Nhà thơ Võ Văn Trực: Người của làng đã trở về làng...

Thứ Năm, 11/04/2019, 16:42
Anh Võ Văn Cương, con trai của nhà thơ Võ Văn Trực kể lại rằng, trong giờ phút sắp xa lìa cõi thế, nhà thơ Võ Văn Trực bỗng dưng mở to mắt nhìn anh, gương mặt ông bỗng nhanh nhẹn, hoạt bát và tươi vui đến lạ.

Anh hỏi bố: "Bố có nhận ra con không?", ông không trả lời được vì căn bệnh tai biến đã khiến ông không thể nói nhiều tháng ngày qua. Rồi ông lịm dần và ra đi trong cái nắm chặt tay của người con trai yêu thương đã cùng ông chiến đấu với những căn bệnh tuổi già suốt nhiều năm trời ròng rã...

Nhà thơ của làng quê

Nhà thơ Võ Văn Trực sinh năm 1936 tại Diễn Châu, Nghệ An. Cùng huyện với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà văn Sơn Tùng... Ông đã có những năm tháng sống hết mình cho văn chương từ khi còn làm công tác tuyên truyền làng xã.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông đã xác định theo đuổi con đường văn chương. Dù ông từng được Bộ Ngoại giao nhận về làm việc nhưng cuối cùng vẫn xin được chuyển sang làm việc tại một cơ quan văn hóa. Đến năm 1962, ông về làm biên tập viên tại Nhà xuất bản Thanh niên. Năm 1977, ông về làm biên tập viên rồi lên chức Phó Tổng biên tập Báo Văn nghệ cho đến lúc nghỉ hưu.

Nhà thơ Võ Văn Trực có một thời tuổi trẻ sôi nổi, cùng bạn bè vác balô lên đường ra chiến trận, rồi hăm hở đến tận công trường, xí nghiệp, xuống tận vùng nông thôn, ghi chép lại cuộc sống của những người dân lao động sản xuất.

Nhà thơ Võ Văn Trực thời còn trẻ.

Là con người sinh ra và lớn lên ở làng quê chân chất, nên ngay từ khi viết văn, ông đã viết những cuốn sách về làng. Ông đau đáu cái kiếp lam lũ của người làng quê thôn xóm của ông, và từ đó, ông khát khao dựng lại gương mặt thân yêu nhất trong sự hình thành và phát triển, với mong muốn phần nào đó thay đổi được những gì lạc hậu, hủ tục và cái nghèo đói cứ bám riết lấy làng quê như một ám ảnh không dứt.

Ông viết: "Vẫn là đất ấy nuôi tôi/ Mùa gieo đã biết mấy đời cần lao/ Mặt người rạch luống thương đau/ Những đường số phận rạch vào thịt da/ Đổ bao thành quách nguy nga/ Đất đai nghìn thuở vẫn là đất đai/ Vẫn là biển rộng sông dài/ Vẫn chân chỉ những luống cày gieo neo/ Quê hương lùi lũi quê nghèo/ Dạy tôi khôn lớn với nhiều niềm tin/ Mồ hôi, máu đỏ thắp lên/ Vầng dương châu thổ ngọn đèn mom sông/ Tôi mơ những sớm mai hồng/ Bóng đêm tan hết, mặt đồng sáng tươi/ Đất quê rạng với mặt người/ Lúa reo trước bãi ngô cười sau nương..." (Đất quê nghèo).

Không chỉ với thơ ca, mà với văn xuôi, tiểu thuyết, bút ký, ghi chép... ông luôn đắm đuối với mảnh đất Hậu Luật quê hương. Những tiểu thuyết dày dặn đã ra đời như "Chuyện làng ngày ấy", "Về làng Hậu Luật", "Truyền thuyết về núi Hai Vai"...

Nhà thơ Vương Trọng, một người bạn thân thiết của nhà thơ Võ Văn Trực kể lại: "Trong tiềm thức của nhà thơ Võ Văn Trực, cây đa không chỉ là một loài cây cổ thụ sống lâu năm, cành cao tán rộng… mà là hồn quê, là linh khí quê kiểng ngàn đời kết tụ. Ngót nửa thế kỷ sống giữa thủ đô Hà Nội, bao đêm ký ức đưa ông về làng Hậu Luật để nương náu dưới bóng mát của những tán đa xưa.

Thuở ấy, khi ông chỉ là một cậu bé con nhà quê bảy tám tuổi, mặc quần đùi, đi chân đất, đầu trần khét nắng, hơn chục cây đa làng toả bóng mát từ xóm Bấc, xóm Trung ra tận đồng làng là những miền cổ tích, chứa bao điều tưởng tượng. Không có một kỷ niệm nào về bạn bè quê hương thuở ấy mà vắng bóng những cây đa. Bởi thế, ngày nay mỗi khi ai đó hỏi về những cây đa làng quê, là ông lặng người đi, nước mắt rơm rớm.

