Nhà văn Bùi Bình Thi: Giã biệt một "kiếp người"

Thứ Ba, 28/06/2016, 14:30
Từ 8g đến 10g hôm 25/6, tại nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai sẽ diễn ra lễ viếng nhà văn Bùi Bình Thi, sau đó thi hài ông được hỏa táng tại đài hóa thân Hoàn Vũ và đưa về an táng tại quê nhà xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội trong ngày.

Đối với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, con trai nhà văn Bùi Bình Thi, thì sự ra đi đột ngột của cha anh cũng như cách mà ông vẫn thường đi trong suốt cuộc đời là "thích thì đi thôi, chẳng có gì quan trọng cả". Còn họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ, vợ nhà văn, người phụ nữ lặng lẽ phía sau chăm sóc cho cuộc đời ông, có phần bình thản trước cú sốc này. Bà nói với tất cả đức tin: "Chúa đã gọi, thì ông trở về bên Chúa!".

Nhà văn Bùi Bình Thi và con trai - Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên năm 1978.

Dù sao đi nữa, đối với những người biết và quan tâm đến nhà văn Bùi Bình Thi vẫn đầy sự ngỡ ngàng, bởi thường ngày ông khỏe mạnh, vạm vỡ, thậm chí vẫn luôn "ăn to nói lớn", đi lại thong dong, gặp bạn văn với những câu chuyện vui, cười sảng khoái... Nhưng chỉ một cơn tai biến trong đêm, ông đã ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng.

Nhà văn Ma Văn Kháng, một người bạn khá thân thiết của nhà văn Bùi Bình Thi khi được thông báo, đã lặng người, giọng ông trầm buồn đầy tiếc nuối khi kể đến các cái tên bạn hữu trong những ngày gần nhau đã lần lượt ra đi. Mới đây là nhà văn Cao Tiến Lê, giờ lại đến nhà văn Bùi Bình Thi... Những người bạn đầy kỷ niệm. Họ đã có với nhau quá nhiều dấu ấn trong dòng văn học hiện đại Việt Nam, những câu chuyện bên lề cuộc sống, những câu chuyện bên lề văn chương mới như ngày hôm qua, thoáng chốc đã ở hai thế giới...

Nhà văn Ma Văn Kháng dường như là một tính cách đối lập với nhà văn Bùi Bình Thi, nhưng họ lại chơi với nhau khá thân thiết. Những ngày tháng về hưu, tuổi đã cao, ít gặp nhau vì đi lại khó khăn, bất tiện, nhưng họ vẫn gọi điện thoại kể cho nhau nghe những câu chuyện văn chương, cuộc đời, vẫn bàn luận về một vấn đề, một tác phẩm văn chương như tri âm tri kỷ. 

Nhà văn Bùi Bình Thi.

Nhà văn Ma Văn Kháng là người đọc khá kỹ những tác phẩm của nhà văn Bùi Bình Thi. Một cuốn sách để lại trong ông nhiều ấn tượng, đó là tập truyện vừa "Kiếp người", tập truyện đã được giải Nhì của Bộ Quốc phòng nhân kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nhà văn Ma Văn Kháng đã nhận xét: "Kiếp người", tập truyện vừa đặc sắc của nhà văn, cũng như nhiều truyện dài, truyện ngắn của anh là một kết tinh những trắc nghiệm về cuộc đời, về nghề văn quý giá. Trong đó có truyện vừa "Tiền của ông", tôi và nhiều bạn viết thấy hay và lạ. Truyện này cái lạ góp phần chung nhưng cũng là một yếu tố đứng riêng cần thiết bên cạnh cái hay... Nhà văn Bùi Bình Thi có tầm kiến thức văn hóa sâu rộng, am hiểu học thuật nhiều ngành nghề đủ cho nghề viết. Sống với nhau hằng ngày, tôi nhận ra anh hơn tôi ở cái tài phát hiện nét đặc sắc của nhiều sự việc và con người do đã quá thân thuộc mà trở nên quen nhàm, mất cảm giác...".

