Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn: “Nghề viết chả ăn thua gì đâu”

Thứ Năm, 08/07/2010, 22:55
Chị đã từng nói thế khi tôi bảo giá như chị không gặp nỗi đau lớn quá sớm trong cuộc đời, khi mà người đàn bà làm thơ mới 32 tuổi đã phải vĩnh viễn mất đi người chồng, người bạn thơ. “Căn phòng vắng một người/ Bỗng trở nên trống rỗng/ Không còn gì náo động/ Không còn gì vui tươi”. Một mình nuôi con gái, chống chọi với cô đơn, bản năng nữ tính vẫn đầy mãnh liệt trong thơ và trong cuộc đời. Nhưng có lúc chị cũng phải thú nhận: Thơ mình mình đọc câu nào cũng thương.

Tôi nghe tên nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã lâu, từ khi đọc và thích “Hương thầm” của chị. Trong cái không khí sục sôi cả nước lên đường chống Mỹ cứu nước, “Hương thầm” như một lời thủ thỉ, nhắn gửi tha thiết với người ra trận, nuôi dưỡng cho họ ý chí chiến đấu, mong ngày thắng lợi để trở về với người yêu thương. Người phải khéo và tinh tế lắm mới diễn tả được cái tình ý nhị như vậy. Cái hay không phải ở câu chuyện mà ở cái tình và những ngôn từ đằm thắm, thanh lịch.

Sau này, khi quen biết, có lần tôi hỏi chị:

- Trong cảm xúc thế nào mà chị viết “Hương thầm” hay đến vậy, không trau chuốt, cầu kỳ ở ngôn từ mà da diết, dịu nhẹ, sâu lắng, đầy chất lãng mạn của một thời, nhưng lại có sức rung động ở mọi thời?

Chị bảo: - Tôi cũng không tưởng tượng bài thơ lại được nhiều người yêu mến đến vậy, trên mạng bây giờ mọi người vẫn bình luận rất hứng thú về khung cửa sổ, về hoa bưởi.

Rồi giọng chị nhỏ lại và nhìn vào xa xăm: Tôi chỉ nhớ hồi đó tôi đi làm thường phải qua đường tàu Khâm Thiên, hay gặp đoàn tàu chở  những người lính trẻ vào chiến trường miền Nam, trong đó có cả em trai tôi. Những người đứng hai bên đường khi tàu đi qua thường vẫy tay tạm biệt và rưng rưng nước mắt bởi rất có thể những người lính trẻ kia ra đi không quay trở lại.

Trong sân nhà tôi ở Yên Phụ trước kia có cây bưởi, sáng dậy hoa rụng đầy sân, tôi thường nhặt cho vào túi xách đi làm. Cậu em trai tên Khải của tôi biết chị thích hoa bưởi cũng thường nhặt hoa hoặc trèo lên hái hoa đặt vào bàn của chị. Rồi cậu ấy ra trận và không bao giờ trở về.

Tôi viết bài "Hương thầm" để tặng Khải. Có thể lúc đó Khải chưa yêu đâu, nhưng có cô bạn thân học chung một lớp. Tôi mượn hương bưởi trong khăn tay cô gái hàng xóm để tiễn em mình. Tôi thương Khải lắm, từ chiến trường khốc liệt, Khải viết thư về nói: Em nghe đài ngâm bài "Hương thầm" của chị. Vậy mà tôi chưa kịp viết lại cho em để nói rằng bài thơ chị viết về em đó thì Khải đã hy sinh để rồi "Hương thầm" cứ lặng lẽ, đến người trong cuộc cũng không biết.

- Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay/ Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm/ Bên ấy có người ngày mai ra trận.../ Nào ai đã một lần dám nói/ Hương bưởi thơm cho lòng bối rối/ Anh không dám xin/ Cô gái chẳng dám trao/ Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao/ Không giấu được cứ bay dịu nhẹ/ Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/ Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu. Đọc những tình cảm như vậy, ai cũng nghĩ đó là mối tình đầu đầy "lãng mạn cách mạng" của chị.

