Nhà thơ Hoàng Trần Cương: Vuốt nỗi nhớ cồn cào xuống ngực…
- Nhà thơ Hoàng Trần Cương: Gắng gượng ngồi canh từng trang giấy
- Nhà thơ Hoàng Trần Cương: Khi đắng lòng chầm chậm giấu vào thơ
- Nhà thơ Hoàng Trần Cương: Vừa đi vừa ngoái nhìn quá khứ
Nhà thơ Hoàng Trần Cương là người lính đi qua chiến tranh, là thương binh ở chiến trường Quảng Trị, trở về sau hòa bình, ông là một trong những người thành đạt.
Có vị trí xã hội, nhưng trên hết, ông có những trang thơ đầy dư ba về cuộc chiến đã đi qua, về những người lính, về đồng đội, và về khát vọng của một người con sau hòa bình "Mẹ ơi/ Con đâu dám cầu xin chi nhiều/ Sau chuỗi ngày chinh chiến/ Sau chuỗi ngày rụng rơi như bồ hóng/ Những năm tháng hỏa lò không sót lại muội than/ Cho con xin vỏn vẹn một ngày/ Trải lá chuối lên xó vườn rậm cỏ/ Nằm dang tay chân/ Để nghe gió thì thào to nhỏ/ Để dõi theo mây núi trắng ngần/ Để nỗi nhớ lần về tận ngõ/ Theo chuyến đò ngang/ Dụi mắt/ Đỏ chân trời...".
Thơ và đời
Từ ngày bị tai biến mạch máu não, nhà thơ Hoàng Trần Cương mới có dịp... ở nhà nhiều đến vậy. Giờ đây, cơ thể ông gầy và yếu đi nhiều, dù ông vẫn minh mẫn và tỉnh táo đến từng chi tiết của cuộc đời, vẫn nặng nghĩa ân tình hỏi thăm hầu hết những người quen cũ. Sau cơn tai biến, ông miệt mài với những tháng ngày vật lý trị liệu để mong muốn cơ thể lại được một phần sức như vóc ngày xưa, một Hoàng Trần Cương khỏe mạnh, uống bia không biết say, đọc thơ không biết mệt, làm thơ không cần cảm hứng vì thơ cứ thế như trầm tích ùa ra đầu ngọn bút. Bạn bè vỗ tay, đồng nghiệp, lính tráng tán tưởng, chúc tụng.
Thơ ca mang đến cho ông nhiều thứ, các giải thưởng danh giá, cả nước biết đến tập trường ca "Trầm tích", ai cũng nể vì khả năng thuộc thơ và làm thơ không cần chỉnh sửa của nhà thơ Hoàng Trần Cương. Nhiều bài thơ, nhiều câu thơ hay của ông ra đời trong quán nhậu, lên mặt báo và đi vào tập thơ của ông như một dấu ấn không thể mờ phai...
Nhà thơ Hoàng Trần Cương quê ở Đặng Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Ông thuộc dòng dõi họ Mạc, là hậu duệ đời thứ 29 của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Trong căn nhà thờ họ ở quê hương, được ghi danh di tích lịch sử quốc gia (năm 1996) gia đình ông vẫn ghi danh đầy đủ tiểu sử của dòng họ Mạc.
Ông kể lại: Tháng 8 năm 1970, khi đang học dở năm cuối Đại học Tài chính - Kế toán, Hoàng Trần Cương đi bộ đội, trực tiếp chiến đấu tại các chiến trường miền Nam, miền Trung và cả chiến trường Lào. Ông là pháo thủ pháo cao xạ thuộc biên chế Sư đoàn phòng không 367 và 375 quân chủng Phòng không - Không quân. Ông bị thương trong kháng chiến chống Mỹ. Tháng 10 năm 1975, ông chuyển ngành về Bộ Tài chính.
