Chuyện chưa biết về hơn 20 năm mỏi mòn tìm con gái mất tích của một nhà thơ

Thứ Tư, 28/12/2016, 15:47
Giữa chốn đông người, nhà thơ, tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng với mái tóc bạc trắng nhưng gương mặt không giấu nổi những nỗi buồn của một người mang trong mình một nỗi đau quá lớn đã đeo đẳng suốt hơn 20 năm qua. Cũng đã ngần ấy năm ông đi tìm người con gái mất tích trong mỏi mòn hy vọng...


Những ngày Hà Nội vào đông, tôi có dịp gặp ông, giữa ồn ào của buổi ra mắt cuốn sách về Gia tộc tổng thống Putin trong Hội trường của Đài tiếng nói Việt Nam. Giữa chốn đông người, nhà thơ, tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng với mái tóc bạc trắng nhưng gương mặt không giấu nổi những nỗi buồn của một người mang trong mình một nỗi đau quá lớn đã đeo đẳng suốt hơn 20 năm qua. Cũng đã ngần ấy năm ông đi tìm người con gái mất tích trong mỏi mòn hy vọng. Nỗi đau không thể so sánh, nhưng nỗi đau hoang hoải đi tìm một cô con gái mất tích trong suốt hơn 20 năm, dường như là nỗi đau tột cùng không thể gọi thành lời...

Chuyến đi định mệnh

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng trầm ngâm khi tôi hỏi lại câu chuyện về người con gái bị mất tích của ông cách đây 20 năm: "Chuyện đã cũ rồi, cũ mà mới. Cũ mà vẫn hy vọng mỏi mòn. Nhắc đến thêm đau lòng. Đau lòng rồi lại hy vọng một ngày nào đó trong cuộc đời được gặp lại con gái thân yêu. Đó cũng là lý do gia đình chúng tôi ở lại nước Nga cho đến tận ngày hôm nay vẫn không trở về. Tôi vẫn có hy vọng rằng, trong những ngày còn lại của đời mình, ở đâu đó trên một con phố của đất nước Nga xa xôi mà gần gũi, chúng tôi sẽ được gặp lại cô con gái bé bỏng ngày nào, được ôm lấy con trong vòng tay cho thỏa nỗi nhớ thương, mong đợi...".

Câu chuyện của nhà thơ, tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng được giới truyền thông đề cập đến đã nhiều. Trước khi gặp ông, tôi cũng đã từng được nghe kể câu chuyện của ông. Biết đâu đấy, thông qua một bài báo, một mẩu tin nhắn, một dòng chia sẻ trên mạng xã hội hoặc bất cứ đâu đó, sẽ giúp gia đình ông tìm thấy một dấu hiệu về người con gái đầu lòng mất tích đã 22 năm có lẻ của mình.

Nhà thơ, tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng.

Theo dòng hồi tưởng, ông kể lại câu chuyện mà ông đã thuộc từng lời bởi nó đã đi theo ông suốt những bữa ăn, ám ảnh ông trong từng giấc ngủ. Đôi khi ông chỉ mong rằng, đó chỉ là một giấc mơ độc địa và là một cơn ác mộng thoáng qua trong một giấc ngủ dài.

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng sinh 1953 tại Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông được đào tạo học hành căn bản, học chuyên văn từ nhỏ, lại sinh ra trong một dòng tộc có truyền thống khoa cử, văn chương Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ… 

Sau khi được giữ lại khoa Văn học - ĐH Tổng hợp giảng dạy chừng hơn chục năm, vào quãng năm 90, ông cùng vợ, bà Đặng Kim Tiến được cử đi làm nghiên cứu sinh về văn học Nga tại ngôi trường danh tiếng - ĐH Tổng hợp Lomonosov. Luận án ấy được đánh giá xuất sắc. Cứ đường đường chính chính ra, ông sẽ trở về nước, sẽ có một vị trí trong xã hội, sẽ đào tạo các thế hệ học trò, sẽ hướng dẫn thạc sĩ, tiến sĩ, sẽ được phong Giáo sư, nghĩa là mũ mão cân đai đủ cả. Cho đến nay, ông là tác giả của 7 tập thơ, hai tập truyện ngắn, hai tập Giáo trình giảng dạy, một tập chuyên luận về Gogol dày hơn hai trăm trang và hàng trăm bài báo...

