Nhà thơ Anh Ngọc: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tâm hồn của một nghệ sĩ thực thụ”

Thứ Tư, 16/10/2013, 19:15

Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh tối cao của Quân đội nhân dân Việt Nam, người Anh cả của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam đã để lại trong lòng nhân dân một nỗi đau lớn… Ông không chỉ là một vị tướng tài ba trên chiến trận, mà ông còn là một ngọn đèn lớn tỏa ánh sáng soi rọi lòng nhân ái bao la tới quần chúng nhân dân. Tài năng và tấm lòng của ông, từ lâu đã là niềm cảm hứng bất tận cho nghệ thuật, đặc biệt trong những áng thơ văn. Nhân dịp tiễn biệt Người, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng nhà thơ Anh Ngọc, một nhà văn mặc áo lính, người đã viết những áng thơ đầy xúc cảm về Đại tướng.

- Thưa nhà thơ Anh Ngọc, sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một tổn thất vô cùng lớn lao của dân tộc Việt Nam. Bản thân anh, với tư cách là một nhà văn quân đội, một người đã ít nhiều có những kỷ niệm cùng Đại tướng, anh cảm thấy thế nào?

- Như bạn thấy đấy, mấy hôm nay nhìn những dòng người nối nhau đến viếng vị tướng của nhân dân ở phố Hoàng Diệu và những tiếng khóc thương tràn ngập các trang mạng xã hội… Dân tộc Việt Nam dường như đang đoàn kết nắm tay nhau hơn trong những ngày này để một lòng hướng về Đại tướng kính yêu, dù mỗi người tưởng nhớ Người bằng cách riêng của mình. Với các nhà thơ, dĩ nhiên đó là bằng những bài thơ.

Dù thơ viết về Đại tướng chưa phong phú như vị trí của Người trong lòng dân hoặc rắn rỏi như bài thơ của nhà thơ Tố Hữu, với hai câu: "Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp". Riêng tôi, biết Đại tướng là tổng chỉ huy và là linh hồn của cả hai cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta, nên qua cách nhìn "điển hình hóa" của người làm thơ, tôi vẫn muốn được nghĩ về tài năng, dũng khí và công lao của Đại tướng tập trung vào đỉnh cao chói lọi đặc biệt của Đại tướng - ấy là trận đại thắng Điện Biên Phủ.

Chẳng thế mà một thời cả thế giới mỗi lần nói đến Việt Nam đều hô vang: "Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp - Điện Biên Phủ" đó là gì! Vâng, đó là một chiến thắng có thể nói kiểu tiếng Anh là "Made in Võ Nguyên Giáp" chỉ có một không hai trên thế giới!

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Giáo sư Đặng Thai Mai.

- Có thể chưa có nhiều áng thơ kiệt xuất, nhưng trên các tờ báo, các diễn đàn, nhiều nhà thơ, nhà văn viết khá nhiều bài thơ tưởng nhớ vị tướng lỗi lạc Võ Nguyên Giáp nói riêng cũng như mảnh đất Điện Biên đã làm nên những chiến thắng lẫy lừng của ông và Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung. Với riêng anh, một nhà thơ quân đội, bài thơ về Điện Biên hẳn mang nhiều xúc cảm?

- Tôi làm hai bài thơ về Điện Biên Phủ, mỗi bài cách nhau 25 năm - một để kỷ niệm 25 năm ngày chiến thắng (1979) và một để (hoặc nhân dịp thì đúng hơn) kỷ niệm 50 năm (2004)… Bài thứ nhất có tựa đề "Trở lại Điện Biên, lá cờ và ngọn cỏ". Bài này tôi viết khi lên thăm Điện Biên Phủ cuối năm 1978, để chuẩn bị bài vở cho báo Quân đội nhân dân sẽ kỷ niệm 25 năm Điện Biên Phủ vào năm sau.

Còn nhớ, trong đoàn toàn họa sĩ lừng danh: vợ chồng họa sĩ Phạm Văn Đôn và nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim, họa sĩ Lương Xuân Nhị, họa sĩ Sĩ Ngọc… Trong khi các cây đa cây đề trong giới mỹ thuật mải mê công việc, thì một nhà báo mới 5 tuổi nghề là tôi… chỉ loay hoay với cái mớ ý nghĩ trong đầu.