Ông là "dân" tài chính "thứ thiệt", là chuyên viên cao cấp và có thâm niên trên 15 năm làm kế toán trưởng Báo Nông nghiệp Việt Nam và Thời báo Tài chính Việt Nam, nguyên là Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội báo chí ngành Tài chính. Dù vậy, nhưng ông luôn thừa nhận, thứ giúp ông "sống" được đến ngày hôm nay lại chính là thơ. Ông đến với văn chương khá sớm và từng được giải A về văn xuôi đề tài lực lượng vũ trang (1970-1972) của Tạp chí Văn nghệ quân đội; giải Nhất cuộc thi thơ Báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam (1989-1990).
Nhưng phải đến trường ca "Trầm tích", nhà thơ Hoàng Trần Cương mới thực sự tìm được chính mình. "Trầm tích" ngay sau đó đã đoạt được giải thưởng văn học (giải B, không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000. Nhiều người nói với Hoàng Trần Cương rằng giữa những con số khô khan và những câu thơ thoát ra từ trái tim nồng cháy không thể cùng một đáp số chung?
Nhưng nhà thơ Hoàng Trần Cương đã trả lời rằng, ông sinh ra và lớn lên ở một miền quê thương khó. Trải qua những năm tháng gian nan của đất nước, có mùa thu, có lửa đỏ và những cam go, nghiêng lệch hình hài, với ông, hình như những con số và những câu thơ không phân định ranh giới, mà cùng song hành.
Ở vào thời khắc trời cho ấy, khi một tứ thơ bật sáng, ở trong ông chỉ còn lại những gương mặt người, những số phận thấm đẫm hứng chịu và khát vọng cồn cào không chịu nằm yên. Gập cuốn sổ kế toán lại, gấp lại những nỗi lo thường nhật, ông lặng lẽ lục tìm tờ giấy trắng, khoảnh khắc ấy chỉ còn lại nàng thơ với bộ mặt khó đăm đăm, những con số biến mất, những câu thơ quằn quại bò ra...
Thơ ông là những khúc hát về miền Trung đầy thương khó, về mẹ quanh năm lam lũ nhọc nhằn: "Ôi quê hương/ Cái đòn gánh trĩu hai đầu đất nước/ Gió bão thù chi với mảnh đất này/ Nối đuôi nhau xếp hàng ngang đen sì ngoài biển/ Mưa giờ Ngọ chưa qua gió giờ Mùi đã đến/ Cay đắng lắng vào trái ớt lúc còn xanh/ Đất vắt kiệt mình nước mọng múi chanh/ Ngửng mặt nhìn trời xanh nhức mắt/ Dằng dặc dải làng quê thưa thắt/ Tảng cháy cạy đi rồi/ Còn hằn vết móng tay/ Cạy lên/ Sưng cả đáy nồi"...
Trầm tích của cuộc đời
Tôi có nhiều dịp được gặp và ngồi cùng ông trong những buổi chiều sau giờ công sở. Cả khi ông đang là một ông Tổng Biên tập Thời báo Tài chính đầy oai phong, cả khi ông nhận quyết định về hưu. Vẫn là ở một quán bia với những cốc bia hơi sủi bọt trên bàn, nhưng cái khác rõ rệt, là khi ông về hưu, vắng hẳn. Không bạn hữu chúc tụng. Chẳng lính tráng tung hô.
Bìa tập trường ca "Trầm tích". |
Ông ngồi một mình, đầu đội chiếc mũ lưỡi trai đã cũ. Ông nhắm bia với đĩa lạc, cạnh góc bàn là một túi xách nhỏ đựng thuốc lá, bút viết và vài mẩu giấy. Những thứ đó, dường như không bao giờ thiếu trong hành trang của ông. Vì với thơ, bao giờ ông cũng có sẵn những xúc cảm, đôi khi, những con chữ chợt dâng trào và ông chỉ việc chép vào giấy.
Niềm vui của ông ngày ngày khi trở về nhà là chơi với cháu nội, dắt cháu đi chơi dưới sân tập thể, vẫn đau đáu với chặng đường thi ca và những vần thơ về quê hương, về đồng đội. Rồi, trong một buổi sáng, khi đang đi chơi với cháu nội, ông ngã khuỵu xuống. Ông bị tai biến, phải nằm viện nhiều tháng nay.
