Nhà thơ tất bật thương trường

Thứ Sáu, 28/03/2014, 15:50

Nhiều nhà hàng đóng cửa, nhiều cửa hiệu treo biển “cho thuê” đến cả năm trời không ai đoái hoài, nhiều căn nhà xây xong thô rồi để mặc nắng mưa chủ nhân không thèm một lần thăm viếng, nhiều người bán dần gia sản để trả nợ… đó là tình trạng chung của kinh tế thời suy thoái. Vậy, những nhà văn nhà thơ, những nghệ sĩ… làm kinh doanh họ đang “chiến đấu” thế nào với đồng vốn của mình. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng nhà thơ Vũ Từ Trang, nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương và ông Nguyễn Bảo Sinh về câu chuyện này…

Nhà thơ Vũ Từ Trang: "Kinh doanh là sự hành xác"

Phóng viên (PV): Thưa nhà thơ Vũ Từ Trang, vừa qua, ông cho ra mắt hai tập sách, một tập thơ “Những vòng tròn đồng tâm” và một tập ký chân dung “Nhà văn độc hành độc bộ”. Tuy nhiên, đọc thơ văn của ông, tôi có cảm giác rằng, trong cõi văn này, ông luôn đồng cảm với những thân phận nhà văn cô đơn, khốn khổ đến tận cùng nhưng lòng yêu văn chương thì luôn như một sợi dây đeo đẳng kéo dài bất tận…

Nhà thơ Vũ Từ Trang: Đó là những số phận mà tôi đã được gặp gỡ, tiếp xúc, chứng kiến. Những con người mà sống chết thế nào họ cũng phải yêu tận cùng cõi văn mà họ đã trót theo đuổi. Nhiều số phận nhà văn không gặp may mắn, cứ nghèo, cứ khổ, cứ chịu nhiều sự nghiệt ngã thì càng cứ đeo đuổi văn chương mãi, theo đuổi cái đẹp như nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Hoài Anh, Lê Bầu… hay ngay cả Lưu Quang Vũ, anh cũng đã từng rất khổ, rất cô đơn, hoặc cuộc đời "xiêu vẹo" như nhà thơ Quang Dũng…

Những số phận lận đận, những tâm hồn cô độc ấy không hiểu sao cứ ám ảnh tôi. Bởi vì bản thân tôi, cũng từng có một thời như thế và chỉ có thơ văn mới cứu cánh được tâm hồn mình…

PV: Ngoài tư cách là một nhà thơ, một người viết chân dung rất đa chiều, còn là một người làm kinh doanh đồ gỗ nội thất khá có tiếng. Hẳn là ông đã vượt qua được những khủng hoảng của thời cuộc để có thể đứng lên với thương hiệu đã có nhiều năm liền của mình?

Nhà thơ Vũ Từ Trang: Kinh doanh thì phải có chiến lược để có thể đứng vững. Nhưng thực sự tôi không muốn nói đến chuyện này. Vì xét cho cùng, có nhiều lời nói ra nói vào xung quanh việc nhà văn đi kinh doanh. Xét cho cùng cũng là một sự hành xác. Giờ không thể không làm vì mình đã cưỡi trên lưng ngựa. Nhiều người công nhân gắn bó với mình nhiều năm nay, mình không thể bỏ họ được. Tôi không muốn mọi người nhìn mình như một nhà doanh nghiệp khoác trên mình chiếc vỏ thơ ca nhằm làm cho nó thêm sang trọng, mà thực sự, vì cuộc sống nên nhà thơ phải bươn chải để sống.

Tôi nhớ một câu thơ của cụ Vĩnh Mai: “Nhà văn nhà báo nhà thơ/ Thế mà cũng phải bơ vơ không nhà”. Tôi không muốn rơi vào thân phận của những người cầm bút như thế. Nhưng trong quan niệm của tôi, làm được bài thơ hay quý hơn tất cả mọi thứ.

