Nhà thơ Phan Vũ: Gã đầu trần thơ thẩn đường mưa…

Thứ Ba, 23/07/2019, 12:46
“(…) Gã – trần trụi đi qua thời gian/ Một mênh mông hun hút gió/ Và một đam mê ảo điên rồ/ Khi kim đồng hồ chỉ vào số trắng/ Trong độ chênh ngày tháng/ Không có gì để trối trăng”. Những câu thơ cuối cùng trong bài “Tự họa” như lời tự tiên tri cho phút ông giã từ cõi thế, nhìn lại một đời lãng du chất ngất cuồng si…

Tháng 7, nhà thơ Phan Vũ vĩnh biệt thế gian sau thời gian dài hôn mê do tuổi già sức yếu. Nhà báo Diễm Chi – vợ ông cho biết những ngày cuối đời ông rất yếu, phải nằm dưỡng bệnh hai tháng. Bạn bè biết chuyện đến thăm, ông muốn nói nhiều điều mà chẳng đủ sức hầu chuyện. Người ông yếu dần, yếu dần và chìm sâu vào cơn miên trường để rồi ra đi mãi mãi không một lời trối trăng.

Phút giã biệt nhẹ tựa hư không, như ông từng bảo lúc sinh thời rằng “chẳng mấy chốc giời cũng kêu tôi về tiền kiếp”. Nói vậy nhưng ông già râu tóc lởm chởm ấy vẫn ngậm tẩu thuốc cười rung chiếc kính lão: “Nhưng giời cho tôi sống đến giờ phút này, không bệnh tật gì và còn đam mê đủ thứ thì có hạnh phúc nào bằng”.

93 tuổi, lão thi sĩ – họa sĩ vẫn mê đắm trong miền thi – họa. Càng về già, ông sáng tác thơ ít hơn nhường chỗ cho sắc màu lên ngôi. Ông vẽ mặt người, vẽ mặt mình, vẽ những người tình, những giấc chiêm bao...

Ở đó, rất nhiều bức tranh mãi gọi tên “Em ơi, Hà Nội phố”. Nhiều người vẫn biết đến “Em ơi, Hà Nội phố” qua ngưỡng cửa âm nhạc của Phú Quang hơn là trường ca dài 443 câu của Phan Vũ. Bài hát với 21 câu bi tráng, nồng nàn mà man mác tình, day dứt nhớ. Nhớ Hà Nội thuở hào hoa thanh lịch, nhớ Hà Nội quyến rũ trời thu, và nhớ Hà Nội của chiến chinh, hoang tàn, tang tóc... 

Ông sáng tác bài thơ vào tháng chạp năm 1972, khi Hà Nội oằn mình chịu những trận bom B52 trải thảm. Đó là những “năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương”. Trường ca bắt đầu với khổ thơ: “Em ơi, Hà Nội phố/ Ta còn em mùi hoàng lan/ Ta còn em mùi hoa sữa/ Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya/ Cọt kẹt bước chân quen/ Thang gác thời gian/ Mòn thân gỗ/ Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ...” và kết thúc cũng chính bằng khổ thơ ấy trong tiếng ngân vọng của cụm từ “Ta còn em”.

Nhà thơ Phan Vũ.

Nói như nhà thơ Du Tử Lê, “còn” (nghịch nghĩa với “mất”) là chìa khóa tác giả trao cho người đọc, để mở cửa vào mọi đền đài ký ức trong cảnh thổ Hà Nội của họ Phan.

Dù chiến tranh, dù tan hoang đổ nát, nhưng “Em ơi, Hà Nội phố/ Ta còn em...” vẫn nghẹn ngào điệp khúc. Một Hà Nội rất Hà Nội trong từng hơi thở, tà áo, góc phố, con đường... Trong lời đề từ trước bản trường ca, Phan Vũ ghi: “Gửi những người Hà Nội đi xa...”.

Từng câu thơ như thước phim quay chậm để người đọc hồi tưởng, để người đi xa thổn thức nhớ về cố hương mà trào nước mắt. Một nỗi nhớ quắt quay, day dứt, cuồng si và ám ảnh. Và ở đó, Phan Vũ là “gã đầu trần thơ thẩn đường mưa” dẫn ta đi từng góc đường, con phố.

