Nhà thơ - họa sĩ Bàng Sĩ Nguyên: Người lữ hành mải miết

Thứ Tư, 09/01/2008, 17:00
Bàng Sĩ Nguyên sinh năm Ất Sửu (83 tuổi), ông nói vui là lá số tử vi của ông chấm "Ất biến vi vong". Nghĩa là phận luôn gặp biến cố. Cuộc đời của Bàng Sĩ Nguyên có linh ứng với quẻ tử vi hay không chẳng ai dám chắc. Chỉ biết rằng, với Bàng Sĩ Nguyên là sự say mê vẽ và viết ngay cả lúc tuổi đã qua chiều.

Bàng Sĩ Nguyên tên thật là Bàng Khởi Phụng, con thứ trong đại gia đình trí thức giàu có ở Hà Nội. Ông thuộc dạng nằm lâu trong bụng mẹ. Mẹ ông mang thai ông từ khi ở Hà Nội mãi về Bắc Giang mới sinh, sinh ngay chân cầu thang.

Theo lệ, cha ông rước nhiều thầy tướng đến xem mệnh cho con trai mình. Nhìn ông, thầy tướng phán mệnh "sa trung kim", cát lẫn trong vàng, số không giàu nhưng được nhiều người nể trọng.

Gia đình ông có cửa hàng tơ lụa nổi tiếng toàn miền Bắc lẫn miền Nam và hiệu thuốc bắc lừng danh khắp các tỉnh. Tồn tại trong trí nhớ Bàng Sĩ Nguyên có cả những thước vải lụa đen của nhà đi khắp đất nước, những rèm cửa tại các đồn điền, toa tàu đầy ắp thuốc bắc chở từ Hải Phòng lên Hà Nội...

"Họ Bàng thuộc nước Việt...", là câu nói của Thiền Sư Thiếu Chiểu mà Bàng Sĩ Nguyên rất thích. Ông lý giải nguồn gốc mình thuộc dòng Lý Hùng Tích, tức thuộc dòng Nghĩa Nam Vương, con thứ ba của Lý Thánh Tông. Triều Lý hưng vong, một chi của dòng họ hoàng tộc này vượt biển sang Triều Tiên (thuộc dòng Lý Huệ Tông), chi khác đổi sang họ Bàng...

Bàng theo lối viết mà các cụ trong họ ông tự nghĩ ra là "trong chữ Nhân có chữ Long, thêm chấm Chủ". Ám chỉ một dòng hoàng tộc bị suy vong. Có lẽ, chính vì nguồn gốc này mà cha ông (học trò của cụ Ngô Quý Siêu ở trường Đông Kinh Nghĩa Thục) không bao giờ gò ép con cái theo ý mình.

Lấy thuyết "Tự di triết mệnh" trong cách sống, không mưu cầu tham chính, cứ thong dong theo mệnh mình. Bàng Sĩ Nguyên bị ảnh hưởng từ cha mình rất nhiều. Cái hiệu Sĩ Nguyên của ông cũng do cha ông đặt, Sĩ Nguyên tức là người học trò đầu. Và cũng chỉ mình ông trong gia đình được cha cho theo Cụ Hồ tham gia kháng chiến. Nói theo kháng chiến là theo, mặc nhiên bỏ lại hơn 300 mẫu đất và 6 hecta đất mặt đường ở Thị trấn Kép (Bắc Giang) để lên chiến khu.

Thời còn học trường Thăng Long, được thầy Võ Nguyên Giáp (sau là Đại tướng) dạy lịch sử, Bàng Sĩ Nguyên đã có "cái máu" cách mạng trong người. Mà không chỉ riêng ông, học sinh trường Thăng Long thời điểm ấy luôn sôi sục khí thế đấu tranh.

Ông cùng lứa với Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Đông (Nguyễn Đông sau là liên lạc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp)... thường tổ chức các cuộc mittinh, biểu tình chống Pháp và Nhật. Thôi biểu tình, thì chuyển sang đóng kịch đả kích bọn đô hộ...

Những hoạt động ấy cứ kéo dài cho đến khi ông Nguyễn Đông – lúc này đã là cán bộ của Đảng bộ Liên khu gặp Bàng Sĩ Nguyên, bảo: "Nguyên lên khu đi, chứ ở Hà Nội hoài dễ gây hiểu lầm lắm". Về sau, chính Nguyễn Đông là người giới thiệu Bàng Sĩ Nguyên vào Đảng.

