Nhà biên kịch Đoàn Tuấn: Sống và viết để trả ơn ký ức

Thứ Ba, 08/08/2017, 10:40
Nói đến nhà biên kịch Đoàn Tuấn là nói đến "nhiều vai trong một con người". Anh vừa là nhà biên kịch, nhà giáo, nhà báo, nhà quản lý. Không chỉ thành công trong vai trò là biên kịch của những bộ phim điện ảnh như "Sống cùng lịch sử", "Chuyện tình trong ngõ hẹp", "Đường thư", "Chiếc chìa khóa vàng"... mà anh còn là tác giả của nhiều tiểu thuyết, thơ và sách dịch.

Cuối tháng 7 vừa qua, NXB Trẻ đã in cuốn Hồi ký gần 500 trang của anh về Chiến tranh biên giới Tây Nam nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ "Mùa chinh chiến ấy". Nhà biên kịch Đoàn Tuấn điển hình cho người không lúc nào ngồi yên một chỗ. Lúc nào gặp thấy anh cũng bận, thoăn thoắt với nghìn lẻ một công việc, những câu chuyện hấp dẫn trong ký ức, trong thực tại...

Hẹn gặp anh không dễ, chẳng phải anh sang chảnh gì, mà anh bận với nhiều công việc, sự vụ. Khi thì đang duyệt báo để in trong vai trò là Phó Tổng biên tập Tạp chí Thế giới điện ảnh. Lúc anh lại đang lo công tác tuyển sinh với tư cách là Trưởng khoa Điện ảnh, trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh. Lúc lại thấy anh bận lo bản thảo một cuốn sách về đồng đội còn dang dở. Gặp được anh rồi, chủ đề xuyên suốt, chỉ là những thước phim và những ký ức về bè bạn, về đồng đội, về những người lính bạn anh đã nằm lại mãi mãi ở chiến trường... Những lúc ấy, Đoàn Tuấn lặng đi, giấu những giọt nước mắt đang chực trào ra trong khóe mắt đỏ hoe của tuổi ngũ thập tri thiên mệnh.

Nhà biên kịch Đoàn Tuấn.

Tôi nhớ thời điểm nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm làm biên kịch bộ phim "Mùi cỏ cháy" (đạo diễn Hữu Mười), một bộ phim lấy nhiều nước mắt của khán giả bởi đó là câu chuyện có thật của những người lính. Một bức chân dung hào hùng của tuổi trẻ Việt Nam tình nguyện xếp bút nghiên lên đường ra trận trong những năm tháng cam go nhất của cuộc chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc, như anh Nguyễn Văn Thạc, chị Đặng Thùy Trâm. "Mùi cỏ cháy" hoàn toàn được lấy cảm hứng từ truyện ngắn "Bức tượng" của nhà biên kịch Đoàn Tuấn.

Đó là khi nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm biết được bức ảnh còn lại sau hàng chục năm của Đoàn Tuấn. Trước ngày ra trận, anh và 3 người bạn đã chụp ảnh tại bức tượng cô gái đọc sách ở Công viên Lê-nin, một biểu tượng của Hà Nội thời bấy giờ. Sau buổi chụp ảnh đó, họ ra trận và chỉ mình Đoàn Tuấn trở về, 3 người bạn của anh đã hy sinh cho Tổ quốc có một ngày bình yên. Bộ phim đã thành công và đoạt giải Vàng trong lễ trao giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam.

Sau này, với vốn liếng dày dặn về những năm tháng chiến tranh, Đoàn Tuấn đã được giao là biên kịch phim điện ảnh "Sống cùng lịch sử" (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân), một bộ phim do nhà nước đặt hàng nói về chiến dịch Điện Biên Phủ, một vùng đất mà Đoàn Tuấn bảo rằng, anh đã phải lòng từ những ngày thơ ấu: "Điện Biên, đã như những hạt phù sa bồi đắp dần tình yêu của tôi. Trong gia đình tôi cũng có nhiều người gắn bó với nơi này. Như bố vợ tôi, tham gia chiến đấu tại Điện Biên. Và sau đó, ông là một trong những người đầu tiên xây dựng nông trường Điện Biên. Vợ tôi cũng được sinh ra ở nơi đây...

Tôi cũng có những người bạn vong niên, thực ra là những người anh hơn tuổi, gắn bó với Điện Biên từ những công việc như làm đường, dạy học... Những câu chuyện của họ, tôi cảm thấy, như chạm vào được bằng tay. Rồi những cái đó, thấm dần, chín dần trong tôi. Đồng thời, khi viết về Điện Biên, tôi luôn có ý thức không đi lại những lối mòn mà người đi trước đã mở. Tức là mình phải tìm một hình thức kể chuyện mới. Mà muốn có cái mới thì mình phải biết rất nhiều những cái cũ, tức là những câu chuyện cũ, cách kể cũ... Vì thế, khi viết kịch bản này, tôi cảm thấy rất thoải mái. Đúng như nhà thơ Chế Lan Viên từng viết: ''Khi cây đã hóa trầm trong ruột/ Lá đủ rồi, còn phải đợi gì hoa''.