Tháng chạp năm ấy, nhạc sĩ Phú Quang cũng mất người bạn thân nhất trong dãy nhà đổ dưới cành bàng trụi lá. Hạnh ngộ với trường ca năm 1986, ông như chạm vào vết thương tưởng đã phủ kín màu thời gian.

Phú Quang nhớ lại: “Một ngày ngẫu nhiên gặp ông Phan Vũ trên đường Sài Gòn. Ông đưa tôi một bài thơ thật dài “Em ơi, Hà Nội phố”. Dù chỉ là lần đọc đầu tiên nhưng tôi có cảm giác như đã đọc bài đó từ rất lâu rồi bởi vì bài thơ như chính những điều tôi nghĩ đến. Đọc xong bài thơ, linh cảm mách bảo cho tôi rằng đó sẽ là một bài ca hay mà tôi sẽ viết. Tôi tin vào linh cảm ấy dù bài thơ vài trăm câu sang bài ca chỉ còn lại vài câu”.

Khi nghe Phú Quang hát thử với piano, lão thi sĩ Phan Vũ vui như trẻ thơ, ông xúc động nói với Phú Quang: “Em làm cho thơ anh lấp lánh quá!”. Bài hát được ca sĩ Lệ Thu (hiện đã định cư tại Pháp) thể hiện đầu tiên và gây ấn tượng mạnh mẽ với công chúng. Bài hát nhanh chóng nổi tiếng và được các thế hệ nghệ sĩ sau này thể hiện thành công như Hồng Nhung, Thanh Lam, Bằng Kiều, Đức Tuấn...

Thế nhưng, phải đến tháng 4 năm ngoái, bản trường ca mới chính thức đến với công chúng ở một hình hài đầy đủ trong tập thơ thứ hai của đời ông mang tên “Ta còn em” (cuốn thơ thứ nhất là “Phan Vũ thơ” – 2008). Lâu nay, Phan Vũ toàn thuộc miệng, và mỗi lần chép tặng ai, là một lần ông cho ra đời một dị bản.

Số dị bản của “Em ơi, Hà Nội phố” khó mà đếm xuể. Không chỉ “Em ơi, Hà Nội phố” mà nhiều bài thơ khác của Phan Vũ cũng có dị bản do tác giả chép lại đọc lại mỗi lần mỗi khác. Nhưng mỗi dị bản là một góc nhìn, một sự thú vị riêng mà người đọc không hề chê trách.

Bức chân dung tự họa của nhà thơ Phan Vũ.

Bài thơ “Tôi vẽ” là một ví dụ. Ở “Tôi vẽ” phiên bản đầu là “Tôi vẽ một lõa lồ/ Không che đậy/ Nguyên khổ những hình hài khao khát/ Đam mê/ Tôi vẽ nhưng tan hoang/ Rách nát/ Ê chề/ Tôi vẽ mặt hề/ Trong những cuộc tình vô vọng/ Một tôi đích thực/ Tôi vẽ người yêu/ Mãi mãi vô hình...”.

Ở phiên bản hai lại thành những câu thơ: “Tôi sắp đặt một lõa lồ ngay cổng chợ/ Biểu tượng cho khát khao/ Cho ấp ủ nồng nàn/ Cho đam mê cháy bỏng/ Cho nguyên khổ cuộc đời lộng lẫy tự do.../ Vẽ tôi/ Một mặt nạ đủ màu xanh đỏ/ Yêu ma hay thánh thiện tùy nhận diện mỗi người/ Về người yêu/ Tôi vẽ một vô hình rực rỡ...”. Ngoài hai bài thơ trên, tập thơ “Ta còn em” còn tập hợp 28 bài thơ được coi là đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của ông.

Bạn bè hay gọi Phan Vũ là người cuối cùng của bộ tộc Mohican. Bởi ông như gã du mục, lang thang qua những miền nghệ thuật đầy hoa thơm cỏ lạ. Và ở miền nào, gã nghệ sĩ ấy cũng đắm đuối hoang dại.