Nhiều người không khỏi ngạc nhiên. Ngạc nhiên bởi ông vốn là một nhà thơ khỏe mạnh, ít khi thấy ông ốm vặt. Sức vóc của ông như mạch nguồn sông Lam nơi có con đập Bara quanh năm nước chảy cuộn trào. Có lẽ phải đối diện với thực tế rằng, ông đã có tuổi. Ông cũng đã ở cái ngưỡng nhân sinh thất thập cổ lai hy.
Con người ông lúc nào trông cũng khảng khái, thô ráp, thậm chí là nóng tính và khó tính, nhưng thơ của ông thường buồn, một nỗi buồn như từ tiền kiếp, nối dài cả cuộc đời ông. Thơ của ông đau đáu về miền Trung bỏng rát gió Lào cát trắng. Thơ của ông đắm đuối về mẹ, về chị, về những người em gái quê chân chất, đầu trần...
Vì thế mà đọc thơ ông, có những khi ứa nước mắt vì thương quê hương, xóm mạc, thương cánh đồng thẳng cánh cò bay, thương cái nghèo, cái khó cứ đeo bám mãi vào những ký ức của những đứa con xa quê, dù đó là ai, và dù họ có đang ở vị trí nào trong cuộc đời rộng lớn này: "Để giữ lại dù chỉ vài mụn cám/ Mẹ vén vun cưng nựng nụ cười/ Trên gương mặt thời gian còn rác rưởi/ Củ khoai ri gầy như sợi lạt/ Mẹ tha về nhà/ Chùm rễ trắng mọc vào đêm/ Cái rễ khoai lang thành khúc ruột mềm/ Chưa hề đứt/ Nên bầy con không ngửa tay ăn mày ngoài chợ..." hay: "Cái nón mê mẹ đội nửa đời người/ Khi chóp thủng lại trùm lên vại nhút"...
Nhà thơ Hoàng Trần Cương cũng là người nhiều bôn ba. Bảy tuổi đầu ông theo cha ra sống ở Hà Nội, rồi nhiều năm sau, ông đắm mình với miền Kinh Bắc, cái vùng quê ngọt ngào đã mang đến cho ông một người vợ dịu hiền, tần tảo, nhưng cũng cho ông một tâm hồn "liền anh, liền chị".
Trong ông có cái lãng mạn của chất Bắc, nhưng lại có sự giữ dội của miền Trung. Ông lại là một người thương binh đi qua chiến trận, bàn tay ông từng vuốt mắt của bao đồng đội đã hy sinh. Hiển hiện trong ông là người mẹ, là những người thân, là mảnh đất khô cằn, là vùng trời miền Trung và trên hết đó là những "trầm tích" của tổ tiên, dòng họ. Là những tháng năm làm lính trận chiến chinh đổ máu, là hy sinh của bạn bè đồng đội, cả nỗi đau tê nhức của mảnh đạn vẫn đang nằm trong cơ thể ông suốt mấy chục năm trời...
Tất cả những điều đó, với ông, nó có sức nặng bom tấn để từ trong trái tim ông ngân lên những khúc ca bi tráng về những gì ông đã trải qua trong cuộc đời này và buộc ông phải cầm bút viết "Một sáng ra đường/ Anh lặng người trước những chiếc ba lô/ Trên vai các em quàng vào phố xá/ Những chiếc ba lô vừa quen vừa lạ/ Bàng hoàng anh nắn lại bờ vai/ Những chiếc ba lô không một bóng lá cài/ Sao như có màu xanh thuở ấy/ Màu xanh/ Của một thời anh từng mơ đấy/ Bây giờ cười nói líu lô/ Những chiếc ba lô/ Sớm tinh mơ cơ động đến trường/ Các em chở bình yên về rợp phố/ Nghẹn ngào, anh rướn nhìn theo...".
