Nhà thờ biến hình – Niềm tự hào của kiến trúc Nga

Thứ Bảy, 17/09/2016, 10:30
Một hòn đảo hình dáng như con thuồng luồng trong các thư tịch cổ dài khoảng 7km và chiều rộng chỉ chừng 500m mang trên mình những di tích kiến trúc độc đáo nhất nước Nga và cả thế giới - các nhà thờ và công trình hoàn toàn bằng gỗ.

Hòn đảo đó tên là Kizhi nằm trên hồ Onezh của Cộng hòa Karelia, là một trong những điểm hàng đầu thu hút du khách muôn phương của xứ sở bạch dương. Viện bảo tàng - bảo tồn kiến trúc gỗ Nga được chính quyền Liên Xô thành lập tại Kizhi năm 1960.

Hiện nay quần thể kiến trúc trên đảo Kizhi là những hiện vật quan trọng của Viện bảo tàng - bảo tồn dân tộc học và kiến trúc lịch sử quốc gia Liên bang Nga (GIAEMZ), từ năm 1990 đã được đưa vào danh sách di sản thế giới phải bảo vệ của UNESCO.

Những công trình bằng gỗ luôn mang theo một phần hồn của người thợ, người nghệ sĩ mà họ đã gửi gắm khi cần mẫn tạo ra đứa con tinh thần của mình, đặc biệt khi mục sở thị nhà thờ gỗ của Nga, bạn sẽ càng nhận ra điều đó. Thật khó tin khi được biết những công trình gỗ quy mô thế này được xây dựng mà không hề dùng tới cây đinh nào. Với tài nguyên rừng bạt ngàn, gỗ là một nguyên liệu đặc biệt phổ biến mang tính di sản, nhất là trong các làng nghề truyền thống ở miền bắc nước Nga.

Từ thế kỷ XIII trở đi, đặc biệt là trong suốt thế kỷ XVIII, mọi công trình ở Nga như nhà ở, nhà kho, nhà máy, cung điện hay nhà thờ đều được làm từ vật liệu duy nhất là gỗ, vì vậy có thể nói công trình làm từ gỗ là một nét đặc trưng của văn hóa kiến trúc nước Nga, tiêu biểu là những nhà thờ gỗ. Cho đến nay, tuy một số đã bị hư hại nhưng những nhà thờ còn lại đều được bản tồn, duy trì bền vững qua thời gian.

Theo truyền thuyết, các tòa nhà, nhà thờ trên hòn đảo này được làm từ một cây búa mà không có các công cụ khác, sau khi hoàn tất công việc, người thợ cả đã ném cây búa xuống hồ.

Trên khắp vùng hồ Onezh tổng cộng có khoảng 5.000 hòn đảo, phần lớn trong số đó rất nhỏ, nhiều đảo có kích thước khoảng 4-5m2, trong khi  một số đảo khác lại khá lớn, có đảo dài tới 35 km. Các ghi chép đầu tiên nhắc tới Kizhi có từ thế kỷ XII và vào thế kỷ XVI, gần 100 ngôi làng tụ trên đảo Kizhi quần tụ 100 làng.

Nằm trên đảo Kizhi giữa lòng hồ Onezh, nhà thờ Biến hình hoàn toàn bằng gỗ cổ xưa hết sức độc đáo.

Bắt đầu từ cấu trúc mái vòm đơn giản, các công trình bằng gỗ ở Nga dần đạt đến độ tinh xảo và ngày càng phức tạp. Không sử dụng bất kỳ chiếc đinh nào, những người thợ mộc tài hoa đã tạo nên các khối kiến trúc vô cùng tinh xảo. Đó là nhà thờ hình cầu 24 mái vòm ở Vytegra (xây dựng năm 1708 nhưng đến năm 1963 bị thiêu rụi) hay nhà thờ nổi danh với tên gọi “Nhà thờ Biến hình (của Chúa) với 22 chóp mái và hàng trăm khung tranh thánh kiểu barốc tuyệt đẹp được xây dựng từ năm 1714, vẫn còn nguyên trạng, là công trình kiệt xuất nhất và đáng chú ý nhất của quần thể kiến trúc ở Kizhi.

Được cho là mô phỏng theo hình mẫu của nhà thờ Pokrova Presvyatoi Bogoroditsy (xây dựng năm 1708) ở tỉnh Vologda, nhà thờ Biến hình được xây dựng tại khu vực trước đây bị sét đánh nhiều nhất. Tên tuổi thực sự của những người xây dựng ra nó hiện nay vẫn không rõ. Với chiều cao đến 37m và được xem là công trình kiến trúc bằng gỗ cao nhất thế giới. nhà thờ được xây dựng theo truyền thống của nghề mộc Nga - không có đinh (ngoại trừ các "lớp vảy" trên các "lưỡi cày" của mái vòm, tại đó chúng được gắn với nhau bằng các đinh nhỏ).

Theo công năng thì nhà thờ này thuộc loại "nhà thờ mùa hè", mùa đông không thể tiến hành làm lễ ở đây được. Nhà thờ Biến hình đại diện cho các loại nhà thờ nhiều tầng hình bát giác. Thành phần cơ bản của công trình là thành gỗ bát giác phân bổ theo các hướng chiếu sáng. 22 chóp mái hình củ hành - hình khối phổ biến trong kiến trúc chính thống giáo Nga - được sắp xếp thành các tầng. Hình dạng và kích thước các chóp mái lại thay đổi theo tầng, tạo ra một hình dáng đặc biệt. Phòng ăn được đóng lại bằng các cánh cửa có ba trục lăn. Lối vào nhà thờ được làm thành dạng bậc tam cấp, hai lối vào có mái che trên các côngxon. Khung tranh tượng thánh có 4 tầng, tạo thành từ 102 tranh thánh.

Niên đại của khung tranh thánh vẫn chưa được xác định một cách chính xác: Về cơ bản nó có từ nửa sau thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX. Các tranh thánh theo thời gian vẽ và các nét đặc biệt của kiểu dáng có thể chia thành 3 nhóm chính: hai tranh thánh cổ nhất là "Biến hình" và "Pokrov". Đặc biệt, thành gỗ của nhà thờ được dựng lên mà không có móng đá, chỉ ở nhà thờ phụ bên hông phía tây của nhà thờ này mới có móng đá. Tại các kết cấu ẩn, người ta dùng các chi tiết làm từ gỗ bạch dương. Còn các "lưỡi cày" làm từ gỗ liễu hoàn diệp.

Những nhà thờ đầu tiên được dựng bằng gỗ đã không còn tồn tại đến ngày nay do điều kiện thời tiết khắc nghiệt mùa đông. Lại có những nhà thờ bị bỏ hoang dưới thời Xôviết, khiến chúng bị mục nát, hư hỏng, thậm chí có kiến trúc còn bị đốt bỏ.

Khi nghệ sĩ về vẽ tranh minh họa truyện dân gian nổi tiếng ở Nga Ivan Yakovlevich Bilibin có dịp đến thăm những nhà thờ này, ông đã đem lòng yêu mến những công trình gỗ tuyệt vời. Bằng nỗ lực của bản thân, ông đã quyết định vẽ tranh bưu thiếp đem bán để gom tiền phục dựng lại kiến trúc cho những nhà thờ đã bị hư hỏng.

Q.H. (tổng hợp)
.
.