Nhà văn Chu Lai: Gã lãng tử đa tình

Thứ Ba, 11/05/2010, 22:25
Trong những nhà văn quân đội, tôi có cảm tình đặc biệt với Chu Lai. Bởi lẽ khi còn nhỏ ở cùng phố với ông - phố Lý Nam Đế, mà sau này người ta đã bỏ hẳn cái tên vốn có và gọi nó bằng tên trong truyện của ông là “Phố Nhà Binh”. Con phố với cái tên sặc mùi súng đạn lại lung linh một màu xanh lãng mạn của hai hàng sấu cổ thụ bên đường và tiếng ve kêu râm ran mùa hè, là nơi cư trú của hàng trăm gia đình cán bộ cao cấp Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ngày còn nhỏ, khi tôi đang mơ màng khép những trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết "Nắng đồng bằng", rồi hình dung ra dung nhan đẹp đẽ của thần tượng thì chú tôi bảo: "Dung nhan của Chu Lai rất bất thường. Tóc ông xoăn tít, da ông ngăm đen không giống người Việt mình. Chính vì thế mới có giai thoại về cái bút danh lạ lẫm này. Trông dữ dằn vậy nhưng ông lại xuề xòa, hiền lành và tốt bụng nữa...".

Truyện của Chu Lai được nhiều người đọc, ông nổi tiếng đến độ, ở trời Tây xa xôi có hẳn một giai thoại về nhà văn Chu Lai. Người ta đồn rằng, ngày xưa Tây rạch mặt về càn ở làng ông, mẹ ông luýnh quýnh chạy chậm, lại còn bị vấp ngã nữa. Huyền thoại người đàn bà trinh tiết giẫm phải vết chân thần bỗng dưng mang thai ra đời từ đấy. Nhờ câu chuyện “nhảm nhí” này mà mấy chục năm sau văn đàn Việt Nam mới có một nhà văn bút hiệu Chu "Lai" chuyên viết về đề tài chiến tranh.

Run rủi làm sao nhiều năm sau tôi gặp thần tượng của mình, tôi giấu nhẹm cái chuyện giai thoại nghe kể kia đi vì tôi biết rất rõ ông là con trai của cụ Học Phi, một nhà viết kịch có tiếng thời sân khấu là “thánh đường”. Lần đầu chiêm ngưỡng ông, tôi thấy đúng quá, thiên hạ nói quả không sai. Từ đầu đến chân ông rặt một màu đen, tóc ông đen nhánh, da ông đen giòn, đen ngọt, áo quần đen, cả bộ ria đen kỳ lạ làm nên phong một cách Chu Lai. Ông nói năng vâm váp và bặm trợn, lời lẽ rất ngầu của một người lính đã vào sinh ra tử... Sau lần đầu gặp gỡ đó, chúng tôi còn gặp nhau đôi ba lần nữa, mới đây tôi lại vô tình gặp ông trong không khí cả nước nhộn nhịp, tưng bừng chào mừng 35 năm Ngày Giải phóng miền Nam 30-4.

Câu chuyện của chúng tôi loay hoay thế nào, lại bắt đầu bằng cái sự yêu và nghiệp viết của nhà văn, dù rằng giờ ông ở tuổi 65.

Nhà văn Chu Lai: Năm tôi học lớp 6, lớp 7 đã bắt đầu biết láng máng yêu những cô bạn học. Tôi không phải là con người của học đường. Ngày nhỏ lãng mạn và hay buồn lắm. Sông Hồng hồi đó nguyên thủy hoang mạc, bé tí tẹo bỏ học lang thang ra đê, hút thuốc lá Trường Sơn nặng trịch, buồn man mác với sông Hồng. Đó là dấu hiệu của văn chương. Rồi tôi viết, không phải là viết văn mà viết tin. Tin như thế này: "Phố tôi máy nước chảy tràn trề mà không có ai chăm sóc cả bây giờ nhà tôi không có nước còn ngoài đường thì nước rất nhiều". Viết thế, làm gì có nhuận bút đâu.

