Nhà ở chung cư: Trăm mối lo

Thứ Ba, 14/06/2016, 09:20
Đừng tưởng rằng chỉ có người dân sống trong các chung cư cũ, hay những căn hộ dành cho những người có thu nhập thấp mới thấp thỏm lo âu: Nơi thì nhà ở cũ nát mãi vẫn không được sửa chữa, nâng cấp, chỗ thì quán cà phê, quán nhậu vây kín khu chung cư, gây mất trật tự an ninh khu vực, nơi thì tệ nạn, hỏa hoạn luôn “rình rập”…

Chưa hết, người mua nhà ở chung cư còn phải đối mặt với hàng loạt mối lo khác bởi các chủ đầu tư đã vi phạm giấy phép xây dựng, đem dự án đi thế chấp và không thực hiện đầy đủ các điều khoản trong hợp đồng khi ký kết với khách hàng khiến hàng trăm hộ gia đình phải gặp cảnh lao đao. Nhiều hộ đã “liều” dọn về căn hộ của mình của mình bất chấp “4 chưa”: chưa nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy, chưa nghiệm thu thang máy, chưa có hệ thống cung cấp điện chính, chưa hoàn thiện hệ thống thoát nước.

Từ việc sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người”…

Chung cư 18 tầng thuộc phường 3, quận Bình Thạnh bị các quán cà phê, quán ăn “bao vây”. Có thời gian các quán này tuyển nữ tiếp viên, nhiều cô ăn mặc “mát đến không thể mát hơn”, tràn ra đường chào mời khách, gây không ít phiền hà cho người đi đường. Đủ mọi loại nhạc được loa phóng thanh hết công suất, gần như suốt ngày đêm, ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân sinh sống tại đây. Chỉ sau khi cơ quan chức năng địa phương vào cuộc, theo đơn thư phản ánh của bà con, thì tình hình mới tạm lắng.

Chung cư 23/49 Đinh Tiên Hoàng, Bình Thạnh, ồn ào không kém khu 18 tầng kề đó. Nằm trên bờ kè kênh Nhiêu Lộc, nên chung cư 23/49 có nhiều quán nhậu mọc lên. Các quán này bán đến 1-2 giờ đêm, nhiều khi chiều khách để họ ngồi đến 3-4 giờ sáng là chuyện thường. Lâu lâu lại có chương trình “ca nhạc đường phố” và “hát với nhau” được những giọng ca đầy chất “men” thể hiện, khiến cho cuộc sống không chỉ của người dân trong chung cư, mà các hộ dân gần đó phải miễn cưỡng nghe.

Còn như chung cư 67/4 Vũ Huy Tấn, Bình Thạnh, được xây cho các hộ tái định cư từ năm 1993 đến nay cũng đang xuống cấp. Nhiều người mới tới lần đầu dễ có cảm nhận rung lắc như động đất mỗi khi có xe ôtô chạy qua. Đặc biệt những khu chung cư này không có chỗ để xe. Xe của cư dân phải để ở gầm cầu thang, lối thoát hiểm. Một bộ phận người dân thiếu ý thức, rác rưởi vứt bừa bãi ra hành lang, gây mất vệ sinh chung.

Cháy nổ cũng là điều khiến nhiều người lo lắng bởi xe cộ xếp quây quanh chung cư kín hết đường đi, chỉ cần vô tình kẻ nào đó thiếu ý thức quăng tàn thuốc xuống bãi xe thì coi như cả chung cư thành một cái “lò nướng”, và không dưới 1 lần bà con chung cư 67/4 phải náo loạn bởi hành vi trên, may mà phát hiện kịp thời nên thiệt hại đã không xảy ra.

Bãi xe quây quanh một khu chung cư.

Giận nhau đe đốt nhà, say xỉn đe đốt nhà, người thần kinh không bình thường thi thoảng lại… nghịch dại, cha con gây lộn không đe đốt nhà mà xuống bãi xe mở bình xăng luôn… Hôm đó người giữ xe không kịp thời ngăn cản chắc vụ việc bây giờ trở thành bài học lớn cho các nhà thiết kế và quản lý xây dựng các khu chung cư. Nhiều người nói vui “ai sống ở chung cư cũng có 2 giác quan thính hơn người, đó là mũi và tai”. Thoáng thấy có mùi khét là cả chung cư luôn trong tư thế “bỏ của chạy lấy người”.