Bởi tất cả những cây đa ấy chỉ còn lại trong kỷ niệm vì sự ấu trĩ một thời, cái thời mà người ta lầm tưởng cách mạng là xoá bỏ tất cả những gì đã có sẵn từ trước, đồng thời thực thi chính sách tiêu thổ kháng chiến một cách máy móc, tràn lan.

Thế nên chỉ trong một thời gian ngắn, song song với việc tập trung đền chùa, miếu mạo về một chỗ; chuyển mồ mả (kể cả mộ của thành hoàng làng cùng những nhân vật lịch sử và truyền thuyết) về chung một nghĩa địa, người ta chặt hạ hết tất cả các cây cổ thụ, trong đó có hơn chục cây đa.

Mỗi lần xem tivi gặp chương trình lễ hội ở một vùng quê nào đó, có đình đền đàng hoàng, trang nghiêm; và đặc biệt có những cây đa hàng trăm tuổi, là ông ngồi như hoá đá trước máy thu hình. Những lúc đó nếu có ai nói gì ông cũng không nghe thấy, thậm chí có lúc lay mạnh vào vai, một lúc ông mới tỉnh lại.

Không phải chương trình kia quá hấp dẫn với ông, mà vì nó làm ông nghĩ về số phận những cây đa làng Hậu Luật quê mình. Có lần đi cùng ông một chuyến công tác xa, đêm nghỉ chung phòng trong khách sạn, tôi đã chứng kiến cảnh ấy.

Nhà thơ Võ Văn Trực và vợ.

Khi tỉnh lại, ông như kẻ mất hồn, lạc lõng trước thực tại, hồi lâu mới định thần được. Tính ông vốn nghĩ nhiều, nói ít, thế nhưng sau những lúc như thế ông có nhu cầu giãi bày những uẩn khúc trong lòng. Thế là ông kể tôi nghe chuyện những cây đa làng ông, giọng trầm đục, buồn thương...".

Có lẽ bởi yêu quê hương đến tận cùng, cho nên khi trí óc đã bắt đầu lẫn lộn, nhớ nhớ quên quên, ông đã quên đi nhiều thứ, nhưng có một thứ dường như ông chẳng thể nào quên được, đó là làng quê ông, ngọn núi Hai Vai sừng sững.

Vì yêu mà ông làm nhiều thơ về ngọn núi này cũng như trong căn phòng ông đang sống, có duy nhất một bức tranh phong cảnh đó là cảnh sắc núi Hai Vai: "Lắng hồn nghe gió núi dậy ca dao/ Và thạch nhũ buôn lòng hang huyền thoại/ Trên võng cói từ những ngày bé dại/ Tôi lớn lên trong thần tích, lời ca/ Rồi một ngày tôi vĩnh viễn đi xa/ Xin hóa kiếp được làm hòn đá phẳng/ Dưới chân núi, một vòm cây che nắng/ Cho trẻ chăn trâu ngả nón sum vầy" (Núi Hai Vai).

Cả một đời cương trực

Có thể gọi nhà thơ Võ Văn Trực là người điển hình cho tính cách người xứ Nghệ: hiền lành, thủng thẳng nhưng gàn và cục tính. Ông cương trực như chính cái tên cha mẹ đặt cho mình, luôn thẳng thắn và quyết liệt đấu tranh với những thói rởm đời dù ông hoàn toàn nhận thức được rằng, sự đấu tranh đó không phải lúc nào cũng mang lại cho ông những điều tốt lành, may mắn.

Anh Võ Văn Cương, con trai nhà văn chia sẻ, trong gia đình, ông là người nói ít, làm nhiều. Vợ ông mất sớm, ông gà trống nuôi con một mình, chịu bao nỗi nguồn cơn, phải lo lắng cho mọi sự trong gia đình. Ông dễ tính mà cũng đầy nguyên tắc.

Nhà thơ Võ Văn Trực (trái) và nhà văn Ma Văn Kháng.

Ông không biết làm kinh tế, nên dựa cả vào nhuận bút thơ, văn, cuộc sống chính vì thế mà không dư giả. Cho đến những năm dù già yếu, ông vẫn tiếp tục viết văn, làm thơ, viết báo một phần là ông nhớ nghề, yêu nghề, một phần là ông cũng muốn mình phải kiếm thêm được đồng ra đồng vào nhuận bút, ngoài lương hưu, để trang trải thêm cuộc sống, dù con cái không ai phải để ông lo lắng điều gì cả.