Nhà văn Mai Quốc Liên từng viết về truyện vừa "Tiền của ông" như sau: "Bùi Bình Thi là cái típ người của phố xá, của thành thị Hà Nội, anh phải quan sát, sống và nghĩ ngợi nhiều lắm mới có thể dựng một câu chuyện như thế. Tuy rằng nó bình đạm nhưng trong cái cốt lõi của nó, nó có nhiều ý nghĩa, nhiều sức gợi tỏa. Và tự đáy sâu của truyện, người ta thấy hiện lên cuộc sống không rạng rỡ, không hùng tráng nhưng mà thấm đẫm tính nhân văn. Bùi Bình Thi đã làm được việc đó một cách thật nghệ sĩ nhưng không ồn ào: anh đã tới cái tuổi mà kinh nghiệm sống đủ lắng để có thể viết một cách giản dị, chân thực mà vẫn hấp dẫn".

Nhà văn Bùi Bình Thi là một nhà văn bộc trực, thẳng thắn. Ông sinh ra trong một gia đình giáo dân theo đạo Tin lành. Cha ông là mục sư tại một xã hẻo lánh ở vùng Sơn Tây. Khi toàn quốc kháng chiến, cha ông tham gia kháng chiến như những công dân yêu nước khác (sau này cha ông được bầu vào Đại biểu Quốc hội khóa III và là Phó Hội trưởng kiêm Tổng thư ký Hội Thánh Tin lành Việt Nam, miền Bắc).

Mẹ ông, ông và các em ông ở lại vùng tản cư, vừa đi học vừa phát nương trồng lúa để sinh sống. Hòa bình lập lại, gia đình ông gặp khó khăn, cả nhà ông trở lại quê nhà cấy hái trồng tỉa trên một mảnh ruộng như mô tả của ông là "toen hoẻn rặt những mả là mả". Ông biết nghề nông từ đó và làm việc như một người nông dân thực thụ trên cánh đồng quê hương.

Chính bởi vậy, sau này, khi viết về nông thôn, nhà văn Bùi Bình Thi có những trang văn chân thực và cuốn hút lòng người. Đó là những trang văn ông viết như để tìm lại tuổi thơ mình một thời gian khó. Ông cũng như nhiều nhà văn thế hệ ông đã được chứng kiến bao nhiêu cảnh bể dâu của chính cuộc đời và số phận mình, bởi vậy, với ông, viết văn là để khích lệ người đọc được chút nào hay chút ấy. Văn học làm cho con người thêm vui, thêm ham sống và làm sao trong một ngày mỗi người nhìn thấy được cái đẹp, cái thiện...

Gia đình nhà văn Bùi Bình Thi.

Cách đây không lâu, tôi có dịp đến thăm gia đình ông ở một khu đô thị ven đô. Ông có hai căn nhà trong một chung cư cao tầng ở cạnh nhau, ông bảo, một căn nhà để ông sáng tác vào mùa đông và một căn nhà ông sáng tác vào mùa hè. Rồi ông chỉ về những hàng cây rợp màu xanh và những áng mây trắng trong tiết trời oi ả bên ngoài khuôn cửa kính trong căn nhà mùa hè của ông. Ông nói trong cảm giác sung sướng vì được ở trong một không gian đầy cảm hứng văn chương để ở tuổi ngoài thất thập cổ lai hy vẫn ngồi bên bàn văn sáng tác.

Ngày xưa, chiến tranh gian khổ, phải kê những tờ giấy đen sì trên đầu gối, giữa tiếng muỗi vo ve và cả tiếng đạn bom chát chúa, vậy mà tâm hồn người đàn ông to cao, vạm vỡ, ăn to nói lớn Bùi Bình Thi vẫn để lại cho đời những trang văn mượt mà với những triết lý về con người, thế sự. Nhìn ông, với gương mặt phương phi, lại cạo trọc đầu, để râu... có lúc không nghĩ ông có thể tĩnh lặng ở đâu đó trong một thế giới văn chương để trải lòng mình cùng trang viết. Ấy thế mà, những trang văn của ông lại thấm đẫm mạch nguồn yêu thương, đầy sự mềm mại, uyển chuyển.