Nhưng rồi năm tháng định mệnh ấy đã có một tai họa ập đến với gia đình ông. Cô con gái Quỳnh Nga sinh năm 1981, theo cha mẹ sang Nga từ năm 11 tuổi, vì những thành tích xuất sắc trong học tập của con nên bố mẹ đã hứa thưởng cho con một chuyến đi chơi biển vào mùa hè năm cháu lên 13 tuổi, học lớp 6. Đang thời điểm bảo vệ luận án hai vợ chồng đều bận rộn nên gửi con cho gia đình người bạn đến nghỉ mát ở bãi biển Sochi, miền Nam nước Nga. 

Ở Moscow, giữa lúc đang quay cuồng vì luận án tiến sĩ, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng nhận được điện thoại từ Sochi của vợ chồng người bạn báo tin con gái ông đã mất tích! Chiều hôm đó, khi vợ chồng người bạn xuống tắm biển, Quỳnh Nga đã ngồi trên bờ nói chuyện với một người phụ nữ Nga. Lúc lên bờ, họ không thấy cô bé đâu nữa...

Ngay khi nhận được cuộc điện thoại ấy, ông đã gửi lại cô con gái thứ hai Nguyễn Thảo Nguyên, sinh năm 1991, cho bà nhũ mẫu người Nga, vượt chặng đường dài hơn 2.000 cây số xuống Sochi tìm Quỳnh Nga. Tuần đầu, không kể ngày đêm, ông lùng sục mọi chốn tìm con. 

Cứ như vậy, ông không ăn, không ngủ, không buồn để ý đến bản thân mình. Đến khi tình cờ nhìn thấy mình trong một tấm kính ở cửa hiệu bên đường, ông đã thấy tóc mình bạc trắng. Vợ chồng ông đã thuê một căn phòng ở Sochi sống tạm qua ngày để tìm kiếm con gái trong 6 tháng trời. 

Ở thời điểm đó, câu chuyện của gia đình ông đã gây chấn động cả một vùng rộng lớn của nước Nga. Vùng biển Sochi không ngày nào ngớt những tàu, thuyền dò tìm dưới biển. Nhiều người đoán rằng, có thể cô bé đã bị sóng cuốn đi, hoặc đã bị bắt cóc.

Gia đình nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng .

Trở về Moscow trong nỗi đau khổ tận cùng, ông và vợ vẫn không ngừng tìm kiếm con. Cô con gái đầu lòng bị thất lạc đã làm đảo lộn toàn bộ cuộc sống không chỉ riêng ông mà cả gia đình, đã làm cho toàn bộ cuộc đời ông chuyển theo hướng khác. 

Ông và vợ đã từ bỏ mọi thứ dành cho mình ở phía trước để ở lại nước Nga với một niềm hi vọng gặp lại con. Và bằng một niềm tin thiêng liêng, mãnh liệt, ông tin rằng con gái mình vẫn đang còn sống, hiện đang ở đâu đó và sẽ có ngày hội ngộ. Không trừ một tỉnh nào trên đất Nga mà ông không có mặt. Ông còn nhờ bạn bè người Việt, người ngoại quốc tìm manh mối trên khắp các nước thuộc Liên bang Nga hoặc các nước Âu, Á lân cận... 

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ: "Chúng tôi ở lại thì phải đối mặt với mưu sinh. Tôi không biết làm ăn kinh tế, chỉ có mỗi khả năng viết lách và đối ngoại. Cũng có lần tôi vào làm chân văn phòng cho một công ty người Việt, nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, rồi đành trở về nghiệp bút sách. Làm cộng tác viên khoa học ở trường Lomonosov trước đây còn có tiêu chuẩn nhà cửa, nhưng sau này, những chế độ này đã thay đổi. Vợ chồng tôi phải thuê nhà ở ngoài và đi tìm con gái. Tôi đã cố gắng hết sức, đã đi khắp bốn phương, đã ngửa mặt cầu xin khắp chốn, đã chấp nhận một cuộc sống chật vật, đã chịu biết bao nhiêu điều đắng cay mà bút giấy không thể nào tả xiết. Khi mọi thứ đã không ở trong bàn tay mình, tôi chỉ biết phó thác cho mệnh số và treo mảnh lòng xót thương của mình vào chiếc đinh hi vọng. Đêm mùa Đông ở Nga dài như vô tận. Từ 5 giờ chiều, trời đã sẩm tối, đường phố đã lên đèn; mãi đến 9 giờ sáng, khi cảnh vật lờ mờ trong hơi lạnh, thì đèn đường mới tắt, nhường chỗ cho ánh sáng ban ngày hiu hắt như trong cõi mù sương. Đã có không biết bao đêm đông, tôi đứng hàng giờ bên cửa sổ, vai trùm một tấm chăn mỏng ngắm những bông tuyết rơi miên man, chỉ mong chờ có phép lạ nào đó mang con gái về trước mặt mình...".