Và khi về đến Hà Nội (bị chảy cả máu tai vì đi loại máy bay nhỏ và hơi cũ), thì bài thơ này cũng ra đời: "Chỉ thấy một vùng cỏ biếc non tơ/ Mây trắng bay, mây trắng đến không ngờ/ Cành phượng rủ một chùm hoa đỏ chót/ Chỉ có thế thôi ư/ Mà chính là A1/ Mà chính là Him Lam/ Anh đã đi qua hơn hai mươi năm/ Để gặp lại tuổi thơ mình náo nức/ Nghe tiếng bom và đại bác/ Gầm lên từ trang sách học trò/ Mảnh đất này anh đã gặp trong mơ/ Tay lần giở tấm bản đồ trí nhớ/ Và lần ấy, lâu rồi, trong một bài thi Sử/ Anh đã giành điểm 5/ Bỗng hôm nay đối diện với Him Lam/ Anh cúi xuống chỗ nằm xưa anh Giót/ Và chợt hiểu: điều ngạc nhiên lớn nhất/ Là anh chẳng ngạc nhiên gì/ Anh đã đi/ Từ chiến trường Điện Biên đến chợ Điện Biên/ Mùi trái chín cứ thơm lừng phố núi/ Quen thuộc quá đến không còn nhớ nổi/ Tình yêu này anh có từ đâu/ Đất dưới chân anh, trời thắm ở trên đầu/ Gặp chiếc xe tăng gỉ hoen nằm trong lúa/ Như cục than cháy vùi trong ngọn lửa/ Ngọn lửa màu xanh/ Hầm Đơ Caxtơri vừa vặn giữa cung đường/ Đi chợ về, chị Thái nghỉ, soi gương/ Có phải hôm nay trước màu xanh thung lũng/ Anh mới hiểu: hồn nhiên là cuộc sống/ Nghe quanh mình dào dạt cỏ non tơ/ Anh bâng khuâng nhớ đến một ngọn cờ/ Đã một lần mọc lên trên cỏ ấy/ Cái sắc đỏ bừng bừng như đám cháy/ Đốt thiêu những bốt đồn thù/ Anh không là đám mây trắng vô tư/ Trên đỉnh Pú Hồng Mèo lặng lẽ/ Trái tim anh đập một lời giản dị/ Ngọn cỏ đời đời xanh suốt tháng năm/ Ngọn cờ mọc lên chỉ có một lần/ Nhưng có điều này/ Cả hai đều bất diệt…”.

Bài thứ hai, tôi viết sau chuyến đi lên Điện Biên Phủ với các nhà văn, nhà thơ của Văn nghệ Quân đội để tổ chức đêm thơ, vừa để kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên Phủ, vừa tổ chức kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam lần thứ hai. Đêm đó thật vui. Tôi làm MC cùng với một nữ MC của Đài Phát thanh truyền hình Điện Biên, với sự tham gia của các nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Lê Thành Nghị, Nguyễn Hữu Quý…

Bài này viết khi mình đã từng trải hơn nhiều nên có cái sâu lắng ngậm ngùi đặc biệt. Bài thơ lấy cái tứ chính là màu mây ở Điện Biên Phủ không hiểu sao trắng hơn ở những nơi khác (đó là cảm giác có thật khi ngồi trên máy bay lượn vòng và hạ dần độ cao xuống Điện Biên Phủ mà tôi và nhà thơ Lê Thành Nghị đã phải thốt lên). Có lẽ vì thế mà cụm từ "Trời Điện Biên mây trắng" xuất hiện trong khá nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, nhưng sau này tôi mới biết.

Tôi đã tung ra hàng tá lý do để cắt nghĩa tại sao trời Điện Biên mây lại trắng, nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều lý do nữa, nên đoạn kết tôi để vang lên 3 lần điệp khúc này: "Trời Điện Biên mây trắng/ Trắng như màu hoa ban/ Màu áo cô gái Thái/ Khuy bạc sáng hai hàng/ Trời Điện Biên mây trắng/ Trắng như màu cơm lam/ Màu lững lờ khói bếp/ Bay trên mái nhà sàn/ Trời Điện Biên mây trắng/ Trắng màu khói na pan/ Màu khói bom, khói đạn/ Đọng đến giờ chưa tan/ Trời Điện Biên mây trắng/ Màu những lá cờ hàng/ Một chiều bay trắng đất/ Trắng trời như khăn tang/ Trời Điện Biên mây trắng/ Màu mộ chí hàng hàng/ Màu bạc đầu bạn cũ/ Tìm nhau trong nghĩa trang/ Trời Điện Biên mây trắng/ Trắng hoa lau bạt ngàn .../ Trời Điện Biên mây trắng/ Trời Điện Biên mây trắng/ Trời Điện Biên mây trắng…”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng nhà văn Lê Lựu (phải) nhà thơ Trần Đăng Khoa và Anh Ngọc (áo trắng).

