Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Tôi là người sĩ diện trong công việc...

Thứ Ba, 15/11/2016, 14:15
Dường như người phụ nữ cả đời gắn với nghề biên kịch ấy, đã gửi gắm số phận của mình trong những thước phim, để rồi đôi lúc giật mình, nhìn lại một chặng đường đã qua, tôi bất giác nói với Trịnh Thanh Nhã rằng, cuộc đời chị, chứ không phải ai khác, nếu được dựa vào để viết kịch bản, thì ắt hẳn là một nguyên mẫu sinh động cho những vui buồn, hỉ nộ ái ố trong những thước phim và trong cả đời sống này...

Hẹn được chị thật không dễ dàng gì dù đôi khi tôi vẫn đùa "bà già nghỉ hưu" rồi thì nào có việc gì đâu mà ra đường lắm thế! Vậy mà chị tất bật trên phố phường với lịch giảng dạy, làm cố vấn cho các chương trình phim, đọc duyệt kịch bản phim kín mít.

Buổi trưa dù bận đến mấy chị cũng đáo về nhà ăn cơm cùng người chồng yêu quý đã ngoài 80 tuổi của mình, nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương...

Dường như người phụ nữ cả đời gắn với nghề biên kịch ấy, đã gửi gắm số phận của mình trong những thước phim, để rồi đôi lúc giật mình, nhìn lại một chặng đường đã qua, tôi bất giác nói với chị rằng, cuộc đời chị, chứ không phải ai khác, nếu được dựa vào để viết kịch bản, thì ắt hẳn là một nguyên mẫu sinh động cho những vui buồn, hỉ nộ ái ố trong những thước phim và trong cả đời sống này...

Trịnh Thanh Nhã và nhà văn Lê Phương trong một chuyến thăm vùng cao.

Căn nhà nhỏ chưa đến 20 mét vuông ở đường Nguyễn Biểu, là nơi chị vẫn thường trở về trong những ngày bận rộn, rét mướt và tất bật của mùa đông. Trịnh Thanh Nhã gắn liền với nơi chốn ấy, nơi mà mỗi khi được nhắc đến, giới làm nghề biên kịch không ai không biết đó là căn nhà đầy cảm hứng sáng tác và là "hang ổ" ra đời của rất nhiều kịch bản phim "hot" đã và đang chiếu trên sóng truyền hình quốc gia. Căn nhà mà mỗi lần bước lên bậc cầu thang cũ kỹ và cổ kính, là tôi lại cố gắng tưởng tượng những bước chân của một Hà Nội xa xưa trong ký ức.

Những căn nhà Hà Nội cổ xưa đều có những nét tương đồng hệt như căn nhà của chị ở đường Nguyễn Biểu. Nhưng đó là căn nhà mà chị nuôi dưỡng những ký ức tuổi thơ yêu dấu vì nó giống hệt căn nhà của cha mẹ chị ở ngõ Trạm, nuôi dưỡng cảm hứng sáng tác và viết kịch bản phim, nuôi dưỡng ước mơ và cả tình yêu với "ông lão Lê Phương" như cách mà chị vẫn gọi đầy thân thương với người chồng, là một đạo diễn nổi tiếng, của mình.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã vốn là dân ngữ văn "xịn". Chị tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1983. Sau khi tốt nghiệp, chị lại thi và trúng tuyển vào khoa Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, chuyên ngành biên kịch. Dường như bén duyên với kịch bản phim, chị viết kịch bản đầu tay là một phim nhựa, cũng chính là tác phẩm tốt nghiệp, mang tên "Truyện cổ tích cho tuổi 17".

Phim kể về An, một cô bé 17 tuổi đầy mộng mơ yêu một chiến sĩ ngoài mặt trận tên Thái chưa một lần gặp mặt mà chỉ nhặt được lá thư rơi của anh gửi về cho gia đình. Tình cờ An gặp được mẹ và được nghe bà kể chuyện anh. Từ những câu chuyện của mẹ Thái, An đã gửi cho Thái những bức thư đầy tình cảm. Tuy chưa một lần gặp mặt, nhưng dường như An đã yêu Thái với tất cả tình yêu trong sáng, lãng mạng của tuổi 17.