Rồi những câu thơ đã cho ông vịn hồn mình vào để nguôi ngoai nỗi đau đớn tận tâm can: "Ba không tị với người ta/ Nhà mình phúc mỏng mới ra thế này/ Ai mơ viên mãn, đủ đầy/ Ba cam phận bạc, trông ngày gặp con". Rồi: "Bỗng trong mưa bụi trắng trời/ Tiếng ai nhắn gọi, hay lời tháng năm/ Dặm về, nẻo vắng xa xăm/ Chiều đông thấm mỏi bước chân độc hành...", "Đã chớm lạnh cơn mưa đầu tháng chín/ Gió thay chiều, đổi hướng những hàng cây/ Rồi băng giá sẽ phủ đầy sông vắng/ Con ở đâu trên cõi nước Nga này?...".

Nhà tiên tri mù Vanga ban thêm hi vọng

Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ rằng, trong những tháng ngày đằng đẵng ấy, ông không còn nhớ nổi mình đã trải qua bao đêm dài trăn trở của nước Nga mênh mông. Ông đã từng ngả lưng trong những cánh rừng đêm hè ấm áp, từng cuộn mình trong lều da bạt khi xung quanh tru lên những tiếng sói săn mồi hay từng duỗi chân bên những bếp lửa rực hồng tận cực Bắc lạnh dưới 50 độ âm, chỉ mong tìm được con. Có những lúc tưởng như sức tàn lực kiệt, nhưng ông vẫn không ngừng hi vọng. Với ông, từ phút đầu tiên sau khi biết tin con mất tích, ông vẫn tin rằng, con gái vẫn còn sống, dù những nỗ lực tìm kiếm của ông đều đi vào ngõ cụt.

Một ngày, cơ duyên đã giúp ông được biết đến nhà tiên tri mù Baba Vanga ở tận đất nước Bulgaria xa xôi, lời tiên đoán của bà đã gieo vào ông niềm tin vững chắc cho đến tận bây giờ. Nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng kể lại: Năm 1996, một người bạn của ông là nữ hiệu phó Trường đại học Tổng hợp Sofia (Bulgaria) khi sang làm Tiến sĩ Khoa học ở Trường đại học Lomonosov đã biết được câu chuyện của ông. Người bạn này đồng thời cũng là bạn thân của trợ lý của nhà tiên tri Vanga. Quá xúc động và đau lòng trước chuyện đời ông, người bạn đã nhờ trợ lý của bà Vanga truyền đạt lại câu chuyện với nhà tiên tri. 

Trước đó, ông đã được nghe rất nhiều câu chuyện về nhà tiên tri nổi tiếng với những tiên đoán trước về số phận con người, nhưng được gặp bà là điều mà ông không tưởng đến. Thời điểm đó, chỉ có những nguyên thủ quốc gia mới có cơ hội gặp nhà tiên tri Vanga. Nhưng khi nghe kể về câu chuyện của Nguyễn Huy Hoàng, bà Vanga đã cho vợ chồng ông một cuộc hẹn.

Phải vất vả lắm, vợ chồng ông mới sang được Bulgaria. Nhưng khi ra đến sân bay, ở cửa soát vé, ông mới ngã ngửa ra, nhân viên sứ quán Bulgaria đã quên không đóng dấu vào visa của vợ chồng ông. Lại một lần nữa, ông tin vào duyên số, rằng, ông chưa có duyên để được gặp bà Vanga. Bất lực rời sân bay trở về nhà, con đường đó đi qua nhiều khu rừng hun hút, Nguyễn Huy Hoàng thấy bước chân mình, trái tim mình trĩu nặng… Không cầm lòng được trước nỗi đau khổ của Nguyễn Huy Hoàng, người bạn Bulgaria của ông một lần nữa đến nhờ bà Vanga. Nhà tiên tri đồng ý xem số phận cho con gái ông thông qua đồ vật.

