Nhà thơ Vũ Quần Phương kể chuyện về nữ sĩ Xuân Quỳnh và bạn bè

Thứ Ba, 19/11/2013, 07:10

Hóm hỉnh, thâm trầm nhưng đầy sâu sắc, nhà thơ Vũ Quần Phương là một trong những nhà thơ, nhà phê bình “đi ngang vào văn chương” và có sức ảnh hưởng lớn đối với những nhận định về đời sống văn học đương đại. Ở tuổi “thất thập cổ lai hy” ông được coi là một nhà thơ khá đủ đầy và trọn vẹn dù trong cuộc trường chinh đi tới chính mình, những vần thơ của ông vẫn đầy những nỗi niềm tiếc nuối, hoài cảm và đầy trăn trở về thế sự, về thời gian của một kiếp sống.

Phóng viên (PV): Thưa nhà thơ Vũ Quần Phương, có một thời, cứ mở tivi là đã có thể nhìn thấy ông xuất hiện trong tư cách của một nhà thơ, nhà bình luận văn học. Nhưng lâu nay, độc giả và khán giả ít thấy ông xuất hiện trên các diễn đàn, hẳn là phải có lý do đặc biệt nào đó khiến một người yêu và quan tâm đến đời sống văn học đương đại như ông vắng bóng trên thi đàn?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Tôi bây giờ phải quay lại làm sách, tập hợp những bài phê bình của mình thành sách. Mặt khác, cũng có những quyển phải biên tập lại, thậm chí phải viết thêm và mất khá nhiều thời gian, nói dại, chẳng may có bị… đột quị thì không ai làm cho mình. Hơn nữa, bây giờ tuổi lớn rồi thì da dẻ nhăn nheo, răng rụng, tóc bạc, cũng không nên xuất hiện nhiều nữa (cười)!

PV: Có lẽ đến một lúc nào đó, các nhà văn luôn dành sự tĩnh tại để “ngẫm lại chính mình” bằng nhiều cách, điển hình là viết hồi ký. Bản thân ông, dù có một gia tài đồ sộ về thơ ca, về phê bình, về những chuyện tếu của đời sống văn chương từ trước tới nay, nhưng ông vẫn chưa có một “tổng kết” nào. Thực sự thì có bao giờ ông ngồi để ngẫm ngợi lại những chuyện văn chương, chuyện bạn bè trong quá khứ?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Đến tuổi của tôi, thường sống chậm với quá khứ chứ ít khi sống gấp với hiện tại. Thậm chí, có anh bạn tôi còn nói đùa một câu mà ngẫm nghĩ lại tôi thấy cũng rất trúng: "Sống chậm, chết nhanh, ít của để dành, nhiều người thương tiếc".

Tôi vẫn nhớ như in thuở mình mới chập chững bước vào văn chương. Hai người bạn thân thiết thuở mới vào nghề là nhà thơ Trúc Thông và nhà văn Tô Hà. Tôi đầy bỡ ngỡ thì gặp Trúc Thông, một người can đảm và đầy tự tin trước cuộc đời, trước văn chương. Lần đầu tiên tôi đến Hội Nhà văn cùng anh (số nhà đối diện bên kia của NXB Hội Nhà văn 65 Nguyễn Du bây giờ) khi tôi vẫn làm ở Bộ Y tế và mới được đăng vài bài thơ ở báo Văn nghệ. Mà hồi đó, đăng được bài thơ là cả nhóm (có cả Trúc Cương, Hoài Anh) đi cả đêm trên đường để nói về bài thơ đó.

Thời ấy, một năm cả nước chỉ in 5-10 tập thơ mà 5 tập đã dành cho những người đã thành danh, còn lại chúng tôi, mỗi người được in chung một, hai bài với các tác giả khác. Tôi được chọn in hai bài "Trên đài quan sát khí tượng" và "Khói bếp" trên tập "Sức mới", tập thơ bạn trẻ (NXB Văn học, 1965), có tựa của nhà thơ Chế Lan Viên. Trúc Thông là người bạn tốt, tự tin quá đâm ra thành tự kiêu. Tôi nhớ, hồi đó cơ quan có một suất tăng lương thì tăng cho một anh bạn từ lương trung cấp lên.