Với lối kể chuyện giàu cảm xúc, vừa thơ mộng trữ tình, vừa mang màu sắc cổ tích lãng mạn, "Truyện cổ tích cho tuổi 17" đã như một làn gió mát thổi vào điện ảnh Việt Nam, một bộ phim về chiến tranh không có khói súng. Bộ phim đã giành được giải thưởng Bông sen Vàng lần thứ VIII (1988) với 4 giải vàng dành cho kịch bản phim, đạo diễn phim, quay phim và họa sĩ thiết kế. Đây cũng là bộ phim giúp diễn viên chính Lê Vi có một khởi đầu ấn tượng với điện ảnh và trở thành diễn viên điện ảnh nổi tiếng sau đó.

Cảnh trong phim "Truyện cổ tích cho tuổi 17".

Cái duyên với điện ảnh, đã mang đến cho chị cái duyên với số phận. Người biên tập đầu tiên của chị, nhà văn - nhà biên kịch Lê Phương, một người thầy, một người đàn anh cực kỳ khó tính và nghiêm khắc, luôn đòi hỏi sự hoàn mỹ trong nghề nghiệp, người đàn ông mà cho đến bây giờ sau gần 30 năm chung sống họ vẫn "dính như sam", đã như một định mệnh giúp chị trưởng thành trong nghề và trong cả trong cuộc đời.

Chị ít khi nói về chuyện riêng của mình với truyền thông, nhưng ai trong nghề hiểu và chơi với chị đều biết, chị và nhà biên kịch Lê Phương là một cặp trời sinh. Như có lần chị thú nhận, rằng sự uyên bác và tính nghiêm khắc của ông đã "gột" nên một Trịnh Thanh Nhã của ngày nay.

Những năm 90 của thế kỷ trước, cùng với nhà biên kịch Lê Phương, chị là một trong số ít biên kịch "mở hàng" cho phim truyền hình nhiều tập trên các kênh sóng của đài truyền hình, các bộ phim mà hầu hết ai cũng chờ đợi vào những ngày cuối tuần trong chương trình "Văn nghệ Chủ nhật" với các loại đề tài: nông thôn, đô thị, kinh tế, xã hội. Những bộ phim như: "Giọt nước mắt giữa hai thế kỷ", "Ngã ba thời gian", "Con nhện xanh", "Mã số thần kỳ" hay sau này là các bộ phim truyền hình dài tập như: "Lối rẽ", "Những bông hồng xanh", "Chuyện làng bè", "Chạm tới bình minh", "Huế mùa mai đỏ", "Ám ảnh xanh", "Ngược sóng", "Trò đời", "Mộ gió"...

Những kịch bản của chị viết hoặc biên tập đều đầy ắp hơi thở cuộc sống, đầy tràn cảm hứng về đời sống. Nó không đơn điệu hoặc nhàm chán. Cũng như, chưa bao giờ trong bất cứ cuộc nói chuyện nào cùng chị, cảm thấy tẻ nhạt. Bởi chị dư chứa trong mình quá nhiều năng lượng của đời sống, của công việc. Ăm ắp trong chị là dự án phim những câu chuyện đời sống. Là bởi vì chị ham đi, ham rong ruổi.

Chị đã ngoài 60 nhưng luôn luôn đi đâu cũng "quắp" theo "ông lão" Lê Phương khắp mọi miền đất nước. Gọi điện thoại, biết chị đang ở khu nhà vườn của mình ở Bát Tràng, thoắt cái, đã thấy chị ở Mai Châu (Hòa Bình), thoắt cái đã đi Sapa. Có khi gọi chị và chồng đang cùng những người bạn như nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đức Lưu... đến thăm một số người bạn cũ của hai vợ chồng.