- Bạn bè khi đọc cũng bảo: thôi thú nhận mối tình đầu đi, nhưng năm 1969, khi viết “Hương thầm” tôi đã lấy chồng rồi mà. Mừng là trong cuộc sống hiện đại bây giờ, nhiều bạn trẻ vẫn thích và bảo đó là mối tình đầu trong sáng, e dè, có gì đó rất Việt Nam. Còn mấy ông bạn chơi tennis cùng tôi bây giờ thì bảo: từ hồi nghe nghệ sĩ Trần Thị Tuyết ngâm thơ bài “Hương thầm” đã thấy yêu Phan Thị Thanh Nhàn. Chắc họ đùa thôi, nhưng dù sao cũng thấy vui vui.

- Câu chuyện đó xảy ra đã lâu lắm rồi, tới 43 năm, người ra trận cũng đã hy sinh nơi chiến trường xa. Nhưng “Hương thầm” đã làm nên tên tuổi của chị và chị cũng làm bất tử tên một loài hoa. Chị có tự hào về điều đó không?

- Cuộc đời một người phụ nữ làm thơ như thế là hạnh phúc lắm rồi. Tôi rất cảm động khi đi đến đâu, dù rất xa, tận Côn Đảo, Cà Mau, Hà Tiên... cũng có người nhắc đến, dù chưa gặp nhau nhưng đã như quen nhau từ lâu.

- Hoa bưởi đã gắn với cuộc đời chị, vậy chị có kỷ niệm gì với loài hoa trắng tinh khiết, hương thơm dịu nhẹ đến nao lòng này không?

- Từ nhỏ tôi đã thích hoa bưởi, rồi năm 26 tuổi tôi có "Hương thầm”. Vậy là cây bưởi trong đời thực và hương bưởi trong thơ ca gắn bó với tôi gần như suốt cuộc đời. Có một cậu bạn của người em biết tôi thích có một cây bưởi trồng trong nhà đã khênh một chậu to, trồng một cây bưởi cao, nhét mãi mới vào được thang máy để đưa lên tầng 15 tòa nhà chung cư. Lạ là loài cây thường phải sống ở nơi đất tốt, rộng rãi mà 3 năm nay, trên tận tầng cao, hoa ra rất nhiều. Có người đến chơi đã bảo: cây bưởi của nhà thơ "Hương thầm" có khác, hoa đẹp và thơm quá.

- “Hương thầm” có phải là bài thơ đầu tiên chị đăng báo không nhỉ?

- Không, năm 1969 khi viết "Hương thầm" tôi đã đi làm báo được 7-8 năm rồi. Bài thơ đầu tiên đăng trên báo Văn nghệ năm 1965 là "Tình yêu lớn nhất" viết về một cô gái thất tình đi tu, nhưng cả nước đang sục sôi khí thế chiến đấu, cô tự thấy tình yêu mình mất đi đó  không lớn bằng tình yêu đất nước nên cô lại trở về với đời thường và xin đi thanh niên xung phong.

Hoa bưởi.

- Được biết chị làm thơ rất sớm, từ khi còn đi học phổ thông?          

- Ngày trước ở nhà bố tôi hay đọc sách, trong nhà cụ có rất nhiều sách, từ "Tam quốc diễn nghĩa", "Truyện Kiều" đến "Phạm Công Cúc Hoa"... Mẹ thì hay đọc ca dao. Còn bà chị cả  thì có một nhóm bạn văn đặt tên là nhóm “Suối xanh” tuần nào cũng gặp nhau ở nhà tôi. Hồi đó tôi chỉ 6-7 tuổi, các anh chị đọc thơ, tôi hay ngồi nghe. Có lần mải nghe các anh chị đọc thơ, tôi cười rơi cả một chiếc răng sữa.

Cạnh nhà tôi hồi đó có bà Kẹo mở cửa hàng cho thuê sách, thế là tiền mẹ cho ăn sáng, tôi dành thuê truyện, đọc "Dế mèn phiêu lưu ký", "Đảo giấu vàng", "Bỉ vỏ"... Tôi có đứa bạn thân cùng lớp tên Vân cũng mê văn chương. Hai đứa đọc xong "Dế mèn phiêu lưu ký", rủ nhau viết thư cho bác Tô Hoài, đọc xong "Bỉ vỏ" lại viết thư cho bác Nguyên Hồng, nhưng chẳng bao giờ dám gửi cả.