Tôi làm công tác tư tưởng cho Trúc Thông: "Trúc thông đừng tị, nên nhường cho nó". Trúc Thông nói: "Làm sao tôi phải tị với nó, có tị thì tôi tị với Nguyễn Du chứ!". Có lúc Trúc Thông chê thơ tình của mọi người viết không hay, tôi bảo cậu viết đi, Trúc Thông bảo: "Tôi chưa có người yêu chứ mà có rồi thì các cậu không thể viết hay bằng tôi được".

Có lần Trúc Thông làm bài thơ, đọc lên tôi bảo, bài này cậu làm không hiểu, Trúc Thông tỉnh bơ: "Cậu không hiểu thì cậu thiệt chứ thiệt ai!". Đối với thế hệ tôi, thơ ca được coi là một sự cao quý, cũng chính vì lẽ đó, như Trúc Thông chẳng hạn, khi cả nhóm chúng tôi đi ăn quà, uống nước ngoài phố, anh toàn giành để trả tiền, ý anh bảo, những gì gắn với bản thân nhà thơ đều là tốt đẹp, cao cả, không thể úi xùi được.

Trúc Thông luôn biến những cái nhược điểm thành những điều rất đáng yêu. Bà mẹ sai anh gánh nồi cám lợn ra cánh đồng ngoài đê (vì nhà anh gần bờ sông, tăng gia sản xuất luôn ngoài đó, chính là nền tảng để anh có bài thơ "Bờ sông vẫn gió" sau này), thì Trúc Thông luôn gánh với tư thế là ông Nguyễn Du đi thực tế chứ không phải là một người đi nuôi lợn. Đấy, cái sự thanh cao của người thơ cũ xưa nó thế.

PV: Ông nhắc nhiều đến Trúc Thông, nhưng tôi biết rằng, thời ấy, hai người bạn mà ông cũng rất thân thiết là Xuân Quỳnh và Bằng Việt. Ông có thể chia sẻ?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Xuân Quỳnh là người phụ nữ đáo để nhưng rất thông minh và hóm hỉnh. Cô là tinh thần của Báo Văn nghệ thời bấy giờ. Tôi nhớ những ngày đầu bước chân đến Báo Văn nghệ, khi đó Xuân Quỳnh đang có thai đứa con đầu lòng, cứ cầm cái chổi quét nhà sạch tinh tươm để đón các ông nhà văn đến gửi bài, đàm đạo. Xuân Quỳnh được hầu hết các anh em yêu quý vì cô vui tính, lại là một người làm thơ nên cô đầy tinh tế, đầy bản năng đàn bà. Bằng Việt thì có cái tinh tỉnh của một người biết hưởng thụ sự sung sướng.

Còn tôi, vốn là con nhà nghèo, con người của phấn đấu nên dẫn đến việc không biết tiêu tiền. Kiếm tiền đã khó nhưng biết tiêu tiền còn khó hơn. Chính vì thế, cả đời tôi là một sự tằn tiện, dù có tiền cũng không biết sướng. Đó là một trong những điểm yếu. Mình lớn lên trong sự nghèo khó thì làm cho mình cần cù nhưng cũng khiến mình không cấp tiến. Hồi giải phóng, bạn bè có tiền mua bao nhiêu đồ xịn, dùng rất sướng, tôi thì tiết kiệm, mua thì mua tivi cũ, xe cũ vì nó rẻ, nhưng rẻ thì chóng hỏng, lại phải sửa, phải thay đồ, cuối cùng suy ra thì còn đắt hơn mua đồ mới. Như vậy có phải là mình dại không?! (cười)