Như điều ông tâm niệm: “Văn học dẫu có nói bất kỳ điều gì về con người và mối quan hệ giữa con người với con người theo tôi cũng chẳng mấy quan trọng, mà chỉ có tình yêu thương là cái đáng nói nhất và nói mãi cũng chẳng bao giờ thấy là đủ". Bởi vậy mà vào tuổi 77, nhà văn Bùi Bình Thi vẫn sáng tác. Ông kể rằng đang viết cuốn tiểu thuyết tâm đắc của đời mình. Ông sẽ cho in và ra mắt trong thời gian tới sau một thời gian dài vừa qua ẩn dật để viết và đầu tư kỹ lưỡng cho tác phẩm này. Nhưng thật đáng tiếc, ông chưa kịp hoàn thành cuốn sách và ra mắt tới độc giả thì đã ra đi đột ngột vì một cơn tai biến.

Trong lần gặp ông gần nhất, ông và tôi có một cuộc nói chuyện dài giữa căn nhà toàn tranh vẽ của người vợ hiền thảo, họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ và các con nổi tiếng thành đạt của mình là đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, con dâu NSƯT Tú Anh, con gái họa sĩ Bùi Thu Thủy. Trong cách nói, ông đầy lòng hàm ơn người vợ tần tảo Chúa ban cho ông, người đã một tay lo cho cả gia đình lớn từ ngày về làm dâu và chăm lo cho gia đình nhỏ hiện tại. Ông bảo rằng, mọi chuyện trong nhà đều một tay "bà nhà tôi" lo lắng sắp xếp.

Bởi vì, cả một thời tuổi trẻ của ông là dài dặc những chuyến đi thực tế sáng tác, những xôm tụ bạn bè văn chương, và "sản phẩm" ông mang về là những cuốn sách dày dặn được đặt trang trọng trên giá sách: "Ký sự Xiêng Khoảng", "Đường về cánh đồng Chum", "Tây Nguyên mùa cày", "Mặt trời trên đỉnh thác", "Mùa mưa đến sớm", "Hành lang phía đông", "Kiếp người"...

Nhà văn Bùi Bình Thi là người ồn ào, nóng nảy, nhưng ở tận sâu thẳm trong tâm hồn, bên cạnh "đao to búa lớn" là một con người dễ tính và cả nể. Trong câu chuyện dài gần hai tiếng đồng hồ, với đủ thứ chuyện trên đời, nhưng qua cách nói của mình, tôi có cảm nhận ông vô cùng tự hào vì có những người con thành đạt, giỏi giang.

Điều ông đặc biệt thích thú là trong căn nhà với những cá tính nghệ sĩ khác biệt ấy của gia đình ông, luôn có sự thuận hòa và trân trọng nhau hết mực. Họ tựa vào nhau để sáng tạo nhưng không bao giờ khen chê của nhau, không đánh giá nhận xét, để tự mỗi cá tính sáng tạo được thỏa sức.

Họa sĩ Nguyễn Thị Mỹ cũng đã chia sẻ: Bà đọc hết tất cả tác phẩm của chồng, cũng như ông, luôn là một khán giả đầu tiên được thưởng thức tranh của bà. Có thể ông bà sẽ góp ý cho nhau, nhưng không nhất thiết phải làm theo ý kiến góp ý đó. Mỗi người đều có một khả năng sáng tạo trong mỗi lĩnh vực và gia đình bà, thực tế là mỗi mỗi người theo đuổi một lĩnh vực, một nhà văn, họa sĩ, đạo diễn, diễn viên, nên luôn là những cá tính sáng tạo riêng biệt. Họ bên nhau cũng chủ yếu nói chuyện về gia đình con cái, chuyện học hành, chuyện họ hàng, ít khi nói đến tác phẩm của nhau, chỉ lặng lẽ cảm nhận và ủng hộ nhau âm thầm từ phía sau.