Sau đó chiến tranh bùng nổ, tôi bỏ lại "thánh đường" sân khấu, bỏ cả Đại học Quân y ở cầu Tó, bỏ sau mình các cô người yêu thôn nữ, những mùa đông trôi qua lặng lẽ cảm thấy vô nghĩa, thế là lại bỏ tất cả đi lên đường chiến đấu. Có cô bạn học tiễn dọc sông Nhuệ nước mắt lã chã thành kỷ niệm. Cái buồn hiu hắt của tuổi thơ cộng với cái lãng tử của dòng tộc nhập vào chiến cuộc, biến thành cái lãng mạn trong chết chóc. Và có một khí lực tự trọng của chàng trai Hà Nội không chịu đầu hàng, không chịu nhục nhã thế là trở thành một người cầm súng chuyên nghiệp cho đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng, năm 1975. Mầm mống văn chương len lỏi, ngọ nguậy ở những năm tháng chiến tranh.

Cứ đến 6 tháng binh đoàn lại thay  quân một lần, thế là tôi ở trong rừng một mình lủi thủi nghe tiếng vượn hót, chim kêu để chờ quân hậu phương tới. Những ngày chờ đợi đó buồn quá lấy giấy ra viết truyện ngắn. Viết xong cũng không biết gửi đi đâu, vì mất liên lạc, thế là cứ viết lại xé, cứ xé lại viết liên tục. Những năm tháng chiến tranh đánh nhau mù mịt đó, viết để tồn tại, viết để lấp đầy chỗ trống, viết để lấp đầy khoảng vắng ghê rợn như một thứ lý liệu pháp. Sau này thời kỳ bao cấp nhưng không viết thì không tồn tại, viết chính là để neo mình vào cuộc đời. Ngày xưa viết để neo mình vào trong chiến tranh...

PV: Là một người lính cầm súng và chiến đấu cho đến ngày đất nước thống nhất, cảm xúc, tâm trạng của ông trong những ngày này ra sao?

Nhà văn Chu Lai: Đoạn đời đẹp nhất của tôi là năm tháng đi chiến đấu ở chiến trường, và ngày đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Hãy nói về quá khứ ngày này cách đây 35 năm. Khoảng 10 ngày sau giải phóng dân tộc, đó là những khoảnh khắc thời gian ăn sâu vào mỗi người lính chúng tôi, con người trở thành ánh hào quang của những vùng mình giải phóng. Có anh bộ đội Cụ Hồ đi vào quán hủ tiếu, người ta bê ra không lấy một xu, nhìn như nhìn thần tượng. Đi ra ngoài đường các xe lam, xe đò, dừng lại, người ta hỏi: "Chú đi đâu chú?"; "Thầy đi đâu thầy?". Oai lắm, và đặc biệt là trong trái tim các cô gái. Hồi đó ông Chu Lai làm trong Ban quân quản thì có ít nhất 5 đến 7 cô, Bách khoa có, Văn khoa có, Luật khoa có... Tất cả đều nhìn ông Chu Lai một cái nhìn đầy nữ tính. Lúc đó tôi chỉ nhìn vào mắt cô nào lâu độ nửa giây thôi là cô ấy thuộc về mình. Không phải giá trị của tôi mà giá trị của Quân giải phóng, hào quang của Quân giải phóng. Bởi vì các cô gái vùng tạm chiếm chỉ thích mô típ người hùng. Đã đàn ông phải là người hùng.

Có một đôi sinh viên ngồi học với nhau, sinh viên nam tỏ tình với sinh viên nữ không được, nhưng bỗng một ngày sinh viên nam đi quân dịch, hai năm sau trở về thành một chàng sĩ quan trung úy đội mũ lệch, ria mép, giầy bốt đờ xô, ngồi xe Zép phóng vi vu trên đường, cô này chao đảo rung động. Năm 1965, lại có một loại người hùng khác, đánh át cái loại người hùng nội địa. Hắn to cao, mắt xanh lơ,  phóng ôtô trên đường Sài Gòn, bay như tia nắng chui xuống gầm xe, cao bồi Tếch-dát, các cô gái vùng tạm chiếm lại thấy ngơ ngác lạ.