PV: Rõ ràng chân dung nhà văn thời nay không cần phải nghèo, và tôi thì cảm thấy kính nể những người có đầu óc kinh doanh giỏi mà vẫn đều đặn ra mắt những tập thơ văn như ông…

Nhà thơ Vũ Từ Trang: Tôi là một kẻ rị mọ. Xét cho cùng thì số phận của nhà văn nhà thơ đều lầm lũi, cô đơn mà không có một cái giá nào có thể mua được. Tôi đã đi qua giai đoạn đói nghèo, nhưng ở giai đoạn nào đối với tôi, đền đài văn chương vẫn là một thứ hút mình vào dẫu khổ sở, vất vả đến mấy.

Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương: "Tôi chỉ trụ được một thời gian ngắn nữa thôi"

PV: Thưa nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương, chị là một trong số những nữ nhà văn dám dấn thân và chịu nhiều trải nghiệm trong cuộc sống với sự bon chen trong kinh doanh bằng đủ nghề để kiếm sống: từ buôn bán mỹ phẩm, buôn bán đất đai, và giờ đây, thời kỳ bão giá mọi người cắt giảm chi tiêu, thu đồng tiền về túi an toàn thì chị lại bỏ ra hơn tỉ bạc để kinh doanh spa và mát-xa chăm sóc sức khỏe. Chị "đương đầu" với khủng hoảng thế nào?

Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương: Năm vừa rồi kinh tế khó khăn, nên tôi chỉ cầm cự chứ không có lãi, trong khi đó lại vất vả. Mình bỏ tiền ra kinh doanh thì phải chịu đương đầu thôi, nhưng cũng oải lắm. Chắc có lẽ tôi chỉ trụ được một thời gian ngắn nữa thôi. Tôi đang tìm đối tác để chuyển nhượng mà chưa có. Âu cũng là cái số đúng lúc mình mở thì kinh tế khủng hoảng, đáng lẽ mình không nên lao vào thì tốt hơn. Thôi thì cái vận đen đến, biết làm thế nào được!

PV: Có lẽ thời kinh tế thị trường, suy thoái tràn lan, thì mỗi nhà văn đều phải tính toán kỹ lưỡng, dù chị là một nhà văn có "tiếng" là rất "ham" kinh doanh?

Nhà thơ Đặng Thị Thanh Hương: Tôi biết. Nhưng nhưng tính tôi là vậy, cứ phải luôn chân luôn tay mới yên được. Nhưng quả thật, khi bỏ tiền ra để khẳng định một thương hiệu mới không hề đơn giản. Bởi vậy mà khi mở xong cái spa này, khai trương được một vài tuần tôi bắt đầu thấy… oải! Bỏ ra hơn một tỉ, hằng ngày thu về được đôi triệu mà chưa tính các khoản tiền chi tiêu như thuê nhà, thuê nhân viên, tiền điện nước, tiền nguyên vật liệu… là thấy mình tự làm khó mình. Ngày ngày tôi vẫn phải đi làm công việc của mình ở Báo Vietnamnet. Tan sở cái là chạy về ngay cửa hàng, như một con thoi tất bật. Bạn bè thân thiết gặp tôi đều thắc mắc sao lại đi bỏ một cục tiền chẵn để nhặt từng đồng tiền lẻ như thế. Nếu là họ, họ cứ gửi tiết kiệm, hằng tháng cũng đã có một khoản sống đủ rồi…

Số của tôi vất vả. Vất vả đủ đường. Sinh ra làm phụ nữ nhưng lại phải bon chen trong thương trường, tự lo cho mình để tồn tại trong đời sống, trong kinh doanh. Ai cũng nói số tôi sướng vì suốt ngày cười nói với mối quan hệ rộng, với công việc báo chí, kinh doanh, sống rộng rãi với bạn bè… Nhưng đêm đến, đối diện với chính mình lại thấy cô đơn, trống vắng khủng khiếp vì không có một sự sẻ chia tri âm nào, không có một bờ vai nào đủ rộng để mình nương tựa. Phụ nữ đôi khi yếu đuối lắm.