Nhà văn An Bình Minh, em trai nhà văn Bùi Bình Thi đã chia sẻ: "Trong nhà tôi, tôi và anh Bùi Bình Thi thường đàm đạo, chia sẻ tâm đầu ý hợp hơn cả. Không chỉ vì anh và tôi cùng viết văn mà còn vì chúng tôi từng là người lính. Dạo còn chiến tranh, có một lần tôi hành quân qua Boloven (Lào), thì được tin anh Thi đang ở trong sở chỉ huy của tướng Nguyễn Bỉnh Sơn chỉ cách tôi 2 cây số. Vậy mà không cách gì gặp được anh... Sau này tôi mới biết đó là quãng thời gian quý báu để anh làm nên những tiểu thuyết đồ sộ, bi tráng: “Hành lang phía đông”, “Đường về cánh đồng Chum”, “Xiêng Khoảng mù sương...”.

Mới cách đây 4 ngày trước khi ngã bệnh, anh điện thoại cho vợ tôi (Minh Hà, con nhà thơ Xuân Hoàng), hỏi: "Thiết đâu. Anh gọi nó mà không được...?". Tôi định bụng sẽ điện lại khi anh cười nói vang trời thì... anh đã ra đi. Giờ đây, trong tôi lại sống dậy cảm giác như hồi ở Boloven ấy. Anh Bùi Bình Thi đang ở cách tôi 2 cây số, và chúng tôi đã không có cách gì để gặp được nhau...".

Nhà văn Bùi Bình Thi là người ồn ào, bộc trực, nhưng lại có nhiều may mắn. Những ngày tháng cuối đời ông an nhàn, sung sướng. Dù sống tách bạch các bạn văn ở khu đô thị xanh ở ngoại thành Hà Nội, nhưng ông thỉnh thoảng vẫn bắt xe bus hoặc taxi ra thăm bạn hữu và nắm bắt tình hình văn chương, đời sống thông qua nhiều kênh sách báo khác nhau.

Ông không nhiều bạn, nhưng đã chơi và yêu quý ai thì hết mực quan tâm. Ông có thể gọi điện thoại nói chuyện cả tiếng đồng hồ với rất nhiều câu chuyện từ cổ chí kim, hoặc bàn về một vấn đề thời sự nào đó mà ông quan tâm. Ông có thói quen đọc hằng ngày và đọc rất kỹ. Điều đặc biệt nhất, là khi viết đề tặng ai đó một cuốn sách, ông cũng luôn tỉ mẩn kể lại một câu chuyện, một kỷ niệm với người được tặng, và thường thì lời đề tặng sách của ông có khi... kín cả một trang giấy. Bởi vậy, nhiều nhà văn vẫn dành cho ông những lời chia sẻ chân thành.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ đã viết: "Một nhà văn lao động miệt mài, khối lượng tác phẩm đồ sộ; một tâm hồn hồn nhiên như cây cỏ. Vui đấy, buồn đấy cười và khóc đấy nhưng anh luôn sống đúng với bản ngã của mình".

Thiên tài âm nhạc Wolfgang Amadeus Mozart đã nói: "Tôi cảm ơn Chúa đã độ lượng ban cho mình cơ hội để hiểu rằng cái chết là chìa khóa mở cánh cửa dẫn tới chân hạnh phúc". Và tôi tin rằng, ở nơi của Chúa, nhà văn Bùi Bình Thi đang hạnh phúc bởi có lẽ ông biết rằng, ông đã luôn nhận được nhiều tình cảm yêu thương của những người ở lại...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.