Những tính ông là vậy, ông không để ai phải muộn phiền vì mình. Cả cuộc đời ông, ngoài gia đình, con cái và văn thơ, có một nỗi niềm đau đáu trong lòng đó là tình quê hương. Ông yêu đến nỗi, đi đâu, làm gì, ngay cả ở nhà, trước khi ngủ thì ông vẫn phải nghe dân ca Nghệ An trước khi đi ngủ.

Con người xứ Nghệ thật thà, hiền từ và cũng đầy tình tứ. Thơ của ông là một điệu nhạc lòng êm ái, giúp ông trang trải nỗi buồn và những giai điệu cuộc đời.

Đã có biết bao người chép thơ của ông vào sổ tay như một sự sẻ chia: "Anh lục tìm trong ký ức/ Câu nói nào em nói với riêng anh/ Mà hôm đó lá rờn xanh như ngọc/ Bầy chim non nhảy nhót hót muôn cành/ Anh lục tìm trong ký ức/ Ánh mắt nào em muốn gửi trao anh/ Mà hôm đó khi trống trường tan học/ Ngôi sao chiều chợt hiện sáng long lanh/ Anh lục tìm trong ký ức/ Bàn tay nào em muốn nắm tay anh/ Mà hôm đó nhánh bàng khô run rẩy/ Nắng vàng rơi trên vai áo lặng thinh.../ Ôi dĩ vãng thân yêu và trong trắng/ Bỗng hiện lên như một áng mây buồn/ Rồi lạnh lẽo tan dần vào xa vắng/ Tay anh cầm một ảo giác cô đơn./ Giá hồi ấy anh biết rằng em đã.../ Và lòng anh đừng vờ vĩnh ngây thơ/ Thì có phải giờ đây anh đỡ khổ/ Đi tìm em trong ký ức vu vơ" (Lục tìm trong ký ức).

Nhà thơ Võ Văn Trực (trái) và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo.

Trong lần gặp cuối tại nhà riêng của ông ở phố Yên Hòa, ông dù không được khỏe song vẫn nói chuyện về thơ văn. Ông bảo, ông có hàng chục tập sách, nhưng tập thơ "Ngọn lửa hoàng hôn" là tập thơ cuối cùng trong đời ông. Trong đó gồm những bài ông tâm đắc và những bài thơ mới viết được in cách đây chừng dăm năm, trước khi ông đổ bệnh. Đó là nhưng hoài ức về bè bạn, về những tháng ngày tuổi già và những triết lý nhân sinh, cả sự cô đơn của thi nhân. Sự trống vắng những tri âm, tri kỷ trong cuộc đời.

Bây giờ thì ông đã được đoàn tụ cùng với bầu bạn, cùng vợ và con gái ông ở phương trời xa. Ông về đó, đọc cho người vợ hiền một bài thơ ông làm khi bà rời xa cõi thế, bài thơ đầy sự ấp ủ của tình yêu: "Em ở trong anh tự thuở nào/ Anh không nhớ rõ ngày rõ tháng/ Hình như một chiều thu nơi bến vắng/ Cánh buồn về mang giọt nắng tha hương/ Hình như một đêm nao gió tủi hờn/ Thôi trăng lạnh rơi lạc vào trước ngõ/ Hình như một hoàng hôn trang sách mở/ Bóng em đi lẫn trong áng thơ buồn/ Cứ êm đềm như vậy tựa đường thôn/ Dẫn em đến trong anh và ở lại/ Khi vườn lặng tâm hồn anh hoa trái/ Choàng lên em dìu dịu ngát hương chiều/ Trong từng trang nhật ký có thương yêu/ Có hờn giận có hẹn hò ly biệt/ Trong cả giấc ngủ hờ đêm giá rét/ Nắm tay mình ngỡ lại nắm tay em...".

Nhiều người cùng thế hệ với nhà thơ Võ Văn Trực bảo rằng, với ông thì "Thân thể tại Hà Nội, tinh thần ở Nghệ An", hay cụ thể hơn là "Thân thể tại Yên Hoà (nhà của ông hiện tại) nhưng tinh thần ở Hậu Luật".

Bởi vậy mà ngay từ khi còn khỏe mạnh, nhà thơ Võ Văn Trực đã nói rõ với con trai của mình, ngày ông ra đi, phải đưa ông về Hậu Luật, ở đó, ông sẽ được sống một cuộc đời khác, cạnh mẹ cha, cạnh chị và bây giờ ông đã được trở về bên cạnh tất cả những gì thân thương nhất cả một đời ông đau đáu...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.