Nhà điêu khắc Lê Công Thành: “Đắc đạo” trong “vườn địa đàng”
- Nhà điêu khắc Lê Công Thành: Đứng đầu ngọn gió
- Nhà điêu khắc Hồ Thái Thiết: Một phong thái Chăm thứ thiệt
Họ yên lặng chiêm ngưỡng những bức tượng "địa đàng" lồ lộ giữa thanh thiên bạch nhật, sừng sững hùng vĩ giữa đất trời biển cả, sông núi bao la, để mà trầm trồ thán phục, tấm tắc ngợi khen, hoặc chí ít không hiểu lắm về nghệ thuật thì cũng tò mò, thích thú khi đứng trước một báu vật của tạo hóa ban cho người phụ nữ dưới con mắt nghệ thuật đầy quyền năng sáng tạo của nhà điêu khắc.
Nhà điêu khắc Lê Công Thành. |
Căn nhà nằm trên gác 3 của khu tập thể Vĩnh Hồ, Hà Nội, đó là tổ ấm của đôi chim câu già, nhà điêu khắc Lê Công Thành và vợ là họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái. Nghe kể, vợ ông, nữ họa sĩ chính là một trong những học trò thuần đạo nhất của ông. Và, ngay cả cho đến giờ qua đi bao mùa mưa nắng thì người thiếu nữ khi xưa ấy, giờ mái tóc đã bắt đầu điểm bạc nhưng vẫn cung cúc trung thành như một cô học trò nhỏ, bẽn lẽn ngồi yên lặng bên chồng mỗi khi ông tiếp khách.
Phải nói ngay rằng, nhiều người bảo, dấn thân vào nghệ thuật là chấp nhận cuộc sống thanh bần. Ít ai thừa nhận làm nghệ thuật mà lại trở nên giàu lớn được, duy chỉ trừ vài ba trường hợp hãn hữu trong giới nghệ thuật. Nếu có giàu thì cũng chỉ là dư giả hơn so với anh em đồng nghiệp. May thay, hai vợ chồng nhà điêu khắc lại được hưởng cuộc sống phong lưu cũng chính từ tài năng nghệ thuật.
Hai vợ chồng ông mua liền một lúc 4 căn nhà tập thể ở liền nhau để tạo ra khoảng không gian sáng tạo và trưng bày tác phẩm. Đó, nếu tận mục sở thị nhìn ngắm những bức tượng bằng đá, bằng đồng với hình khối to nhỏ lớn bé khác nhau đều là một chủ đề về vẻ đẹp phồn thực ngồn ngộn của phái đẹp. Điểm giống nhau của hai vợ chồng ông, đều tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng cho người phụ nữ ở mỗi tác phẩm đều rất mạnh bạo, lồ lộ, không cần che đậy. Sinh thực khí của đàn ông, hay sinh thực khí của đàn bà, cảnh giao hoan trần trụi bóc tách đến tận cùng…
Nhà điêu khắc Lê Công Thành và vợ - hoạ sĩ Kim Thái. |
Những tác phẩm mát nhãn toát lên vẻ no đủ, tròn đầy, sức sống ngồn ngộn đẩy đưa, lôi kéo người thưởng thức thỏa thuê ngắm nhìn, khát khao yêu đương, tận cùng dâng hiến. Nếu tác phẩm của người chồng là điêu khắc tượng, còn với người vợ lại là màu sắc, hình khối, đường nét hội họa trên toan giấy màu chăng kín các bức tường cùng đưa người ta đến một khu cấm địa, vườn địa đàng, thung lũng tình ái của hoan lạc yêu đương, của ái dục, của vẻ đẹp vương giả khiến cho ta mộng mị, bị lôi cuốn, si mê đến phát sốt. Kì lạ thay, những tác phẩm đầy vẻ no đủ phồn thực này lại từ một tác giả có hình dáng như tiên ông đắc đạo, hay "người nhà trời" lạc lối xuống trần gian, dương thế.