Nói như nhà phê bình Nguyễn Quân: “Có lẽ ở Phan Vũ là con người của lý tưởng văn nhân cổ điển với mực thước toàn diện “cầm kỳ thi họa” và quan niệm thẩm mỹ “thi trung hữu họa, họa trung hữu thi” đã ám ảnh các nghệ thuật mà ông thực hành suốt mấy thập niên qua”.

Từ viết kịch, đạo diễn sân khấu, đạo diễn phim đến làm thơ, hội họa, lĩnh vực nào ông cũng phát tiết tài hoa. Hồi viết kịch bản “Lửa cháy lên rồi”, ông ẵm giải nhì của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1955. Các kịch bản “Hà Nội”, “Thanh gươm và bà mẹ”, “Dòng sông âm vang”, “Ngọn lửa thành đồng” đều để lại ấn tượng với công chúng.

Ông cũng là đạo diễn của hai phim “Bí mật thành phố cấm” và “Như một huyền thoại”. Nhưng lĩnh vực ông để lại dấu ấn nhiều nhất vẫn là thi ca dù ông sáng tác không nhiều.

Bắt đầu những năm 1990, Phan Vũ tập tành làm quen với màn toan. Họa sĩ Lưu Công Nhân từng kể rằng: “Và một hôm tôi thấy hắn vẽ tranh. Phan Vũ bảo tôi: “Nhân thấy thế nào, được lắm chứ?”.

Quả thật thì Phan Vũ vẽ cũng rất đáng yêu, cũng như Phan Vũ làm thơ, nhưng cả hai sự ấy cũng chưa đáng yêu bằng chính con người Phan Vũ, một lão già ngoài 70 tuổi mới cầm bút vẽ và “tuyên bố” với một họa sĩ – là tôi: “Tao vẽ mỗi ngày một giống người mẫu hơn và người mẫu của tao càng ngày càng… khen tao nhiều hơn”. Nhìn mái tóc bạc, cặp kính lão, cái cằm lởm chởm râu của Vũ, tôi đành phải thốt lên: “Đúng là một nghệ sĩ vừa uyên bác, vừa ngây thơ… tươi roi rói!”.

Tập thơ “Ta còn em” và tạp bút “Ly rượu trần gian” của Phan Vũ.

Đúng một năm trước đây, khi Sài Thành lất phất mưa tháng 7, Phan Vũ tổ chức triển lãm tranh mang tên “Em ơi, Hà Nội phố” tại TP. Hồ Chí Minh. Nỗi nhớ và dấu ấn mang tên Hà Nội vĩnh viễn không bao giờ xóa mờ. Đó không chỉ là bài thơ mà ông tâm đắc nhất cuộc đời mình mà là “bùa hộ mệnh”.

Ông bảo mình không phải người Hà Nội, quê ông ở Hải Phòng và chỉ chuyển ra Hà Nội sống ít năm rồi vào Nam. Nhưng chính trường ca và bài hát nổi tiếng “Em ơi, Hà Nội phố” đã gắn chặt tên tuổi họ Phan với Hà Nội, như một người con ruột thịt của xứ kinh kỳ.

Trong những bức tranh sơn dầu đủ trường phái: trừu tượng có, nửa trừu tượng có, biểu hiện có..., phần lớn vẫn là những bức tranh bước ra từ trường ca. Trên những màu sắc dữ dội xanh đỏ, để nguyên và không pha trộn tái hiện con đường, đôi mắt, ô cửa... là những câu thơ dọc ngang chằng chịt.

Số tranh còn lại ông vẽ mình, vẽ giai nhân, người tình và những cơn mộng tưởng... Những bức tranh ấy bước ra từ các bài thơ như lời ông tuyên bố: “Tôi muốn kéo tranh tôi đến gần những bài thơ của tôi”. Những bài thơ từ thuở xa xưa của ông đã mang hình hài bức tranh với sắc màu cuồn cuộn.