Bởi thế, các tập sách xuất bản của tôi đều có một cái tên đầy thân phận: "Những con ốc chờn ren", "Trà nguội"… Nhưng thôi, kể khổ giờ cũng chả giải quyết vấn đề gì, đành phải cố thôi. Đâm lao thì phải theo lao đến cùng chứ còn biết làm sao bây giờ… Sắp tới tôi có ý định sẽ ra nước ngoài (có thể là Mỹ) để kinh doanh nhà hàng ăn uống. Hy vọng dự tính của mình lần này sẽ thành công.

Ông Nguyễn Bảo Sinh: "Khủng hoảng" không có trong từ điển của tôi

PV: Thưa ông Bảo Sinh, có thể nói ông là một trong những người làm thơ kiếm tiền giỏi nhất Việt Nam với chỉ một bài thơ được ông gọi là "kinh chúng chó mèo" nhằm phục vụ những lễ cầu siêu cho chó mèo mà ông kiếm bộn tiền, thực sự là đến cả người làm kinh doanh giỏi nhất cũng phải kính nể?

Ông Nguyễn Bảo Sinh: Tôi không chối bỏ điều đó. Đối với tôi, cụm từ khủng hoảng không có trong từ điển của mình. Nếu có thì chỉ có khủng hoảng chất xám. Là vì anh không chịu đầu tư suy nghĩ để làm cho mình có những lợi thế mà vượt qua những ảnh hưởng của bên ngoài.

Tôi không biết người khác thế nào chứ riêng tôi thì trong cái khủng hoảng tôi lại làm ăn tốt hơn, trong cái khó lại có cái hay mà mình biết tư duy thì mình sẽ thắng. Tôi biết sáng tạo theo cách riêng của mình. Khó là khó ở chỗ phải biết sáng tạo, phải biết tận dụng khả năng văn chương, thơ phú để làm kinh tế chứ không nên rạch ròi hai thứ đó. Tôi khẳng định luôn là không ai có cách kiếm tiền giỏi như tôi trong việc kinh doanh chó mèo.

Tôi nghĩ ra một bài kinh (mình nói kinh là hỗn đấy, vì kinh là dành cho đức Phật), thực chất là một bài thơ tôi viết ra để cúng cầu siêu cho những con chó, con mèo đã chết được đặt ở nghĩa trang chó mèo tại vườn nhà tôi. Mỗi lần làm lễ cầu siêu chó, mèo, đọc bài thơ trong 5 phút tôi thu một người chừng 3 triệu đồng, một ngày chỉ cần làm một cuộc đã đủ sống. Chưa tính là những ngày làm đại lễ cầu siêu.

Dĩ nhiên đại lễ thì tùy tâm chứ không quy định bao nhiêu tiền, vì đại lễ thường là số lượng người đến rất đông, chừng 300-400 người nên không có giá cụ thể. Có nhà kinh doanh nào làm được như tôi không? Chỉ hai năm nay, tôi đã có thể tự hào mình bán bài thơ này với giá đắt nhất thế giới. Tôi sử dụng năng lượng làm văn chương để rút ruột ra bài thơ này, mà tôi viết từ tâm mình thật, đọc lên có người còn khóc. Qua kinh doanh chó mèo, mình kinh doanh thơ của mình. Điều này, chỉ có tôi mới nghĩ ra.

PV: Theo ông, tại sao nhiều người lại tín nhiệm ông trong việc cầu siêu chó mèo? Phải chăng là do phú quý sinh lễ nghĩa?

Ông Nguyễn Bảo Sinh: Một phần là thế, nhưng một phần là vì ngày nay, văn hóa tâm linh đang chiếm lĩnh chúng ta. Đó là không phải là mê tín, mà khi đời sống khấm khá hơn, người ta cũng muốn trân trọng những con vật đã từng gắn bó với mình, như một người thân, muốn tưởng nhớ nó theo một cách nào đó. Tôi đã biết trước điều này để có thể chuẩn bị một cách tốt nhất những dịch vụ dành cho những con vật cưng của các gia đình, điều mà trên thế giới, người ta đã có từ rất lâu.