Câu chuyện này, tại sao hai vợ chồng ông lại tìm đến cái vẻ đẹp phì nhiêu của người phụ nữ cũng kì lạ không kém những tác phẩm của ông. Trước tiên ta hãy đến với một lý lịch trích ngang đáng nể: Ông tốt nghiệp khóa Tô Ngọc Vân (1955-1957) và khoa Điêu khắc Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam khóa I (1957-1962). Thực tập sinh tại trường Đại học Mĩ thuật Mat-xcơ-va, Liên Xô (cũ) (1986-1970). Sau khi tốt nghiệp đại học Mỹ thuật Hà Nội, ông là giảng viên khoa Điêu khắc Trường đại học Mĩ thuật Công nghiệp Hà Nội, Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Hội đồng Nghệ thuật, Phó chủ tịch chuyên ngành điêu khắc Hội Mĩ thuật Việt Nam khóa II (1983-1989).
Trong quá trình công tác ông đã được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Huân chương Kháng chiến chống Mĩ cứu nước hạng Nhất. Huy chương Vì sự nghiệp văn học Nghệ thuật Việt Nam. Ông cần mẫn cho ra đời một khối lượng tác phẩm đồ sộ cả về điêu khắc và hội họa. Ông có nhiều tượng đài về người chiến sĩ, người phụ nữ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Bác Hồ và cháu - Tượng tròn (1972). Bà má nghiền trầu năm 1973, cũng trong năm này nhà điêu khắc Lê Công Thành dựng tượng Vân dại. Nữ dân quân (năm 1969). Sau ngày đất nước thống nhất, ông cũng đi khắp trong nam ngoài bắc để dựng tượng: Tượng Bác Hồ năm 1987…
Nhưng, có một cú đột ngột từ dạo ấy, thay đổi cách cảm và cách nghĩ của nhà điêu khắc. Năm 1987, ông xây dựng công trình tượng đài Núi Thành ở Quảng Nam, trong lúc sơ sẩy ông đã ngã ở độ cao 30m. Trong những cơn tỉnh, cơn mê, chập chờn ẩn hiện, như tiếng lòng ở đâu vọng về, sau đợt ốm nằm dài điều trị, ông như một con người khác. Trở dậy, ông đâm ra muốn thỏa thuê ngắm nghía vẻ đẹp phì nhiêu no đủ trên thân thể đàn bà, và sẵn sàng phục dựng, chế tác vẻ đẹp ấy thành bất hủ. Người vợ đầu gối tay ấp của ông chẳng thể ngờ lại yêu chiều chồng đến thế, phục tùng bất cứ sở thích khác lạ nào của chồng.
Ông đi thơ thẩn trên những con phố, đến quán mát xa, karaoke, trở thành người đàn ông hậu hĩnh của các nàng sa cơ lỡ bước vào chốn trần ai. Ông vui sướng ngắm nghía vẻ đẹp của tạo hóa ban tặng các nàng đang tuổi xuân thì mơn mởn, hay những thiếu phụ đến hồi xuân sang. Ông, lần này như đứa trẻ thơ tung tăng, khát khao đi tìm suối nguồn sữa mẹ. Cảm hứng là đây, tình yêu là đây, không khoảng cách, không ràng buộc, không ranh giới cao thấp, không lý trí hay cảm tính. Tất cả chỉ một tình yêu nghệ thuật và sự bắt đầu tươi trẻ để lội ngược dòng về với "mẹ bao la".
Bức tượng mẹ Âu Cơ, nhìn ra cửa biển Đà Nẵng. |
Những mĩ nữ sa cơ tưởng như ở dưới cùng của đáy xã hội thì ngơ ngẩn, ngẩn ngơ về một ông lão chả hiểu từ đâu rơi xuống, tỏ ra thông cảm, xót xa với những thân phận nàng "Kiều". Và, cứ như thế, tác phẩm của ông ra đời ngày một nhiều hơn, dầy lên, đầy đặn, no đủ, căng tràn. Những tác phẩm ấy, khiến cho các nhà phê bình phải giật mình kinh ngạc vì cảm hứng đâu để một ông già mắt đã mờ tay đã run lại lênh láng, say mê, điêu luyện nhập đồng đến vậy?!