Ngay ở bài thơ đầu tiên ông viết – bài “Bình vỡ” (sáng tác tháng 5-1956), người ta đã thấy một bức tĩnh vật lặng câm nhiều đau đớn: “Tôi có một chiếc bình/ vẫn để không/ trong góc phòng/ Im lìm lặng lẽ/ như một nỗi cô đơn tĩnh vật/ trinh nguyên/ Một chiếc bình xanh/ ngóng mong một bông hoa thẫm đỏ/ Rồi một hôm bình vỡ/ chỉ còn màu xanh trong từng mảnh nhỏ/ sao đâu đây phảng phất/ một mùi hương ngất ngây...”.

Ông vẽ rất nhiều chân dung mình, những bức tự họa mờ tỏ, xô lệch mặt người. Và ông thuyết minh: “Cái gốc si già này là tôi vẽ tôi đấy – năm tháng qua đi, gốc si già vẫn còn đó nhưng những chùm rễ nó buông xuống là những nỗi buồn và cả sự cô đơn của kiếp người…”. Ông gọi những bức tranh của mình là nỗi buồn rực rỡ. Bởi tuổi già, những nỗi buồn cuộn chặt được ông gỡ bằng sắc màu, nét vẽ.

Hễ ai hỏi ông học hành ở đâu thì ông bảo rằng mình “vô học”, toàn mày mò “tự nghịch”. Cho nên các tác phẩm đều đẫm chất phóng khoáng lãng du, không chịu bất cứ sự gò ép nào, thích sao thì ra vậy.

Ngắm tranh ông, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nhận xét: “Màu gần như nguyên không pha trộn, nét uốn lượn hay gãy khúc, lặp lại và vặn xoắn, buông trùng hay giăng nối…, đều như chỉ “đi” một lần, một hơi. Không có bản nháp hay phác thảo cho nỗi nhớ như là cái leitmotiv (chủ đề đặc trưng) trong các bức tranh sặc sỡ và mạnh bạo của “đại lão” họa – thi sĩ Phan Vũ”. 

Thơ và tranh cũng giống con người ông: một gã nghệ sĩ lãng tử, phong trần và mãi mãi trẻ trung. Thuở 70 xuân xanh, ông cưỡi mô tô phân khối lớn, áo quần lúc thì bụi phủi, lúc thì quần short, áo ba lỗ khiến lắm cô chết mê chết mệt.

Ở tuổi 73, ông rước ngay nàng Diễm Chi 37 tuổi về làm vợ. Sau này già yếu quá mới thôi cưỡi xe vù vù rong chơi khắp Sài Thành. Nhưng sự sung sức và hồn nhiên mê đắm thì chẳng khi nào vơi.

Hơn 90 tuổi, ông vẫn vẽ tranh đều đều, triển lãm trong và ngoài nước như đi chợ. Có ai tin cách đây một năm, tay chống gậy lẩy bẩy, lão thi sĩ 93 tuổi vẫn xung phong hát một bài. Cũng chẳng nhớ bài hát tên gì, chỉ nhớ đó là một bài hành khúc đầy hào hùng. Và ông hát đầy khí thế với chất giọng khàn khàn, hào sảng.

Hát xong, ông kể đủ chuyện cười tếu táo, biểu mình vẫn dậy sớm vẽ tranh rồi la cà tán dóc cà phê với bạn bè khắp nơi. Đến nỗi nhà phê bình Nguyễn Quân phải thốt lên: “Nếu được thấy và biết ông, ai cũng sẽ phải công nhận trong ngạc nhiên rằng trẻ khỏe mãi thế cả về thân thể lẫn tâm hồn thực là xưa nay rất hiếm”.

Ngày ấy, ông thổ lộ rằng màu mình yêu nhất là màu xanh. Quả vậy, người ta bắt gặp màu xanh đủ cấp độ: xanh thẫm, xanh lơ, xanh biếc, xanh nõn lá, xanh thật đêm... dày đặc trong tranh và thơ Phan Vũ.

Cuộc đời lão nghệ sĩ ấy cũng mãi mãi một màu xanh bất diệt, màu xanh tràn sự sống và kỷ niệm dẫu tháng ngày có thăng trầm phôi phai. Trên miền xanh thẳm ấy, Phan Vũ là gã nghệ sĩ ngang tàng, kiêu bạc thơ thẩn giữa đường mưa...

Mai Quỳnh Nga
.
.