Nhà máy điện hạt nhân: Quả bom nổ chậm trên đất Pháp

Thứ Ba, 04/10/2011, 17:30

Với 19 nhà máy hạt nhân, nước Pháp là quốc gia có nhiều nhà máy điện hạt nhân nhất châu Âu. Thảm họa tại Fukushima đang gây ra nhiều tranh cãi. Liệu kịch bản ở Nhật có nguy cơ xảy ra ở nơi đây hay không?

Là quốc gia đứng thứ nhì thế giới về điện hạt nhân sau Mỹ, đứng đầu thế giới về lượng điện được sản xuất tính theo dân số…, nước Pháp có nguy cơ nhiều nhất. Có nên nghĩ đến chuyện loại trừ các nhà máy điện hạt nhân không? Nếu loại trừ thì bằng cách nào và trong thời gian bao lâu? Trong khi đó, mối lợi về kinh tế thì quả là rất lớn, nhất là vấn đề việc làm. Vì vậy mà trong khi chờ đợi, tai nạn của Fukushima ở Nhật Bản đang gây ra một cuộc tranh cãi về sự an toàn của các nhà máy điện hạt nhân tại Pháp.

Sau đây là ý kiến của Elsa Merle-Lucotte, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm vật lý nguyên tử và vũ trụ (LPSC) của Bruno Chareyron thuộc Ủy ban Nghiên cứu và thông tin độc lập về phóng xạ (Crirad) và của Bernard Deleplancque, Phó giám đốc xử lý các nguy cơ của Ban hướng dẫn về an toàn dân sự (DSC).

Phát hiện các nhà máy điện hạt nhân gây nguy hiểm

Trong số 19 nhà máy điện hạt nhân của Pháp, có 5 nhà máy (Fessenheim, Bugey, Saint-Alban, Cruas và Tricastin) nằm ở những vùng có mức độ địa chấn nhẹ. Nhưng điều quan trọng  là đa số đều nằm ở những vùng dễ bị lũ lụt. Nhà máy điện hạt nhân Blayais ở Gironde suýt gặp thảm họa vào năm 1999: nước ngập hơn 1m và hệ thống làm lạnh lò phản ứng bị hư hại như tại Fukushima.

Nhà máy điện hạt nhân Fessenheim.

Hiện nay, các nhà hoạt động về môi trường đang dán mắt vào Tricastin. Nhà máy điện hạt nhân thứ hai của Pháp này được xây dựng (đưa vào hoạt động từ năm 1980 và được phép hoạt động đến năm 2020) trên một đường đứt gãy địa chất và có nguy cơ bị ngập lụt cao vì ở gần sông Rhône.

Can thiệp trước đối với các mối đe dọa

Theo ông Bruno Chareyron thì việc này là không thể. "Các nhà máy điện hạt nhân đã không được thiết kế nhằm chống lại mọi sự xâm hại. Các thiết bị an toàn là để ngăn ngừa những sự cố trầm trọng, nhưng không hẳn là ngăn ngừa được mọi kịch bản, chẳng hạn như một vụ âm mưu tấn công, một hành vi phá hoại có chủ đích, một vụ vỡ đập nước, một vụ rơi máy bay…".

Bà Elsa Merle-Lucotte thì thực tế hơn: "Tại Pháp, chỉ có một sự cố tan chảy trong lõi lò phản ứng là có thể xảy ra, như điều đã xảy ra tại Mỹ vào năm 1979 tại Nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island ở Pennsylvania".

Tiếp theo sau một chuỗi các biến cố không kiểm soát được, lõi của lò phản ứng đã tan chảy một phần. Một vấn đề được xếp vào mức độ 5 của thang quốc tế về các biến cố hạt nhân.

Nhưng nhà nghiên cứu Elsa dịu giọng: “Từ đó đến nay, người ta đã có nhiều tiến bộ to lớn. Các lò phản ứng EPR thuộc thế hệ thứ 3, hiện đang hoạt động, rất khác biệt với kiểu lò cũ. Với các lò thế hệ mới này, mọi nguy cơ đều được nghiên cứu, thậm chí cả những nguy cơ ít có khả năng xảy ra nhất. Vì luôn có nguy cơ một chuỗi các sự cố nhỏ dẫn đến một thảm họa lớn”.