Cách đây nhiều năm, người ta bắt gặp nhà điêu khắc thường sóng đôi với cô gái có vẻ đẹp như hoa mới nở, trông thật diễm kiều. Cô gái gọi ông bằng bố, và tỏ ra âu yếm, dịu ngọt như loại thuốc cải tử hoàn đồng cho ông. Cô gái vừa là con, là bạn, là người mẫu "nuy" riêng cho mình ông. Ông đi đâu, làm gì cũng có cô gái đi bên nâng niu, chiều chuộng, và cũng kì lạ thay, người vợ của ông, nữ họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái cũng đi bên để âu yếm vỗ về, tuyệt đối không tỏ ra một chút gì so bì tính toán? Phải là một người có trái tim vĩ đại và bao la lắm, vợ ông mới chấp nhận cái hoạt cảnh hiển hiện ngang nhiên trước mắt.
Vợ ông như một người tri âm, tri kỉ, bà tỏ ra hân hoan với những tác phẩm điêu khắc bằng đá, bằng đồng của chồng. Bà cũng hiểu sự hi sinh cho nghệ thuật, để chạm tay vào nó là khi người ta phải băng qua khu rừng đen tối để đến được với ánh sáng tương lai. Sự thật là, nhiều cuộc triển lãm, tranh ảnh nghệ thuật của những nghệ sĩ nổi tiếng về đề tài bị coi là "vùng đất cấm" vẫn khiến cho khán giả không đủ cơn no nê, mát nhãn. Và sau những cuộc thưởng thức bị thiếu hụt như vậy, người ta lại rủ nhau để đến tận khu "vườn địa đàng" trên tầng 3 của khu tập thể Vĩnh Hồ của vợ chồng nhà điêu khắc Lê Công Thành để thỏa thuê, sung sướng chiêm ngưỡng.
May mắn thay, chính nhờ những tác phẩm với giá trị thẩm mỹ cao này đã mang lại số tiền lớn cho đôi vợ chồng, dần dà tích tụ lại để hai vợ chồng mua thêm căn hộ, cơi nới tư trang được rộng dài. Hiện nay, trong khu vườn ấy, có bức tượng đã được chế tác lại, vì tác phẩm nguyên bản đã được Cựu Tổng thống Mĩ Bill Clinton mua trong chuyến thăm Việt Nam đầu những năm 2000.
Ông đã từng tâm sự: "Tôi không nặn những người đàn bà tếu táo, lãng mạn, ỉ ôi; cũng không nặn ra người đàn bà giá lạnh kiêu kỳ. Tôi không biết nói, chỉ biết nặn mà thôi. Tôi chỉ biết dùng đôi bàn tay ra hiệu, đôi bàn tay chân thật để vỗ về. Tôi chỉ có thể nói một câu: Tôi không phải là một nghệ sĩ đi nặn vẽ đàn bà khỏa thân trần trụi. Mà vì nhờ đàn bà mà tôi trở thành một con người nghệ sĩ theo nghĩa làm: "Người".
Đầu não đỡ mụ mê, thân xác lại thành người trai trẻ." Và rồi ông tâm sự: "Người đàn bà Đẹp, không chỉ đẹp ở khỏa thân. Nói về người đẹp khỏa thân. Đó chỉ là lời nói của những đứa trẻ ít học. Người đàn bà còn đẹp ở trí tuệ khôn lường, mà những bậc cao nhân không thể nào có được…".