Tôi nghĩ, không phải ngẫu nhiên mà ở phương Tây người ta lại yêu chiều chó mèo đến thế. Ở khía cạnh này tôi không bàn về kiếp luân hồi, nhưng cần phải khẳng định rằng, đây là một cách giáo dục thế hệ trẻ. Từ yêu thương con vật, sẽ biết cách yêu thương con người. Tôi có giá cả cụ thể cho từng loại chó mèo khác nhau, từ chăm sóc, gửi gắm, trị bệnh ốm đau… giá của tôi không rẻ, toàn tiền trăm, tiền triệu cả. Vì tiền nào của nấy, đẳng cấp hàng hiệu là giá phải cao nhưng ngược lại, bên cạnh đó, nếu có cháu sinh viên nào nuôi chó, nuôi mèo có bị ốm đau hay bị chết mà mang đến đây, có khi tôi không lấy tiền. Là vì tôi muốn các cháu phát huy tinh thần yêu thương động vật. Thà chúng nó nuôi chó, nuôi mèo còn hơn nhảy vào thuốc lắc, ma túy. Đấy, trong thời nào tôi cũng nghĩ ra cách kiếm tiền. Quan điểm của tôi là "vui chơi có thưởng". Chơi nhưng phải có tiền mới chơi. Làm gì vui thì vui nhưng cũng phải có tiền.

PV: Đây có thể coi là nghề kiếm bộn tiền mà vốn liếng đôi khi không cần quá nhiều. Ông có định "truyền nghề" cho các con của mình?

Ông Nguyễn Bảo Sinh: Tôi đến với nghề nuôi chó mèo cũng như một cái duyên, một sự may mắn của số phận. Tôi vẫn nhớ, ngày tôi còn nhỏ chừng 7 tuổi, có lần vào chơi với con chó đẻ bị nó cắn cho hai phát vào mặt (bây giờ vẫn còn sẹo), lớn lên, mải chơi quá, bố tôi tức quá bảo: "Đời mày rồi chó nuôi con ạ!".

Thế mà rồi câu nói ấy vận vào cuộc đời mình thật. Tính đến nay, tôi đã làm nghề nuôi chó 45 năm. Cũng nhờ vậy, tôi gặp được nhiều văn nhân, bè bạn là nghệ sĩ. Nhiều người tài giỏi đã đến đây cùng đàm đạo thơ văn. Nhiều người đến mua chó, mua mèo, rồi có nhiều người lại gửi hỏa táng những con vật nuôi yêu quý của mình như: Giáo sư Hồ Ngọc Đại, nhà sử học Lê Văn Lan, đạo diễn Đặng Nhật Minh, họa sĩ Thành Chương, nhà phê bình Lã Khắc Hòa, ca sĩ Tùng Dương…

Mình nuôi chó nhưng thực chất là nó nuôi sống mình, nuôi sống cả gia đình mình mấy chục năm nay đấy chứ. Nói vậy chứ nuôi chó không dễ chút nào đâu nhé. Vốn cũng không nhỏ chút nào. Có người cầm cả túi vàng, tiền kể ra là hàng chục tỉ để kinh doanh chó, thế mà rồi mất sạch, trắng tay sạch đấy. Sai lầm là chết ngay.

Kinh doanh chó mèo là khó nhất trong những ngành kinh doanh. Vì thế mà với các con tôi, tôi không bắt ai theo nghề mình cả. Mặt khác, các con tôi cũng có công việc tốt và kiếm nhiều tiền hơn nhiều so với bố rồi. Trong việc này, tôi học ông Honda, ông nói đại ý, vợ đã có phần của vợ, con có phần con, riêng lãnh đạo hãng Honda phải là người có tài…

- Xin cảm ơn các nhà thơ!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.