Ngoài những bữa đi chơi, bát phố, thời gian chủ yếu của chị dành cho học trò ở các khóa biên kịch của các trường đại học có chuyên ngành biên kịch. Trong vai trò cô giáo, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã luôn là người truyền lửa, mang lại niềm đam mê điện ảnh cho các thế hệ học trò. Chị giao tiếp rộng, sống đầy năng lượng, nên chị đầy ắp những câu chuyện kể, những chuyện hậu trường phim ảnh khiến ai nghe cũng mê mẩn.

Chị có duyên kể chuyện, nên những câu chuyện của chị chẳng bao giờ nhạt nhẽo, nó luôn ấm nóng hơi thở đời sống, có những câu chuyện hóm hỉnh và gây cười, khiến cuộc chuyện trò với chị luôn luôn đầy thú vị.

Những sinh viên biên kịch do chị dẫn dắt thường "bị" đẩy rất nhanh vào cường độ học tập và sáng tác cao, với nguyên tắc "dao càng mài càng sắc" chị ngoài là cô, còn là bạn, là một người đồng nghiệp. Chị là "bà đỡ" mát tay cho những nhà biên kịch trẻ, một lực lượng còn khá mỏng cho nền điện ảnh truyền hình nước nhà.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã chia sẻ: "Thực tế là khi nhận được những đơn đặt hàng về "đề tài truyền thống - cách mạng", người sáng tác thường tự coi đó là loại phim tuyên truyền, làm cho hết trách nhiệm, không say đắm với nó, không đem cái thấu hiểu nhân tình mà xử lý vấn đề nên câu chuyện đương nhiên hời hợt, hình ảnh đương nhiên nhạt nhẽo. Tôi cố tránh tâm lý này một cách chủ động. Vì thế một số phim chúng tôi làm hình như có gây xúc động ít nhiều cho khán giả. Tôi đoán được điều này do thấy chúng được phát đi phát lại nhiều lần, và đôi khi đi đường thấy một người không quen biết bình luận về nhân vật của mình...

Tôi theo đuổi nghề biên kịch dưới nhiều chức năng, vừa là người quản lý, vừa là người biên tập, vừa là cô giáo... Tôi đang bị xé vụn thời gian, đôi khi chỉ vì mình là người cả nể. Chính vì thế, nhiều năm trở lại đây, tôi gần như không có thời gian để viết những cái của chính mình. Cũng có những kịch bản tôi đã viết nhưng hiện nay chưa đúng thời điểm để đưa ra nên tôi đành đút vào ngăn kéo. Bởi vì có những cái mình thích thì thiên hạ không thích và ngược lại. Tuy nhiên, chưa bao giờ tôi ra khỏi dòng xoáy của nghề nghiệp, do vị trí công tác, do nhiều người mới vào nghề cần tôi giúp đỡ, do... tính bao đồng.

Bởi vì tuổi nghề càng cao, danh vị nghề nghiệp được thừa nhận thì tự trọng càng cao và thói quen tự đòi hỏi càng lớn. Tôi có thể viết vài ngày là xong một tập phim vì ý tưởng luôn có trong đầu, nhưng cái quan trọng là bây giờ tôi phải tự đo đếm chính mình trước khi đặt bút viết, và suy tính cho kỹ trước khi đưa trình thiên hạ cái đã viết ra. Không ai kiểm duyệt tôi bằng chính tôi. Tôi cũng "sĩ diện" lắm, nhất là trong công việc.

Do nhiều lý do mà nền điện ảnh của chúng ta chưa thể tiếp cận được với cấp độ chuyên nghiệp theo tiêu chí chung của thế giới. Nhưng với giới biên kịch, thì tôi không nghĩ câu chuyện bi đát đến thế. Sẽ có biên kịch chuyên nghiệp nếu có những người thẩm định chuyên nghiệp, có những người hoạch định chính sách chuyên nghiệp...