PV: Rõ ràng không thể phủ nhận câu chuyện tình văn chương giữa Vũ Quần Phương và Xuân Quỳnh, cũng chính sự đổ vỡ của hai người mà nhiều bạn bè cùng thời của ông có nhiều câu chuyện thêu dệt như chuyện về quả cam, thậm chí có người còn cho rằng, có mối tình với Xuân Quỳnh ông trở nên sang trọng… Và như một quy luật bất thành văn, lỗi thì bao giờ cũng thuộc về đàn ông, dù muốn dù không. Ông có muốn nói lại điều gì để thanh minh không?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Thực ra chuyện đã thành quá khứ, và một người thì đã mất, tôi có nói ra điều gì thì cũng không công bằng với cả những người đã khuất và những người còn lại. Xuân Quỳnh là một người phụ nữ biết yêu và luôn hy sinh cho tình yêu của mình, như cách mà thơ cô thể hiện. Cô là một người mạnh mẽ nhưng cũng đầy dịu dàng, cô luôn viết như cô đã sống, viết về đời thường, về những chuyện mà các chị em quan tâm, chứ không cao giọng, chính bởi lẽ đó, thơ của Xuân Quỳnh có sức sống.

Có lần tôi nói chuyện với Xuân Diệu, anh bảo, người ta cứ ca ngợi tình bạn của Xuân Diệu và Huy Cận, nhưng tình bạn thì cũng như mọi người thôi, phân minh thì thành bạn tốt. Có lần Xuân Diệu nấu cho Huy Cận bát canh với ý: Biết đâu, sau bát canh này thì một trong hai người phải ra đi. Có nghĩa là luôn đối đãi với bạn như lần cuối cùng gặp bạn, để không phải ân hận một điều gì.

Nói về điều này, tôi nhớ có lần Nguyễn Đình Thi và Xuân Diệu giận nhau. Xuân Diệu muốn làm lành nhưng chưa có cách, bèn nghĩ ra mẹo gọi điện thoại: "Thi ơi, Thi ở đâu, Diệu muốn gặp Thi". Nghe vậy, Nguyễn Đình Thi đã vồn vã: "Không cần, anh Diệu ở đâu Thi sẽ đến". Như vậy là trong tình cảm bạn bè thì mình lùi một bước thì bạn lại lùi hai bước, sau đó họ rất thân nhau, chẳng đi đâu mà thiệt.--PageBreak--

PV: Được biết gần đây, Hội Nhà văn đang làm một tuyển tập những tác phẩm của các nhà thơ kháng chiến đến trước năm 1975 mà ông là một trong những người biên soạn, ông có thể đánh giá đôi nét tình hình về giai đoạn thơ này?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Hội Nhà văn muốn đánh giá lại những người viết văn những năm chống Mỹ và những thành tựu của thế hệ này, dự kiến tuyển tập này đến đến ngày thơ Việt Nam tới đây sẽ xuất bản. Có một nhược điểm của chúng ta, gần đây các nhà nghiên cứu đọc chưa kỹ, thường định hình về ai thì cứ định hình như thế và cứ "y án" những đóng góp của họ mà không mở rộng hay co hẹp lại.

Tôi cho rằng, thành tựu của nhà văn Ma Văn Kháng cũng không khác gì so với lớp người đi trước lừng lững của ta như Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân… Hay như thơ của một số nhà thơ kháng chiến rất được đề cao như thế, trong giai đoạn nước sôi lửa bỏng nhưng giờ đọc lại thì bắt đầu thấy lạc hậu, lạc hậu về thời điểm, vì chủ yếu họ làm thơ thời điểm chứ không phải đi cùng thời gian… Thơ hay là phải chịu thử thách thời gian.

Có những nhà thơ khác nổi tiếng chiến trường nhưng trong thời bình chọn lại không chọn được bài nào. Vì có những bài đọc lại chỉ thấy kể lể, dàn trải mà không đọng lại gì. Bởi thế, hôm nay cũng cần đánh giá lại các giá trị văn chương, đánh giá vào tác phẩm hơn, chứ không phải vào ấn tượng chung chung hay vào tên tuổi. Các nhà phê bình không đọc mà chỉ nói về sự định hình cố hữu thì đây là một cái dở của phê bình nước ta hiện nay.