Nhưng đến năm 1975, ngày 30-4, lại có người hùng khác, mỏng manh, da xanh xao, vì 10  năm ở trong rừng có  nắng đâu mà hồng hào, trở thành hộ lý hết, nói rất nhẹ, đi rất khẽ. Trông cậu nào cũng thư sinh bảng lảng, các cô gái thấy lạ nhỉ, người hùng gì mà đánh bạt hai người hùng kia, trông lại thư sinh thế này, bắt đầu các cô ấy rung động. Vớ phải kiểu đại đội trưởng đặc công Chu Lai nói dẻo miệng, mà hồi đó  sĩ quan mình toàn những người văn hóa cao, đa phần là những sinh viên lên đường đi chiến đấu...--PageBreak--

PV: Anh là người có khí chất văn chương nhưng tâm hồn lại "có" gươm đao súng ống. Thường thì những tâm hồn văn chương nghệ thuật đa cảm, mỏng manh rất sợ mùi của chiến tranh. Anh ngoại lệ chăng?

Nhà văn Chu Lai: Chẳng có ngoại lệ nào cả, phần lớn ai cũng sợ chiến tranh và không phải đi là tốt nhất. Hồi đó rất nhiều người xung phong ra nhập quân ngũ, có một cái gì nó mơ hồ, trận gió của lịch sử, trận gió của trận mạc, thổi rì rầm ở phía sau lưng của cả một thế hệ khiến cho thế hệ đó khi nhà có biến mà không ra đi vào cõi xa trường thì cảm giác có lỗi với đất  nước. Điều đấy còn lớn hơn là giác ngộ, hô hào khẩu hiệu vớ va vớ vẩn nhé. Lúc đó có một điều rất lạ, nếu khỏe mạnh, chân tay lành lặn mà ở lại hậu phương với người yêu thì cô người yêu sẽ rất xúc động nhưng đôi mắt cô ta nhìn anh cứ mỗi ngày mỗi lùn dần đi, dường như anh không còn là anh. Lúc này trai tráng nam nhi chọn một con đường duy nhất, ra trận.

PV: Với lý tưởng giải phóng dân tộc, khi con người ta xông pha trận mạc giữa sự sống và cái chết, lòng người vẫn thấy phơi phới vì hoài bão lớn lao.

Nhà văn Chu Lai: Phơi phới hoài bão đó là thơ nhé. Động cơ ra đi mãnh liệt, nhưng cuộc sống khổ chứ không phơi phới. Vì đến đơn vị, bập ngay vào những điều khủng khiếp của một con người phải trải qua. Một đêm hành quân chân đi rướm máu, triền miên đói... Cả đại đội của tôi đóng quân ở Thanh Hóa, 300 con người bị hắc lào, ngứa điên dại. Khổ khủng khiếp làm gì có phơi phới, nhưng có một sự tự trọng vô bờ thôi thúc. Vì không đi trong lòng cảm thấy bất ổn, nông thôn làng xóm vắng tanh, trai tráng lên đường ra chiến trận hết rồi chỉ còn người già và phụ nữ làm ruộng.

Ở Hà Nội hỏi đến ai "Đi chưa?" "Đi rồi", "Còn không?" "Đi rồi". Bạn bè đi hết cả, mình không đi ở lại thì bẽ bàng. Mình muốn hòa mình vào dòng đại cuộc. Đơn vị đặc công của tôi đóng cách Sài Gòn 15 cây số nhưng phải đi 10 năm trời mới đến nơi. Như vậy mỗi năm chỉ đi một cây số rưỡi, chỉ có điều mỗi cây số rưỡi đó phải để lại hàng ngàn đồng đội. Cuộc chiến thắng này là cuộc hành binh trên những nấm mồ đẫm máu và ca khúc khải hoàn tức tưởi giữa thành đô. Đẫm máu và nước mắt.

PV: Bi tráng và hào sảng.

Nhà văn Chu Lai: Bi tráng thì đúng hơn. Khi đến đầu dãy núi Trường Sơn hành quân qua bản làng ở Quảng Bình các cô gái nhìn ngưỡng mộ thì đấy là một niềm vui kiêu hãnh, đến khi vào rừng bắt đầu đủ các thứ bệnh tật. Hết hào sảng nhưng lúc đó lòng tự trọng, kiêu hãnh của thằng đàn ông kéo mình đi, cụ thể là mình bị sốt rét ác tính ở dọc đường. Lúc đó mình là trung đội trưởng có quyền trở ra hết đau ốm lại vào. Nhưng mình đã bỏ văn công, bỏ đại học, đi chiến trận, bây giờ lại trở thành một thằng đau ốm bệnh tật mà quay trở ra thì còn ra cái gì. Thế là hai tay chống hai cái gậy lẻo khoẻo cứ đi. Trường Sơn hồi đó kiêu hùng, những đoàn quân đi nườm nượp, những đoàn thương binh sặc mùi dầu lèo.