Ở chiến khu I (sau rút lên chiến khu Việt Bắc) với Nguyễn Khang – Xứ ủy Bắc Kỳ lúc bây giờ. Bàng Sĩ Nguyên kể Nguyễn Khang những năm đó nhìn trắng trẻo như công tử, nói năng mực thước và nhỏ nhẹ như sinh viên, nhưng có cái tật là luôn thay dấu chấm ngắt câu bằng dấu thập.

Làm việc với Nguyễn Khang một thời gian, ông Phan Thiện (đồng chí Đinh Đức Thiện - PV) gặp Bàng Sĩ Nguyên nói: "Anh là nghệ sĩ, tôi cũng là nghệ sĩ. Nghệ thuật của anh là thu hút quần chúng, nên anh cứ làm chủ bút tờ Du kích quân".

Dưới tài tổ chức của Bàng Sĩ Nguyên, tờ Du kích quân ngày một lớn mạnh. Sau khi làm tờ Du kích quân thành công, đồng chí Đinh Đức Thiện lại chuyển Bàng Sĩ Nguyên sang làm biên tập viên cho tờ Dân quân Việt Bắc với các nghệ sĩ lớn khác như: họa sĩ Trần Văn Cẩn, nhà văn Kim Lân, Nguyên Hồng... Tiếp đến, ông chuyển sang làm cán sự, làm kiểm tra, viết sách...

Chưa kể, ông còn giữ cả chức huấn luyện đoàn văn công của Trung đoàn khu 246, mà hồi đó, ông trẻ măng. Văn công lên chiến khu toàn là thiếu nữ trẻ tuổi, nên ông cứ phải đóng mác tác phong đạo mạo cho đúng tư cách.

Kháng chiến thắng lợi, cách mạng tiếp quản Hà Nội trong rộn ràng cờ hoa. Bàng Sĩ Nguyên chuyển về Hà Nội sinh sống, nhưng chắc tại cái tuổi Ất Sửu, nên ông liên tiếp gặp những biến cố.

Cũng có thể, với bản tính nghệ sĩ nên ông không hợp nhiều với những biến chuyển quá nhanh trong đời sống của mình. Bàng Sĩ Nguyên đâm ra cảm thấy bế tắc và cô đơn. Cô đơn đến cùng cực.

Ông nói, thời gian này mình làm thơ, vẽ, đọc nhiều là để hy vọng tự giải thoát chính mình ra khỏi sự cô đơn ấy. Ban đầu, Bàng Sĩ Nguyên vẽ những cảnh còn lưu trong ký ức về Hà Nội, Việt Bắc... Ông nổi tiếng nhờ những bức vẽ sơn dầu.

Họa sĩ Bàng Lâm cùng Anh hùng Lê Mã Lương nhận lệnh của Tổng cục Chính trị đề nghị ông vẽ bức "Hà Nội - ngày khởi chiến". Chỉ vài ngày, bức vẽ đã hoàn thành. Ngay lập tức, "Hà Nội - ngày khởi chiến" được trưng bày ở chân Cột cờ, Viện Bảo tàng Quân đội (nay là Viện Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam) cả năm liền.

Ông nhận được giấy chứng nhận của Tổng cục Chính trị, bằng khen của Bộ Văn hóa, Hội Mỹ thuật... Ông nhận được cả giải thưởng về kịch, vở “Hai thái độ” (1954-1955)...

Có lần, Bàng Sĩ Nguyên được mời đi nghỉ và tham gia trại sáng tác thuộc vùng Hắc Hải (Liên Xô). Ở Hắc Hải, một người bạn Do Thái (nhà triết học, họa sĩ RifTruz) có nói với Bàng Sĩ Nguyên: "Ông làm thơ để làm gì, trong lúc, tranh ông lại đẹp như thế".

Tưởng chỉ là câu nói đãi bôi, ngờ đâu khi về lại Hà Nội, ông mở phòng tranh cá nhân đầu tiên ở Hà Nội vào năm 1973. Thời gian này, Bàng Sĩ Nguyên vẽ nhiều. Ông vẽ nhiều đấy, nhưng có bao giờ Bàng Sĩ Nguyên quan tâm đến giá trị vật chất của mỗi bức tranh.