…tới việc bị “mời” ra khỏi chung cư

Trong khi dư luận còn chưa kịp lắng xuống với thông tin hàng trăm hộ dân sinh sống tại khu căn hộ cao cấp Harmona, do Công ty Cổ phần Vật tư xuất nhập khẩu Tân Bình (Tamexim) làm chủ đầu tư, có thể bị mất nhà do chủ đầu tư mang nhà của họ đi thế chấp ngân hàng, thì lại đến người dân ở chung cư Bảy Hiền Tower, thuộc Công ty Long Hưng Phát bị “mời” ra khỏi nhà và bị cắt điện cúp nước.

Trước đó là dự án Cao Ốc Xanh, quận 9 do Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng số 8 (CIC8) làm chủ đầu tư gặp rắc rối. Dự án bao gồm 3 block nhà cao 19 tầng với 471 căn hộ và đã được chào bán ra thị trường từ năm 2007, nhiều khách hàng mua nhà tại dự án này đã đóng tiền từ 70 – 95% giá trị căn hộ. Tuy nhiên, đến nay block A và B, việc xây dựng vẫn còn dang dở.

Khách hàng mua nhà thuộc block C may mắn hơn, họ đã được chủ đầu tư bàn giao nhà, tuy nhiên dù đã giao nhà cho cư dân vào sinh sống nhưng nhiều hạng mục ở đây vẫn chưa được hoàn thiện, như tầng trệt và tầng lửng được sử dụng làm trung tâm thương mại, nhà trẻ, nhà sinh hoạt chung… xong vẫn đang rất bừa bộn. Sân chung cư một phần cũng chưa làm còn đang lởm chởm sỏi cát.

Cư dân sống tại đây cho biết, mặc dù chủ đầu tư bàn giao nhà tại block C cho cư dân trong lúc đó nhiều hạng mục của tòa nhà này vẫn chưa xong (hệ thống phòng cháy chữa cháy, khu vực nhà cộng đồng, sân bãi)... Rất nhiều hộ gia đình  phải đi vay mượn để mua nhà, nên dường như họ đành phải dọn về nơi “4 chưa”, để ở, vì nếu không về hàng tháng vừa trả tiên thuê nhà vừa trả nợ ngân hàng tiền vay mua thì chịu không nổi.

Cũng không thể bảo đảm rằng biết đâu một ngày nào đó chủ đầu tư mang nhà của họ đi thế chấp ngân hàng, không về ở có khi lại mất nhà. Vậy là sau cả chục năm trời mua nhà thì hiện nay những người dân mua nhà thuộc block A và B của dự án Cao Ốc Xanh vẫn tiếp tục ...chờ, còn với các khách hàng đã nhận nhà thì “có còn hơn không”.

Ngày 1-6, hàng chục hộ dân đang sinh sống tại chung cư Bảy Hiền Tower, Phạm Phú Thứ, phường 11, quận Tân Bình bỗng nhiên bị cắt điện, cúp nước sinh hoạt, ngoài ra họ còn nhận được thông báo yêu cầu trong vòng 24 giờ phải di dời khỏi chung cư và tìm nơi ở khác.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những hộ dân trên được chủ đầu tư bàn giao căn hộ và họ đã chuyển về sinh sống tại các căn hộ này trong tình trạng xây dựng còn dang dở. Sau một thời gian sinh sống, các hộ gia đình trên bất ngờ nhận được thông báo buộc di dời. Bức xúc trước những thông báo mang tính “cưỡng bức”, nhiều người dân ở đây trình bày với phóng viên các báo đài, “điện nước đã bị cúp, thang máy không hoạt động thì chúng tôi làm sao có thể sống được”. “14 tầng lầu làm sao đi cầu thang bộ được”, chị H.A chủ nhân căn hộ một căn hộ, than thở.

Cũng theo chị H.A việc thanh tra xây dựng làm việc như thế nào với chủ đầu tư thì người dân không biết, nhưng bất ngờ cắt điện, cúp nước của dân và buộc họ phải ra khỏi nhà là điều vô lý không thể chấp nhận. Người dân ở đây đã lên gặp chủ đầu tư để tìm hiểu nguyên do.  Họ cũng đã lên phường để tìm lời giải thích, tất cả chỉ nhận được một câu trả lời do chủ đầu tư sai phạm bị đình chỉ xây dựng. Mức độ sai phạm, thời gian đình chỉ bao lâu thì chỉ có... trời biết.