Làng quê nào cũng Việt Nam ta cả
Có những người nghe thơ rồi thuộc thơ Hoàng Trần Cương, mỗi lần ngâm ngợi lại rưng rưng nơi khóe mắt. Họ đồng cảm và chia sẻ với những ký ức của nhà thơ, bởi ông như nói hộ lòng bao nhiêu người con xa quê hương. Để rồi vẫn cái bóng dáng của quê nhà đau đáu trong trái tim.
Ông cho ra đời tập thơ "Bầu-trời-đất", trường ca "Long mạch"... Tập nào cũng ăm ắp chữ tình. Cố nhà thơ Hoàng Cầm trong Hội thảo về tập thơ "Trầm tích" đã nói: "Lâu lắm tôi mới được đọc một tập sách dày dặn, chứa đựng sự thực lớn như thế này. ác giả "Trầm tích" là một thi sĩ đích thực.
Phải yêu quê hương, gắn bó máu thịt với quê hương đến mức nào thì mới viết được đến thế. Đọc ứa nước mắt. Đây thực phải là con người miền Trung. Thơ Hoàng Trần Cương đậm đặc chất miền Trung, chất xứ Nghệ. Chúng ta có thể nhặt ra được nhiều câu thơ như những viên kim cương lấp lánh. Tôi đọc ba lần, lần nào cũng phát hiện được những chi tiết đắt giá. Với tôi, "Trầm tích" là một tác phẩm lớn, một tác phẩm còn lại của văn học Việt Nam sau 50 năm qua".
Nhà thơ Hoàng Trần Cương bây giờ không còn đi lại được như xưa. Những giờ khắc thả hồn trên quán bia cùng tiếng cười bè bạn giờ chỉ còn trong ký ức. May mắn thay ông có bên cạnh người vợ tảo tần, chăm bẵm ông từng ly từng tí, bên cạnh ông từng giây phút cuộc đời. Có đôi lúc tôi nhắc ông về quê hương, bản quán, về những ngày tháng cũ, ông rơm rớm.
Tôi nhớ lại câu nói của ông: "Tôi gốc Nghệ, chôn nhau cắt rốn ở mảnh đất nhiều thương khó này nhưng tôi lại trưởng thành ở Bắc Hà và đổ máu ở chiến trường miền Nam. Tôi nghĩ, viết về miền nào cũng là điều không quan trọng vì cũng chính là Việt Nam đấy thôi. Tôi chỉ viết khi những con chữ được lắng tụ, khi những va đập với cuộc đời đã đến tận cùng. Thường trực trong tôi khi cất bút thành lời thơ, chính là những lúc cảm xúc hoặc là dâng đến tận cùng, hoặc rơi xuống đáy. Không có khoảng giữa".
Ông đang có nhiều bài thơ viết dở dạng bản thảo, và trong từng giờ nghỉ ngơi của đợt vật lý trị liệu, ông vẫn nhấm nháp thi ca, như là một nguồn sống tinh thần duy nhất có thể chữa lành những vết đau, ngoài gia đình, con cháu: "Nhiều lúc anh muốn bứt đi dòng hồi tưởng của mình/ Những ký ức từng làm em xây xẩm/ Khi sốt rét quật anh ngã sấp/ Buổi động trời vết thương cũ nghiến răng/ Nhiều lúc một mình ngồi muốn nuốt chửng cả mùa trăng/ Khi rạng lên trong anh những gương mặt đã tản vào năm tháng/ Những chiếc áo của đồng đội anh nếu đem ghép lại/ Chắc cũng đủ căng lên thêm một bầu trời/ Nhiều lúc quá khứ bị chính anh lơ đãng bỏ rơi/ Ngước lên bàn thờ bắt gặp đôi nén hương đói lửa/ Những nén hương khắc khoải cong xoắn vòng vấn hỏi/ Khói bay tìm trời xưa/ Vuốt nỗi nhớ cồn cào xuống ngực/ Và nằm xoài anh ôm anh trên đất/ Chợt gặp lại những tấm bia đã mờ tên đồng đội/ Đứng im lìm giữa dãy dọc, hàng ngang/ Không hiểu sao những tấm bia đều ngoảnh mặt về làng"...