Đi theo đoàn quân còn có một cô bác sĩ, mình thì cũng thật lãng mạn. Đến một buổi trưa thấy bắp chân cô gái cứ xanh dần theo màu lá rừng vì thiếu chất, lấm tấm những giọt mồ hôi, khi đó tôi muốn cúi xuống hôn những giọt mồ hôi đó. Chẳng ai nghĩ được rằng trong chiến tranh khốc liệt như vậy mà mình vẫn “đĩ” được. Qua trận ốm sốt rét nằm li bì hai ngày, tỉnh dậy đuổi theo đơn vị hỏi cô bác sĩ ấy đâu. Được tin, cô ấy rẽ về miền Trung rồi, bỗng chốc cảm thấy cuộc đời tan nát. Sau này, tôi xuống Lái Thiêu, Thủ Đức tiếp xúc những cô gái giao liên du kích, y tế, kể cả đặc công làm cho mình vỡ ra một mảng văn chương.

PV: Cái đẹp của tâm hồn đa cảm văn chương kết hợp với cái đẹp thuần khiết, trong sáng của các cô gái trong cuộc chiến sinh tử làm những trang văn của người lính cầm bút thêm sinh động, phong phú và vô cùng lãng mạn...

Nhà văn Chu Lai: Cuộc chiến tranh này sẽ nghèo đi nhiều lắm nếu không có những cô gái lẫn khuất trong rừng già, bóng dáng mềm mại của các cô làm mềm đi cả chết chóc. Nó làm tươi xanh lại những cánh rừng bom đạn. Các cô gái pháo binh 16, 17 tuổi trẻ trung, đeo khẩu pháo cối trên vai đi trong cánh rừng hoàng hôn đẹp như xinema. Đêm về bên ngọn đèn dầu, đặc công và các cô gái trò chuyện cùng nhau, trong sáng không xảy ra điều gì.

Giải phóng Sài Gòn về tập kết ra Bắc mấy chục năm sau tôi mới có dịp trở lại thăm, gặp lại các cô gái, xe vừa đỗ thì một đàn mặc áo bà ba đen chạy ra ôm hôn, chát chúa hai bên mặt. Mình mở mắt ra, toàn bà nội, bà ngoại tóc bạc, người lấy chồng, người không lấy chồng, tiêu điều đi một thế hệ con gái. Kể ra mình đừng gặp lại thì các cô ấy sống mãi trong mình y như tiên nữ ở trong rừng.

PV: Vậy là không công bằng, làm sao tránh được thời gian, ai cũng phải già, ngay kể cả bản thân anh cũng phải già chứ...

Nhà văn Chu Lai: Không, mình già kệ mình. Nhưng hình ảnh tươi rói ở trong lòng mình đừng để bị già. Hồi xưa tôi đọc truyện ngắn của Jack London, chuyện kể về một thuyền trưởng da trắng lạc trên hoang đảo gặp một cô gái da đỏ, có nước da màu ôliu. Hai  người yêu nhau nồng nhiệt. Đến khi con tàu sửa chữa được, trong lúc chia tay, chàng thuyền trưởng hứa sẽ quay trở lại cưới cô gái, nhưng về đến Tây Ban Nha, nhịp sống cuộn đi, và chàng quên lời hứa.

Phải 30 năm sau, người thuyền trưởng bắt đầu sống lại tình cảm, giong buồm một mình đi các hoang đảo xa xôi tìm bằng được cô gái ngày nào. Khi tìm đến nơi thì từ trong một chiếc lều bước ra một bà già da đỏ vú dài đến rốn. Chàng rất sửng sốt lên tàu về thẳng. Hết. Kinh nghiệm đừng gặp lại.

Sau khi chia tay với nhà văn Chu Lai, tôi lặng lẽ mở túi xách lôi chiếc gương nhỏ ra soi... và băn khoăn nghĩ, liệu rồi 30 năm nữa, tôi cũng sẽ giống như tất cả các bạn có nên gặp một ai đó nữa hay không?!...

Trần Mỹ Hiền
.
.