Vậy đấy, chính nhờ sự tự tin bạo dạn, cách ăn nói cũng khác đời, khác người mà nhà điêu khắc đã về quê hương của mình, thành phố Đà Nẵng vào năm 2007 để làm nên một bức tượng bằng đá trắng lừng lững, ở vị trí rất đẹp, nơi đường Phạm Văn Đồng gặp đường Hoàng Sa, tại công viên Biển Đông, nhìn ra cửa biển Đà Nẵng. Đó là một câu chuyện hay mà mọi người biết chuyện vẫn hay truyền tai nhau khi nói đến nhà điêu khắc Lê Công Thành và mối cơ duyên với bức tượng mẹ Âu Cơ.
Nhà điêu khắc Lê Công Thành từ lâu đã nghe tiếng ông Nguyễn Bá Thanh - (lúc ấy đang giữ chức Bí thư Thành Ủy thành phố Đà Nẵng, đã mất) nhưng chưa bao giờ gặp mặt. Rồi như có một sự thôi thúc mãnh liệt từ bên trong, ông muốn ông dựng bức tượng Mẹ Âu Cơ nơi quê hương mình ở cửa biển Đà Nẵng.
Bằng sự tự tin và khí khái của mình, ông đã đến gặp ông Nguyễn Bá Thanh và đề đạt ý kiến muốn xây dựng một bức tượng cho cửa biển Đà Nẵng. Ông Nguyễn Bá Thanh nhìn ông lão kì lạ nhưng lại có ma lực thu hút kia và đồng ý. Nhà điêu khắc Lê Công Thành có một lời đề nghị là sẽ không ai được duyệt bản vẽ của mình. Ông Nguyễn Bá Thanh cũng đồng ý điều đó.
Vậy là, đúng như tiến độ, hơn một tháng sau ngày gặp gỡ của ông Nguyễn Bá Thanh và nhà điêu khắc Lê Công Thành, bức tượng được đặt ở công viên đúng vào 00 giờ đêm ngày 30/6/ 2007 lấy tên là "Mẹ Âu Cơ". Bức tượng Mẹ Âu Cơ được các nhà kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật đánh giá cao. Nhà phê bình mỹ thuật uy tín Nguyễn Quân đã nhận định: "Mẹ Âu Cơ" của Lê Công thành ở Đà Nẵng là một ngoại lệ hiếm hoi và đáng quý.
Vóc dáng mỏng mảnh nhỏ bé tưởng như nếu gặp cơn gió to sẽ bị cuốn ngã, nhưng bù lại, dáng đi chậm rãi, khoan thai, cùng với thần khí ánh mắt sáng, dù rằng ông đã ở tuổi 86 cho thấy một nội lực như tảng đá lớn đủ sức mạnh cả nghìn cân đang vần vào sôi động trong ông. Ông, một điêu khắc gia không dễ gì nhốt nội lực đang ngày đêm quẫy đạp và trực chờ bung tỏa, lưu lượng khổng lồ ấy đã được hiển hiện ra qua những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đồ sộ ngày càng dầy lên trong khu "vườn địa đàng".
Nhiều người bạn thân thiết với vợ chồng nhà điêu khắc Lê Công Thành vẫn đùa và gọi ông là "Người nhà trời", bởi vì cách ông nói, cách ông cảm có gì khác lạ lắm. Dù đã cao tuổi nhưng ông vẫn xưng hô với đám chúng tôi bằng tên gọi: "Thành nghĩ, hay Thành nói, Thành cho là…" Ông cũng gọi chúng tôi bằng tên của chúng tôi chứ không xưng hô chú cháu, hay bác cháu gì hết. Chúng tôi cũng đều biết ông là người lạ lùng, bí hiểm, ông biết xem tướng, nhìn chữ để đoán vận mệnh hay hay dở.
Ông bảo tôi: "Viết phải cho khéo vào, họa hay phúc là đều từ chữ mà ra…". Nhiều khi nghe ông nói mà cứ gai hết cả người. Chả biết ra sao nhưng đến với ông cụ, ngắm nghía ông cụ, nghe ông cụ nói, cũng thú lắm. Tôi bảo với ông: "Cụ là tiên ông đắc đạo, còn sót lại để du hành trên dương thế hay sao…?".