng với sự chịu khó của bản thân mà chị đã giành hết thành công này tới thành công khác.

Thu Vân tâm sự, phụ nữ tham gia vào môn bắn súng không thuận lợi so với nam giới ở chỗ: sức chịu đựng yếu hơn, tay yếu hơn. Tuy nhiên, muốn thành xạ thủ giỏi thì tính kiên trì tập luyện phải đặt lên hàng đầu. Trong lúc tập luyện cũng như thi đấu phải tư duy tốt, khéo ở ngón tay cò, điều này lại là thế mạnh của phụ nữ.

Ngoài ra, khi thi đấu áp lực cao, việc bình tĩnh của các xạ thủ phải đặt lên hàng đầu, vì chỉ cần mất bình tĩnh một chút là đạn đã bay rất xa điểm ngắm.

Mặt khác, theo Thu Vân, kỷ luật rèn luyện của một VĐV là rất quan trọng để trưởng thành, đặc biệt là VĐV bắn súng. Trong những ngày thi đấu, một VĐV như chị không dám thức đêm nhiều, đi lại có chừng có mực. Mùa lạnh rét căm căm tại trường bắn cũng phải tập luyện 6 tiếng, mùa hè nắng như đổ lửa thì thời gian tập luyện vẫn không hề thuyên giảm.

Chúng tôi thực sự thán phục về sự tài ba của các xạ thủ vàng Việt Nam. Trong hoàn cảnh cơ sở vật chất của trường bắn còn thiếu thốn, nhiều khi phải bắn chay, hay bắn đạn cũ, nhưng các anh, các chị vẫn giành được các thành tích cao, xạ thủ Thu Vân là một điển hình

Văn Hùng
.
.