Có nhiều người nói rằng, phim nhựa đang ít dần đi trong hệ thống phim trường, nếu không muốn nói nó đang bị "vô hiệu hóa" bởi mùa phim thì ngắn, thị trường thì nhỏ, bỏ công sức ra để làm phim nhựa thì vô cùng lớn, kinh phí nhà nước đầu tư cho một phim thì ít, không thấm vào đâu, hầu hết đạo diễn làm xong thường là lỗ, thị trường cũng không đồng đều, nên tốt hơn hết là nhập khẩu phim cho an toàn là cách nghĩ thỏa đáng.

Luôn đầy nội lực, luôn "bươn ra đường" với rất nhiều lý do, nhưng cứ đến giờ trưa, là chị lại trở về trong căn gác nhỏ mà chị ví như "Địa đạo Củ Chi" ở Nguyễn Biểu để dùng bữa trưa với chồng. Nhà văn, nhà biên kịch Lê Phương đã 84 tuổi, ông lão minh mẫn và đầy hóm hỉnh, là thần tượng của một thời trong mắt rất nhiều nhà biên kịch trẻ, đã bắt đầu có biểu hiện... chán ăn. Bởi thế mà chị trở thành một người "quát" ông vào những bữa ăn. Chị không về ăn là ông bỏ bữa, dù đã được người giúp việc nấu bày sẵn ra mâm.

Chị kể vui: "Ông ấy lười đến mức, có mỗi việc chan canh, bát canh thì để gần sát ông, nhưng cũng giơ bát cơm lên để vợ chan canh vào. Đến giờ là gọi vợ, dù không nhớ số điện thoại của vợ đâu. Các con đặt cho tên vợ có biểu tượng trái tim, thế là cứ biểu tượng ấy mà gọi, cũng như cứ có biểu tượng ấy gọi đến là biết chắc đét vợ gọi. Yêu lắm. Đi đâu cũng phải vợ đi cùng, dắt đi thì mới chịu. Giờ trí não xử lý các vấn đề chậm rồi, nên xung quanh, các con cháu hay bạn bè mà nói nhiều, nói việc nọ ông chưa kịp xử lý để hiểu đã sang việc kia thì ông cũng cười, rồi rỉ tai vợ bảo: "Chúng nó nói chuyện như thần kinh ấy, chả hiểu chuyện gì ra chuyện gì". Đấy, yêu lắm!".

Người ta bảo, duyên số là do ông trời sắp đặt, thì hoàn toàn đúng với trường hợp của hai vợ chồng chị Nhã. Chị ở vào độ tuổi con gái đẹp rạng ngời thì gặp nhà văn Lê Phương. Dù người đàn ông ấy đã có gia đình và con cái, nhưng rồi định mệnh ấy đã gắn họ lại với nhau như là để trả hết nợ nhau ở đời kiếp này.

Họ không có con chung, nhưng chị coi trọng các con cháu của chồng, và ngược lại, họ cũng kính trọng chị hết mực. Dù biết rằng, nếu được tròn vẹn và đủ đầy thì tốt hơn biết bao nhiêu, song chị luôn là tự an ủi rằng, mọi việc ở đời là do ông trời sắp đặt,  nên người đàn bà đầy nội lực, chu toàn và đầy năng động ấy vẫn cặm cụi bếp núc, cặm cụi những món ngon, tinh tế để phục vụ người chồng kỹ tính của mình.

Chị đã viết hàng trăm tập kịch bản phim, thấu hiểu mọi lẽ đời và an nhiên trước mọi chuyện, chị chỉ tâm niệm, sống làm sao để cảm thấy có ích, có cái gì đó để bạn nhớ đến mỗi lúc gọi tên mình, còn tất cả mọi thứ, đều trôi qua hết trong đời sống đầy biến động và ồn ào này.

Chị chỉ hằng ngày sống hăng say và làm việc hết mức có thể vì niềm đam mê của mình. Cuộc sống vốn đã yên lành nên chị không muốn cày xới lên sự rắc rối. Chị luôn chấp nhận mọi sự do mình lựa chọn. Để lại tận cùng sống cho những nỗi niềm “cổ tích tuổi 17” với những mộng mơ của bao giờ phai nhạt trong cuộc sống thường hằng...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.