Nghệ thuật với Bàng Sĩ Nguyên là nơi để ông nương tựa, nhất là khi người em ruột của ông chết vì đói. Trước khi chết, em của ông để lại câu thơ buồn, ám ảnh vào Bàng Sĩ Nguyên cả một đời: “Tôi thiếp đi trong cơn đói giầy vò".

Không tự cứu nổi sự yếu lòng của chính mình, Bàng Sĩ Nguyên tìm đến thơ, rồi họa. Một thời gian sau, ông chuyển vào Nam để công tác làm chuyên viên biên tập tại Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Đến tuổi về hưu ông xin với đồng chí Mai Chí Thọ ở lại nơi đây để sinh sống. Đồng chí Mai Chí Thọ (lúc đó là Bí thư Thành ủy TP HCM) đồng ý cho ông chuyển mọi chế độ chính sách vào Sài Gòn.

Thôi việc ở Nhà xuất bản, Bàng Sĩ Nguyên chuyển về sống tại khu vực quận 5, vẽ tranh chung với cộng đồng người Hoa, trong Câu lạc bộ Mỹ thuật thời còn họa sĩ Lê Ca phụ trách.

Ông vẽ nhanh đến mức người ta đồn ông có “ma thuật”, một tấm panô lớn, các họa sĩ khác phải vẽ ròng rã nhiều tháng liền thì ông chỉ mất 7 ngày để hoàn thành. Bí quyết của ông rất đơn giản, trải tất cả các áo màu của mình lên khung tranh, canh chuẩn và vẽ.

Ông nghiện vẽ nặng, vẽ tất tần tật ở những nơi có thể động bút. Thấy ông vẽ mê mải, con ông từng đem toàn bộ tranh của ông vứt xuống dòng sông Hồng để ông được nghỉ ngơi.

Có dạo ông đã mất gần 16 bao tải tranh trên chuyến tàu vào Nam. Hay chuyện có bác sưu tập tranh nọ cứ canh Bàng Sĩ Nguyên vứt bức tranh nào không vừa ý là nhặt mang về nhà lồng khung treo lên mà thưởng ngoạn.

Ông chẳng quan tâm điều đó, cứ vẽ và vẽ. Vẽ cho đến lúc ông đột ngột bị mù. Mù hẳn, không còn thấy gì trước mặt. Bàng Sĩ Nguyên lâm vào sự u uất trầm trọng. Lúc này, ông sống bằng niềm vui trò chuyện với nhiều nghiên cứu sinh.

Mà sức đọc và am hiểu sách của Bàng Sĩ Nguyên khủng khiếp lắm, ông đọc Kinh Phật và am hiểu đến mức Hòa thượng Thích Quảng Viên, Thích Thiện Nguyệt (nay là Viện trưởng Thiền viện Tây Thiên)... phải đến mong ông góp ý về Pháp môn. Ông đọc Triết đủ để giảng lại cho các giảng viên dạy Triết... Họa đủ để vẽ bằng tâm thức lẫn viết lời bình cho tranh của nhiều họa sĩ tên tuổi.

Ông biết Kinh Dịch đủ để bốc một quẻ đoán hậu vận gần cho bè bạn... thông qua các lá số âm dương. Có cảm tưởng, ông như một người phổ quát và hội lý các tư tưởng có bề dày trong kho văn hóa nhân loại.

Nhưng, chuyện vẽ của ông không chỉ dừng lại ở đó. Hơn ba tháng sau, Bàng Sĩ Nguyên bỗng nhiên hết mù. Chuyện sáng mắt và mù đều như sự ngẫu nhiên, không điềm báo trước. Có được ánh sáng, Bàng Sĩ Nguyên đã biết quý đôi mắt của mình, ông làm thơ nhiều hơn, đọc nhiều hơn và cả vẽ nhiều hơn.

Bộ tranh Kiều của ông từng được Tạp chí Time giới thiệu rất trân trọng. Những bức vẽ dang dở của ông được một nhà sưu tầm ngồi chầu chực để xin về lồng khung. Thơ ông được làm đề từ cho tất cả các bức tranh tại cuộc triển làm tranh lớn ở Canada...

Nhớ hồi còn ở Pắc Bó, ông Cao Hồng Lãnh - người theo Bác Hồ về hang Pắc Bó làm việc từng nói với Bàng Sĩ Nguyên: "Nguyên ơi, có miệng mà không biết nói năng. Nên để người khác hiểu lầm có khi".