Những vấn đề xảy ra theo dây chuyền như một trận lũ lụt, tiếp theo sau một sai lầm của con người, một vụ mất điện, một sự cố tắc nghẽn hệ thống làm lạnh…

Chỉ định một đội hiến binh quốc tế

Bà Elsa Merle-Lucotte cho rằng, đây là việc cần làm trước tiên. Vì theo bà, trong tương lai, phải chọn lựa sự an toàn hạt nhân được kiểm soát ở tầm quốc tế. Điều này cho phép đóng khung các khu xây dựng và các lò phản ứng được sử dụng.

Cải thiện sự chuẩn bị cho các cư dân chung quanh các nhà máy điện hạt nhân:

"Tại Pháp, mỗi năm người ta tiến hành hơn 400 lượt tập dượt theo những tình huống giả định. Mỗi một kế hoạch cứu hộ đều được thị trưởng soạn thảo kỹ càng cùng với ủy ban tỉnh và quốc gia. Trong các tỉnh có nguy cơ (bão tố, lũ lụt…), mọi người dân đều biết chính xác phải làm gì”.

Đó là lời giải thích của ông Bernard Delplancque. Nhiều tài liệu hướng dẫn được xuất bản theo ý hướng này, và các cấp chính quyền cùng làm việc với Bộ Giáo dục quốc gia để tập luyện cho trẻ em trong những tình huống nguy cấp.

Cần phải minh bạch

Theo Ủy ban An toàn hạt nhân (ASN) thì vào năm 2010, có hơn 1.000 sự cố và các dị tật tại các nhà máy điện hạt nhân được thống kê tại Pháp. Một con số đã được nhân đôi trong vòng 10 năm. Đa số các sự cố đó đều không gây ra hậu quả, nhưng cũng gây lo ngại.

Sau khi thảm họa tại Nhật xảy ra, các cụm lò hạt nhân tại Pháp và chính phủ đã hứa có một sự minh bạch hoàn toàn. Nhà nước đã cam kết giám sát đầy đủ các lò phản ứng tại Pháp và công bố các kết quả.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động vì môi trường vẫn bày tỏ sự nghi ngờ về những việc kiểm soát đó, vì theo họ thì chúng được thực hiện bởi các cơ quan quá ủng hộ vấn đề hạt nhân (IRSN) vừa mới thành lập địa chỉ mạng www.mesure-radioactivite.fr, để trả lời các câu hỏi của tất cả mọi người: Mức độ phóng xạ trong vùng tôi ở là bao nhiêu? Tác động của một nhà máy điện hạt nhân là như thế nào? Có những trường hợp bất thường về phóng xạ nào cao không?...

Nhắm đến việc thay thế điện hạt nhân

Để thay thế 100% điện hạt nhân bằng điện gió, phải có 70.000 nhà máy điện gió. Nhưng hiện nay nước Pháp chỉ có 315 nhà máy điện gió. Nghĩa là trên bờ biển từ Dukerque tới Biarritz, cứ mỗi cây số có 18 nhà máy điện gió. Nhưng các nhà máy này chỉ sản xuất điện khi có gió mà thôi. Còn khi gặp trường hợp lặng gió thì tất cả ngừng hoạt động. Với điện mặt trời cũng vậy. Cần phải phủ kín một vùng đất 13.000km2 bằng những tấm pin mặt trời, tức là bằng một nửa vùng PACA.

Thật ra thì không phải chỉ có nguồn năng lượng tái tạo, mà còn có nguồn năng lượng hóa thạch nữa, chẳng hạn như khí đốt hoặc dầu mỏ. Để kết hợp đủ các nguồn năng lượng này, cần phải mất 40 năm. Đó là điều có thể, nhưng phải trả giá: 1KW điện gió đắt gấp 2,5 lần 1KW điện hạt nhân. Việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận từ bỏ thuế xuất ưu đãi mà chúng ta đang được hưởng. Và không chắc mọi người đều sẵn sàng chấp nhận điều này

Minh Thu (theo Femme Actuelle)
.
.