Và đỉnh điểm của những ký ức về chiến tranh trong anh, được thể hiện tất cả trong cuốn sách được viết ra từ những trang nhật ký của chính mình và bao nhiêu đồng đội với cái tên rất "thơ": "Mùa chinh chiến ấy". Anh viết ròng rã trong nhiều tháng ngày với tất cả những nỗi đau đớn, mất mát và khủng khiếp mà chiến tranh còn để lại với những ám ảnh chưa một ngày nào nguôi ngoai về trận mạc trên đất nước Chùa Tháp.

Nhà biên kịch Đoàn Tuấn tặng sách "Mùa chinh chiến ấy" cho đồng đội.

Đoàn Tuấn khẳng định rằng, đó là những ngày ác liệt. Ngày nào cũng đánh nhau. Hết bị địch phục lại bị địch tập kích. Đi gùi gạo, gùi đạn thì vấp mìn. Ngày nào cũng có người bị thương hoặc hy sinh.

Nhà biên kịch Đoàn Tuấn kể: "Tôi nhớ mấy cái sạp làm tạm ở bìa rừng dành cho thương binh, tử sĩ, lúc nào cũng đầy máu. Vừa khiêng người này đi, chưa kịp lau máu đọng trên sạp thì đã phải đặt người khác vào. Tranh thủ lúc rỗi, chiều nào tôi cũng bẻ mấy cành tre xua ruồi, đuổi muỗi cho anh em bị thương nằm la liệt không cử động được... Trong những năm tháng chiến tranh, tôi đã được chứng kiến nhiều cái chết của đồng đội. Đã phải chôn và bốc cả một nghĩa trang của tiểu đoàn tôi ở An-lung-viêng. Năm 1982 đã áp tải hơn 40 di hài đồng đội về Đức Lập...

Khi biết tôi có ý định viết cuốn sách về những đồng đội bị thương hoặc hy sinh, những người còn sống trở về đã giúp tôi rất nhiều tư liệu. Họ đã cung cấp cho tôi rất nhiều nhật ký và ghi chép chiến sự. Cuốn sách này tôi đã dựng lên rất nhiều chân dung những đồng đội đã hy sinh, những câu chuyện mà chỉ ở trong chiến tranh mới có. Chiến trường mênh mông. Mỗi đơn vị, mỗi người lính phải đánh bao nhiêu trận... Xin cảm ơn số phận những ngày ác liệt đó đã đưa tôi từ trong đội thông tin lên làm trợ lý chính trị tiểu đoàn - một công việc cho tôi tiếp xúc với nhiều đau thương. Xin cảm ơn những đồng đội, đồng hương khi còn sống đã tin cậy tôi, đã tâm sự với tôi, đã gửi gắm ở tôi những điều sâu kín trong lòng, để khi sang thế giới bên kia, hình bóng các bạn vẫn mãi còn bất tử".

Dường như, vì cả một thời tuổi trẻ bôn ba trận mạc, hết chiến trường Quảng Trị, rồi chiến trường Campuchia ròng rã nhiều năm trời, nên anh khó thoát khỏi cái bóng ám ảnh của chiến tranh. Con người anh, lúc nói về lính, là lúc anh như bị "lên đồng". Anh hiểu về chiến tranh và bị ám ảnh về nó một cách khủng khiếp. Anh viết sách, làm phim, cung cấp cho bạn bè nhiều tư liệu như một cuốn từ điển sống. Tôi có cảm giác anh chưa thoát khỏi nó dù chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ.

Cảnh trong phim "Sống cùng lịch sử" (Biên kịch Đoàn Tuấn).

Anh cho rằng, mỗi người lính là một thế giới diệu kỳ, một kho tàng tri thức dân gian. Nếu coi đó là một quyển sách hay, biết cách đọc, cách kể, chúng ta sẽ có biết bao câu chuyện tuyệt vời. Nhưng cũng thật tiếc. Vì chiến tranh, những quyển sách đó có thể sẽ không bao giờ được lật mở, có thể sẽ mãi mãi nằm sâu trong lòng đất, bất cứ lúc nào. Và rồi, những câu chuyện có tuyệt vời đến mấy, cũng chìm đi, lẫn vào trong bao chuyện đời thường. Làm sao góp nhặt lại để tặng cho mỗi người, cho đồng đội?

Nhà thơ Lê Minh Quốc, một người bạn thân thiết của Đoàn Tuấn đã kể lại một câu chuyện về anh: Năm 1978, lúc đóng quân tại cánh rừng trên đường 14B, sát biên giới Campuchia, chúng tôi nhận lệnh quay về hậu cứ đón tân binh. Trong số các lính mới người Hà Nội da trắng, môi đỏ, dáng dấp thư sinh, tôi và Đoàn Tuấn đã kết bạn. Đơn giản, chỉ vì tôi "tịch thu" của Tuấn tập “Truyện Kiều”, “Thơ Việt Nam” mà Tuấn giấu trong ba lô. Một tình bạn của văn chương từ ngày ấy đã gắn bó đến nay và ngày sau nữa. Trong đơn vị, sống chung chiến hào, Tuấn là người trầm tĩnh, dường như chưa bao giờ (ngay cả bây giờ cũng vậy) Tuấn giận dữ, nổi nóng, nặng lời với một ai.