Người ta hiểu lầm Bàng Sĩ Nguyên nhiều, nhưng thay vì phải giải thích, ông lại cho rằng "Chuyện hiểu lầm là chuyện cũ". Cứ thế, chuyện này nối tiếp chuyện kia. Nếu không có sự can thiệp của các đồng đội cũ, những người anh kháng chiến của ông thì chắc Sĩ Nguyên còn phải chịu khó khăn nhiều.

Đó là sự giúp đỡ của Trung tướng Lê Hai - nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, sự quan tâm của đồng chí Trần Trọng Tân - Bí thư thành ủy TP HCM trước đây...

Có dạo, gom góp được vài nghìn USD định mở triển lãm tranh hay phòng khi đau ốm bị trộm vào nhà khoắng mất, mà chuyện trộm vào nhà ông khoắng không chỉ một lần, Bàng Sĩ Nguyên buốn lắm, nhưng được sự động viên của bạn bè, đồng nghiệp, nỗi buồn đã qua nhanh.

Những năm Tổng bí thư Trường Chinh còn đương nhiệm, Tết nào ông cũng nhận được thiệp mừng xuân của Tổng bí thư. Hay khi ra Hà Nội vào dịp Tết Đinh Hợi, Trung ương Đảng vẫn gửi thiệp mừng ông. Có lẽ, đó là hạnh phúc lớn nhất của một người nghệ sĩ.

Bàng Sĩ Nguyên cẩn thận đến từng yếu tố nhỏ trong đời sống, dẫu căn phòng ông sống trên đường Hòa Hưng (Q.10) thì bề bộn đến mức cẩu thả. Trên bức tường nhà ông, rất nhiều bức tranh được ông vẽ ngay trên đó. Trên đó có treo cả bức “Đấu bò tót ở Madrid" do họa sĩ Tây Ban Nha Baulestar gửi tặng.

Ông họa sĩ Tây Ban Nha là một trong những người rất uy tín tại xứ sở đấu bò này, ở mỗi mùa giải mới, ông đều xuất hiện để vẽ trước khi khai mạc. Tranh của mình, Baulestar muốn tặng ai thì tặng. Lúc là tổng thống, khi là một minh tinh và ở Việt Nam thì là Bàng Sĩ Nguyên.

Cái hồi xin phỏng vấn Bàng Sĩ Nguyên, bài viết xong được tôi in ra để ông đọc thử. Vài chi tiết nhỏ được ông sửa, tưởng đã xong chuyện, ngờ đâu trưa hôm sau, ông lại lọ mọ đạp xe từ quận 10 sang tận quận 1, xin xem bài viết trên bản in lần nữa. Xem lại không phải sợ chuyện gì, chỉ xem để an tâm mà thôi.

Cái dáng gầy gò ngồi trên xe đạp ấy, lúc tiễn ông ra cổng cơ quan ông vẫn cầm tay nói: "Cần thêm thông tin cứ gọi điện thoại hỏi, nhá. Nửa đêm hỏi cũng được, chẳng sao cả. Quan trọng là để mọi thứ đều chính xác thôi”.

Cũng xin kể nốt, Bàng Sĩ Nguyên giờ chỉ mong có một người giúp việc để đánh máy những bản thảo của ông. Vì mắt ông đã rất yếu. Hàng chục tập thơ của Bàng Sĩ Nguyên dưới dạng bản thảo vẫn đang nằm yên trong cái tủ được xây bằng gạch nung, có cánh cửa được vẽ bức tranh theo lối Nhật Bản.

Ông cũng giãi bày mình thích hai tập thơ vừa viết xong lắm, nếu được xuất bản thì tốt quá. Tập trường ca "Bước lữ hành" và tập "Cuộc phế hưng triều đại"... Ngoài 2 tác phẩm mong được xuất bản ấy, ngồi trò chuyện với Bàng Sĩ Nguyên, hầu như ông không nhắc gì đến thơ. Dẫu cho Bàng Sĩ Nguyên từng viết "Ban đầu"; "Mùa xuân trên đỉnh núi"; "Nay mình hái quả", "Hồn nhiên"...

Có lẽ, bởi đối với Bàng Sĩ Nguyên, viết và vẽ như để giải thoát chính mình

Ngô Kinh Luân
.
.