- “Vị tướng già” là một bài thơ anh viết từ nguyên mẫu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhiều người yêu thích, anh có thể chia sẻ về cảm hứng và ý tưởng của mình khi sáng tác bài thơ này?

- Bài thơ này đúng là tôi lấy nguyên mẫu là vị Đại tướng toàn tâm, toàn tài của dân tộc Việt Nam, nhưng thực sự là câu chữ và cảm xúc vượt ra ngoài những khái niệm của tôi, dường như là "trời cho" tôi vậy. Một ngày mùa thu năm 1994, nhà văn Lê Lựu và nhà thơ Trần Đăng Khoa được phân công đi gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết bài chuẩn bị Đối thoại hàng tháng cho số kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tôi đang làm việc ở cơ quan thì nhà văn Lê Lựu gọi, tôi thưa máy, ông bảo tìm gấp cho ông một phóng viên ảnh. Tôi gọi ngay PV Lê Nhật của báo Quân đội nhân dân và dùng xe máy chở Lê Nhật đi.

Đến cổng nhà Đại tướng, tôi bảo ông vào đi, tôi chờ ở ngoài này (khách không mời thì không nên vào!). Lê Nhật vừa vào được khoảng 1, 2 phút đã hộc tốc chạy ra bảo, nguyên văn: "Đại tướng mời anh vào". Nhà văn Lê Lựu và nhà thơ Trần Đăng Khoa về là có bài ngay, đăng số 4/1994, còn tôi, mãi tháng 9/1994, mới giở bút giấy ra làm được bài thơ "Vị tướng già".

Thực lòng mà nói rằng, vào cái năm 1994 ấy, khi đặt bút viết bài thơ "Vị tướng già", mặc dù bị ấn tượng mạnh mẽ về cuộc gặp với vị Đại tướng anh hùng cụ thể, nhưng phút chốc trong tôi tất cả đều nhòa đi. Vâng, vị tướng, vị tá, vị úy… cho đến anh hạ sĩ, cậu binh nhì… tất cả đều là những NGƯỜI LÍNH, thế thôi. Những người lính khi Tổ quốc lâm nguy, nhân dân khốn cùng… thì sẵn sàng từ nhà mình xông thẳng ra mặt trận, xả thân chiến đấu đến hơi thở cuối cùng… để giành lại Độc lập, Tự do, Hạnh phúc cho cả Dân Tộc và cho TẤT CẢ MỌI CON NGƯỜI…

Cuối cùng, chính sự minh triết của Đại tướng đã khiến tôi liên tưởng đến vị Hoàng đế trần gian và vị Phật hoàng Niết bàn có một không hai trong các nhân cách CON NGƯỜI của dân tộc ta: Hoàng đế TRẦN NHÂN TÔNG - một con người đã đi đến tột cùng của hai thế giới ĐỜI VÀ ĐẠO! Người Đại tướng ấy, trong con mắt của tôi từ thuở bé, ông luôn là một nhân vật vĩ đại, được nhân dân cả nước yêu mến và kính trọng.

Trong buổi gặp gỡ ông, tôi còn nhận ra rằng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ánh mắt, có tâm hồn của một nhà thơ, một nghệ sĩ thực thụ. Nhà phê bình Viên Mai đời Thanh của Trung Quốc từng nói, con người có tâm hồn cao quý là đã có phẩm chất của một nhà thơ, một nghệ sĩ. Bởi vậy, dễ hiểu vì sao, ý nguyện cuối cùng của ông là được trở về yên nghỉ tại quê nhà, cạnh mẹ cha, như là một cuộc hành trình khép kín của kiếp người. Ra đi rồi cũng trở về, trong vòng tay yêu thương của đất mẹ bao la…

- Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của nhà thơ Anh Ngọc!

Vị tướng già

Những đối thủ của ông đã chết từ lâu

Bạn chiến đấu cũng chẳng ai còn nữa

Ông ngồi giữa thời gian vây bủa

Nghe hoàng hôn chầm chậm

xuống quanh mình.

Bàn chân đi qua hai cuộc chiến tranh

Giờ chậm rãi lần theo dấu gậy

Đôi bàn tay nhăn nheo run rẩy

Đã từng gieo khủng khiếp

xuống đầu thù.

Trong góc vườn mùa thu

Cây lá cũng như ông lặng lẽ

Tám mươi tuổi ông lại như đứa trẻ

Nở nụ cười ngơ ngác thơ ngây.

Ông ra đi

Và...

Ông đã về đây

Đời là cuộc hành trình khép kín

Giữa hai đầu điểm đi và điểm đến

(Tháng 9/1994)

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.