Tôi thích viết văn, làm thơ từ bé, ghi lại những chuyện trong gia đình. Ở trường, tôi hay viết báo tường. Hồi học lớp 6, phóng viên của Đài Phát thanh về chọn một bài đọc trên đài. Hồi đó nhà tôi nghèo lắm, những năm 1957 - 1958, nhà chẳng có nổi cái đài, phải rủ nhau đến nhà một cô bạn để nghe. Lúc đi học các bạn đã gọi tôi là nhà văn, nhà thơ, nhưng lớn lên tôi lại học ngành báo chí, làm ở báo Hà Nội mới, sau chuyển sang làm ở Người Hà Nội.

- Chị đến với văn thơ như thế nào?

- À, thì cũng một cách tự nhiên thôi. Công việc chính của tôi là viết báo. Hồi mới ra nghề, báo Hà Nội mới phân công tôi viết mảng môi trường, sau đó là y tế. Toàn những lĩnh vực không ai thích cả, nhưng chính nhờ đó lại rèn giũa mình. Thế rồi cứ vừa viết báo, vừa viết văn, làm thơ. Sau này chuyển sang báo Người Hà Nội thì được chuyên làm văn học nghệ thuật.--PageBreak--

- Được biết chị còn có nhiều bài thơ hay, một số bài cũng rất phổ biến và còn được đưa vào sách giáo khoa, nhưng hình như người ta lại ít biết tác giả của nó?

- Buồn cười thế đấy, bài "Làm anh" học sinh mẫu giáo thuộc làu làu, nhưng người ta cứ bảo là của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Còn bài "Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn" in trên báo Văn nghệ năm 1976, sau đưa một phần vào sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1, tập 2 viết về chị Võ Thị Sáu: Người con gái trẻ măng/ Giặc đem ra bãi bắn/ Đi giữa hai hàng lính/ Vẫn ung dung mỉm cười... thì ở chương trình Chơi chữ của Đài Truyền hình Hà Nội lại được giới thiệu là của nhà thơ Tố Hữu.

- Có lẽ vì “Hương thầm” đã trùm một cái bóng quá lớn. Nhưng chị Nhàn này, có người bảo chính “Hương thầm” đã đóng đinh vào sự nghiệp sáng tác của chị, những bài thơ sau này, dù viết về cái gì cũng vẫn cảm thấy nỗi buồn miên man.

Hình như tôi chạm vào nỗi buồn của chị, chị cười bảo: - Tôi toàn thơ thất tình thôi. Tôi đã trải qua niềm đau quá lớn, ông xã mất khi còn trẻ, vật lộn trong thời bao cấp để nuôi con khôn lớn. Cũng có lúc muốn tìm bờ vai để nương tựa, nhưng việc đi tìm một người đàn ông cho riêng mình thật khó. Buồn, nhưng mình vẫn phải sống, phải yêu đời. Tôi hiểu ra trong thăm thẳm niềm đau/ Tôi vẫn còn yêu đời quá. Tôi thấy cuộc đời tôi vẫn vui tươi, không có gì tệ lắm.

- Một người tâm hồn lãng mạn như chị thì đời sống tinh thần rất phong phú. Chồng chị trước kia cũng là nhà thơ?

- Anh ấy là cán bộ nghiên cứu, nhưng có làm thơ. Cũng vài người trong giới văn chương biết anh và chúng tôi quen nhau từ lớp bồi dưỡng viết văn ở Quảng Bá. Hồi đó tôi đã có thơ đăng báo, đọc thơ nhau, làm bạn với nhau rồi yêu nhau.

- Anh chị đã có những tháng ngày bên nhau thế nào?

- Trước anh là cán bộ nghiên cứu lịch sử Đảng, làm việc ở Tây Bắc, sau về Hà Nội công tác ở Viện Dân tộc học. Nói chung anh là người uyên bác và sâu sắc, biết đồng cảm và yêu thương vợ con. Tôi đã thật sự có những tháng ngày hạnh phúc.

- Đã 30 năm có lẻ chị một mình nuôi con. Nếu không có nỗi bất hạnh ấy, người đa cảm như chị chắc sẽ có nhiều bài thơ tình hay ca ngợi hạnh phúc?

- Cái đó không thể nói trước được. Có khi phải buồn mới có thơ hay. Với tôi, khi vui thì ít làm thơ.

- Đọc các bài thơ của chị, nhất là những người đàn bà đơn thân (dù vì bất cứ lý do gì) luôn tìm thấy sự đồng cảm bởi chị nói hộ những truân chuyên của cuộc đời họ.