Trong túi áo, Tuấn thường có cuốn sổ tay và cây bút bi, hễ quan sát những gì mới lạ, thú vị, phát hiện bất ngờ là ghi lại cẩn thận. Chính những quyển sổ tay này, cùng với các câu chuyện của đồng đội đã kể hoặc đã chứng kiến với tư cách là nhân chứng của năm tháng ấy, Tuấn đã dựng lên “Mùa chinh chiến ấy” một cách tài tình, chân thực và xúc động.

Và tôi tự hào bạn mình là một người tài năng thật sự, không vì một lý do gì khác ngoài tác phẩm đã viết. Lúc ở chiến trường có lẽ Tuấn là một trong những người hạnh phúc nhất vì anh thường nhận thư của Tô Thị Bảy - bạn gái học thời phổ thông và sau này trở thành người bạn đời. Những lá thư ấy, anh em trong đơn vị cùng đọc chung. Tình cảm hậu phương luôn là điểm tựa vững chãi cho người lính. Ngày ở chiến trường, Tuấn luôn giữ trong túi áo một cuốn sổ tay nhỏ bằng gói thuốc lá. Khi có hứng, bất chợt tìm ra câu thơ hay là ghi vội vào đó.

Những bài thơ này, sau khi ra quân, Tuấn gửi Tạp chí Văn nghệ quân đội và lập tức đoạt Giải A cuộc thi thơ năm 1984. Những câu thơ này, thỉnh thoảng lại vọng về trong trí nhớ. Lúc đó, chúng tôi làm thơ, chuyền tay nhau đọc. Tuấn đã viết: "Không đủ ngón tay/ Để mà đếm bao nhiêu kiểu ngủ/ Sốt rét nằm co/ Ngủ hầm lưng đau nhức/ Có giấc ngủ lưng chừng đỉnh dốc/ Chân quặp vào hòn đá khỏi lăn/ Ngủ cho quần áo khô/ Ngủ cho qua cơn đói/ Giấc ngủ chông chênh đứt rồi lại nối/ Mắt suối mắt đèo trũng xuống đêm đêm.../ Nhìn đồng đội nằm thêm yêu thêm thương/ Người còn đeo ba lô, người còn mang dây lưng có bi đông, lựu đạn"...

Trong cuộc sống đời thường Đoàn Tuấn bị nhiều bạn bè bảo "như nhà quê". Anh không biết quán xá đắt tiền, không mấy bia bọt, "bán trời không mời thiên lôi" như một số ai đó tự xưng "văn nghệ sĩ". Cốt cách của anh ngoài việc là một văn nhân, thì phù hợp với nghề nhà giáo. Một nhà giáo nghiêm nghị và đầy tư liệu sống để truyền đạt cho sinh viên trên bục giảng.

Trăm lần như một, dù đang vui đến thế nào, đang đàn đúm rôm rả cỡ nào nhưng đến giờ là anh phải về nhà cho bằng được, hoặc đúng giờ lên lớp là dắt xe máy lên và đi. Nguyên tắc ấy đã giúp anh luôn làm tròn phận sự với mái ấm gia đình, với các con, với các học sinh của mình. Đoàn Tuấn điển hình cho mẫu người chăm chỉ, chăm chỉ học, đọc sách và viết lách để "não không trì trệ" và biết sắp xếp cuộc sống của mình một cách khoa học. Năm nào anh cũng có sách, có phim, có nhiều học sinh xuất sắc.

Mới năm ngoái, bộ phim "Trên đỉnh bình yên" (đạo diễn Hữu Mười) - bộ phim Việt Nam nói về cuộc sống dân tộc Chăm, do Hãng phim truyện 1 thực hiện theo đơn đặt hàng của Cục Điện ảnh đã trở thành một đề tài hấp dẫn cho giới trẻ. Phim được lấy cảm hứng từ một thời tuổi trẻ của Đoàn Tuấn và đồng đội, anh viết với tất cả niềm đam mê, nhiệt huyết và những vốn liếng rất sâu sắc về dân tộc Chăm, cộng với những ký ức chưa bao giờ nguôi ngoai của những người lính, những người ra trận với niềm đam mê cháy bỏng của tuổi hai mươi và những khát vọng cuộc đời. Với anh, đó là tài sản vô giá, và anh đang ngày ngày, sống, làm việc và yêu thương cho cả những người đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường đạn bom.

Bây giờ sống những ngày đẹp nhất của đất nước, của hòa bình, đủ đầy và thịnh vượng, nhưng chưa có ngày nào anh nguôi quên đồng đội. Và anh vẫn đi đi lại lại trên mảng đề tài chiến tranh, dù đó là phim, là văn học hay thơ ca. Đó là cách anh sống lại một lần nữa tuổi trẻ của mình, để biết rằng, được trở về sau chiến tranh để tiếp tục sống và viết là một điều kỳ diệu hơn bao giờ hết...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.