Chị Trần Thị Hóa, căn hộ 06-04 cho biết, mấy ngày qua, người dân chúng tôi hết sức lo lắng bởi vì nhà mình mà không được ở phải đi thuê khách sạn, trong khi các cháu đang mùa học ôn thi, bực hết chỗ nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng, chủ căn hộ  16-08, bức xúc, dù có nằm mơ bà cũng không tưởng tượng được cảnh bị tống ra khỏi nhà mình trong vòng 24 tiếng. Bà cho biết, nhà của mình thì không được ở, lại phải ra ngoài thuê khách sạn, nhưng tiền thuê khách sạn ai chịu và thuê đến khi nào thì không có câu trả lời rõ ràng. Bà cho hay bây giờ không biết phải làm như thế nào chỉ biết trông chờ vào các cấp chính quyền nhanh chóng giải quyết vụ việc, bây giờ chúng tôi không biết đi đâu về đâu.

Sau khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương, đại diện chủ đầu tư đã mời người dân họp để tìm cách giải quyết. Tại cuộc họp chủ đầu tư đã xin lỗi bà con và mong muốn chính quyền tạo điều kiện cho họ khắc phục. Hiện chủ đầu tư đã lắp đèn trong thang máy, cầu thang bộ. Bình chữa cháy đã được trang bị, điện nước cũng đã được cung cấp đầy đủ.

Cũng tại buổi họp, để bảo đảm an toàn tính mạng cho bà con, lãnh đạo phường 11, quận Tân Bình vẫn muốn dân di dời, đồng thời ông cũng yêu cầu chủ đầu tư tuyệt đối không cho người dân mới dọn đến chung cư khi công trình chưa được nghiệm thu. Tuy nhiên, theo chị Phương, chủ căn hộ 16-05 thì hầu hết cư dân ở đây không muốn di dời, họ cho rằng ở đây vẫn còn tốt hơn khi phải đi thuê trọ. Nhưng quan trọng nhất là nếu họ chịu ra khỏi nhà thì khi nào có thể quay trở lại, 1 tháng, 3 tháng hay 1 năm? Còn về an toàn cháy nổ thì bất cứ chỗ nào, dù cao cấp cũng có thể xảy ra, quan trọng là do ý thức của con người.

Chung cư Bảy Hiền Tower.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trách nhiệm thuộc về ai, chủ đầu tư, hay ngân hàng hay là đơn vị quản lý nhà nước? Dù ai đi nữa, theo một người dân, là họ đang rơi vào tình trạng “chờ được vạ thì má đã sưng”. Chúng ta có thể thông cảm với những bức xúc của người dân chung cư Bảy Hiền Tower bởi họ  bỏ tiền ra mua nhà nhưng bỗng một ngày bị buộc phải rời khỏi căn hộ của mình do sai phạm của người khác.

Hay như chung cư Harmona, người dân không thể không lo lắng vì bỗng nhiên họ nhận được thông tin nhà của họ đã bị chủ đầu tư mang đi thế chấp và thậm chí là còn thế chấp nhiều lần. Thực tế chủ đầu tư đã mang chung cư đi thế chấp cho ngân hàng thì đến hạn mà chủ đầu tư không trả nợ thì buộc phía ngân hàng phải xử lý.

Hay như việc chủ đầu tư vi phạm bị ngưng thi công mà cắt nước, cúp điện yêu cầu người dân ra khỏi nhà là không hợp lý vì thực tế họ là người bị hại. Vậy thì cần có một cách giải quyết hợp lý hơn. Chủ đầu tư là những người vi phạm và họ phải chịu trách nhiệm. Vậy điều gì đã khiến người dân khi mua chung cư phải đối diện với những rủi ro lớn như vậy?

Thông tin vụ cháy được phát hiện kịp thời tại chung cư 67/4.

Không chỉ chung cư Harmona hay Bảy Hiền Tower mà có thể còn rất nhiều trường hợp như vậy bởi lỗ hổng pháp lý giữa chủ đầu tư, người mua nhà và ngân hàng đang còn rất lớn. Khi tiếp xúc với người dân mua nhà thì họ cho biết mọi hoạt động về xây dựng, hay liên quan đến vấn đề thế chấp thì họ đều không được biết gì. Có quy định liên quan là khi tài sản đã mang thế chấp thì chủ đầu tư không được mang bán tài sản đó. Nhưng trên thực tế là cho đến nay thì người dân không hề biết về những điều này. Chính sự thiếu minh bạch về thông tin đã ảnh hưởng tới quyền lợi người mua nhà.

Một phần rất quan trọng là những biện pháp chế tài liên quan đến xử lý vi phạm của chủ đầu tư thì hiện nay chưa cụ thể. Thông tin thêm về những vụ việc xảy ra vừa qua Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết, theo ông thì luật chưa quy định điều này thế nhưng khi mà người dân mua nhà và đã trả đủ tiền rồi và đang trong quá trình hoàn thành thủ tục thì không có cơ sở nào để họ phải ra khỏi nhà.

Đức Hà
.
.