- Thực ra đó là sự từng trải, chiêm nghiệm trong cuộc đời. Có bạn còn rất trẻ nói với tôi rằng: đọc thơ cô rất buồn, nhưng đúng tâm trạng của cháu. Buồn nhưng không để nó nhấn chìm mình. Cuộc đời này mang đến cho tôi bao nỗi đau khổ, hoặc có những lúc rất chán, tôi đã từng viết: Đôi lúc buồn tôi đã định tự tử. Nói vậy thôi, mình vẫn phải tìm ra những niềm vui để sống. Bây giờ tôi vẫn khỏe mạnh, vẫn túc tắc viết, vẫn chơi thể thao, vẫn đi khiêu vũ - thế là vui rồi.

- Người đàn bà làm thơ thường đa đoan, đa tình và thường hay nói về cái phận mình. Đọc những bài thơ của chị sau này cảm thấy chị cũng có những mối tình nặng lòng lắm, nhưng hình như chị chưa tìm được một nơi nào đó thật sự để sẻ chia nên nhiều câu thơ nhẹ nhàng nhưng có gì đó như hờn giận, trách cứ?

- Người đàn bà nào cũng khó tìm được người đàn ông hoàn hảo cho mình, cũng như mình không phải là người đàn bà hoàn hảo. Cái dở nhất của tôi là yêu ai thì yêu đến trọn lòng, đam mê, tha thiết nên dễ bị tổn thương. Trong cuộc đời, tôi cũng có vài mối tình, nhưng chỉ dừng ở đó thôi. Tìm được người mình yêu và kính trọng thật khó. Bây giờ mình nhiều tuổi rồi, ai quý thì mình chơi. Còn nếu không chơi được thì... Phải biết dừng đúng chỗ và biết tin vào chính mình.

- Tôi vẫn nghĩ chị là người đàn bà cả nể, nhẹ nhàng, nhún nhường, hóa ra cũng quyết liệt vậy à. Nhưng tôi tin điều ấy khi giờ đây đang ngồi trò chuyện cùng chị trong căn hộ tiện nghi của khu chung cư cao cấp này. Người đàn bà làm thơ, lại chịu bao đau khổ mà sống ủy mị thì cuộc đời khốn khó lắm.

- Nhiều khi tôi cũng bảo với con gái: cuộc sống hai mẹ con mình thế này là tốt rồi.

- Mọi thứ chị có được đều bằng nghề viết chứ?

- Nghề viết chả ăn thua gì đâu. Tôi vừa ra cuốn "Sự cực đoan đáng yêu", được một chút nhuận bút, còn phải bỏ tiền thêm mua sách tặng bạn bè. Hình như tôi có duyên với nhà cửa đất đai, ở nơi nào cũng có người tới hỏi mua. Một mình mua nhà, dọn nhà, rồi lại mua, lại bán. Vài lần đổi nhà cũng dôi ra đôi chút. Nhà thơ Ý Nhi đã từng chọc: Khỏe và buồn thì làm vậy cho vui.

- Ai trong đời chả có nỗi bất hạnh nào đó. Buồn. Cô đơn cũng là lẽ thường tình. Có người còn cô đơn ngay giữa những người thân của mình. Mỗi người phải lạc quan và tự tìm niềm vui sống cho mình thôi.

- Tôi có nhiều hội chơi lắm - hội đi bơi, hội khiêu vũ, hội tennis, hội bạn học cũ, bạn văn thơ. Thỉnh thoảng rủ nhau đi những chuyến xa. Cuộc sống lúc nào cũng thấy bận rộn. Từng trải rồi, có thể sống không cần đàn ông.

Tôi biết chị nói vậy thôi, chứ người này còn trẻ lắm, người còn nhiều khao khát, khắc khoải thì chưa già. Chị vẫn đều đều lao động, là tâm huyết, là trách nhiệm, nhưng cũng là do còn nhiều đam mê. Nhưng cuộc đời mỗi con người đều đã được định đoạt bởi số phận, khó mà thay đổi được. Thế nên đã có lúc chị phải chạnh lòng: "Người yêu ngày ấy đâu rồi/ Chỉ câu thơ sống cùng tôi tuổi già"

Khánh Vy (thực hiện)
.
.