Theo lời chỉ dẫn của nhà tiên tri Vanga, Nguyễn Huy Hoàng lấy 3 viên đường nén đặt vào lòng bàn tay mình. Bà Vanga căn dặn: "Người cha phải truyền được năng lượng qua những viên đường đó". Nhớ lời của nhà tiên tri, khi đặt 3 viên đường nhỏ trong lòng bàn tay, Nguyễn Huy Hoàng úp bàn tay còn lại lên, ông ngồi tĩnh lặng và truyền năng lượng. Cho đến khi bàn tay nóng ran, ông bỏ 3 viên đường vào một chiếc lọ thủy tinh, có nắp đậy kín. Sau đó, ông gửi lọ đựng 3 viên đường, cùng hai món quà tặng là một chiếc khăn quàng Nga và một con búp bê đến bà Vanga.

Khi nhận được 3 viên đường ông gửi, bà Vanga mở ra và đặt chúng vào lòng bàn tay mình và nắm chặt. Thông thường, khi tiên đoán số phận cho những ai trực tiếp đến gặp mặt, bà Vanga thường đốt nến làm lễ và cảm nhận năng lượng trực tiếp từ người đó. Tuy nhiên, khi đặt 3 viên đường của ông gửi trong tay, bà Vanga tĩnh lặng trong giây lát, rồi bắt đầu tiên đoán. Những lời nói của bà lúc ấy đều do người trợ lý ghi lại và sau này gửi về cho ông Hoàng.

Quỳnh Nga.

Bức thư của bà Vanga nói rõ: "Ta không thể nói cho anh biết anh sẽ tìm được con gái của anh như thế nào nhưng con bé vẫn còn sống. Và vợ chồng anh sẽ gặp lại con bé ở nước Nga!". Bà Vanga đã nhận chiếc khăn choàng như một món quà từ ông Hoàng, nhưng đã trả lại con búp bê như một món quà dành cho Quỳnh Nga sau này.

Theo lời người bạn Bulgaria, thời điểm đó bà Vanga đã rất yếu vì tuổi già. Kể từ đó, trong lòng nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng lại thêm một niềm hy vọng lớn lao, rằng một ngày nào đó, khi ông đang bước đi trên đường, như trong chuyện cổ tích, ở một góc phố nào đó, cô con gái đầu lòng của ông sẽ xuất hiện trước mặt ông trong niềm vui òa vỡ.

Vẫn đợi vẫn chờ

Song hành với việc tìm kiếm bằng việc đi tìm con khắp bốn phương trời không ngơi nghỉ, nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng lập trang web tìm con bằng nhiều thứ tiếng http://seekmissingdaughter.site90.com/index.html và trang mạng xã hội Face book "Tìm con gái nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng". Ông và gia đình vẫn dành riêng cho Quỳnh Nga một căn phòng với đầy đủ những vật dụng của con từ xưa đến nay, để mong con một ngày trở lại.

Dù 22 năm trôi qua đằng đẵng nhưng ông chưa một ngày nào nguôi ngoai niềm tin sẽ gặp lại cô con gái bé bỏng ngày nào của mình ở phương trời nào đó bây giờ có thể con đã là một người phụ nữ trưởng thành 35 tuổi. Ông thương con, thương vợ, thương cả cuộc đời đầy đau đớn của số phận mình. Như trong bài thơ "Nếu có thêm một cuộc đời" ông trao gửi: "Nhân thế ai cũng như nhau hết thảy/ Từ kẻ sang hèn đến những vĩ nhân/ Đều được sinh ra và trở về với đất/ Ba là người bình thường như bao người khác/ Lẽ dĩ nhiên chỉ có một cuộc đời/ Nhưng nếu như phép nhiệm màu có thật/ Ban cho ba có thêm một cuộc đời/ Thì tất cả vẫn dành cho con hết/ Đứa con gái đầu lòng lưu lạc của ba ơi...!".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.