PV: Với tư cách là một nhà thơ đi trước và là một nhà phê bình, ông có nhận xét gì về lớp nhà văn trẻ ngày nay?

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Các bạn trẻ có một thuận lợi là được tự quyết định cho mình chứ không phụ thuộc vào các yếu tố khách quan, viết được in được chứ không như ngày xưa chúng tôi phải chờ đợi. Nhưng cũng chính vì sự dễ dãi như thế nên đã làm cho người không có tài, không có năng khiếu thì không biết giá trị văn chương đích thực nằm ở chỗ nào, dễ ảo tưởng về mình.

Giờ đây, người trẻ in, người già cũng in vì thế không tìm ra được độc giả. Lớp trẻ hiểu biết, quan hệ rộng, điều kiện thoải mái vì thế "khôn ngoan" hơn thời chúng tôi, vì thế cái khôn ấy dễ ra khôn vặt, khôn lỏi nên khó để đi được đường dài. Rộng mà nông, không thủy chung, dễ làm khó bỏ. Ví như chúng tôi, ngày xưa ít, điều kiện không có, nên chỉ biết làm văn chương nên biết sâu, biết cặn kẽ một vấn đề. Nhưng dù sao, tất cả những ưu thế thì chứa sẵn những cái mầm bất lợi, dễ in thì hạ chất lượng, nhiều nghề thì không chí thú, không đến mạch nước thì đã dùng rồi, mạch nông. Tôi cũng muốn nhắn nhủ các bạn trẻ rằng, dù các bạn muốn mở rộng ra thế giới nhưng không nên cắt đứt với truyền thống, không phủ nhận các thành tựu quá khứ.

Hội thảo về tập sách bình thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương.

Cách nghĩ này là sai. Họ luôn phải tìm đường, nhưng muốn tìm mới thì phải biết tìm tận cùng của đường cũ. Tôi vẫn ngẫm nghĩ, cho đến ngày hôm nay, các bạn viết văn trẻ của 20 năm trước thì thành bánh tẻ rồi. Thời điểm đến độ chín thì các bạn ấy đã hoạch định được cho mình một con đường và dứt cái ảo tưởng. Họ đã trở nên chững chạc, bắt đầu những bề dày nhất định. Và họ điều chỉnh chính mình qua thời gian để phát huy những cái ưu thế đích thực tuổi giữa tri thiên mệnh. Trừ một số rơi rụng, số trụ lại được thì phát huy ưu thế đích thực của mình để hạn chế những cái phù phiếm.

Các bạn trẻ phải ý thức là 10 năm có một lớp trẻ khác thay mình chứ mình không trẻ mãi. Như tôi chẳng hạn, ngoài 70 rồi mà nghĩ cái ngày mình bước chân đến Hội Nhà văn vẫn mới như hôm qua. Và rất nhiều người đến tuổi "mắt mờ, tai nặng" mới bắt đầu lắng nghe tâm hồn mình, để thấy thời gian là điều vô cùng đáng quý.

Nói về thời gian, mới đây tôi in bài thơ được rất nhiều bạn chia sẻ, bài "Điền kinh": “Các cụ chạy điền kinh/ thanh niên ngồi hút thuốc/ Các bố ơi! chạy đi đâu cho thoát/ Chi bằng ngồi xuống đây, bia thuốc/ Phổi hun khói bền hơn tre gác bếp/ Anh chàng nói xong thì bạc tóc/ Chần chừ, nhập đoàn người/ Chạy tiếp/ Quanh hồ Gươm, hồ Tây/ Xứ phù sa, xứ tuyết/ Mỗi sáng những đoàn người/ Các cụ già chạy trước/ thanh niên chần chừ chạy sau/ Họ đã chạy đến đâu/ Đời người chớp mắt”…

- Xin cảm ơn nhà thơ!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.